Tình hình công nhân Sài Gòn trong những năm 1968-1975

Một phần của tài liệu phong trào đấu tranh của công nhân sài gòn (1954 – 1975) (Trang 86 - 91)

CHƯƠNG 3: PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CỦA CÔNG NHÂN SÀI GÒN

3.2. Tình hình công nhân Sài Gòn trong những năm 1968-1975

Cùng với sự phát triển của mạng lưới công nghiệp, đội ngũ công nhân Sài Gòn cũng phát triển đáng kể về số lượng. Các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất thu hút một số lượng đông đảo thanh niên vào làm viêc. Đa số lực lượng này thuộc vào tầng lớp dân nghèo thành thị, trong các gia đình lao động, tiểu thương, viên chức, công chức cấp thấp. Bên cạnh thành phần này còn có thanh niên nông dân. Những người này vốn trước đây sống tại vùng nông thôn có chiến sự ác liệt, để tránh bom đạn và khủng bố, họ theo gia đình vào lánh tại Sài Gòn và tại đây để kiếm sống, họ vào các nhà máy làm việc và trở thành công nhân. Năm 1969 số lượng công nhân ở Sài Gòn là 222.031 người, năm 1971 là 307.693 và năm 1972 lên đến 326.000 người. Số lượng công nhân trên được phân bố đều khắp các hãng xưởng, tập trung nhiều nhất tại các ngành giao thông vận tải, xây dựng sửa chữa máy móc, dệt may, điện.

Ngành công nghiệp chế tạo đã có sự phát triển đáng kể, thu hút nhiều thợ có tay nghề cao, kỹ thuật khá năm 1966: 120.000 công nhân, năm 1968: 175.000 công nhân [80, 30].

Ngành xây dựng là ngành có tốc độ phát triển nhanh và thu hút lực lượng công nhân đông đảo. Năm 1960, toàn miền Nam có 50.000 công nhân xây dựng, năm 1966 tăng lên 131.000 công nhân, năm 1968 có hơn 177.000 công nhân. Riêng khu vực Sài Gòn Gia Định năm 1964 có 22.557 công nhân xây dựng; năm 1966: 69.584 công nhân, năm 1968 tăng lên 80.000 công nhân. Đấy là chưa kể số người làm theo thời vụ, làm trong các nhà thầu nhỏ, sinh sống nay đây mai đó, không kiểm soát được. Ngành giao thông vận tải cũng là ngành có số lượng công nhân phát triển nhanh trong “chiến tranh cục bộ”. Năm 1966, toàn ngành có 175.000 công nhân tập trung chủ yếu ở Sài Gòn. Năm 1964, ở Sài Gòn có 88.345 công nhân; năm 1966 có 113.646 công nhân với hàng vạn ô tô, xà lan, xuồng máy. Ngành giao thông vận tải cũng có nhiều xí nghiệp có vốn lớn tập trung công nhân cao như hãng ô tô buýt Sài Gòn có 2.000 lái xe chuyên nghiệp, Công ty hỏa xa gần 4.000 công nhân, công ty hàng không có gần 3.000 người [132, 107]…

Các ngành dệt, điện nước, chế biến thực phẩm… có số công nhân tương đối đông từ 160.000-170.000 công nhân có nhiều xí nghiệp thuộc các ngành hàng tập trung nhiều công

nhân. Hai nhà máy dệt Vinatexco, Vimytex, thời kỳ cao điểm lên tới 5.000 công nhân, nhà máy bột giặt Sài Gòn 2.000 công nhân.

Công nhân làm trong các sở Mỹ: năm 1964 là 7.600 người, đến năm 1965 là 51.000 người, năm 1966 là 142.000 và 1968 là 145.000 người. Từ năm 1969 trở đi, Mỹ buộc phải rút quân và thực hiện Việt Nam hóa chiến tranh, lực lượng công nhân của Sài Gòn có chiều hướng giảm dần. Đặc biệt là công nhân trong các sở Mỹ và trong các ngành phục vụ cho nhu cầu chiến tranh giảm nhanh. Tháng 6-1969, còn 160.000 người, cuối năm 1970 còn 128.000 người, cuối năm 1972 còn 39.000 người và đến cuối năm 1973 chỉ còn 10.000 người.

Trong đội ngũ công nhân lực lượng nữ chiếm tỷ lệ 40-50% ở một số ngành, nhất là từ năm 1966 để bù đắp cho sự thiếu hụt trong công nhân nam (do bị bắt lính), trong ngành dệt tỷ lệ nữ tới 90-95%. Riêng ở Sài Gòn, năm 1969 nữ công nhân có 59.750 người, năm 1970:

69.284 người và năm 1972 có 87.048 ngườiTờ “Tuần san Phòng Thương mại và công kỹ nghệ Sài Gòn” số ra ngày 19-5-1972 viết: “Trong nhiều ngành hoạt động trước đây dành riêng cho nam giới như: lái xe hơi, xe cam nhông, điều khiển các loại xe bốc hàng…, hay ở các thương cảng Sài Gòn, sự hiện diện của phái nữ không còn là điều lạ nữa” [137, 171].

Trình độ kỹ thuật của đội ngũ công nhân khá cao. Trong số đó, có những kỹ sư từng đi tu nghiệp ở nhiều trung tâm các nước tư bản chủ nghĩa. Năm 1975, chỉ tính riêng Sài Gòn đã có tới 212.000 người lao động trong công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trong đó có hơn 13.000 trí thức khoa học kỹ thuật, hơn 20.000 cán bộ kỹ thuật sơ cấp [77, 68]. Điều đáng chú ý là có một số lượng lớn công nhân tập trung. Trong tổng số 5.000 công nhân làm việc ở các xí nghiệp giải khát, chỉ riêng hãng BGI đã sử dụng 4.200 công nhân. Trong ngành công nghiệp cơ khí (chủ yếu là lắp ráp, sửa chữa) Pháp có khoảng 70 xí nghiệp lớn, nhỏ, trong đó nhiều hãng có quy mô lớn sử dụng nhiều công nhân như hãng Caric sử dụng 850 công nhân, hãng Faxi sử dụng 1.000 công nhân…

Mặc dù có nguồn gốc và thành phần xuất thân khác nhau, nhưng một đặc điểm chung xuyên suốt của công nhân công nghiệp Sài Gòn là thành phần cơ bản vẫn là chủ yếu. Cho dù trải qua nhiều biến cố lịch sử, phải đối phó với nhiều âm mưu của kẻ thù, trong lực lượng công nhân không có tầng lớp công nhân quý tộc. điều đó cắt nghĩa được một điều rằng trong suốt 20 năm xâm lược miền Nam, Mỹ - Ngụy không thể mua chuộc, làm chệch hướng đấu tranh của công nhân. Ngược lại, đội ngũ công nhân nói chung, công nhân công nghiệp nói riêng đã trưởng thành cả về số lượng và chất lượng. Do đó, dù chiếm một tỷ lệ không cao

trong tổng số dân cư của thành phố và miền Nam, nhưng công nhân liên tục giữ vai trò nòng cốt trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp.

3.2.2. Đời sống của công nhân

Với trang bị kỹ thuật hiện đại trong các xí nghiệp, nhà máy, bến cảng, công trường, cường độ lao động của người công nhân không những không được giảm xuống mà còn phải tăng lên ghê gớm. Báo “Dân sống” xuất bản ở Sài Gòn ngày 09-05-1973 viết: “nhiều công nhân già vì cố gắng đã phải gục ngã dưới sức nặng của những kiện hàng, có người đã bị hàng tấn hàng chôn vùi thân xác. Người công nhân già oằn lưng dưới những kiện hàng, mồ hôi nhầy nhụa, đôi chân run rẩy sau mỗi chuyến khuân vác lại ôm ngực ho sù sụ. Không gì khốn khổ hơn tình cảm một sản phụ vừa mới sinh xong 15 ngày đã phải ra bến tàu khuân vác những kiện hàng nặng trong khi đôi chân còn bước chưa vững.”[124, 26].

Tại Sài Gòn, công nhân phải lao động trong những điều kiện tồi tệ và luôn bị nạn thất nghiệp đe dọa. Nạn thất nghiệp ngày một tăng, 1970 có 40.000 công nhân làm trong các cơ sở Mỹ bị mất việc. Năm 1971, số đó lên tới 80.000 người. Năm 1972, đã có hàng chục vạn công nhân thuộc các hãng RMK-BRJ, PACIFIC, các cơ quan quân sự và dân sự Mỹ khác bị sa thải. Sài Gòn riêng tháng 7-1974, có 60% công nhân thất nghiệp [132, 184].

Một tai họa khác luôn đè nặng cuộc sống công nhân lao động là tình trạng giá cả sinh hoạt leo thang với tốc độ chóng mặt, trong khi đồng lương thấp kém, phải qua nhiều tranh đấu cam go mới được tăng một cách từ từ, nhỏ giọt. Vật giá đã tăng vọt làm cho đời sống công nhân lao động thêm bế tắc chỉ trong vài ba tháng, giá của những mặt hàng thiết yếu như gạo, muối, than củi, vải mặc đã tăng lên từ 2 đến 5 lần.

Riêng đối với ngành dệt – ngành nghề có nhiều nữ, đời sống của chị em nữ công nhân bị ảnh hưởng trầm trọng. Sự có mặt của quân viễn chinh Mỹ ngày một đông đảo ở Sài Gòn làm cho nhiều máy dệt phải ngưng hoạt động vì thiếu điện bởi ngụy quyền tập trung điện năng phục vụ cho quan thầy Mỹ. Một kết quả khảo sát vào tháng 10-1965 cho thấy một gia đình công nhân dệt chỉ có thu nhập cao nhất là 3.800 đ/tháng, trong khi nhu cầu chi tiêu tối thiếu phải là 4.100 đ/tháng, chưa kể lúc ốm đau, mau sắm quần áo, càng không nói đến nhu cầu giải trí.

Trong lúc Mỹ - Ngụy mở rộng chiến tranh tăng cường đôn quân, bắt lính, nam công nhân nếu thoát được nạn quân dịch thì phải làm thân phận người trốn lính, không dám đi làm. Đó là lý do để đội ngũ công nhân nữ tăng đột ngột, chị em phải gánh vác đời sống cho gia đình nhưng chế độ Mỹ - ngụy đã lợi dụng trả lương cho nữ thấp hơn nam một mức

chênh lệch, khiến cho công nhân nữ càng bị bóc lột nặng nề hơn. Và đó là một nguyên nhân đưa đến phong trào đấu tranh của công nhân dưới thời Mỹ - Ngụy nổ ra mạnh mẽ và quyết liệt.

Tiền lương của công nhân công nghiệp thời Mỹ - Ngụy cũng quá thấp. theo Công báo của Việt Nam Cộng Hòa số ra ngày 17-1-1970 cho biết lương tháng của công nhân công nghiệp Việt Nam ở Sài Gòn và phụ cận như sau: “nam 3.250 đồng (tiền Sài Gòn), nữ 2.860 đồng, trẻ em 2.502 đồng” (thời điểm 1969-1970). Nghị định số 30-BLĐ/TTT/NĐ ngày 16-2-1971 ấn định lương tối thiểu có bảo đảm tại Đô Thành Saigon và vùng phụ cận:

nam 4.000 đồng, nữ 3.525 đồng, trẻ em 3.075 đồng [86] Báo Tiền Phong của Hội Việt kiều yêu nước ở Ca-na-đa số ra ngày 20-12-1973 nêu lên một bảng so sánh như sau: giá công nhân ở Sài Gòn chỉ bằng 1/3 so với Xanh-ga-po (Singapore), Hồng Kông (HongKong), bằng 3/5 so với Mã Lai (Malaysia), bằng 4/5 so với Nam Triều Tiên.

Nhìn chung, dưới sự phát triển của công nghiệp Sài Gòn, số lượng công nhân ngày một tăng, đời sống công nhân gặp nhiều khó khăn, không những tiền lương thấp mà còn phải đối mặt với nạn thất nghiệp, nguy cơ bị sa thải và bệnh nghề nghiệp. Phong trào công nhân luôn luôn là điểm nóng và lực lượng đi đầu trong các phong trào đấu tranh, cho nên bọn Mỹ - ngụy thường xuyên theo dõi họ và kềm kẹp chặt chẽ.

3.2.3. Biện pháp của Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa đối với phong trào công nhân Sài Gòn

Đối với phong trào công nhân, dưới hình thức bắt lính sa thải hàng loạt, ngụy quyền ra sức bóc lột vơ vét phá giá đồng bạc, giãn công, thuê mướn nhân công với giá rẻ mạt, tăng thuế và bày ra nhiều loại đóng góp, tăng cường bộ máy kềm kẹp. Chiến dịch “vì dân" (9- 1970 đến 12-1970) hàng ngàn cuộc vây ráp và hành quân cảnh sát và bắt giam 43.000 người chủ yếu là công nhân, lao động. Trong nhà máy xí nghiệp gài công an mật vụ, thám báo, để theo dõi và phá hoại phong trào công nhân. Số công an mật vụ dày đặc có khi 3-4 hoặc 9-10 công nhân thì có một tên thám báo, đặc vụ ở bến cảng, xăng dầu…

Đối với hàng ngũ công nhân, Thiệu có đối sách rõ ràng để hạn chế phong trào đấu tranh của họ là tăng cường chia rẽ các nghiệp đoàn, đồng thời sử dụng một số nghiệp đoàn tay sai phục vụ cho ý đồ của mình. Chỉ tính riêng ở miền Nam năm 1969 có khoảng 600 tổ chức nghiệp đoàn, tập hợp trong sáu tổng liên đoàn và 56 nghiệp đoàn độc lập với gần một triệu đoàn viên [132, 176].

Để thao túng và nắm các nghiệp đoàn, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã gửi những người đứng đầu các nghiệp đoàn sang Mỹ và các nước phương Tây học nghiệp vụ, đào tạo kỹ thuật. Họ vừa được ưu đãi về đời sống vừa bị nhồi sọ những lý thuyết nghiệp đoàn phản động và kinh nghiệm chống phá phong trào công nhân. Lực lượng này không ngừng lớn mạnh về kinh tế nhờ vào chiến tranh và một số quyền lợi được hưởng từ Mỹ, gắn kết chặt chẽ với Mỹ và chính quyền Sài Gòn, ra sức chống phá phong trào cách mạng. Trong hai năm 1971-1972, chính quyền Sài Gòn cho thành lập nhiều tổ chức, nhiều nghiệp đoàn thuộc loại ấy như Tổng Liên đoàn Lao công, Liên hiệp các Nghiệp đoàn tự do, Tổng Liên đoàn Công nhân và Đảng Công Nông. Các tổ chức này nhận tiền viện trợ của Mỹ để lôi kéo công nhân lao động vào nhiều chương trình hoạt động như chương trình Phát triển quốc gia, chương trình Phát triển trung tâm dạy nghề, Bồi dưỡng cán bộ nghiệp đoàn… Trần Quốc Bửu, Chủ tịch Đảng Công Nông tuyên bố rằng: mỗi người lao động là một chiến sĩ chống Cộng có nhiệm vụ ngăn chặn âm mưu của cộng sản dùng nghiệp đoàn để gây bất an cho xã hội, lật đổ chính quyền trong giai đoạn đấu tranh chính trị sắp tới” [132,189]. Để kiểm soát công nhân chặt chẽ, chính quyền Thiệu bắt công nhân phải làm lại thẻ căn cước (chứng minh nhân dân) bất kể trường hợp đã có sẵn, công nhân còn phải ghi rõ hồ sơ lý lịch của mình để cho công an mật vụ dễ nắm. Nhiều công nhân bị kéo gia nhập đảng “Dân chủ” của Thiệu. Đối với các tổ chức công nhân yêu nước thì chính quyền Thiệu đưa ra nhiều qui chế, nguyên tắc nhằm ngăn chặn sự ra đời hoặc hạn chế các hoạt động của các tổ chức này.

Thông cáo của Tổng trấn Sài Gòn – Gia Định số 3/70 các điều khoản Luật 10/68 áp dụng trong tình trạng chiến tranh: Cấm mọi cuộc đình công bãi thị; Cấm mọi cuộc biểu tình hoặc tụ tập có phương hại cho an ninh trật tự công cộng; Cấm tàng trữ, lưu hành những ấn loát phẩm, tài liệu truyền đơn xét có hại đến an ninh quốc gia; Cấm tàng trữ và sử dụng vũ khí [35].

Vào các xí nghiệp để giám sát công nhân. Ngày 17-1-1971, Đảng Công Nông ra đời do Trần Quốc Bửu làm Chủ tịch. Trần Quốc Bửu thông qua Tổng Liên đoàn Lao công và Đảng Công Nông tuyên bố: “Ở Việt Nam Cộng hòa, nghiệp đoàn phải nắm cho được công nhân, thợ thuyền để chống Cộng” [4, 275]. Trong những tổ chức thân chính quyền thì Tổng Liên đoàn Lao công phát triển khá mạnh, hoạt động với mục đích lôi kéo công nhân lao động chống phá cách mạng miền Nam. Tính ra từ tháng 5 năm 1972 đến đầu năm 1975, Thiệu ban hàng 60 sắc lệnh phát xít, thủ tiêu mọi quyền dân chủ sơ đẳng nhất, đặc biệt là

sắc lệnh ngày 12 tháng 5 năm 1973 (ký hiệu 009-SLNV) khủng bố tất cả những ai không đồng tình với Thiệu. Trong 2 năm 1973 - 1974 chúng đã giam cầm 93.340 người...

Chính sách của Mỹ - ngụy đối với phong trào công nhân được tiến hành một cách toàn diện vừa kinh tế, chính trị, văn hóa vừa mua chuộc vừa kềm kẹp và khủng bố trắng trợn, vừa trước mắt vừa lâu dài rất thâm độc. Trước sức ép của Mỹ và chính quyền Sài Gòn đời sống công nhân ngày càng khó khăn. Đây cũng là nguyên nhân làm bùng nổ nhiều phong trào đấu tranh của công nhân ở Sài Gòn.

Một phần của tài liệu phong trào đấu tranh của công nhân sài gòn (1954 – 1975) (Trang 86 - 91)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(153 trang)