CHƯƠNG 2: THƠ VIẾT CHO THIẾU NHI TRƯỚC 1975
2.1. Khái quát về sự hình thành và phát triển của thơ thiếu nhi Việt Nam trước 1975
2.1.2. Sau Cách mạng tháng Tám
2.1.2.1. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp: chặng đường đầu của thơ viết cho thiếu nhi.
Từ năm 1945 trở đi, văn học thiếu nhi Việt Nam mới thật sự hình thành, trở thành một ngành văn học riêng trong nền văn học nước nhà nói chung.
Theo như nhận định của nhà văn Tô Hoài : “Chúng ta đã có một phong trào sáng tác cho thiếu nhi, với nhiều tác phẩm xuất sắc”. [13. 19]
Cách mạng đã giải phóng cho những người cầm bút tự do phục vụ dân tộc, phục vụ tổ quốc, trong đó có thế hệ tương lai của đất nước là thiếu nhi. Và cũng ngay sau Cách mạng
36
Tháng tám, Đảng và Bác Hồ đã quan tâm ngay đến việc giáo dục, bồi dưỡng các em. Trong bức thư Bác Hồ gửi học sinh nhân ngày khai trường tháng 9/1945, Bác viết : “Sau tám mươi năm trời nô lệ làm cho nước nhà yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên ta đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên toàn cầu. Trong cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong, chờ đợi ở các cháu rất nhiều. Non sông Việt Nam có trờ nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu hay không chính là nhờ một phần lớn ở công lao học tập của các cháu” [28. 9]. Vậy là tuy cách mạng mới thành công, công việc nước nhà còn bề bộn, mặt khác lại phải bắt tay ngay vào chín năm trường kỳ kháng chiến, nhưng Bác Hồ và chính phủ đã có những quan tâm nhất định đối với nền văn học cho thiếu nhi. Tờ báo Thiếu sinh, tiền thân của báo Thiếu niên tiền phong, đã được ra mắt. Tờ báo chuyên dành cho các em đã có mặt ngay sau khi nhân dân ta giành chủ quyền về tay mình mới được hơn một tháng . Bác Hồ đã gởi thư cho toa soạn báo : “Báo trẻ con ra đời. Báo đó là tờ báo của trẻ con, vậy các trẻ con nên giúp cho báo. Nên đọc cho các trẻ em chưa biết chữ nghe. Nên làm cho báo phát triển”.
Vào năm 1948, Hội văn nghệ Việt Nam thành lập, đã có một bộ phận chuyên về văn học cho thiếu nhi, do nhà văn Tô Hoài cùng đồng chí Hồ Trúc (Đoàn thanh niên) đảm nhiệm. Một số các nhà văn cũng nhiệt tình tham gia đóng góp cho công tác này : Nguyễn Huy Tưởng, Võ Huy Tâm, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Nguyễn Xuân Sanh ... ngày đầu Cách mạng tháng Tám và trong kháng chiến chống Pháp, lực lượng viết cho các em chủ yếu chỉ có một số nhà văn chuyên nghiệp, thỉnh thoảng có sách cho thiếu nhi như đã kể, mà đa số họ đều là các tác giả chuyên viết thể loại truyện.
Như vậy, khi văn học thiếu nhi Việt Nam mới hình thành, thể loại truyện đã có mặt và phát triển trước, còn thơ viết cho thiếu nhi thì thật sự hình thành và phát triển từ sau khi hòa bình lập lại, 1954.
Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, tuy rất bận, nhưng vào những dịp tết Trung thu hay tết của thiếu nhi - 1/6, Bác đều có thư hoặc thơ gởi cho các em. Làm theo Bác Hồ dạy chính là quyển sách tập hợp những bài thơ và những bức thư đó. Qua đây, ta có thể thấy được sự quan tâm, chăm sóc, tình yêu thương đặc biệt của Bác dành cho đàn cháu.
37
Qua mỗi bức thư, mỗi lời thơ, Bác đều đặt ra những yêu cầu giáo dục cụ thể cho các em. Đặc biệt những bài thơ Trung thu của Người đã làm rung động biết bao thế hệ trẻ Việt Nam. Lời thơ chan chứa tình yêu thương của người cha già đối với đàn con cháu của dân tộc và đồng thời cũng là lời dạy bảo của lãnh tụ đối với thiếu niên nhi đồng, trong công cuộc kháng chiến và dựng xây đất nước :
Ai yêu các nhi đồng Bằng Bác Hồ Chí Minh Tính các cháu ngoan ngoãn
Mặt các cháu xinh xinh Mong các cháu cố gắng Thi đua học và hành ...
(Thơ Trung thu 1946)
Giai đoạn kháng chiến vô cùng gian khổ, Bác viết cho các cháu : “Tết Trung thu là tết của các cháu. Trăng thu soi xuống các cháu êm ái như một người mẹ lành ... Thấy các cháu không được ăn tết vui vẻ, lòng Bác rất áy náy và thêm căm giận bọn thực dân phản động Pháp ... Bác hứa với các cháu: các bác, các chú, toàn thể đồng bào sẽ ra sức đấu tranh để xua đuổi bọn thực dân phản động, để các cháu ăn tết Trung thu vui vẻ. Thật cảm động biết bao trước tấm lòng lãnh tụ! Gian khổ là vậy, khó khăn là vậy, mà vẫn luôn quan tâm đến niềm vui của tuổi nhỏ, luôn gieo vào lòng các em niềm lạc quan cách mạng, niềm tin chiến thắng.
Đến thư Trung thu năm 1953 lại toát lên một niềm phấn khởi lớn, khi Bác kể một cách cụ thể, ngắn gọn cho các em về những thắng lợi của cách mạng :
Thu này hơn hẳn những thu qua Kháng chiến thắng lợi gấp ba bốn lần Phát động nông dân Cải cách ruộng đất...
Chỉnh huấn, chỉnh quân ...
38 Khắp nơi Nam, Bắc, Tây, Đông Đưa tin thắng trận cờ hồng tung bay
Đoạn cuối bài thơ, Bác nói lên niềm vui, niềm tin trước ngày thắng lợi của đất nước đang đến gần :
Các cháu vui thay!
Bác cũng vui thay!
Thu sau so với thu này vui hơn.
Và quả thật năm 1954 là năm kháng chiến thắng lợi - Hoà bình được lập lại, nhưng đất nước vẫn còn tạm thời chia làm hai miền. Bác Hồ lại tâm sự với các cháu : “Trăng thu, trăng đẹp, trăng rọi khắp nơi, từ Nam đến Bắc. Cũng như lòng Bác yêu quý tất cả các cháu miền Bắc và miền Nam”. Niềm mong ước từ đây của Bác sẽ mãi là :
Đến ngày Nam Bắc một nhà Các cháu xúm xít thì ta vui lòng.
Điểm qua đôi nét, ta có thể thấy : trong thời kỳ thơ thiếu nhi Việt Nam mới hình thành, Bác Hồ rất quan tâm làm thơ để tâm sự, chuyện trò và giáo dục các cháu thiếu nhi. Qua Bác, có thể nói thơ thiếu nhi Việt Nam đã ra đời trong lòng thơ ca cách mạng, thơ ca kháng chiến.
2.1.2.2. Thơ thiếu nhi từ sau hòa bình lập lại (1954) đến đầu những năm 1960 : thời kỳ bắt đầu phát triển của thơ viết cho thiếu nhi.
Như đã nói trên, sự hình thành và phát triển của nền văn học thiếu nhi nói chung và thơ thiếu nhi Việt Nam nói riêng không tách rời sự quan tâm của Đảng và chính phủ. Sau hòa bình lập lại 1954, văn học thiếu nhi càng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ hai (1957) đã đề ra nhiệm vụ sáng tác cho thiếu nhi và thành lập một tiểu ban văn học thiếu nhi.
39
Sự ra đời của nhà xuất bản Kim Đồng và dưới ánh sáng của các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác thiếu niên nhi đồng, phương hướng sáng tác cho đối tượng thiếu nhi ngày càng sáng rõ.
Sự kiện nhà xuất bản Kim Đồng được thành lập ngày 17/6/1957, là nhà xuất bản đầu tiên chuyên cho thiếu nhi, đã mở ra một giai đoạn mới cho văn học thiếu nhi, cho thơ thiếu nhi đến với bạn đọc. Từ đây, lớp bạn đọc thiếu nhi đã có một nhà xuất bản riêng, chuyên cho mình, đáp ứng cho nhu cầu của nhiều lứa tuổi. Cho đến nay, nhà xuất bản Kim Đồng vẫn giữ một vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền văn học thiếu nhi Việt Nam. Thơ viết cho các em được in nhiều : 130 tập thơ, trong số gần 1600 đầu sách (kể từ 1957 đến 1982). Nhà xuất bản Kim Đồng không những đã hỗ trợ cho hàng loạt nhà thơ tự in sách, tự phát hành, mà còn chủ động xuất bản nhiều tập thơ có giá trị, khẳng định bước phát triển mới của thơ thiếu nhi.
Dòng thơ thiếu nhi Việt Nam thật sự ra đời vào những năm 50 này, giai đoạn miền Bắc xây dựng trong hòa bình, với một đội ngũ nhà thơ khá đông đảo :
- Trước hết là đội ngũ các nhà thơ chuyên viết cho các em và các tuyển tập thơ : Võ Quảng với Gà mái hoa (1957) ; Thấy cái hoa nở (1962) ; Phạm Hổ với : Em thích em yêu (1958), Những người bạn nhỏ (1960) ; Thy Ngọc với Tiếng hát chim non (1962) ; Vũ Ngọc Bình với Mười nàng tiên (1962) ; Tú Mỡ với Bà Túng (1962) ; Thái Hoàng Linh với Dê trắng trên cung trăng (1960) ; Tế Hanh với Chuyện em bé cười ra đồng tiền (1962)...
- Ngoài các tên tuổi kể trên, còn có thể kể thêm một số tác giả chuyên viết cho người lớn cũng có những bài thơ cho thiếu nhi ở giai đoạn này, như : Bảo Định Giang, Nguyễn Đình, Nguyễn Xuân Sanh, Thanh Tịnh, Hồ Thiện, Ngôn, Nhược Thủy, Tế Hanh, Huy Cận, Huyền Kiêu, Trinh Đường, Ngô Quân Miện, Hoàng Minh Châu, Phan Xuân Hạt...
Giai đoạn này với sự xuất hiện của thơ Phạm Hổ và thơ Võ Quảng đã làm cho thơ thiếu nhi sinh động hẳn lên. Nhà xuất bản Kim Đồng mỗi năm đều cố gắng in hàng chục tập thơ của Võ Quảng, Phạm Hổ và của nhiều tác giả kể trên.
Thơ thiếu nhi Việt Nam đầu những năm 60 đã phát triển hoàn thiện dần, phong phú dần với các sáng tác tươi vui, hấp dẫn và đầy sáng tạo, so với giai đoạn trước đó.
40
2.1.2.3. Thơ thiếu nhi trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước: phát triển mạnh mẽ về mọi mặt
Trong thư của Ban chấp hành trung ương Đảng gởi Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ IV ngày 21/01/1968 đã viết: “Cuộc kháng chiến vĩ đại của toàn dân ta chống đế quốc Mỹ xâm lược và cuộc cách mạng XHCN ở miền Bắc đang thúc đẩy phong trào văn học nghệ thuật của cả nước tiến lên và đưa văn học XHCN của miền Bắc vào một thời kỳ phát triển mới”. Lại có đoạn lưu ý người sáng tác cho thiếu nhi: “Các đồng chí hãy sáng tác tốt về những em thiếu nhi tuổi thơ nhưng chí lớn, những cháu ngoan của Bác Hồ...”
Trong đà tiến chung ấy, thơ thiếu nhi cũng đã có những bước tiến đáng kể, phát triển mạnh mẽ về đội ngũ và cả chất lượng tác phẩm.
Trong lửa đạn, sách viết cho các em vẫn ra đều đặn, mỗi năm hàng trăm cuốn sách.
Năm 1966-1968 có cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật cho thiếu nhi. Năm 1967, lần đầu tiên chúng ta tổ chức một trại sáng tác cho thiếu nhi, do hội nhà văn phối hợp với nhà xuất bản Kim Đồng. Thơ thiếu nhi nói riêng và văn học thiếu nhi nói chung đã thực sự trưởng thành, phát triển về cả chất lượng và số lượng .
- Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, ta thấy xuất hiện khá nhiều những cây bút mới, đem đến cho thơ thiếu nhi một không khí mới. Võ Quảng và Phạm Hổ liên tục cho ra mắt bạn đọc nhiều tập thơ hay, đặc biệt là các tập tuyển chọn. Võ Quảng với các tập : Măng tre, Anh Đom đóm, Nắng sớm, Những chiếc áo ấm, Bài học tốt... Ngòi bút của Võ Quảng rất đa dạng : vừa trữ tình, vừa hiện thực, sâu sắc mà lại hồn nhiên, hóm hỉnh. Phạm Hổ với các tập: Chú bò tìm bạn, Từ không đến mười, Những người bạn im lặng ... Với ngòi bút nhẹ nhàng, tươi mát, Phạm Hổ đi vào nhiều đề tài khác nhau, và ở đâu ông cũng tìm được những khía cạnh lý thú cũng khơi gợi được bao tình cảm tốt đẹp.
Giai đoạn này còn có rất nhiều tập thơ đặc sắc khác, như : Hai bàn tay em của Huy Cận ; Ông và cháu của Tú Mỡ ; Đôi tay mèo của Trần Thanh Địch, Mười nàng tiên và Tiếng hót của Vũ Ngọc Bình ; Tên lửa bút chì của Thy Ngọc ; Mầm bé của Ngô Viết Dinh ; Chồng nụ chồng hoa, Hươu cao cổ,, của Định Hải, cùng với những tập thơ khác của các tác giả Xuân Tửu, Lữ Huy Nguyên, Trần Nguyên Đào ... và khá nhiều tập thơ chung của nhiều tác
41
giả. Có không ít những bài thơ hay được tuyển chọn vào các tập Đèn kéo quân, Chú ngựa bay, Mặt trời xanh, Hương cốm, Thơ ca mẫu giáo, Hai ngôi sao đỏ, Chiếc ống nhòm ... Các nhà thơ đã đem đến cho các em những trang thơ tràn trề bao tình cảm nhân văn, tình yêu cuộc sống.
- Nhiều nhà thơ chuyên nghiệp cũng quan tâm viết cho các em, như : Tố Hữu viết Chuyện em Hoa ; Tế Hanh viết Những tấm bản đồ và Thơ viết cho con ...
Loại hình truyện thơ xuất hiện. Bên cạnh các truyện thơ về đề tài truyền thống như:
Sơn tỉnh Thúy tinh , Phủ Đổng Thiên Vương của (Huy Cận-1968), Vua rồng xứ Lạc của Nguyễn Bao (1969); Quả dưa của Nguyễn Xuân Sanh (1974)... còn có rất nhiều truyện thơ về các anh hùng dũng sĩ diệt Mỹ, về các cháu ngoan Bác Hồ, về người tốt việc tốt, như : Ngô Mây, Hoa đỏ Trường Sơn, Con gái cô út Tịch, Tiếng hát giữa bầy sói, Chú chó khoang của người du kích Truyện thơ về quê hương, cuộc sống mới : Nắng xuân trên rẻo cao của Định Hải...
- Bên cạnh còn phải kể đến lớp nhà thơ trẻ mới xuất hiện, làm thơ cho thiếu nhi thêm phong phú, tươi vui, hấp đẫn. Đó là Xuân Quỳnh, Quang Huy, Định Hải, Thanh Hào, Phan Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Bao, Nguyễn Bùi Vợi, Hữu Thỉnh, Vương Trọng, Ngô Văn Phú...
Cho đến giờ chúng ta vẫn thú vị, vẫn còn nhắc đến chùm thơ Mùa hè của Nguyễn Thanh Toàn (Hải Phòng) ; bài thơ Mặt trời xanh của Nguyễn Viết Bình (Hà Nội) ; Mẹ của Nguyễn Lê (Hà Tĩnh) ; bài Chiếc xe lu của Trần Nguyên Đào; Hương cốm tới trường của Minh Chính ... và rất nhiều bài thơ hay khác được tuyển chọn vào các tuyển tập, được tặng thưởng, được in vào sách giáo khoa và đã đi vào lòng bạn đọc cả một thời.
- Đặc biệt nhất là sự nở rộ của phong trào các em nhỏ làm thơ, những tài năng trẻ ở tuổi nhi đồng và tuổi thiếu niên: thần đồng thơ Trần Đăng Khoa, mà thế giới từng biết đến với “Những bài thơ nhỏ mạnh hơn đạn bom”, cùng các em: Hoàng Hiếu Nhân, Nguyễn Hồng Kiên, Chu Hồng Quý, Cẩm Thơ, Ngô Thị Bích Hiền, Khánh Chi, Hoàng Thanh Hà...
Các em đã đem đến cho thơ thiếu nhi trong những năm chống Mỹ một sự khởi sắc kỳ lạ, góp thêm nhiều hương vị phong phú và đa dạng cho một giai đoạn phát triển rực rỡ của thơ thiếu nhi Việt Nam, làm cho nền thơ thiếu nhi nhìn chung vừa được mở rộng, vừa được nâng cao. Chưa bao giờ các tập thơ lại được in đẹp, với số lượng cao và phát hành nhanh
42
chóng như những tập thơ của chính thiếu nhi : Tấm lòng chúng em (1965), Từ góc sân nhà em (1968), Đời đời ơn Bác (1970), Bông hồng đỏ (1970), Nối dây cho diều (1971), Em kể chuyện này (1971), Đi nữa chú ơi (1971), Rộng vòng chim bay (1972), Gửi gió về cho nội (1974), Cánh én mùa xuân (1975) ...
- Ngoài ra cũng ngay trong những năm chống Mỹ này có 5 tập đồng dao được sưu tầm và liên tiếp ra mắt bạn đọc, thơ dịch cho thiếu nhi cũng được chú ý.
* Phong trào làm thơ cho thiếu nhi trong chống Mỹ đã phát triển hết sức rầm rộ, đông vui và nhộn nhịp, đem lại nhiều thành tựu đáng kể, góp phần không nhỏ vào việc nuôi dưỡng tâm hồn các em.
Nhân dân ta vốn có truyền thống thương yêu con trẻ. Tố Hữu từng căn dặn người sáng tác cho các em: “Cái gì càng ngon, càng hay, càng đẹp, càng vui thì chúng ta để dành cho các em”. Các đồng chí lãnh đạo Đảng như Lê Duẩn, Phạm văn Đồng, Tố Hữu đều có viết những bài trực tiếp hoặc gián tiếp có liên quan đến giáo dục thiếu nhi. Lê Duẩn “Càng yêu người bao nhiêu thì càng yêu nghề bấy nhiêu, nhiệm vụ của thầy giáo là đào luyện học sinh thành những con người mới của chế độ Xã hội chủ nghĩa”. Tố Hữu xác nhận: “Giáo dục thiếu nhi bằng văn nghệ là một vấn đề rất lớn và rất khó. Trước hết là vì: công tác ấy vừa là công tác nghệ thuật, đồng thời lại là một công tác khoa học”. [40g. 19]
Chính là trong ý thức quan tâm đó, trong sự chăm lo của toàn Đảng, toàn dân và nhất là với sự trưởng thành về số lượng và chất lượng của đội ngũ những người cầm bút viết cho thiếu nhi kể cả đội ngũ những mầm non sáng tác, trong 30 năm cách mạng, chúng ta đã có một nền thơ thiếu nhi phát triển mạnh mẽ, có nhiều đóng góp xuất sắc vào sự nghiệp bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm trong sáng, tốt đẹp cho tuổi thơ, giáo dục thế hệ trẻ chúng ta, qua các giai đoạn cách mạng. Nó đã đặt nền móng ban đầu nhưng thật vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ của thơ thiếu nhi Việt Nam mãi về sau này.
Trong hoàn cảnh cách mạng và tình hình chiến tranh xảy ra liên tục, nhìn chung với đường lối văn nghệ và đường lối giáo dục đúng đắn của Đảng, văn học thiếu nhi, thơ thiếu nhi Việt Nam đã hình thành và đã có một quá trình phát triển từ không đến có, từ sơ sài đến phong phú, ngày càng nhiều tác giả, nhiều tác phẩm tốt, trong đó nổi bật lên có sự đóng góp đáng kể của các nhà thơ Võ Quảng, Phạm Hổ, Trần Đăng Khoa ... Cùng với các sáng tác