Các phương thức liên kết văn bản

Một phần của tài liệu đặc điểm sử dụng ngôn ngữ trong tiểu phẩm của lê hoàng (Trang 72 - 75)

CHƯƠNG 3: ĐẶC ĐIỂM TỔ CHỨC VĂN BẢN VÀ CÁC PHÉP TU TỪ

3.1. Đặc điểm tổ chức văn bản

3.1.4. Các phương thức liên kết văn bản

Phép nối là cách dùng những phương tiện từ ngữ có tác dụng nối để liên kết các câu hay các đoạn trong văn bản lại với nhau theo quan hệ lôgic – ngữ nghĩa: quan hệ bổ sung, quan hệ tương phản, quan hệ nhân - quả, quan hệ thời gian,…

Phương tiện nối kết bao gồm:

- Quan hệ từ: và, còn, nhưng, hay, hoặc là, song, mặc dù, … - Các từ ngữ chuyển tiếp :

+ Những đại từ: vậy, thế,…

+ Những tổ hợp: ngoài ra, vả lại, hơn nữa, mặt khác,…

+ Quan hệ từ + đại từ: do đó, tuy vậy, ấy thế nhưng, không những thế,…

Trong tiểu phẩm Lê Hoàng, chúng tôi thấy tác giả sử dụng rất đa dạng các phương tiện nối kết. Trong đó các liên từ nhưng, còn, và, cho nên được sử dụng phổ biến nhất. Ví dụ:

(164) Cô nhìn lão trong quán cà phê hạng sang. Trong com-lê và cà vạt đắt tiền. Còn tôi có khá nhiều dịp (nhiều hơn là cần thiết) nhìn lão trong quần đùi rộng, trong áo may ô chả hiểu là màu gì.

Và tôi cam đoan rằng, cái tôi nhìn mới là cái thật. Cái cô nhìn là giả. Cô thừa biết thế, chẳng qua cô đang tự dối mình. Cô chê tôi vì tôi chỉ biết rửa bát, nấu cơm. Cô thương tôi vì tôi chỉ chăm chăm lo cái nhà sạch bóng. Nhưng tôi lại thích vậy. Vì đấy là nhà tôi và lão chỉ có nửa phần. (1, 335-336)

Trong ví dụ trên, từ “còn” dùng để chỉ sự nghịch đối giữa cái “tôi nhìn” với cái “cô nhìn”. Từ “nhưng” chỉ sự nghịch đối giữa việc “cô chê” nói ở câu trước với “tôi thích”

trong câu này. Từ “và” nối các đoạn với nhau chỉ sự bổ sung ý nghĩa cho đoạn trước đó. Từ

“vì” là phương tiện nối chỉ nguyên nhân cho câu đứng trước nó.

(165) Em cảm nhận một cách sâu sắc rằng lịch sử không phải chỉ là những gì đã qua, mà còn đang hiện hữu. Lịch sử cũng như điện thoại di động và ti vi, tủ lạnh, đang mang tính toàn cầu.

Cho nên việc em thiếu thốn kiến thức lịch sử Việt Nam, không hề ngăn cản em có được kiến thức sâu rộng về lịch sử đủ thứ, và chuyện em kém cỏi về Trần Hưng Đạo không hề có nghĩa rằng em kém cỏi về Jăng Don Gun. (4, 317)

Ở ví dụ này, từ “cho nên” nêu lên một kết luận được rút ra từ hai câu lập luận ở đoạn trước.

Bên cạnh đó, tác giả còn sử dụng các từ ngữ chuyển tiếp như thứ nhất, thứ hai, vậy, do đó, tóm lại,… liên kết câu, đoạn văn

(166) Em biết anh chả tiếc thân mình. Thứ nhất, thân anh xưa nay cũng chả phải của anh (giống hệt như em vậy). Thứ hai, anh đã được giáo dục rằng thiên đường của chúng ta không phải ở trong chuồng, mà trong cửa hiệu, rồi trong đĩa người xơi.

Do đó, việc bị tai xanh khiến anh đau buồn. Anh sợ rằng bị mất cơ hội cống hiến. Trên đời có nhiều loại cống hiến. Có loại liên tục, có loại một năm xét một lần và có loại cả đời một lần. Anh và em thuộc loại thứ ba. (3, 64)

Các tổ hợp từ “thứ nhất”, “thứ hai” dùng để chỉ quan hệ liệt kê. Từ “do đó” đảm nhiệm chức năng kết tố trong lập luận, thực chất là chỉ điều kiện đã được nêu ở các câu trước.

(167) Bò: Vừa qua, tôi đọc một tờ báo lớn, có bài phê bình một bộ phim cổ trang khá lớn khiến tôi buồn cười quá.

PV: Tại sao thế?

Bò: Tại bài báo được chia làm ba phần: phần đầu khen ngợi cái tâm của của người đạo diễn làm phim, cứ như ông ấy là một hòa thượng của nghệ thuật vậy. Hai phần còn lại, tác giả chê bộ phim rất dở. Tính cách nhân vật không rõ ràng, câu chuyện không có cao trào kịch tính, quá nhiều chi tiết luộm thuộm, dài dòng. Tóm lại, bộ phim không hay. (2, 52)

Ở cuộc trò chuyện này, đại từ “thế” chỉ ý đã nói ở câu trước – bài phê bình phim cổ trang làm bò buồn cười. Từ “tại” là phương tiện nối chỉ nguyên nhân khiến Bò cười. Còn từ

“tóm lại” có tác dụng nối toàn bộ nội dung của các câu trước với điều nói đến sau nó.

Nhìn chung, phép nối là phương thức liên kết được sử dụng phổ biến nhất trong tiểu phẩm Lê Hoàng. Phép nối đã tạo nên sự liên kết chặt chẽ giữa các câu, các đoạn, duy trì sự mạch lạc cho văn bản.

3.1.4.2. Phép tỉnh lược

Tỉnh lược là biện pháp lược bỏ một hay một số thành phần nào đó của một phát ngôn nhằm tránh lặp lại chúng trong các phát ngôn khác. Chính nhờ sự lược bỏ này mà các phát ngôn có quan hệ chặt chẽ với nhau. Trong phép tỉnh lược, yếu tố bị tỉnh lược có thể là bất cứ thành phần nào đó của phát ngôn.

Trong tiểu phẩm Lê Hoàng, phép tỉnh lược được sử dụng phổ biến. Có trường hợp, phép liên kết này được sử dụng trên toàn văn bản. Ví như, ở tiểu phẩm “Chân dung các

“nhà””, tác giả sử dụng câu tỉnh lược với số lượng rất lớn (67/72 câu) nhằm liệt kê, làm nổi bật vấn đề. Dưới đây là chân dung nhà thơ:

(168) Nhà thơ: đầu tóc phải bù xù, ánh mắt phải man dại. Đi lại hơi lảo đảo, có khả năng uống rượu. Sợ sự cô đơn nhưng thích nói về cô đơn. Khinh tiền bạc nhưng hay hỏi vay tiền bạc. Yêu nhiều nhưng khi yêu luôn tìm ra cớ đau khổ. Nhạy cảm, không thích tắm cho lắm. Kẻ thù của quần áo thời trang…” [3, 247]

Phép tỉnh lược được dùng nhiều trong các cuộc phỏng vấn, đối thoại, trò chuyện, nhật kí.

Vì hiện tượng tỉnh lược đã được bàn đến khá kĩ trong chương 2, ở mục 2.2.1.1, nên ở đây chúng tôi không đi sâu vào phân tích các trường hợp tỉnh lược. Nhìn chung, phép tỉnh lược làm cho dung lượng văn bản được rút ngắn lại, các câu được liên kết chặt chẽ với nhau cả về nội dung và hình thức.

3.1.4.3. Phép lặp từ vựng

Để đảm bảo tính liên kết chủ đề cho văn bản, nghĩa là các câu phải cùng hướng tới việc thể hiện một chủ đề cho trước, thì biện pháp đơn giản nhất là lặp từ vựng. Theo Trần Ngọc Thêm, “phép lặp từ vựng là một dạng thức của phương thức lặp mà ở đó chủ tố và lặp tố là những yếu tố từ vựng (từ thực, cụm từ).” [47, tr.88]

Trong tiểu phẩm Lê Hoàng, phương thức này được sử dụng khá phổ biến nhằm duy trì chủ đề của văn bản. Ví dụ:

(169) Chuyện Đẹp với người này mà không Đẹp với người kia là chuyện thường trong xã hội. Tất nhiên thiên hạ đều muốn đấu tranh hướng đến vẻ đẹp chung, hoặc đấu tranh để cái đẹp của riêng mình được công nhận là chung, (trong đấu tranh như thế, cũng chả từ thủ đoạn nào!). Tuy nhiên, xét cho cùng, sự phong phú, khác nhau, thậm chí xung đột nhau của cái đẹp là một ưu điểm. Nó khiến cho Đẹp đa dạng, Đẹp nhiều màu sắc và… ai cũng có thể sắm được Đẹp cho mình. Ai cũng có khả năng Đẹp trên phim, Đẹp trong lao động, Đẹp lúc đang tắm hoặc Đẹp lúc ra tòa. (2, 211)

Ở ví dụ này, để luận bàn về cái đẹp, tác giả đã lặp đi lặp lại từ đẹp đến lại 12 lần. Phép lặp ở đây không chỉ duy trì chủ đề mà còn nhấn mạnh ý.

Trong tiểu phẩm “lỡ”, để nói về muôn vạn cái lỡ mà con người gặp phải, toàn văn bản đã lặp lại từ “lỡ” đến 34 lần. Dưới đây, chúng tôi xin trích một đoạn tiêu biểu.

(170) Phong trào “lỡ” bắt đầu nổi lên trong cơ quan. Nhiều bữa tiệc, khách mời 20, lại có đến 35 người lỡ tới. Cô tài vụ ôm vài triệu vì lỡ nhầm. Bác giám đốc được xóa tội tham ô vì đã lỡ tiêu. Bà trưởng ban tự nhiên có thêm đứa cháu vì con gái lỡ dại. Ông phó phòng xin phép có bồ nhí vì tuổi đã lỡ làng. Từ lầu trên xuống lầu dưới cơ quan, ai ai cũng hát bài

“Tình lỡ” bằng đủ các giọng:

“Một vầng trăng lỡ đã thôi không theo nhau.

Cuộc tình đã lỡ với bao nhiêu thương đau…”

Ở đây, từ “lỡ” được lặp lại 9 lần với hàm ý mỉa mai, châm biếm sâu sắc.

Trong các cuộc phỏng vấn, đối thoai, phép lặp từ vựng được sử dụng để duy trì nội dung cuộc nói chuyện.

(171) Nhà văn: Ông ơi, ông phải có “tâm” với hiện tượng này chứ?

Ông Đồ: A, “Tâm”, đấy là chữ hiện nay nhiều người đang nói nhất. Cứ theo họ, hình như chữ “Tâm” sắp cứu cả thế gian ấy.

Nhà văn: Không đúng hả ông?

Ông Đồ: không đúng. Theo tôi, tâm của con người, khéo cũng không hơn gì tâm con gà mái. Gà mái cả đời hiền lành, cả đời chịu đựng, cả đời đẻ trứng và đâu có hại ai.

Nhưng tâm dày đặc như thế cũng không làm cho gà mái thoát cảnh vào nồi hoặc treo lủng lẳng trong tiệm phở.

Nhà văn: Có nghĩa là?

Ông Đồ: Có nghĩa là chữ “Tâm” có thể là một điều kiện cần, nhưng chưa đủ.

Rất nhiều sản phẩm và hành động phục vụ hàng triệu người không xuất phát từ “Tâm” mà từ nhiều lý do cao quý khác. Vậy đề cao “Tâm” một cách thái quá đâu phải là hay ho. (2, 192)

Ở ví dụ này, chữ “Tâm” là yếu tố được nhà văn và ông Đồ mang ra phân tích, mổ xẻ, bình luận. “Chữ Tâm” được lặp lại 9 lần, đó là từ chủ đề trong cuộc trò chuyện này.

Nhìn chung, phép lặp từ vựng được tác giả sử dụng rất khéo léo, góp phần quan trọng trong việc nhấn mạnh ý, duy trì chủ đề, nội dung của tác phẩm.

Một phần của tài liệu đặc điểm sử dụng ngôn ngữ trong tiểu phẩm của lê hoàng (Trang 72 - 75)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)