CHƯƠNG 3. NHỮNG ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ QUAN HỆ NGOẠI
3.4. Triển vọng quan hệ ngoại giao Mỹ - Thái Lan
Sau Chiến tranh lạnh, Thái Lan vẫn được coi là một nước bạn bè truyền thống cần níu giữ, chi phối củ Mỹ. Chính quyền Mỹ đã giành cho Thái Lan được hưởng quy chế tối huệ gốc trong thương mại song phương bởi vì dưới con mắt người Mỹ, đây vẫn là một trong những nơi lý tưởng ở Đông Nam Á để Mỹ tiếp tục “khuyếch trương dân chủ” quảng bá cho giá trị của Mỹ ở toàn khu vực.
Trước sau, Mỹ vẫn coi Đông Nam Á là khu vực chiến lược quan trọng trong việc thực hiện chiến lược toàn cầu của mình. Sự thay đổi tình hình thế giới nói chung, của khu vực Đông Nam Á nói riêng, khiến cho Mỹ phải điều chỉnh thái độ, chính sách đối với Đông Nam Á nói chung và Thái Lan nói riêng vẫn dựa trên cơ sở của một nước lớn, có vai trò “lãnh đạo thế giới”[1;
265] của mình và không bao giờ “quên” vị trí quan trọng của Đông Nam Á - cứ điểm quan trọng trong chiến lược toàn cầu, một trong những mắt xích trọng tâm trong chiến lược châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ. Vì vậy, nội dung điều chỉnh chính sách của Mỹ đối với Đông Nam Á bao gồm những điểm chủ yếu sau:
Thứ nhất, xác lập ưu thế của Mỹ ở Đông Nam Á, trong quá trình hợp tác có điều kiện và đấu tranh với các cường quốc khác đang vươn thế lực hùng mạnh của họ đến khu vực này. Trước hết là Trung Quốc, Nhật Bản, Nga. Mục tiêu của Mỹ trong việc thực hiện chiến lược toàn cầu Ở khu vực Đông Nam Á là khống chế Nhật Bản, kiềm chế Trung Quốc, kiểm soát vùng Đông Nam Á để giành ưu thế địa - chiến lược ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Thứ hai, đảm bảo an ninh và thông suốt của tuyến đường vận chuyển trên biển ở Đông Nam Á - nơi giao nhau của hai tuyến giao thông trên biển quan trọng nhất trên thế giới, phía Đông và phía Tây nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, phía Nam và phía Bắc nối liền với Ôxtrâylia và Niudilân, Đông Bắc Á với nhau.
Thứ ba, tuy cải thiện và điều chỉnh mối quan hệ với các nước ở Đông Nam Á, song Mỹ cũng có sự “phân biệt đối xử” với các quốc gia, thành viên ASEAN , những nước thân thiết như Thái Lan, Philippin … Những nước vẫn dè chừng như Việt Nam, Lào …. Những nước phải đấu tranh như Myanma….
Sự phân biệt đối xử này đã ảnh hưởng rất lớn tới các nước cụ thể trong đó quan hệ ngoại giao Mỹ - Thái cũng có những tác động nhất định.
Thứ tư, Mỹ tự cho phép mình có quyền nhận xét, phê phán về các vấn đề dân chủ, nhân quyền của các nước Đông Nam Á, cũng như mọi nước trên thế giới mà không xem đó là “sự can thiệp vào nội tình nước khác”. Bởi vì, Mỹ bao giờ cũng gia sức lấy mô hình dân chủ tự do, nhân quyền của Mỹ để cải tạo các nước Đông Nam Á cũng như các nước khác trên thế giới.
Những đặc điểm điều chỉnh trong chính sách của Mỹ ở Đông Nam Á trên cộng với chính sách ngoại giao “ngọn tre” mà Thái Lan tiếp tục thực hiện đã mở ra một triển vọng mới trong quan hệ ngoại giao Mỹ - Thái.
Quan hệ Thái - Mỹ đã được hình thành cách đây 180 năm, quan hệ hai nước đạt tới đỉnh cao bằng cuộc chuyến thăm Mỹ của cựu thủ tướng Thaksin và diễn ra cuộc hội đàm giữa thủ tướng Thaksin với cựu tông thống Mỹ George Bush vào tháng 6 - 2003. Thaksin đã thuyết phục Chính quyền Bush cùng ngồi vào đàm phán Hiệp định thương mại tự do song phương và đưa Thái Lan trở thành “đồng minh phi NATO”, đổi lại Thái sẽ cử người (chủ yếu các nhân viên y tế, hậu cần) tham gia vào các cuộc chiến tại Apganixtan và Irắc. Thái Lan cũng tham gia Sáng kiến An ninh.
Gần đây là chuyến công du Đông Nam Á trong 3 ngày (từ ngày 18 - 11 đến 20 - 11 - 2012) của tổng thống Mỹ Barack Obama. Tại Băng Cốc, ông và thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã tái khẳng định các mối quan hệ chặt chẽ giữa 2 nước. Sau khi đi thăm một tu viện hoàng gia và biểu tượng của Phật giáo và văn hóa của Thái Lan, Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Hillary Clinton đã đến một bệnh viện ở Băng Cốc để thăm Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej đang đau yếu. Quốc vương Thái Lan, năm nay 85 tuổi, là người có ảnh hưởng mạnh mẽ đoàn kết nhân dân Thái trong nhiều thập niên, trải qua những biến động chính trị, trong đó có vụ đảo chính của quân đội và vụ khủng hoảng chính trị năm 2010. Sau cuộc hội đàm, Tổng thống Obama và Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã mở cuộc họp báo để nói về các mối quan hệ ngoại giao trong gần 180 năm nay giữa 2 nước, cũng như tái khẳng định các mối quan hệ sâu đậm về an ninh, kinh tế, và chính trị.
Nhận định về mối quan hệ ngoại giao Mỹ - Thái Lan trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao Thái Lan cho rằng hiện mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước đã phát triển vững mạnh, hai nước đã trở thành đồng minh, đối tác của nhau và sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ ngoại giao trong thời gian tới.
Về phía Mỹ, phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược tại thủ đô Washington, ông Campbell nói rằng, Mỹ muốn can dự với Thái Lan nhiều hơn. Theo ông Campbell, là một đồng minh chiến lược, Mỹ cần quan tâm nhiều hơn đến Thái Lan
Nhìn chung, nếu tình hình hiện nay không có gì thay đổi đáng kể, trong vài thập kỷ tới mối quan hệ ngoại giao Mỹ - Thái Lan vẫn tiếp tục được củng cố và phát triển và nó phụ thuộc vào mục tiêu chiến lược mang tính tương lai của mỗi bên. Đối với Thái Lan, nhìn chung đã đa dạng hóa các mối quan hệ nhưng rất coi trọng mối quan hệ với Mỹ. Cả Mỹ và Thái Lan đều cần nhau để
đảm bảo lợi ích của mình. Mỹ cần Thái Lan để thực hiện mục tiêu chiến lược toàn cầu, duy trì sự ảnh hưởng của mình ở khu vực Đông Nam Á. Đối với Thái Lan muốn nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế thì việc củng cố và phát triển quan hệ với Mỹ là sự lựa chọn không chỉ mang tính kế thừa mà còn phù hợp với những biến đổi của môi trường quốc tế. Một chính sách ngoại giao biết tận dụng sức mạnh của nước lớn mà vẫn giữ được sự tự chủ trong mối quan hệ đối nội và đối ngoại sẽ giúp Thái Lan vững bước hơn trong quá trình hội nhập và phát triển.
Triển vọng trong quan hệ ngoại giao Mỹ - Thái còn phụ thuộc nhiều vào diễn biến của tình thế giới và khu vực cũng như sự tính toán của bản thân hai nước. Đặc biệt là sự nóng lên về vấn đề biển Đông ở Đông Nam Á trong quan hệ quốc tế hiện nay. Có thể khẳng định, bất chấp những khó khăn và những tính toán khác nhau trong lợi ích của hai nước trong quá trình hợp tác, quan hệ ngoại giao Mỹ - Thái Lan khó có thể đi đến việc hủy bỏ. Đối với hai bên việc tiếp tục duy trì và phát triển mối quan hệ rõ ràng là sự lựa chọn tốt hơn cả. Chúng ta có thể dự báo xu thế chủ đạo của quan hệ ngoại giao Mỹ - Thái Lan trong tương lai là tiếp tục quan đồng minh, vừa hợp tác vừa phát triển dựa vào lợi ích quốc gia. Nhưng bên cạnh đó vẫn tồn tại những khó khăn nhưng không ảnh hưởng lớn đến quan hệ của hai nước.