Mức độ kháng kháng sinh

Một phần của tài liệu khảo sát độ nhiễm khuẩn và khả năng kháng kháng sinh của vi khuẩn e coli trong thực phẩm tại viện pasteur tp hồ chí minh (Trang 30 - 33)

1.3. Đặc điểm sinh học và bệnh học của E. coli

1.3.4. Mức độ kháng kháng sinh

E. coli là tác nhân gây tiêu chảy và các bệnh đường ruột cho người và súc vật được truyền từ thức ăn. Nguồn thực phẩm nhiễm vi khuẩn, đặc biệt là vi khuẩn E. coli kháng thuốc là mối nguy hiểm lớn cho sức khỏe cộng đồng.

Theo ước tính của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh của Mỹ, mỗi năm có khoảng 79.420 người mắc bệnh “nhiễm khuẩn E. coli” [60]. Tỷ lệ kháng kháng sinh của các tác nhân gây bệnh truyền qua thực phẩm đang tăng lên trong những năm gần đây, đây có thể là kết quả của quá trình sử dụng kháng sinh không hợp lý trong chăn nuôi và thú y [18,19].

* Tình hình kháng kháng sinh của vi khuẩn E. coli ở người

Theo báo cáo mới của WHO, với dữ liệu từ 114 quốc gia, toàn cầu cho thấy mối đe dọa nghiêm trọng từ vi khuẩn kháng kháng sinh không còn là một dự đoán cho tương lai, nó đang xảy ra ngay trong tất cả các khu vực của thế giới và có khả năng ảnh hưởng đến bất kỳ ai, ở mọi lứa tuổi, ở bất cứ nước nào. Kháng sinh không còn tác dụng trong việc điều trị bệnh đang là một mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng [55].

Cũng trong báo cáo này vi khuẩn E. coli đề kháng với Fluoroquinolones - một trong các loại thuốc kháng sinh được sử dụng rộng rãi nhất để điều trị nhiễm trùng đường tiểu hiện đang rất phổ biến. Trong những năm 1980, khi các loại thuốc này lần đầu tiên được giới thiệu tỷ lệ kháng kháng sinh gần như bằng không. Ngày nay, ở nhiều nơi trên thế giới, cách điều trị này không còn hiệu quả trong hơn một nửa số bệnh nhân [55].

Theo dữ liệu báo cáo của nhiều bệnh viện ở các nước đang phát triển [51], tỷ lệ các chủng E. coli kháng Ampicillin, Gentamicin là 60 – 70%.

Ở Pakistan, 50 – 60 % các chủng E. coli gây nhiễm trùng đường tiết niệu đã trở nên đề kháng với kháng sinh đường uống phổ biến như Amoxicillin, Cefixime, và Ciprofl oxacin [62].

Ở Ấn Độ, từ năm 2004 – 2007, tỷ lệ các chủng E. coli phân lập từ nước tiểu của các thai phụ trong thời kì 3 tháng đầu tiên cho thấy 75% các chủng kháng Ampicillin, 73% kháng Naladixic acid và 53% kháng Co-trimoxazole và 30% đề kháng với kháng sinh tiêm như Amino – glycosides. Các nghiên cứu đối với bệnh nhân nhiễm trùng máu, tỷ lệ E. coli sản xuất men ESBL tăng từ 40% (năm 2002) lên 61% (2009) [62].

* Tình hình kháng kháng sinh của E. coli trong thực phẩm

Trên thế giới ước tính có 50% các vi khuẩn phân lập từ thịt gà thường kháng ít nhất 2 loại kháng sinh [17]. Năm 1970, một nghiên cứu ở một trang trại nhỏ Boston (Mỹ) cho thấy 70% các chủng E. coli kháng với hơn 2 kháng sinh là Ampicillin, Sulphonamide và Streptomycin [67].

Theo Dr Ron Daniels, tại Hà Lan một tỷ lệ lớn các vi khuẩn E. coli gây nhiễm trùng máu kháng thuốc kháng sinh có nguồn gốc từ các thực phẩm động vật [61].

Tại Uganda, nghiên cứu năm 2011 cho thấy các chủng E. coli có nguồn gốc từ thực phẩm động vật có tỷ lệ kháng rất cao đối với Erythromycin (96%), Tetracycline (61%) và Ampicillin (55,3%) nhưng kháng thấp hơn đối với Aztreonam (8,8%), Gentamycin (6,9%), Ciprofloxacin (6,5%) và không kháng đối với Meropenem [41].

Trong những năm gần đây, vi khuẩn có khả năng kháng lại với một hoặc nhiều loại kháng sinh, đặc biệt là đối với những loại kháng sinh được sử dụng rộng rãi trong chăn nuôi và thú y (Boerlin và cs., 2005; Costa và cs., 2008; Ahmed và cs., 2009).

Theo Moyaert và cs. (2006), việc sử dụng nhiều kháng sinh không những tạo áp lực chọn lọc đối với vi khuẩn gây bệnh mà còn ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật trong đường tiêu hóa, làm cho vi khuẩn trở nên đề kháng với kháng sinh [25].

1.3.4.2. Tại Việt Nam

* Tình hình kháng kháng sinh của E. coli ở người

Báo cáo sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh tại 15 bệnh viện Việt Nam năm 2008 - 2009 cho thấy E. coli giảm nhạy cảm với Cephlosporin thế hệ 3 và có tỷ lệ kháng cao với Cotrimoxazole dao động từ 60 - 80% tại hầu hết các bệnh viện. Tỷ lệ kháng với Carbapenems thấp hơn 2%, trừ Bệnh viện Bệnh Phổi Trung ương báo cáo tỷ lệ kháng Carbapenems lên tới 47,7% [3].

Tỷ lệ sinh men ESBL của các chủng E. coli dao động giữa các bệnh viện, cao nhất ở bệnh viện Việt Đức với 57,3% (Bệnh viện chuyên khoa về phẫu thuật), sau đó là bệnh viện Nhiệt đới Trung ương với 54,7 % (Bệnh viện đầu ngành về bệnh truyền nhiễm), Bệnh viện Chợ Rẫy với 49% (Bệnh viện đa khoa lớn nhất khu vực phía Nam), Bệnh viện Bình Định và 2 Bệnh viện Nhi (Nhi TW và Nhi đồng I) với tỷ lệ gần 40%.

Đây cũng là các bệnh viện có tỷ lệ E. coli kháng Cephalosporins thế hệ 3 cao hơn các bệnh viện khác [3].

Theo PGS.TS Phạm Văn Ca, Phó trưởng khoa xét nghiệm Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, vi khuẩn kháng thuốc đã phát hiện tại Việt Nam từ những năm 1990 cho biết “Trong nghiên cứu mới thực hiện tại Bệnh viện nhiệt đới trung ương năm 2008 - 2009, 5% vi khuẩn E. coli gây bệnh đường ruột kháng Carbapenem thế hệ 1;

1% kháng kháng sinh thế hệ mới Meropenem; khoảng 50% vi khuẩn được nghiên cứu sinh ra ESBL là men phá hủy tất cả kháng sinh nhóm Cephalosporins”.

Nhằm kiểm soát sự gia tăng tính kháng thuốc của vi khuẩn đang ngày càng gia tăng, tháng 8/2011 Tổ chức Y tế thế giới kết hợp với Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo “Giám sát tình hình kháng kháng sinh trên cơ sở phòng thí nghiệm”. Qua đó, thiết lập một hệ thống giám sát quốc gia về vi khuẩn kháng sinh tại Việt Nam, làm cơ sở cho việc hoạch định chiến lược kháng sinh ở nước ta [19].

* Tình hình kháng kháng sinh của E. coli trong thực phẩm

Tại Việt Nam, sự kháng thuốc của vi khuẩn trong bệnh phẩm được nghiên cứu khá nhiều nhưng trong thực phẩm vấn đề này vẫn còn hạn chế.

Năm 2005, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh đã bước đầu khảo sát tính kháng thuốc của một số vi khuẩn gây bệnh trong thịt gà. Kết quả nghiên cứu trên 150 mẫu cho thấy E. coli nhiễm 98%, trong đó E. coli kháng Amoxicillin (90,5%);

Ciprofloxacine (86,4%); Ticarcilline, Cotrimoxazol và Norfloxacine (85%) [19].

Theo báo cáo của Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh và Nguyễn Thị Hoa Lý đã phát hiện dư lượng với 26 loại kháng sinh khác nhau từ thịt gà cho thấy việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi gia cầm là rất phổ biến [17].

Năm 2008, khảo sát của Hoàng Hoài Phương và cộng sự trên 156 chủng E. coli phân lập từ thực phẩm cho thấy: E. coli kháng với ít nhất 1 kháng sinh là 80,1% và

kháng đa kháng sinh (kháng 2-7 kháng sinh) là 61,5%. Trong số các chủng E. coli kháng đa kháng sinh thì kiểu hình đa kháng với cả 4 kháng sinh (Tetracycline - Chloramphenicol - SMX./TMP - Ampicillin) là phổ biến nhất có 30 chủng (19,2%) [21].

Một phần của tài liệu khảo sát độ nhiễm khuẩn và khả năng kháng kháng sinh của vi khuẩn e coli trong thực phẩm tại viện pasteur tp hồ chí minh (Trang 30 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)