K ết cấu văn bản

Một phần của tài liệu đặc điểm sử dụng ngôn ngữ trong tiểu phẩm của lê hoàng (Trang 66 - 72)

CHƯƠNG 3: ĐẶC ĐIỂM TỔ CHỨC VĂN BẢN VÀ CÁC PHÉP TU TỪ

3.1. Đặc điểm tổ chức văn bản

3.1.3. K ết cấu văn bản

Tiểu phẩm của Lê Hoàng có kết cấu đa dạng và có độ co giãn khá linh hoạt. Nếu là bài phỏng vấn, trò chuyện giả tưởng, tác giả sử dụng kết cấu hỏi – đáp, để các nhân vật tranh

luận về vấn đề nào đấy. Nếu là kiểu bài tự sự, kết cấu lại theo trình tự thời gian và được thể hiện dưới hình thức thư từ, nhật kí hoặc “truyện cổ tân trang”,… Dù ở kiểu bài nào, tiểu phẩm của Lê Hoàng cũng được triển khai theo các phần: mở đầu – diễn giải – kết luận.

3.1.3.1. Phần mở đầu

Tiểu phẩm của Lê Hoàng thường vào đề theo hai cách: trực tiếp và gián tiếp.

a. Vào đề trực tiếp

Cách vào đề trực tiếp thường được Lê Hoàng sử dụng trong các bài kí chân dung các bản tin tường thuật hoặc trong các câu chuyện tự sự. Ví dụ:

Khi viết về Hiền Thục, tác giả vào đề trực tiếp bằng cách miêu tả ngoại hình của nhân vật:

(152) Phút đầu tiên gặp Hiền Thục, tôi sững sờ vì vẻ trẻ trung của nàng. Da Hiền Thục trắng, răng Hiền Thục trắng và vô số thứ khác cũng trắng luôn. (2, 263)

Trong tiểu phẩm “Tường thuật trực tiếp lễ trao giải Oscar của một thị xã”, tác giả vào đề như sau:

(153) Thưa các bạn, nhóm phóng viên truyền hình chúng tôi đứng trước cổng của cung văn hóa thị xã, nơi chỉ một lúc nữa thôi, lễ trao giải Oscar, giải thưởng cao quý nhất của vùng này, sắp bắt đầu. (3, 83)

b. Vào đề gián tiếp

Đa số tiểu phẩm của Lê Hoàng đều vào đề theo lối gián tiếp. Trong loạt bài phỏng vấn, trò chuyện giả tưởng, tác giả thường mở đề bằng vài ba câu hỏi đáp xa xôi sau đó mới liên hệ đến vấn đề trọng tâm. Ví dụ:

(154) PV: Thưa anh Bò, có việc gì mà nom anh buồn thế?

Bò: Nhà báo ạ, Bò tuy là động vật nổi tiếng vô tư nhưng thực ra tâm trạng trầm ngâm là tâm trạng chủ yếu của Bò. Và từ trầm ngâm tới buồn là chỉ là một bước rất ngắn.

Có lẽ cho tới phút này, chỉ có trên hộp phô-mai là Bò mới cười thôi.

PV: À, tôi biết. Phô-mai là một món ăn ngoại.

Bò: Tôi cũng đang suy nghĩ về ngoại đấy, anh ạ.

PV: Vì sao anh suy nghĩ?

Bò: Vì sau thất bại vừa rồi của đội tuyển bóng đá Việt Nam, lại rộ lên một số ý kiến nói rằng ta cần đưa vào những cầu thủ ngoại nhập tịch.

(2, 66)

Ở đoạn phỏng vấn này, từ “món ăn ngoại” tác giả đã khéo léo hướng sang vấn đề chính là việc tuyển “cầu thủ ngoại nhập tịch”. Cách dẫn dắt rất nhẹ nhàng, uyển chuyển, gây bất ngờ cho độc giả.

Trong một số tiểu phẩm khác, Lê Hoàng còn vào đề bằng cách mượn xưa để nói nay hoặc miêu tả nhân vật, hoàn cảnh làm nảy sinh vấn đề. Ví dụ, trong tiểu phẩm “Chuyến xe đầu xuân”, tác giả mở đầu như sau:

(155) Những ngày Tết vô cùng sôi nổi đã qua. Tèo, người bạn thân tội nghiệp của tôi buồn như cắt ruột. Nó nhớ mãi những giây phút tràn ngập tiếng cười, tiếng chúc tụng và tiếng mở nút chai. Đã tới lúc phải rời quê lên thành phố. Tèo xách chiếc túi du lịch nhỏ lèo nhèo bên trong có một đòn bánh tét và vài bộ quần áo cũ, lảo đảo ra bến xe với con tim cháy bỏng. (3, 363)

Ở đây, phải qua khá nhiều câu kể, miêu tả, tác giả mới đi vào vấn đề cần bàn: việc đi lại của người dân sau dịp tết.

Nhìn chung, cách vào đề của Lê Hoàng dù trực tiếp hay gián tiếp cũng đều rất tự nhiên, uyển chuyển, linh hoạt.

3.1.3.2. Phần diễn giải

Trong phần này, tác giả đưa đẩy vấn đề lên đến cao trào, tạo kịch tính cho câu chuyện, hệ thống luận điểm, luận cứ được xâu chuỗi rất khéo léo trong sự luận bàn, phân tích rất logic và hài hước, vừa có lý, vừa có tình. Ví dụ:

Trong “Thư của cha gửi con trai”, khi nghe tin con mình đang yêu và cân nhắc giữa hai cô gái Nguyễn Thị Vàng và Linh Đa Chứng Khoán, người cha đã vội vàng viết một bức thư phân tích rõ cả hai cô đều bất ổn và khuyên con nên chọn cô gái khác. Lý lẽ ông đưa ra như sau:

(156) Cô Vàng có nhan sắc, có độ bền và độ chịu nhiệt, chịu co kéo, lại dễ dát mỏng nhưng có khả năng ỷ vào dòng dõi và quá kiêu kỳ, chưa kể đôi lúc quá lòe loẹt. Gia đình ta là gia đình lao động bao nhiêu thế hệ… Cha sợ rằng nếu ta không thất vọng về Vàng thì Vàng cũng nhanh chóng thất vọng về ta, Vàng cảm thấy đã lọt vào một tư gia không xứng đáng, bất lợi cho một mối quan hệ lâu dài.

Còn Linh Đa Chứng Khoán cha lo ngại nhiều hơn. Với một cô con dâu tính khí bất thường, thay đổi nhanh và nhiều giai đoạn trượt dài như thế, cha sợ không những con mà cả nhà ta sẽ bị xuống dốc không phanh, chẳng những họ hàng, bạn bè mà cả nhà đầu tư trong nước lẫn quốc tế đều rời bỏ, nếu không nói rằng tháo chạy. Cho nên, con trai ạ, sau khi cân

nhắc, suy nghĩ, trên cơ sở tôn trọng và bình đẳng, hai bên cũng có lợi, cha thấy chả có lý do gì không giới thiệu thêm cho con một người con gái nữa, tên là Lê Thị Đất. (3, 175-176)

Có thể thấy, lập luận của người cha trong ví dụ trên rất thấu tình đạt lý. Lối dẫn chuyện thông minh, hóm hỉnh của Lê Hoàng đã đưa người đọc đi từ thú vị này đến thú vị khác.

Trong cách triển khai vấn đề, Lê Hoàng thường dùng phương pháp “đi xa, về gần rồi xoáy vào trọng tâm”, xung quanh vấn đề chính, tác giả còn gợi mở, “lấn sân” sang nhiều vấn đề khác nhau. Vì thế, để nắm được chủ đề chính, người đọc phải theo dõi hết tác phẩm.

Ví như, trong tiểu phẩm “Phỏng vấn một cảnh sát giao thông”, đọc phần đầu, độc giả lầm tưởng vấn đề được triển khai là tình trạng giao thông ở nước ta. Nhưng thực ra, đó chỉ là cách dẫn dắt để tác giả lái sang vấn đề chính là những hạn chế trong nền thể thao Việt Nam.

Một nét hấp dẫn trong cách triển khai vấn đề của Lê Hoàng là các tình tiết trong tác phẩm được tác giả xây dựng rất thú vị và hài hước. Ví dụ, trong tiểu phẩm “Thỏ và Rùa”, cuộc chạy thi giữa hai nhân vật này được miêu tả rất sinh động, kịch tính:

(157) Thỏ lại phóng vèo một cái, vượt qua mặt Rùa. Tới một sân khấu kịch, nó xem liền ba vở có nội dung giống nhau, cùng là anh yêu em, em yêu anh, chỉ khác là nếu vở này anh bị ung thư thì vở sau em bị…

Thỏ uể oải bước ra đường, vù một cái vượt qua mặt Rùa tới một quán ăn. Thỏ xơi liền hai chiếc bánh Trung thu hạ giá, có nhân lông gà quay, sau đó ăn tiếp một gói cơm cháy, thứ thường phơi ở vệ đường, bóng Rùa mới chậm rãi hiện ra nơi chân trời. Thỏ bèn quay vô xơi thêm một cái chả lụa đầy hàn the và một tô bún măng đầy bột ngọt. Kết quả là Thỏ bị ngộ độc thực phẩm, phải đi cấp cứu khẩn cấp…

Thỏ hồi tỉnh, đi tập dưỡng sinh, đi vật lý trị liệu, lúc ấy nhìn lên ti vi coi truyền hình trực tiếp, thỏ mới nhận ra Rùa sắp đến nơi. Ngay tức khắc Thỏ phóng ra đường chạy vùn vụt như sao băng… Đích kia rồi, chỉ cần một giây nữa là Thỏ vượt qua… còn hai bước nữa là tới đích. Thỏ co chân nhảy phóc. “Rầm”! Thỏ ngã ngay xuống một cái hố mới đào ven đường. Cái hố này là công trình của ông cấp nước và ông điện thoại cùng liên doanh để đào mà chưa lấp đã sáu tháng nay. (4, 13)

Ở đoạn trích này, tác giả đã đề cập đến nhiều vấn đề còn tồn tại trong xã hội như: nền sân khấu với những vở diễn nhàm chán, tình trạng thực phẩm bị nhiễm độc tràn lan, những

“hố tử thần” trên những tuyến đường giao thông. Các vấn đề được triển khai rất hấp dẫn, thu hút sự chú ý của người đọc từ đầu đến cuối tác phẩm.

Nhờ khả năng xâu chuỗi tình tiết, sự kiện một cách khéo léo mà tiểu phẩm Lê Hoàng có hàm lượng thông tin rất cao. Không những thế, khả năng đưa đẩy, lập luận vấn đề sắc sảo kết hợp với với tài tung hứng ngôn ngữ thông minh, hư – thực, thật - đùa, nghiêm chỉnh - hài hước, châm biếm - chân tình, Lê Hoàng luôn tạo ra tâm lý hồi hộp, thấp thỏm cho độc giả, độc giả dường như chẳng biết mình bị dẫn dụ tới đâu.

Tuy nhiên, không phải lúc nào Lê Hoàng cũng thành công. Trong một số tiểu phẩm, lối đưa đẩy quá đà, cùng với việc tập trung quá nhiều vào các chi tiết gây cười làm cho vấn đề triển khai màu mè, lan man, thiếu kịch tính (Răng xào hành, Vụ án nửa đêm, Công nghệ siêu mỏng, Kiệt tác,…)

3.1.3.3. Kết thúc

Nếu phần mở đầu có tác dụng khêu gợi, hấp dẫn trí tò mò của bạn đọc thì phần kết thúc sẽ gói lại toàn bộ nội dung văn bản, khắc sâu vào tâm khảm người đọc toàn bộ vấn đề đã được phản ánh trong phần triển khai. Có người ví một kết thúc dở giống như một bát cơm có dính mấy hạt sạn dưới đáy, người ăn sẽ thất vọng, mất đi cảm giác ngon miệng lúc ban đầu. Sự so sánh trên không phải là không có lý. Chính vì thế, muốn gây được ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc, người viết phải có sự dụng công để xây dựng những cái kết bất ngờ, độc đáo, thú vị.

Trong tiểu phẩm của Lê Hoàng chúng tôi thấy có những kiểu kết thúc sau:

- Kết thúc là lời nhận xét, đánh giá

Trong nhiều tiểu phẩm, vấn đề được kết thúc bằng lời nhận định, bình phẩm của nhân vật, thực ra đó cũng chính là thái độ, cách nhìn của tác giả được gửi gắm qua nhân vật.

Chẳng hạn, kết thúc cuộc “Phỏng vấn con Bò (kì IV)”, nhân vật Bò phát biểu:

(158) Cái lối phê bình cứ lẫn lộn giữa tác giả và tác phẩm thật quá buồn cười. Nó chỉ chứng tỏ nền nghệ thuật của chúng ta không chuyên nghiệp. Tôi xin phát biểu bằng trí tuệ thấp kém của con Bò! (2, 56)

Trong “Phỏng vấn một cánh diều”, kết thúc tác phẩm, Diều đã bình phẩm về giải

“Cánh diều vàng” như sau:

(159) Một năm có sáu, bảy bộ phim, phần lớn đều không ra rạp mà cứ thổi phồng lên giải này giải nọ, không nghiêm khắc ngồi xuống tự tìm cách phê bình thì đáng thương quá đi thôi! (2, 99)

- Kết thúc là lời khuyên bảo, đề nghị

(146) Em đừng giận và cũng đừng ân hận khi đã chọn người đàn ông chân chính làm chồng. (1, 223)

(160) Thưa các vị. Trong cuộc sống, ai cũng có lúc lầm lỡ. Song không phải vì thế mà chúng ta lỡ chịu. Xã hội càng tiến lên, con người càng phát triển. Sự phát triển đó có thể thể lỡ chệch từ hướng nọ sang hướng kia, song không thể nào ta lỡ để cho nó dừng lại. Lỡ không đáng sợ, đáng sợ là không làm gì để lỡ. Xin quý vị ra về, và tránh lỡ mồm lỡ miệng, vì đó là cái lỡ nguy hiểm nhất. (4, 137)

- Kết thúc là lời kêu gọi

(161) Tóm lại, hãy dùng “gậy bà đập lưng bà”. Hãy biến ngày 8.3 là ngày của chúng ta. Hãy làm cho phụ nữ tiếc đứt ruột vì không có cơ hội nào trong giây phút ấy được sờ vào dụng cụ gia đình, được tắm mình trong không khí bếp núc hội hè. Hãy khiến các cô gái khắp nơi hiểu rằng chỉ có ý chí, sức mạnh, khả năng sáng tạo của đàn ông mới biến được một ngày thành một đời. Nếu có một lá cờ thêu chữ 8.3, tôi muốn các anh em giật lấy nó, cầm nó xông lên và vẫy cao như ngọn đuốc rực lửa.

Anh em tiến lên! Chiến thắng hay là chết! (3, 127)

(162) Vậy các bạn hãy vui lên! Hãy coi đám cưới như một thử thách dễ chịu, một cơ hội để chứng tỏ sức kiên nhẫn, sức lãng mạn và khả năng đầu tư của mình. Trăm năm chỉ có một lần, và nếu số phận của các bạn là phải đi dự thì hãy ngẩng cao đầu. (3, 181)

- Kết thúc là câu hỏi:

(163) Nếu trao giải “thuần Việt” cho phim ấy chắc cũng xứng đáng. Nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao phải có giải này, và ai là người người phải chịu trách nhiệm khi tính “Việt”

được chuyển từ hiển nhiên đến cần khen? (2, 60)

Các kiểu kết thúc mà chúng tôi phân loại trên đây chỉ có tính chất tương đối. Vì mỗi kiểu kết thúc không phải lúc nào cũng tồn tại riêng lẽ, độc lập, mà nhiều khi tồn tại trong sự phối hợp, đan xen với những kiểu khác. Có những trường hợp, tác giả cố ý không viết kết thúc, để người đọc tự suy ngẫm. Nhìn chung, phần kết thúc trong tiểu phẩm Lê Hoàng được viết khá cẩn thận, các kết thúc thường ngắn gọn, bất ngờ, hấp dẫn.

Tóm lại, kết cấu trong tiểu phẩm của Lê Hoàng không có sự gò bó, đi theo lối mòn mà có độ co giãn khá linh hoạt. Tùy thuộc vào phương pháp thể hiện là hình thức phỏng vấn, đối thoại giả tưởng, nhật kí, thư từ hay bản tin,… mà Lê Hoàng lựa chọn kiểu kết cấu phù hợp. Thường thì tác giả không bao giờ “sổ toẹt” cái điều cần nói mà quanh co, vòng vèo, đẩy vấn đề đến mức cao trào rồi “phang” một cái kết đắc địa. Hẳn nhiên, một số tác phẩm

vẫn chưa làm hài lòng bạn đọc, nhưng với tài năng và sự sáng tạo của mình, tiểu phẩm của ông đã có được một chỗ đứng khá vững chắc trong lòng độc giả.

Một phần của tài liệu đặc điểm sử dụng ngôn ngữ trong tiểu phẩm của lê hoàng (Trang 66 - 72)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)