Chương 1: NHỮNG CUỘC TIẾP XÚC ĐẦU TIÊN CỦA NGƯỜI VIỆT VỚI
2.1. S ản xuất vật chất
2.1.1. Sản xuất nông nghiệp
Vào cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, dưới tác động của chương trình khai thác, bóc lột thuộc địa của thực dân Pháp, một số cơ sở vật chất mới – yếu tố Pháp quan trọng trong sản xuất nông nghiệp dần hình thành ở Việt Nam. Đầu tiên phải kể đến sự xuất hiện một số loại máy móc nông nghiệp. Để giải quyết vấn đề nhân công trong các đồn điền trồng lúa ở Nam kì, chính quyền thực dân, trong một chừng mực nhất định, bắt đầu tiến hành cơ giới hóa. Năm 1902, lần đầu tiên máy cày được Pháp đưa vào cày thử ở Mỹ Tho. Trong các năm sau, một số loại máy cày, máy bừa của Pháp, của Mĩ được thử nghiệm ở đồng bằng sông Cửu Long. Việc sử dụng máy móc trong các đồn điền Pháp ở Nam kì ít nhiều cũng mang đến những kết quả đáng kể. Một thửa ruộng bình thường nếu cày bằng trâu chỉ cho sản lượng là 13 tạ/ha, trong khi được cày bằng máy với độ sâu 12 phân lên tới 17 tạ/ha [42, tr.222].
Để tăng năng suất trong sản xuất nông nghiệp, và cũng nhằm đáp ứng các yêu cầu của xuất khẩu lúa gạo, thực dân Pháp bắt đầu ứng dụng kĩ thuật canh tác nông nghiệp hiện đại phương Tây vào nước ta. Chính quyền thuộc địa cho xây dựng một số cơ quan có nhiệm vụ nghiên cứu về thổ nhưỡng, khí hậu, chế độ nước, giống, phân bón… trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam, mà trước tiên là ở Nam kì.
Năm 1864, Pháp cho thành lập Vườn bách thảo. Năm 1865, Hội Nông nghiệp và kỹ nghệ Nam kì ra đời với nhiệm vụ cung cấp những kiến thức cần thiết cho sản xuất nông nghiệp. Sau đó, hàng loạt các cơ quan nghiên cứu về sản xuất nông nghiệp lần lượt ra đời như Nha Canh nông và Thương mại Đông Dương (1898), Phòng thí nghiệm phân tích hóa học nông nghiệp và kỹ nghệ tại Sài Gòn (1898)… Bên cạnh những cơ quan nghiên cứu này, chính quyền thực dân còn thành lập nhiều trạm thí
nghiệm giống cây, con ở nhiều nơi. Nhờ vậy, một số loại cây có giá trị kinh tế cao được đem trồng thí điểm rồi đại trà, bổ sung vào cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp Việt Nam đương thời, điển hình là cây cao su. Năm 1929 ở Nam kì đã có gần 1.000 đồn điền cao su với diện tích khoảng 82.332 ha. Thế độc canh cây lương thực bị phá vỡ, hình thành cơ cấu cây trồng mới gồm cây lương thực, thực phẩm và cây công nghiệp.
Ngoài một số giống cây, con mới, thực dân Pháp còn đưa phân bón hóa học vào trong sản xuất nông nghiệp. Một số nhà máy sản xuất phân bón hóa học được Pháp xây dựng ở Hải Phòng, Bến Thủy. Nhờ vậy, người nông dân Việt Nam đã biết đến và bắt đầu sử dụng phân bón hóa học trong canh tác, bên cạnh các loại phân hữu cơ truyền thống.
Một yếu tố Pháp nữa trong sản xuất nông nghiệp nước ta vào đầu thế kỉ XX là hệ thống thuỷ nông mới ứng dụng khoa học kĩ thuật nông nghiệp phương Tây. Nằm trong khu vực nhiệt đới ẩm gió mùa nên công tác tưới tiêu có ý nghĩa sống còn đối với nền nông nghiệp lúa nước ở Việt Nam. Do vậy, khi tiến hành khai thác thuộc địa, chính quyền thực dân đã xây dựng nhiều công trình thuỷ lợi lớn phục vụ tưới tiêu đồng ruộng. Cho đến trước chiến tranh thế giới lần thứ nhất, chỉ riêng Bắc và Trung kì, thực dân Pháp đã xây dựng 25 công trình đập và nhà máy bơm nước, trạm bơm nước bằng điện. Có thể kể ra đây như các hệ thống thuỷ lợi vùng cao Kép tưới cho 2.500 ha, hệ thống tưới nước Vĩnh Yên tưới 16.000 ha, hệ thống tưới nước sông Cầu tưới 33.000 ha, hệ thống nhà máy bơm đã tưới 23.1000 ha cho các tỉnh Sơn Tây, Hà Đông, Bắc Ninh… Lần đầu tiên người nông dân Việt Nam được thấy dẫn thuỷ nhập điền bằng máy thay cho tát nước gầu dây, gầu sòng truyền thống.
Như vậy, trong những thập niên cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, thực dân Pháp đã du nhập một số nhân tố mới vào sản xuất nông nghiệp Việt Nam. Đó là sự xuất hiện của một số loại máy móc, phân bón hóa học, các công trình thủy nông hiện đại, kĩ thuật canh tác nông nghiệp hiện đại phương Tây… Điều này góp phần đưa sản xuất nông nghiệp Việt Nam dần thoát khỏi tình độ canh tác lạc hậu, thô sơ trước đây. Đặc biệt, thời thuộc Pháp, đồng bằng Nam Bộ đã trở thành vùng sản xuất nông
nghiệp quan trọng khi xuất khẩu lúa gạo đứng hàng thứ hai thế giới lúc bấy giờ7. Tuy nhiên, những thay đổi nói trên của sản xuất nông nghiệp Việt Nam đầu thế kỉ XX đều diễn ra và phục vụ trực tiếp cho chương trình khai thác thuộc địa của thực dân Pháp hơn là mang lại lợi ích thiết thực cho người nông dân Việt Nam lúc bấy giờ. Chính quyền thuộc địa áp dụng một số tiến bộ trong kĩ thuật canh tác, xây dựng các công trình thủy nông hiện đại… đều không nằm ngoài mục đích khai thác triệt để giá trị thặng dư trong sản xuất nông nghiệp nước ta lúc bấy giờ để mang lại những lợi nhuận khổng lồ cho tư bản Pháp. Điều này lí giải sự bần cùng hóa và đời sống dưới mức nghèo đói của đại bộ phận nông dân Việt Nam dưới thời Pháp thuộc.
2.1.2. Sản xuất công nghiệp
Nhằm khai thác triệt để các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bóc lột sức lao động của nhân công bản xứ, thực dân Pháp đã du nhập vào Việt Nam một số công nghệ hiện đại để xây dựng nền kĩ nghệ thuộc địa. Trong chừng mực nhất định, đây là nhân tố thúc đẩy sự ra đời của hệ thống cơ sở vật chất công nghiệp hiện đại – yếu tố Pháp quan trọng về sản xuất công nghiệp trên đất nước ta vào đầu thế kỉ XX.
Ngay trong quá trình xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp đã cho xây dựng một số cơ sở công nghiệp chế biến nông sản, sửa chữa tàu, mở các công trường khai thác mỏ. Tuy nhiên, số vốn và quy mô hoạt động của các cơ sở kĩ nghệ này vào cuối thế kỉ XIX còn khá khiêm tốn. Sang đầu thế kỉ XX, do nhu cầu của công cuộc khai thác thuộc địa, cũng như để đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng của chính người Pháp ở thuộc địa, chính quyền thực dân buộc phải mở mang một số ngành kĩ nghệ, chủ yếu là công nghiệp nhẹ và công nghiệp chế biến. Vì vậy hàng loạt các cơ sở kinh tế, nhà máy, xí nghiệp của tư bản Pháp đã được thành lập. Năm 1903, xuất hiện 82 nhà máy, đến năm 1906 tăng lên 200 nhà máy, xí nghiệp. Tại Nam kì, số lượng các nhà máy xay xát tăng nhanh. Ngoài ra còn xuất hiện nhiều cơ sở nấu rượu ở Bình Tây, xưởng sửa chữa ô tô, nhà máy xà phòng, nhà máy in ở Sài Gòn – Chợ Lớn. Ở Bắc kì, các ngành công nghiệp chế biến cũng phát triển nhanh. Tại nhiều tỉnh đã thành lập các nhà máy chế biến rượu như ở Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, Sơn Tây…
7 Năm 1915, các tỉnh Nam kì đã xuất khẩu 2.051.292 tấn lúa gạo. Năm 1917, con số này là 2.349.099 tấn.
Nghề dệt được đầu tư mở rộng sản xuất, trước tiên là ở 3 nhà máy dệt đặt tại Nam Định, Hà Nội và Hải Phòng.
Trong các ngành công nghiệp xuất hiện ở Việt Nam đầu thế kỉ XX, khai mỏ là ngành được tư bản Pháp đặc biệt coi trọng. Cho đến trước chiến tranh thế giới thứ nhất, chính quyền thuộc địa đã cấp hàng trăm giấy phép đi tìm mỏ. Số nhượng địa tính đến năm 1911 là 92 khu vực, chủ yếu tập trung ở Bắc kì, với diện tích khoảng 60.000ha. Riêng về than, sản lượng khai thác không ngừng tăng lên từ 285.915 tấn (1903) lên 500.000 tấn (1913). Hoạt động khai thác than tập trung trong tay các công ty như Công ty than Bắc kì (lập năm 1888), Công ty than Kế Bào (năm 1901), Công ty than Phấn Mễ (Thái Nguyên, lập năm 1910), Công ty than Tuyên Quang (1915), …
Bên cạnh khai thác than, tư bản Pháp còn tổ chức khai thác nhiều mỏ kim loại khác, như mỏ thiếc ở Tĩnh Túc (Cao Bằng); các mõ kẽm ở Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, …; mỏ sắt ở Thái Nguyên; mỏ đồng ở Lạng Sơn, Thanh Hóa…
Tổng giá trị công nghiệp khoáng ở Đông Dương tăng từ 2 triệu đồng Đông Dương (1906) lên đến 8 triệu đồng Đông Dương (1916). Có thể nói khai mỏ là ngành công nghiệp hình thành sớm và lớn nhất của tư bản Pháp ở Việt Nam chẳng những về giá trị kinh tế, mà cả về mặt phạm vi và quy mô hoạt động.
Như vậy, từ góc độ yếu tố Pháp, vào đầu thế kỉ XX, một nền công nghiệp đã dần hình thành ở Việt Nam mà chủ yếu ở hai ngành là khai mỏ và công nghiệp chế biến. Tuy còn nhiều hạn chế cả về số lượng và quy mô hoạt động song đó thực sự là một nền công nghiệp hiện đại, ngày càng mở rộng vai trò của mình trong nền kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên những thay đổi tích cực nói trên trước hết và chủ yếu nhằm phục vụ cho lợi ích của nền cai trị của thực dân Pháp ở Việt Nam. Về cơ bản, phương thức hoạt động của tư bản thực dân Pháp là tận dụng nguồn nhân công rẻ mạt, sử dụng đến mức tối đa lao động thủ công, kết hợp lao động thủ công với lao động máy móc sao cho chi phí sản xuất ở mức thấp nhất để thu được lợi nhuận cao nhất. Do vậy, dù có những chuyển biến nhất định, nền kinh tế nước ta vào đầu thế kỉ XX thực chất
vẫn là một nền kinh tế thuộc địa nghèo nàn, lạc hậu, bị lệ thuộc chặt chẽ vào nền kinh tế Pháp.