Ho ạt động của các giáo sĩ Hội Thừa sai Paris

Một phần của tài liệu yếu tố pháp trong văn hóa việt từ thế kỉ xvii đến đầu thế kỉ xx (Trang 20 - 26)

Chương 1: NHỮNG CUỘC TIẾP XÚC ĐẦU TIÊN CỦA NGƯỜI VIỆT VỚI

1.1. S ự xuất hiện của các nhà truyền giáo – Một tiền đề của yếu tố Pháp trong văn hóa Vi ệt

1.1.2. Ho ạt động của các giáo sĩ Hội Thừa sai Paris

Sau khi được thành lập, bên cạnh hoạt động truyền giáo, Hội Thừa sai Paris đã góp phần tích cực trong việc môi giới cho thương nhân Pháp và cung cấp những thông tin quan trọng, cần thiết cho âm mưu thực dân của Pháp ở Việt Nam. Điều này được thể hiện thông qua những việc làm của những đại diện Tông tòa như P. Lambert, F. Pallu và các giáo sĩ thừa sai Bourges, Deydier…

Do sự phong tỏa của người Bồ Đào Nha, sau khi nhận chức đại diện Tông tòa, P. Lambert phải đi bộ sang Viễn Đông và đến Xiêm năm 1661. Năm 1669, Lambert đến Đàng Ngoài trên một tàu buôn Pháp cùng với giáo sĩ Bourges. Sau khi được chính quyền Lê – Trịnh cho phép mua đất để mở cửa hàng, Lambert vào Đàng Trong một thời gian rồi về lại Xiêm. Kể từ đó, Lambert vẫn thường xuyên liên lạc với chúa Nguyễn. Năm 1679, Lambert qua đời ở Xiêm, để lại cuốn Monito ad missionarios và nhiều tập hồi kí chứa đựng những tư liệu quý cho thương nhân và chính giới Pháp về tình hình nước ta đương thời.

Còn F. Pallu đến Xiêm vào năm 1664. Năm 1674, ông định đi kinh lý các giáo phận ở Đàng Ngoài song không thành vì gặp bão lớn phải dạt sang Philippines.

Năm 1681, sau khi được phong làm Giám mục tổng quản toàn Trung Quốc, Pallu cử hai giáo sĩ Geffrard và Lefèbre đem tặng vật và thư của vua Louis XIV dâng lên

vua Lê xin cho công ty Đông Ấn Pháp được mở thương điếm ở Đàng Ngoài và quyền được tự do truyền đạo. Kết quả khá thuận lợi, Bourges và Deydier đã được phép truyền giáo ở Đàng Ngoài. Với thành công bước đầu đó, Pallu thường xuyên viết thư về cho vua Louis XIV và ban lãnh đạo Công ty Đông Ấn thúc giục họ phải có hành động gấp để tăng cường sự hiện diện về kinh tế, chính trị của nước Pháp ở Đàng Ngoài.

Cũng trong khoảng thời gian trên, các giáo sĩ Bourges, Deydier cũng hoạt động tích cực ở Đàng Ngoài. Deydier sang Đại Việt trước, đã trà trộn với thương nhân Pháp để ở lại truyền đạo. Còn Bourges đến Đàng Ngoài vào năm 1669 cùng với Lambert và sau đó ở lại truyền giáo cùng với Deydier. Cả hai thường xuyên gửi thư về Pondichéry (Ấn Độ) – trụ sở của công ty Đông Ấn để cung cấp thông tin.

Sau khi thuyết phục được chúa Trịnh đồng ý cho người Pháp được tự do buôn bán ở Đàng Ngoài, Bourges và Deydier thúc giục ban lãnh đạo công ty Đông Ấn phải thiết lập ngay mối quan hệ thương mại với Đại Việt, nếu không sẽ bị các thương nhân Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh… chiếm đoạt.

Mối liên hệ chặt chẽ giữa các giáo sĩ thừa sai Pháp với công ty Đông Ấn Pháp trong việc chiếm lĩnh thị trường Đại Việt đã dẫn tới một chương trình hành động quy mô lớn mà người thực thi là giám mục Pigeau de Béhaine5 (thường gọi là Bá Đa Lộc).

Năm 1766, cùng với 4 giáo sĩ thừa sai khác, Pigeau de Béhaine được cử tới Đàng Trong. Tháng 7/1767, Béhaine đến Hà Tiên và ở nhà Dòng Hà Tiên. Năm 1770, nhà Dòng này bị cháy, Béhaine phải tạm rời sang Pondichéry (Ấn Độ). Tháng 2/1774, Béhaine được phong làm Giám mục Adran và đến tháng 3/1775, ông trở lại

5 Pigeau de Béhaine sinh ngày 2/2/1741, tại quê mẹ là vùng Origny-en-Thiérache (Pháp). Hậu tố "de Béhaine" không có hàm ý chỉ ông thuộc dòng dõi quý tộc mà chỉ là tên của một điền trang nhỏ Béhaine, gần vùng Marle, nơi cha ông là chủ điền trang. Thời thanh niên, ông theo học trong trường dòng và được đào tạo để trở thành một nhà truyền giáo ở hải ngoại của Hội Thừa sai Paris. Ông rời Pháp từ cảng Lorient vào đầu năm 1766 với sứ mạng truyền giáo tại Đàng Trong.

Hà Tiên. Đây cũng là thời điểm quân Tây Sơn đã lật đổ được chính quyền chúa và đang truy bắt Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát đến mãi tận Hà Tiên.

Trong thời gian ở Pondichéry, Bá Đa Lộc đã hoạch định một kế hoạch để tăng cường ảnh hưởng của Pháp ở Đàng Trong. Theo đó, ông tin rằng nếu cải giáo được người có cương vị sẽ kế thừa vương quyền thì có thể chinh phục Đàng Trong một cách nhanh chóng. Do vậy, ngay khi trở lại Hà Tiên, Bá Đa Lộc tìm cách bắt liên lạc với người trong dòng họ chúa Nguyễn. Với sự giúp đỡ của giáo dân, Bá Đa Lộc đã cứu được Nguyễn Ánh trong một trận bao vây của quân Tây Sơn ở làng Cao Giang (Hà Tiên). Đó là sự khởi đầu cho mối quan hệ gắn bó giữa Bá Đa Lộc và Nguyễn Ánh.

Năm 1777, sau khi chiếm lại được Sa Đéc, Vĩnh Long, Mỹ Tho và Sài Gòn, Nguyễn Ánh đã cho mời Bá Đa Lộc về ở hẳn với mình như một cố vấn. Từ đó, Bá Đa Lộc đem hết khả năng giúp đỡ Nguyễn Ánh xây dựng lại lực lượng để phản công Tây Sơn, khôi phục lại vương quyền.

Sau những thất bại liên tiếp trước quân Tây Sơn, với sự gợi ý của Bá Đa Lộc, Nguyễn Ánh quyết định tìm kiếm sự giúp đỡ từ nước Pháp. Để cầu viện Pháp, ngoài việc đồng ý giao hoàng tử Cảnh cho Bá Đa Lộc đưa sang Pháp làm tin, Nguyễn Ánh còn thảo sẵn một văn bản 13 điều. Theo đó, nếu giúp đỡ Nguyễn Ánh, Pháp sẽ được cù lao Hàn (Đà Nẵng), đảo Côn Lôn và quyền tự do buôn bán ở Đàng Trong. Ngoài ra, Nguyễn Ánh cũng viết thư riêng cho vua Pháp lúc bấy giờ là Louis XVI. Bức thư có đoạn viết: “Mặc dù bản quốc và quý quốc cách xa nhau vạn dặm, nhưng tôi chắc rằng Hoàng đế sẽ vui lòng tin tưởng ở lòng thành thực của tôi nên tôi mới quyết định, sau khi đã thảo luận với giám mục Bá Đa Lộc, để đệ lời yêu cầu lên Hoàng đế. Tôi gửi giám mục con tôi để Hoàng đế có thể tin ở giám mục, và để giám mục giúp tôi trở lại bản quốc” [62, tr.164].

Không khó để lí giải động cơ thực sự của Nguyễn Ánh và Bá Đa Lộc trong sự kiện nêu trên. Khi tích cực giúp đỡ Nguyễn Ánh giành lại vương quyền, Bá Đa Lộc hi vọng sẽ thuyết phục được Nguyễn Ánh cải giáo để có thể thuận lợi Thiên chúa hóa Đàng Trong, tăng cường ảnh hưởng chính trị của Pháp ở đây. Còn về phía

mình, khi tạo lập quan hệ với nước Pháp, Nguyễn Ánh muốn lợi dụng thực lực và kỹ thuật quân sự phương Tây để giành chiến thắng trong cuộc chiến sống còn với quân Tây Sơn. Trong tình thế không còn nhiều lựa chọn, Nguyễn Ánh quyết định cậy nhờ Pháp – một quốc gia lúc đó còn khá xa lạ đối với chính bản thân ông và người dân Đàng Trong thông qua vai trò trung gian của Bá Đa Lộc. Vì lợi ích gia tộc, Nguyễn Ánh đã xem nhẹ hậu quả của những ràng buộc với Pháp sau này. Nhiều nhà nghiên cứu hoàn toàn có lí khi cho rằng mối liên hệ với Pháp của Nguyễn Ánh đã khởi đầu một bi kịch cho vương triều Nguyễn về sau.

Ngày 19/11/1784, Bá Đa Lộc cùng hoàng tử Cảnh mang theo thư cầu viện của Nguyễn Ánh xuống thuyền sang Pháp. Tháng 2/1785, khi ghé qua Pondichéry (Ấn Độ), Bá Đa Lộc đã vận động các nhà cầm quyền Pháp ở đây giúp đỡ Nguyễn Ánh.

Tháng 2/1787, Bá Đa Lộc về đến Pháp. Trong thời gian ở Paris, Bá Đa Lộc tích cực tuyên truyền về những lợi ích thương mại ở Đàng Trong. Theo Bá Đa Lộc thì: “Một căn cứ Pháp ở Nam kì chắc chắn sẽ tạo ra một phương tiện đối lập lại ảnh hưởng lớn lao của người Anh… Với những tài nguyên chắc chắn hơn, và những viện trợ ở xa hơn là trông chờ ở châu Âu, để có thể khống chế trên tất cả những biển Trung Quốc, những quần đảo, cuối cùng là để làm chủ tất cả thương mại ở phần đất trên thế giới” [73, tr.39].

Tháng 5/1787, thông qua các giám mục ở Toulouse và xứ Narboune, Bá Đa Lộc được gặp vua Louis XVI và Bộ trưởng bộ Hải quân De Castries. Kết quả là ngày 25/11/1787, bản dự thảo Hiệp ước viện trợ cho Nguyễn Ánh được đệ lên vua Louis XVI xét duyệt. Vào ngày 28/11/1787, bản hiệp ước 10 điều được kí kết chính thức tại Versailles giữa Thượng thư bộ Ngoại giao Pháp là Mont Morin và Bá Đa Lộc – đại diện cho Nguyễn Ánh. Theo hiệp ước, Pháp sẽ giúp Nguyễn Ánh khôi phục đất đai bằng cách gửi sang thường xuyên 4 tàu chiến, 1.200 người, 200 pháo binh và 250 lính châu Phi cùng các loại quân phí, quân trang và trọng pháo. Đổi lại, Nguyễn Ánh sẽ nhường cho Pháp chủ quyền và sở hữu tuyệt đối về quần đảo Côn Lôn và cảng Hội An ngay sau khi quân đội Pháp chiếm lại được cảng này. Thương nhân Pháp được độc quyền tự do buôn bán ở Đàng Trong, được chính quyền Đàng

Trong bảo vệ tính mạng và tài sản một cách đặc biệt. Và khi nước Pháp có chiến tranh với bất kì quốc gia nào thì Nguyễn Ánh phải gửi giúp binh lính, thuỷ thủ, lương thực, tàu chiến và nhận đài thọ mọi trang bị và nuôi dưỡng…

Hiệp ước Versailles là mốc quan trọng đầu tiên trong lịch sử quan hệ chính trị Việt – Pháp. Nó chứng tỏ ý đồ xâm lược của Pháp đối với nước ta, bất chấp những khó khăn mà Pháp đang gặp phải lúc bấy giờ.

Sau khi hiệp ước Versailles được kí kết, vua Louis XVI đã giao cho hầu tước De Conway – Toàn quyền kiêm Tổng tư lệnh Pháp ở Ấn Độ thực hiện việc giúp đỡ Nguyễn Ánh. Nhưng sự bùng nổ của cuộc cách mạng tư sản Pháp 1789 khiến hiệp ước Versailles không được thực thi trong thực tế. Công cuộc can thiệp chính trị - quân sự của Pháp ở Đàng Trong vào cuối thế kỉ XVIII đã không thực hiện được.

Tuy vậy, Bá Đa Lộc vẫn quyết định hành động với tư cách cá nhân. Ông vận động giới tư bản thuộc địa quyên tiền mua tàu chiến, vũ khí và tuyển người sang giúp Nguyễn Ánh. Tháng 9/1788, tàu Dryade đến Côn Lôn chở theo khoảng 1000 súng. Mấy tháng sau, tàu Garonne chở đại bác đến, rồi tàu Cook, tàu Moyse chở đến các loại quân trang, quân dụng.

Một số tài liệu còn ghi lại rõ tên tuổi 18 người Pháp và 2 người châu Âu khác trước sau sang giúp Nguyễn Ánh, trong số đó có một số người chỉ ở một thời gian ngắn rồi lại đi, nhưng cũng có những người ở lại rất lâu, thậm chí sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua (1802) họ đã nhận chức và làm việc trong triều đình nhà Nguyễn như Chaigneau, Vannier… Bên cạnh đó, trong quân đội của Nguyễn Ánh thời kì này có rất nhiều người phương Tây tham gia. Theo tác giả G. Taboulet trong cuốn Hành động của người Pháp ở Đông Dương, dẫn lời của Vannier, thì bấy giờ trong quân đội của Nguyễn Ánh có 14 sĩ quan và 80 binh lính người Pháp. Taboulet cũng dẫn một bức thư của Bá Đa Lộc đề ngày 18/7/1794 nói rằng có khoảng 40 người Âu trong lục quân. Taboulet dựa vào hai nguồn tài liệu nói trên, ước đoán rằng số lượng người Pháp giúp Nguyễn Ánh có khoảng 100 người [54, tr.136].

Có không ít người đã đề cao quá mức những đóng góp của Bá Đa Lộc trong việc giúp đỡ Nguyễn Ánh đánh bại quân Tây Sơn. Chúng tôi cho rằng nhận định đó

chưa thật sự thỏa đáng. Trên thực tế, sự giúp đỡ của Bá Đa Lộc và một số lính đánh thuê người Pháp có thể giúp cho lực lượng của Nguyễn Ánh mạnh hơn, song không thể coi đó là yếu tố quyết định. Nguyễn Ánh có thể đánh bại được quân Tây Sơn trước hết là nhờ ý chí và năng lực của Nguyễn Ánh, do nội bộ Tây Sơn bị chia rẽ sau khi vua Quang Trung qua đời…

Tuy vậy, không thể phủ nhận chính những người Pháp sang giúp Nguyễn Ánh đã ngày càng tham gia nhiều vào nội tình Đại Việt. Thông qua mối liên hệ với Nguyễn Ánh, họ “trở thành những sứ giả trung gian và tích cực trong các hoạt động mượn quân và mua súng của tập đoàn Nguyễn Ánh, những điệp viên và cố vấn đắc lực trong các hoạt động do thám và tác chiến” [66, tr.79]. Các hoạt động này chính là bước khởi đầu cho công cuộc thực dân của Pháp tại Việt Nam. Do vậy, chúng tôi cũng cho rằng mối quan hệ giữa Nguyễn Ánh với Bá Đa Lộc là một vết đen trong lịch sử xác lập quyền lực của nhà Nguyễn và cá nhân Nguyễn Ánh – Gia Long.

*

* *

Như vậy, từ thế kỉ XVII đến đầu thế kỉ XIX, quan hệ Việt – Pháp về cơ bản được khởi đầu và đẩy mạnh thông qua vai trò của các giáo sĩ Thiên chúa giáo. Các giáo sĩ thừa sai Pháp tìm đến Đại Việt trước hết là để truyền bá đạo Thiên chúa. Tuy nhiên đồng thời với truyền giáo, họ cũng đảm nhận luôn một sứ mạng chính trị quan trọng – dọn đường cho sự hiện diện của chủ nghĩa thực dân Pháp ở nước ta. Mọi hành động của họ, tùy từng hoàn cảnh và khả năng cụ thể đều hướng về mục tiêu chinh phục toàn diện vùng đất mới cho công cuộc thực dân của Pháp, trong đó sự chinh phục phần hồn được coi như một thành tố của sự nghiệp đó.

Thực tế lịch sử cho thấy từ A. de Rhodes đến Bá Đa Lộc, người Pháp đã có những bước tiến dài, vững chắc trong công cuộc xâm nhập vào Đại Việt. Với A. de Rhodes, Pháp đã gạt bỏ ảnh hưởng của Bồ Đào Nha, nắm độc quyền truyền giáo cũng như bành trướng thế lực ở nước. Những hoạt động tích cực của các thành viên thuộc Hội thừa sai Paris, đặc biệt là Bá Đa Lộc, đã có tác dụng lôi kéo sự chú ý của

Pháp tới một vùng đất mà trước đó họ chưa thật sự quan tâm. Mối quan hệ khăng khít giữa Bá Đa Lộc với Nguyễn Ánh còn tạo ra sự vững chắc của giáo hội Thiên chúa giáo ở khắp lãnh thổ Đại Việt, nhất là dưới thời gian vua Gia Long trị vì. Đó là điều kiện thuận lợi để các giáo sĩ thừa sai Pháp nắm vững và thâm nhập sâu hơn vào nội tình nước ta để hành động có lợi cho nước Pháp khi có cơ hội.

Mặc dù vậy, không thể phủ nhận những đóng góp tích cực của các giáo sĩ thừa sai Pháp trong nền văn hóa Việt Nam đương thời: du nhập một tôn giáo mới vào Việt Nam; sáng tạo chữ Quốc ngữ; giới thiệu Việt Nam ra cộng đồng thế giới thông qua những tác phẩm, hồi kí, thư từ… Xét về khía cạnh văn hóa, đó là một trong những tiền đề quan trọng thúc đẩy quá trình tiếp xúc, giao lưu văn hóa Việt – Pháp, là cơ sở để hình thành những yếu tố Pháp trong nền văn hóa Việt.

Một phần của tài liệu yếu tố pháp trong văn hóa việt từ thế kỉ xvii đến đầu thế kỉ xx (Trang 20 - 26)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)