TRƯỜNG VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Chương 7: GIỚI THIỆU MÔ HÌNH VAC
VIII. Một số kỹ thuật xử lý chất thải trong VAC
3. Phương pháp sử dụng phân hóa học và thuốc trừ sâu
Phân hóa học:
• Ba chất chính cần cung cấp là đạm, lân và kali. Đạm giúp cho cành lá non phát triển mạnh, vì vậy trong giai đoạn đầu khi cây còn non cần bón nhiều đạm. Lân giúp cho rễ phát triển, cây sai quả, ít rụng, chín sớm.
Kali cho quả ngọt, củ lớn đồng thời giúp cho cây tăng khả năng chống chịu sâu bệnh. Trên thị trường, phân đạm, lân, kali có thể ở dạng trộn sẵn gọi là phân NPK hoặc ở dạng tách biệt.
• Đối với phân NPK, tùy theo từng loại cây, giai đoạn bón chọn tỉ lệ khác nhau.
• Đối với dạng tách biệt nên bón lót toàn bộ phân lân; phân đạm để bón thúc, phân kali bón lúc ra hoa và quả trưởng thành.
Trong việc bón phân, phân hữu cơ là chủ yếu. Phân hữu cơ có tác dụng lâu bền, ngoài việc cung cấp các chất màu cho cây, còn đem lại chất mùn làm cho đất tơi xốp, thoáng khí và cung cấp chất vi lượng. Phân hóa học dùng để bón thúc, bón bổ sung vì phân hóa học dễ tiêu, tác dụng nhanh; nếu bón nhiều, bón không đúng phương pháp sẽ có tác dụng xấu đến cây trồng.
Phương pháp bón phân hóa học cho một số cây trồng chính:
+ Cây lúa:
Đối với cây lúa, bón tỉ lệ N : P : K thường là 1 : 2 : 1, tức là tỉ lệ nguyên chất của đạm, lân, kali là: 1 phần đạm, 2 phần lân và 1 phần kali, thường thường bón từ 70-100 kg N; 150-200 kg P2O5; 70-100 kg K2O, tức là 7-10 kg urê, 15-20 kg lân supe, 7-10 kg kali clorua (kali đỏ) trên một sào Bắc Bộ (360 m2). Tùy mùa vụ, chất đất mà lượng bón có thể xê dịch nhưng cách bón vẫn theo qui trình :
• Phân lân bón lót toàn bộ cùng với 300-500 kg phân chuồng.
• Phân đạm chia làm 3 đợt: đợt 1 bón sau cấy 10-15 ngày kết hợp làm cỏ đợt 1; đợt 2 bón sau cấy 20-25 ngày kết hợp làm cỏ đợt 2; đợt 3 bón khi lúa ở giai đoạn đòng đòng.
• Phân kali cũng chia làm 3 đợt, đợt 3 bón chậm hơn bón đạm đợt 3 từ 5- 10 ngày, đặc biệt những ngày âm u, ít nắng nên bón kali để cây cứng, lá đứng, tăng khả năng quang hợp, chống chịu sâu bệnh.
+ Cây rau (cải bắp, xu hào)
Phân chuồng đã ủ hoai trộn với phân lân và bón thành từng hốc, sau lấp đất lại và trồng cây lên trên tránh cây rau tiếp xúc trực tiếp vào phân gây xót rễ chết cây. Phân đạm hòa nước loãng tưới gần gốc với tỉ lệ 1 %, tưới làm nhiều đợt kết hợp với xới xáo làm cỏ, lượng bón (phân chuồng 400-600 kg, phân lân 15- 20 kg, phân kali 5-10 kg, phân đạm 10-15 kg trên một sào Bắc Bộ 360 m2).
+ Cây cam, chanh, quýt:
Bảng 3. Lượng phân bón cho 1 cây cam trong 1 năm
Phân hóa học Tuổi cây (năm) Phân chuồng (kg)
Urê Supe lân Kali sunfat 1
1 3 4 5-6 7-10
20 25 30 40 50 50
0,4 0,6 0,8 1,0 1,2 1,4
0,8 1,0 1,2 1,5 1,7 2,0
0,3 0,4 0,5 0,6 0,7 0,8
Một năm bón làm 3 đợt :
• Đợt 1: Bón vào tháng 11-13 dương lịch. Sau khi thu hoạch quả để cây hồi sức, phát triển cành mẹ, bón 100 % phân chuồng ủ với 50 % supe lân và 40 % urê.
• Đợt 2: Bón vào tháng 1, tháng 2 dương lịch: 50 % lân + 30 % urê + 50 % kali; chủ yếu để phân hóa mầm hoa.
• Đợt 3: Bón vào tháng 4 dương lịch: 30 % urê + 50 % kali, chủ yếu để chống rụng quả và phát triển quả.
Đối với phân chuồng: cuốc rãnh sâu 30-40 cm hình vành khăn theo đường chiếu của mép ngoài tán cây, bón phân rồi lấp đất.
Đối với phân hóa học: vãi phân đều theo hình chiếu của mép ngoài, xới, lật đất để lấp phân. Nếu trời hanh khô thì tưới nước.
+ Cây dứa
Đạm ảnh hưởng nhiều đến sản lượng quả, nhưng bón nhiều sẽ làm cho phẩm chất quả kém, ăn nhạt. Dứa rất cần kali, ngay khi cây còn nhỏ cũng cần kali hơn đạm, tỉ lệ đạm/kali thường là 1/1,5. Dứa cũng cần nhiều lân.
Tỉ lệ bón bình quân cho một cây trong một vụ thu hoạch là 8 gam đạm nguyên chất, 4 gam lân nguyên chất và 13 gam kali nguyên chất.
Từ khi trồng đến khi thu hoạch vụ đầu ngoài bón lót còn bón thúc đạm và kali 3 lần, mỗi lần bón 1/4 lượng bón cả vụ. Sau khi trồng 2-3 tháng bón thúc lần đầu, các lần sau cách 2-3 tháng.
Cách bón: Xới nông 2 bên hàng kép, cách nhau 15-20 cm, bón xong lấp đất; có thể bón đạm và kali vào nách lá sát gốc hoặc pha urê phun lên lá (không dùng sunfat đạm).
* Xử lý ra hoa:
Ở miền Bắc dứa ra hoa tự nhiên vào tháng 2-3 dương lịch, thu hoạch sớm vào tháng 5 và chậm hơn vào tháng 6. Để rải vụ thu hoạch có thể dùng các chất kích thích sinh trưởng như 2,4 D, NAA, đất đèn (ở nước ta phổ biến dùng đất đèn). Cứ 1 lýt nước cho 3-4 gam đất đèn, lắc cho đất đèn tan rồi dùng gáo dội vào nõn dứa (một lýt dùng cho 20 cây).
* Một số điểm kỹ thuật cần lưu ý :
• Dung dịch phải mát.
• Xử lý lúc trời râm mát, mùa hè sáng từ 5-8 giờ sáng, chiều từ 4-7 giờ;
mùa đông từ 6-9 giờ sáng, chiều từ 3-6 giờ.
• Xử lý xong, 2-3 giờ sau không có mưa mới đạt kết quả.
• Xử lý 2 lần liên tiếp cách nhau 1-2 ngày.
• Sau khi trồng 8-13 tháng thì xử lý.
Tùy thời kỳ xử lý mà sau một thời gian từ 30-70 ngày dứa sẽ ra hoa.
Thuốc trừ sâu hóa học:
* Phải áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp (IPM).
• Chọn giống tốt, có sức chống chịu sâu bệnh khá, không trồng cây có bệnh hoặc lấy cành chiết, mắt ghép từ cây có bệnh.
• Vệ sinh cây trồng, áp dụng biện pháp luân canh, xen canh.
• Nên sử dụng phân bón hữu cơ (phân chuồng, rác, biogas).
• Kết hợp nuôi vịt trong ruộng lúa.
• Diệt cỏ dại và côn trùng bằng tay nếu có thể.
• Dùng thuốc BVTV có nguồn gốc tự nhiên:
o Hạt, lá nem diệt được ấu trùng của côn trùng ăn rau, cây cảnh.
o Cây thuốc cá hay lá bình bát giã nhỏ diệt được rầy xanh hại lúa.
* Trước khi thu hoạch sản phẩm 10-15 ngày tuyệt đối không phun thuốc trừ sâu hóa học.
* Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động: không phun thuốc lúc mệt mỏi, trời nắng;
không ăn uống, hút thuốc khi làm việc; có bảo hộ lao động đầy đủ (găng tay, kính đeo mắt, khẩu trang…), không để thuốc tiếp xúc với da.
* Tuyệt đối chấp hành Quyết định số 208/NN-BVTV-QĐ ngày 16/7/1991 về danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam và Quyết định số 23/BVTV-KHKT/QĐ ngày 20/1/1992 ban hành danh mục thuốc bảo vệ thực vật hạn chế và cấm sử dụng ở Việt Nam.
* Sử dụng thuốc trừ sâu hóa học phải tuân thủ Pháp lệnh bảo vệ-kiểm định thực vật và chỉ được sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật được Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn cho phép.
* Các thuốc BVTV hạn chế và cấm sử dụng:
• Các thuốc thuộc nhóm clo hữu cơ: DDT, 666, Aldrin, Endrin, Heptachlor…
• Các thuốc thuộc nhóm lân hữu cơ: ethyl parathion; các thuốc có chứa cadimi (Cd), chì, asen (As), thủy ngân (Hg), selen (Se),…