CHƯƠNG 2: TỔNG QUAN CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN
2.3. Những vấn đề lý luận và thực tiễn cần tiếp tục nghiên cứu
Phát triển HTBL là một trong những vấn đề quan trọng trong tiến trình phát triển của mỗi một nền kinh tế, do đó đã thu hút được sự quan tâm nghiên cứu của các nhà quản lý, nhà khoa học trong và ngoài nước. Đối với các công trình nghiên cứu ở nước ngoài, về cơ bản, các công trình nghiên cũng đã đề cập đến hoạt động bán lẻ trên nhiều khía cạnh và lĩnh vực. Có những công trình đề cập đến các vấn đề mang tính tổng quan, khái quát về ngành bán lẻ nói chung như vị trí, vai trò, chức năng, loại hình, xu hướng… trong phát triển ngành bán lẻ. Có công trình, bài viết chuyên sâu nghiên cứu về các nền kinh tế mới nổi trước sự xâm nhập của các Tập đoàn bán lẻ xuyên quốc gia hàng đầu thế giới trên một số phương diện như quá trình hoạt động của các tập đoàn bán lẻ xuyên quốc gia, sức ảnh hưởng của các tập đoàn này đối với thị trường nội địa…. Ngoài ra, có những công trình khoa học nghiên cứu về ngành bán lẻ của một quốc gia cụ thể như Malaixia, Inđônêxia, Thái Lan...
Đối với các công trình nghiên cứu trong nước về bán lẻ, các công trình tập trung nghiên cứu vào bốn nhóm cơ bản như sau: nhóm công trình nghiên cứu về hệ thống phân phối nói chung, nhóm công trình nghiên cứu về các hình thức bán lẻ và các nhân tố tác động đến hoạt động của HTBL, nhóm công trình nghiên cứu về vai trò quản lý của Nhà nước trong phát triển HTBL cũng như kinh nghiệm phát triển HTBL của một số nước trên thế giới… Nhìn chung nhóm công trình đi sâu nghiên cứu về hệ thống phân phối đã khái quát các vấn đề lý luận về sự phát triển của hệ thống phân phối, phân tích bức tranh toàn cảnh hệ thống phân phối Việt Nam, đưa ra các giải pháp và khuyến nghị đối với sự phát triển của hệ thống phân phối. Đồng thời, nhóm công trình nghiên cứu chuyên sâu về các hình thức tổ chức bán lẻ (đặc biệt là một số loại hình bán lẻ văn mình, hiện đại) cũng đã khái quát được các vấn đề lý luận cơ bản về các loại hình bán lẻ này, phân tích thực trạng phát triển, chỉ ra những hạn chế và nguyên nhân cũng như đề xuất một số giải pháp phát triển các loai hình bán lẻ… Đối với nhóm công trình nghiên cứu về các nhân tố tác động và môi trường hoạt động của HTBL cùng các chính sách của Nhà nước trong phát triển HTBL ở Việt Nam cũng ít nhiều đưa ra được các nhân tố tác động đến HTBL như chính sách phát triển dịch vụ phân phối bán lẻ của nhà nước, môi trường kinh doanh, hành vi mua sắm của người tiêu dùng... Ngoài ra, một số công trình đã nghiên cứu thực trạng phát triển của HTBL
Việt Nam trên một số khía cạnh như tốc độ tăng trưởng, quy mô, năng lực cạnh tranh của các DNBL…trong một vài năm cụ thể cũng như tìm hiểu về kinh nghiệm phát triển HTBL ở một số quốc gia khác trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan… Như vậy, thực trạng phát triển ngành bán lẻ cùng chính sách quản lý của Nhà nước đối với hoạt động bán lẻ và dịch vụ phân phối bán lẻ đã được các công trình trên ít nhiều đề cập đến cũng như đưa ra một số giải pháp từ phía nhà quản lý nhằm phát triển hơn nữa ngành bán lẻ và hoàn thiện chính sách phát triển dịch vụ phân phối bán lẻ Việt Nam trong thời gian tới. Các công trình nghiên cứu, bài báo trên đã phân tích khái quát môi trường hoạt động của người bán lẻ, đồng thời một số công trình đã chỉ rõ được những khó khăn thách thức mà các nhà bán lẻ Việt Nam gặp phải khi Việt Nam trong thời kỳ HNKT quốc tế. Nhìn chung, các công trình trên hầu hết chỉ đề cập ở một vài khía cạnh phát triển của ngành bán lẻ.
Thông qua việc khái quát các công trình khoa học nghiên cứu về đề tài bán lẻ trong và ngoài nước có thể thấy khoảng trống trong nghiên cứu về bán lẻ chính là chưa có công trình nghiên cứu nào đánh giá sâu và đầy đủ về những vấn đề lý luận cơ bản của phát triển HTBL, nội dung phát triển HTBL trong bối cảnh hội nhập. Cũng như chưa có công trình nghiên cứu nào phân tích đánh giá thực trạng phát triển của toàn bộ HTBL Việt Nam trong thời kỳ HNKT quốc tế (từ 2007 đến nay), đánh giá mặt tích cực, những hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế. Đồng thời cũng chưa có công trình nghiên cứu nào tìm hiểu và đưa ra các giải pháp nhằm phát triển HTBL Việt Nam theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bán lẻ, tăng cường khả năng liên doanh liên kết giữa các doanh nghiệp bán lẻ trong nước trước sự xâm nhập của các tập đoàn phân phối hàng đầu thế giới, hướng tới việc phát triển HTBL theo hướng văn minh, hiện đại trên cơ sở kế thừa những yếu tố truyền thống trong bối cảnh HNKT quốc tế.
Từ những khoảng trống nghiên cứu trên, Luận án sẽ tập trung nghiên cứu vào các vấn đề lý luận cơ bản của phát triển HTBL bao gồm: một số khái niệm cơ bản về HTBL và phát triển HTBL, vai trò của HTBL, những nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển HTBL trong bối cảnh hội nhập. Đặc biệt, Luận án sẽ tập trung tìm hiểu các nội dung phát triển HTBL trong điều kiện HNKT quốc tế cũng như đưa ra các tiêu chí để đánh giá sự phát triển của một HTBL trong bối cảnh mới. Trên cơ sở khung lý thuyết
đã đưa ra về phát triển HTBL trong bối cảnh hội nhập, Luận án sẽ tiếp tục đánh giá sự phát triển của HTBL Việt Nam cả về nội dung, chất lượng và cơ cấu phát triển của HTBL Việt Nam thông qua các tiêu chí đã đưa ra về quy mô và tốc độ tăng trưởng của HTBL, sự phát triển của các loại hình bán lẻ trong HTBL Việt Nam, mạng lưới của HTBL, năng lực cạnh tranh của các DNBL Việt Nam, khả năng liên kết, năng lực khai thác nguồn hàng hóa, sức mua và giá cả trong bối cảnh hội nhập. Từ những phân tích đánh giá về thực trạng phát triển của HTBL Việt Nam trong thời gian qua, Luận án sẽ đưa ra một số đề xuất, kiến nghị các nhóm giải pháp nhằm tiếp tục phát triển HTBL Việt Nam trong bối cảnh hội nhập KTQT trong thời gian tới. Đó là bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới với việc tích cực đẩy nhanh quá trình hoàn thiện một nền kinh tế thị trường đầy đủ, việc thành lập cộng đồng Kinh tế chung ASEAN (AEC) năm 2015, việc mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ trong năm 2015 theo các cam kết đã ký khi gia nhập vào WTO, cùng với việc tiến hành thực hiện các cam kết đa phương và song phương khác trong hiệp định TPP ký kết với các nước…
Chương 3
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG BÁN LẺ THỜI KỲ HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ
3.1. Một số khái niệm cơ bản, vai trò, nội dung và tiêu chí đánh giá sự phát triển của hệ thống bán lẻ trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế
3.1.1. Một số khái niệm cơ bản về hệ thống bán lẻ, phát triển hệ thống bán lẻ và các loại hình tổ chức bán lẻ
3.1.1.1. Khái niệm về hệ thống bán lẻ và phát triển hệ thống bán lẻ a. Khái niệm bán lẻ và hệ thống bán lẻ
Quá trình tái sản xuất xã hội, theo nghĩa rộng, bao gồm 4 khâu: sản xuất – phân phối – trao đổi – tiêu dùng. Các khâu này có quan hệ mật thiết với nhau, trong đó sản xuất là khâu cơ bản đóng vai trò quyết định, các khâu khác phụ thuộc vào sản xuất, nhưng chúng có tác động trở lại đối với sản xuất cũng như ảnh hưởng lẫn nhau. Trong quá trình này, phân phối và trao đổi là các khâu trung gian nối sản xuất và tiêu dùng, vừa phục vụ và thúc đẩy sản xuất, vừa phục vụ tiêu dùng. Phân phối là phân phối tổng sản phẩm xã hội và phân phối thu nhập quốc dân và nó được thực hiện dưới các hình thái, phân phối hiện vật và phân phối dưới hình thái giá trị. Như vậy, khi xét phân phối dưới hình thức hiện vật bao hàm trong đó cả phân phối hàng hóa nói chung. Phân phối hàng hóa là quá trình lưu thông hàng hóa từ nhà chế tạo/sản xuất hay nhập khẩu tới các nhà phân phối trực tiếp/các đại lý bán hàng hay các công ty thương mại, các đối tác thu mua tới tay người tiêu dùng/ các khách hàng kinh doanh, các trung gian phân phối. Trong nền kinh tế thị trường, hàng hóa từ người sản xuất đến tay người tiêu dùng phải qua một chuỗi các hoạt động mua và bán và như thế hệ thống phân phối hàng hóa được chia làm hai loại là hệ thống phân phối hàng hóa bán buôn và hệ thống phân phối hàng hóa bán lẻ (HTBL).
Theo Từ điển bách khoa, thì: “Hệ thống” là tập hợp các phần tử có quan hệ hữu cơ với nhau, tác động chi phối lẫn nhau theo các quy luật nhất định để trở thành một chỉnh thể. Từ đó xuất hiện thuộc tính mới gọi là tính trội của hệ thống mà từng phần tử riêng lẻ không có hoặc có không đáng kể. Để nhận biết phần tử ta căn cứ vào
hai đặc trưng là: mỗi phần tử phải có chức năng nhất định, mỗi phần tử có tính độc lập tương đối của nó.
Ngoài ra còn có khá nhiều định nghĩa khác nhau về hệ thống như theo Geoff Spendding (1979) thì “hệ thống là tổ hợp những thành phần có tương quan với nhau, giới hạn trong một ranh giới rõ rệt, hoạt động như một tổng thể cùng chung mục tiêu, có thể tác động qua lại và với môi trường bên ngoài”. Còn theo Von Bertalanffy (1978) và Conway (1984) thì “hệ thống là một tập hợp của những thành phần có tương quan với nhau trong một ranh giới”. Trong businessdictionary.com cho rằng:
“Hệ thống được coi là bao gồm tập hợp các phương pháp, quy trình, và các bước tuần hoàn được xây dựng hoặc hình thành để thực hiện các hoạt động cụ thể hoặc thực hiện một nhiệm vụ hoặc giải quyết một vấn đề khó khăn. Hoặc có thể hiểu hệ thống như là một cấu trúc được tổ chức chặt chẽ, có mục đích được coi như là “một tổng thể” gồm tất cả các thành tố có mối quan hệ và phụ thuộc lẫn nhau (thực thể, các thành tố, các thành viên, và các phần tử…)”. Đồng thời còn có một số định nghĩa khác chú trọng thuộc tính mới thì cho rằng hệ thống là một tập hợp các phần tử có quan hệ với nhau tạo nên một chỉnh thể thống nhất và vận động; nhờ đó xuất hiện những thuộc tính mới, thuộc tính mới được gọi là tính trội. Từ những định nghĩa trên ta có thể thấy hệ thống là một tập hợp có tổ chức các thành phần với những mối liên hệ về cấu trúc và chức năng xác định nhằm thực hiện những mục tiêu xác định.
Như đã thấy, quá trình lưu thông hàng hóa từ khâu sản xuất đến khâu tiêu dùng đã phân hóa hệ thống phân phối thành hệ thống bán buôn và HTBL. Nếu như bán buôn là hình thức bán hàng hóa cùng với dịch vụ kèm theo cho đối tượng là người mua để sản xuất, để bán lại hoặc để tiêu dùng vì mục đích kinh doanh thì bán lẻ là hình thức bán hàng hóa cùng với dịch vụ kèm theo cho người tiêu dùng cuối cùng, trong đó tiêu dùng có tính chất cá nhân – gia đình.
Bán lẻ theo Từ điển Kinh tế thị trường, là hình thức “bán hàng cho người tiêu dùng nhằm thỏa mãn nhu cầu cá nhân của họ, từ đây hàng hóa kết thúc quá trình lưu thông và đi vào lĩnh vực tiêu dùng cá nhân, giá trị hàng hóa được thực hiện đầy đủ”.
Ngoài ra cũng có khá nhiều định nghĩa khác nhau về bán lẻ như: Trong cuốn sách
“Retailing – An Introduction” của R.Cox và P.Brittain, bán lẻ được hiểu là “việc bán các hàng hóa và dịch vụ đến người tiêu dùng cuối cùng vì mục đích cá nhân, gia đình
hoặc việc sử dụng cho các hộ gia đình. Do đó bán lẻ bao gồm trong đó nhiều hơn cả việc bán những sản phẩm hữu hình. Việc sử dụng một dịch vụ như cắt tóc, giặt ủi cũng là một phần của việc bán lẻ” [Roger Cox, 2004, tr.3]. Theo cuốn Từ điển Bách khoa toàn thư mở Wikipedia đưa ra định nghĩa: “Bán lẻ bao gồm việc bán hàng cho cá nhân hoặc hộ gia đình để họ tiêu dùng, tại một địa điểm cố định, hoặc không tồn tại một địa điểm cố định mà qua các dịch vụ liên quan”. Trong Nghị định số 23/2007/NĐ – CP ngày 12/2/2007 của Chính phủ quy định chi tiết Luật thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam lại quy định “Bán lẻ là hoạt động bán hàng hóa trực tiếp cho người tiêu dùng cuối cùng”. Mặc dù đã có nhiều định nghĩa khác nhau về bán lẻ, song tất cả đều có một đặc điểm chung là hoạt động đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng cuối cùng nhằm mục đích phục vụ cho tiêu dùng cá nhân và hộ gia đình.
Như vậy, HTBL chính là tập hợp có tổ chức các thành phần có mối liên hệ chặt chẽ với nhau nhằm thực hiện mục tiêu xác định là đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng cuối cùng để phục vụ cho mục đích tiêu dùng cá nhân và hộ gia đình. Nhìn chung, trong HTBL thường bao gồm các nhân tố tham gia vào hệ thống như nhà sản xuất, đại lý môi giới, người bán buôn, người bán lẻ, người tiêu dùng, … Các nhân tố này liên kết với nhau thông qua hai kênh là kênh phân phối trực tiếp (người sản xuất bán trực tiếp hàng hóa cho người tiêu dùng cuối cùng) và kênh phân phối gián tiếp (hàng hóa được chuyển đến tay người tiêu dùng cuối cùng thông qua các cấp trung gian). Tuy nhiên nhằm giúp HTBL phát triển, bên cạnh việc nỗ lực phát triển của các nhà phân phối bán lẻ thì cũng cần phải kể đến vai trò quản lý, điều hành hệ thống này của Nhà nước ở tầm vĩ mô. Nhà nước với vai trò quản lý vĩ mô phải đảm bảo điều kiện về môi trường kinh doanh để HTBL hoạt động có hiệu quả và ngày càng phát triển. Vai trò quản lý của Nhà nước được thể hiện trong việc bảo đảm môi trường pháp lý thuận lợi cho các DNBL hoạt động có hiệu quả; Xây dựng các chiến lược, quy hoạch, chính sách để định hướng các dòng chảy hàng hóa và dịch vụ trên thị trường;
Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho hoạt động phân phối bán lẻ trong hệ thống; Xây dựng bộ máy quản lý hành chính vĩ mô các hoạt động kinh doanh trên thị trường bán lẻ…
b. Khái niệm phát triển hệ thống bán lẻ
Phát triển là khái niệm dùng để chỉ quá trình vận động của sự vật, hiện tượng theo khuynh hướng đi lên: từ trình độ thấp đến trình độ cao, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện hơn. Như vậy, quá trình phát triển của một sự vật, hiện tượng thường gắn liền với sự biến đổi theo chiều hướng ngày càng tốt hơn, ngày càng hoàn thiện hơn của sự vật, hiện tượng đó ở những trình độ ngày càng cao hơn. Do đó, thuật ngữ phát triển thường được xem như là quá trình biến đổi cả về số lượng và chất lượng, nó là sự kết hợp một cách chặt chẽ quá trình hoàn thiện của các nhân tố bên trong sự vật. Bên cạnh đó, quá trình phát triển luôn mang tính khách quan, tính phổ biến và tính đa dạng phong phú, ở mỗi một lĩnh vực lại có những quá trình phát triển không hoàn toàn giống nhau.
Hoạt động bán lẻ là hoạt động đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng cuối cùng nhằm mục đích phục vụ cho tiêu dùng cá nhân và hộ gia đình. Trong đó HTBL được hiểu là tập hợp có tổ chức các thành phần với những mối liên hệ về cấu trúc và chức năng xác định nhằm thực hiện những mục tiêu xác định là đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng cuối cùng với mục đích tiêu dùng cá nhân và hộ gia đình. Do vậy, phát triển HTBL cũng được xem như là quá trình tăng tiến của hệ thống này theo cả hai chiều hướng là gia tăng về số lượng và cải thiện về chất lượng. Việc gia tăng này sẽ theo chiều hướng ngày càng tốt hơn, hoàn thiện hơn, trình độ cao hơn với mục tiêu cuối cùng là cung cấp hàng hóa đến tay người tiêu dùng một cách tốt nhất trong đó vừa đảm bảo lợi ích của nhà cung cấp, vừa bảo đảm lợi ích của người tiêu dùng vừa phù hợp với xu thế phát triển chung của toàn bộ nền kinh tế quốc gia và xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế trên thế giới.
Nhìn chung, phát triển hệ thống bán lẻ có thể hiểu là hoạt động nhằm giúp cho HTBL vận động theo chiều hướng tốt hơn, từ một HTBL có trình độ thấp đến một HTBL có trình độ cao, từ một HTBL kém hoàn thiện đến một HTBL hoàn thiện hơn.
Hay nói một cách khác là quá trình gia tăng cả về số lượng và chất lượng của hệ thống nhằm giúp các tổ chức, các thành phần với những mối liên hệ về cấu trúc và chức năng vận động theo hướng có trình độ ngày càng cao hơn để thực hiện mục tiêu là đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng cuối cùng. Trong giai đoạn HNKT quốc tế hiện nay thì quá trình phát triển HTBL thường gắn với xu hướng hiện đại hóa các hoạt