Biển trong kí ức, hành trang của những người con đất Việt trong cuộc chiến đấu giữ nước của dân tộc

Một phần của tài liệu hình tượng biển trong trường ca thu bồn, thanh thảo, hữu thỉnh (Trang 32 - 36)

CHƯƠNG 2. ĐẶC ĐIỂM CỦA HÌNH TƯỢNG BIỂN

2.1. Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn

2.1.1. Biển trong kí ức, hành trang của những người con đất Việt trong cuộc chiến đấu giữ nước của dân tộc

Thu Bồn là một nhà thơ-chiến sĩ đi nhiều, viết khỏe. Trong những năm tháng chiến tranh gian khổ, ông đã lăn lộn khắp các chiến trường, đặt bàn chân qua nhiều vùng đất khác nhau. Thậm chí, ông đã vượt dãy Trường Sơn giữa lúc quân thù đánh phá ác liệt nhất. Có lẽ vì thế mà ông có nhiều “vốn” để sáng tác. Sáng tác của ông đa dạng về thể loại và đa dạng cả về địa danh. Đó là một Tây Nguyên bạt ngàn, một Campuchia hy vọng hay một Hà Nội ngày nào...

Biển là một đối tượng thân thuộc của thơ ca, có lẽ bởi những trạng thái đối nghịch của nó:

vừa dữ dội lại dịu êm, vừa rộng mở vừa huyền bí. Các nhà thơ đã viết về biển trong những hoàn cảnh khác nhau, bằng những biểu hiện khác nhau nhưng ở họ có một điểm chung: đó là cảm xúc khi viết về biển rất tự nhiên, chân thành. Và hẳn nhiên, Thu Bồn cũng không ngoại lệ. Biển trong thơ ông dạt dào cảm xúc và chất đầy nỗi niềm của một người con xa quê. Biển trong thơ ông hiện lên mãnh liệt trong kí ức của những người con đất Việt qua công cuộc giữ nước của dân tộc.

Là một người con xứ Quảng, từ lâu hình ảnh biển bờ với tiếng sóng vỗ, mảnh buồm cong, bãi cát dài đã ăn sâu vào tâm thức nhà thơ. Để rồi chỉ cần một tiếng gợi nhỏ cũng đủ làm cho tâm hồn nhà thơ dậy sóng. Đối với ông, biển không hề xa lạ. Bởi đơn giản đó là quê hương:

Quê hương tôi biển nhiều hơn nước Gọt tận trời cao giọt tận đất sâu Biển đã thổi cồn cào cơn khát Giọt đầu nguồn trong- mắt em đâu?

(Qua quê mẹ)

Biển trong thơ ông còn là tình mẫu tử thiêng liêng, là tiếng lòng của những chàng trai cô gái tuổi đôi mươi hay là những trăn trở về cuộc đời. Tất cả được nhà thơ thể hiện bằng nét bút “lừng lững” một thời của mình.

Cùng mạch cảm xúc trên, trong thể loại trường ca, nhà thơ Thu Bồn cũng dành rất nhiều

“đất” cho tình yêu biển đảo. Qua số liệu thống kê, trong 6 trường ca khảo sát có tới 71 từ biển và 32 từ sóng, ngoài ra còn có các từ khác liên quan đến biển như cát, gió, muối, thuyền... (xem phần phụ lục 1). Điều này phần nào chứng tỏ những hình ảnh biển đã có sẵn

trong tâm thức nhà thơ, và nó tự nhiên tuôn chảy mà không cần hướng theo một chủ đích nào cả.

Kháng chiến nổ ra, những người con Việt Nam yêu nước từ đồng bằng, duyên hải cho đến cao nguyên... đều hăng hái lên đường nhập ngũ. Trong những năm chiến tranh đầy gian khổ, địa bàn hoạt động của người lính chủ yếu là ở rừng. Họ đã trải qua nhiều thử thách với bao chuyến vượt thác, băng rừng, trèo đèo, lội suối đầy vất vả. Rừng núi trở thành quê hương thứ hai của những người lính miền duyên hải. Thế nhưng, trong họ, cảm xúc về một miền quê đầy gió sóng vẫn luôn dạt dào. Trong kí ức của người lính, không đâu đẹp bằng quê hương, không đâu trù phú bằng quê hương. Họ đã kể cho người bạn Campuchia của mình nghe về một vùng biển quê hương giàu có, bằng một giọng điệu đầy tự hào:

Anh vẫn nói với lòng tôi anh nói Về những hòn đảo xa nối biển liền trời Con ngọc trai bám vào thềm lục địa Một loài sao biển sáng lân tinh (Campuchia hy vọng)

Sống và chiến đấu ở rừng khiến cho những người lính thèm cảm giác được tung tăng, vẫy vùng với biển. Trong họ, biển có một vị trí riêng. Biển ám ảnh trong tâm thức, khiến cho người lính không khỏi không nghĩ đến. Ngay cả trong những sinh hoạt hằng ngày cũng làm cho họ nhớ da diết miền quê ầm ào sóng vỗ:

Ăn trái gắm nhớ trái dừa da diết Tắm vũng suối nhớ biển biếc bao la

Những đêm mưa rừng sấm động Nhớ làm sao tiếng sóng vỗ quanh nhà

(Bài ca chim Chơ rao)

Biển đã nằm ở một tầng sâu trong tâm thức người lính, để rồi ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào, chỉ một cái gợi rất nhỏ cũng làm cho tình cảm ấy bùng phát mãnh liệt. Hùng là một chiến sĩ kiên cường. Anh cùng Rin, một chiến sĩ vùng cao, hoạt động cách mạng ở Tây Nguyên.

Để tham gia cách mạng, hòa mình cùng đồng bào dân tộc, anh đã cà hàm răng ngà ngọc, học cách bương đèo, bới tóc, căng tai, mang vòng lấp lánh. Anh dần dần trở thành một người con miền núi đúng nghĩa. Nhưng anh vẫn là người con của biển, vẫn đậm đà, chất phác. Là một người lính, nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ Tổ quốc được đặt lên hàng đầu. Nỗi nhớ quê hương luôn canh cánh trong lòng nhưng anh đã cố gắng gìm lại. Và càng gìm chặt

thì nỗi nhớ về miền quê nhiều sóng biển, lắm chân trời càng mãnh liệt. Trong nhà lao, trước sự tàn bạo của kẻ thù, Hùng vô cùng kiên cường, cứng rắn, nhưng khi nghe tâm sự của Rin và Sao, nỗi niềm trong anh như được khơi dòng. Đó là nỗi lòng của một người con miền biển chất đầy nhớ thương:

Nỗi tâm sự của người con nước mặn Cũng trào lên như sóng biển dạt dào

Kí ức như ngàn con sóng bao bọc lấy người chiến sĩ. Ở phía biển anh có một mái nhà tranh nho nhỏ với hàng dương xanh quanh năm cãi lời ngọn gió, một người mẹ hiền sớm hôm tần tảo vá may cho anh chiếc áo, đợi anh về. Ở nơi đó anh còn có một người yêu vò võ đợi chờ:

Cô gái biển quanh năm chài lưới Trên bàn tay có nắng mặt trời Cô gái có tâm hồn sóng biển Hứa yêu anh, yêu mãi trọn đời (Bài ca chim Chơ rao)

Nỗi niềm trong anh cứ thế, cứ thế dâng lên như ngọn thủy triều. Hình ảnh quê hương với biển xanh, sóng vỗ đến khôn cùng như vẫy gọi anh, để rồi tiếng gọi quê hương bật ra từ tận đáy lòng, nghe yêu thương và da diết đến lạ:

Quê hương ơi, những biển chiều lặn Con cá chuồn lao phóng như tên Ánh đèn xanh đêm hè soi mực Con sứa rập rình chờ nước biển lên (Bài ca chim Chơ rao)

Kí ức về quê hương và những con người thân thuộc đã cho anh sức mạnh chiến đấu với kẻ thù. Bị tra khảo bằng những nhục hình đầy đau đớn, bị dụ dỗ với những lời nói ngọt nhạt nhưng Hùng vẫn kiên trung với con đường mình đã chọn. Anh tự vùi bàn tay vào than đỏ châm thuốc hút, dùng kìm véo vào đùi rứt ra miếng thịt... Đứng trước kẻ thù anh không hề run sợ mà vô cùng anh dũng, kiên trung. Hùng đã chọn cho mình một cái chết hiên ngang:

Tao sẽ chết bằng xe kéo trên đường Máu thịt tao quyện vào bụi đất Xương óc tao rải khắp quê Hương (Bài ca chim Chơ rao)

Ý chí của anh đã làm cho bọn giặc phách lạc hồn bay, phải rợn mình khiếp sợ. Chính sự ồn ào, dữ dội nhưng cũng thâm trầm da diết của biển đã thấm vào anh. Lý tưởng đó, thứ ánh sáng đó anh học được từ phía biển quê hương:

Ánh sáng đầu nhô từ mặt biển Cánh buồm căng sưởi lửa mặt trời Con của mẹ hun đúc từ nơi ấy

Lồng ngực con mang tiếng đập biển khơi (Bài ca chim Chơ rao)

Tiếng đập biển khơi đã dựng anh đứng dậy, không đầu hàng trước sự tàn bạo của kẻ thù, bởi với anh, con đường anh chọn là con đường chính nghĩa để rồi mạnh bước đi, chết vẫn tươi cười.

Trước giây phút hy sinh, trong tâm trí người chiến sĩ, kí ức về quê hương hiện lên mãnh liệt hơn bao giờ hết. Hùng bị đem ra pháp trường thiêu chết nhưng anh vẫn điềm nhiên.

Anh nhớ về miền biển thân thương với ngôi tháp Chàm rêu phong cổ kính với rừng dừa xa thấp thoáng sương mù. Anh nhớ về người mẹ hiền trọn đời kim chỉ vá may, nhớ người con gái mà anh yêu thương tha thiết. Anh bị thiêu chết nhưng anh không chết, lời của anh như còn vang vọng. Tấm áo mẹ may năm nào anh nhường lại cho người em với lời nhắn nhủ chiến đấu tới cùng:

Tấm áo mẹ con không bao giờ mặc nữa Để dành cho em con mặc buổi ra khơi Tấm áo quê nhà che bao nắng gió Vững mái chèo bão táp chớ buông lơi

Anh nhắn với cô gái- người yêu anh đừng buồn, bởi dù chết anh vẫn còn mãi với quê hương, đất nước:

Và cô gái đẹp xinh người vợ trẻ

Ngày chiến thắng về không có bóng anh Em hãy nhìn lên sắc cờ kiêu hãnh Có anh về ôm ấp rặng dừa xanh

Tầm vóc của người chiến sĩ bỗng chốc vụt lớn lao. Hùng không chết mà sức mạnh ý chí của anh lan tỏa đến quảng đại quần chúng nhân dân. Sức mạnh ấy như một trận bão giông, có thể cuốn phăng tất cả:

Bến thuyền xa gió kéo dài ngọn lửa

Chớp xé trời tung thuyền lên nghiên ngửa bão giông Con cá kình lao mình trong đảo sóng

Lướt đá ghềnh bọt trắng nước mênh mông (Bài ca chim Chơ rao)

Không phải ngẫu nhiên mà Thu Bồn tái hiện ý chí của Hùng bằng một trận bão giông. Biển với sức mạnh to lớn và huyền bí của mình có khả năng quét sạch mọi thứ. Biển vừa là nơi hủy diệt lại vừa là nơi tái sinh. Tinh thần chiến đấu của Hùng sẽ lan tỏa ra quảng đại quần chúng nhân dân. Họ là những trận bão giông, sẽ dùng sức mạnh khôn cùng của mình hủy diệt bè lũ cướp nước, đồng thời tái sinh những cuộc đời mới.

Cái chết của Hùng và Rin không hề đau thương, bi lụy mà lan tỏa sức mạnh, ý chí quật cường đến với nhân dân. Hình ảnh của Hùng và Rin bỗng chốc trở nên bất tử, bất tử đúng vào khoảnh khắc họ bị thiêu chết ấy:

Lửa rực hai gương mặt gầy rạng rỡ Hai vòng tay lửa siết vào nhau

Người anh em ơi! Đây là lời đất nước Gắn bó đến cùng những lúc thương đau

Như vậy, hình ảnh quê hương miền biển luôn hiện hữu trong tâm trí người chiến sĩ cách mạng, để rồi, từ những kí ức ấy hun đúc trong họ ý chí quyết tâm giữ gìn độc lập tự do cho Tổ quốc. Biển hiện lên trong trang thơ Thu Bồn tự nhiên và gần gũi nhất, có lẽ đơn giản đó là quê hương, là cái nôi nuôi những người con đất Việt lớn khôn thì không còn gì là xa lạ nữa. Bằng tấm lòng của một người con miền biển, Thu Bồn đã thổi vào những bản trường ca của mình lớp lớp sóng biển đầy sức gợi tả.

Một phần của tài liệu hình tượng biển trong trường ca thu bồn, thanh thảo, hữu thỉnh (Trang 32 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)