Chương 3: TỔNG QUAN ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU
3.2 THỰC TRẠNG CÁC CÔNG VIÊN Ở THÀNH PHỐ CẦN THƠ
Ô nhiễm môi trường do khói, bụi, tiếng ồn... ngày một tăng theo quá trình đô thị hóa của TP Cần Thơ. Sức khỏe, chất lượng sống của người dân khu vực đô thị cũng ít nhiều bị ảnh hưởng từ quá trình trên. Việc xây dựng, bảo vệ và phát triển mạng lưới công viên, cây xanh đang được TP Cần Thơ đặc biệt quan tâm nhằm góp phần tạo môi trường sống trong lành, xây dựng đô thị xanh, thân thiện môi trường.
Theo Sở Xây dựng TP Cần Thơ, tại khu vực trung tâm thành phố hiện có các công viên như công viên Ninh Kiều, công viên Lưu Hữu Phước, công viên tháp biểu tượng tại vòng xoay cồn Cái Khế, công viên Tao Đàn, công viên Đồ Chiểu... góp phần tạo địa điểm sinh hoạt ngoài trời, đáp ứng nhu cầu thư giãn, vui chơi, tập luyện thể dục thể thao của người dân. Đồng thời một số công viên còn là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa - xã hội, nhất là vào các dịp lễ, Tết trong năm. Ngoài các công viên hiện hữu, trên địa bàn còn có các khu trồng cây xanh gắn với các công trình di sản văn hóa, lịch sử như tượng đài Bác Hồ ở bến Ninh Kiều, Bảo tàng thành phố, Bảo tàng Quân khu 9, Đình Bình Thủy, chùa Khánh Quang, mộ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa,... Cây xanh còn gắn liền với các không gian mở (công viên Sông Hậu, cồn Cái Khế, cồn Khương, cồn Ấu, cồn Sơn, cù lao Tân Lộc, Vườn cò Bằng Lăng,...); các khu
dịch vụ, vui chơi giải trí; các khu dân cư và trên các tuyến đường trên địa bàn thành phố.
Ninh Kiều là quận trung tâm thành phố, mật độ dân cư đông đúc, cây xanh chủ yếu chỉ tập trung tại các công viên và các tuyến đường trên địa bàn.
Vì vậy, công tác chăm sóc, duy tu bảo dưỡng công viên, cây xanh được quận quan tâm thường xuyên. Xí nghiệp Công viên cây xanh là đơn vị được Phòng Quản lý đô thị quận Ninh Kiều ký hợp đồng thuê chăm sóc cây xanh-hoa kiểng trong công viên, vỉa hè, tiểu đảo thuộc nội ô quận Ninh Kiều. Hàng tháng đơn vị thực hiện các công tác này theo lịch và yêu cầu của đơn vị chủ quản. Đối với các cây xanh trên các vỉa hè tuyến đường trong nội ô quận Ninh Kiều, đến mùa giông bão, các nhân viên của xí nghiệp thường xuyên đi kiểm tra cây xanh có nguy cơ đổ ngã, tét nhánh để có biện pháp xử lý.
Theo báo cáo kinh tế - kỹ thuật, những hạng mục cũ như gờ bó vỉa hè cũ đã bị lún, nứt, hư hỏng sẽ được phá bỏ để xây mới. Vỉa hè, bồn bông, ghế đá cây xanh cũng được làm mới, san lấp, nâng cao trình công viên lên +2,2m, gắn thêm dụng cụ thể thao để đáp ứng nhu cầu rèn luyện thể dục thể thao của người dân. Các bồn bông được ốp gốm cô tô đỏ, lối đi lát bằng gạch con sâu để tạo vẻ mỹ quan. Nguồn vốn đầu tư được lấy từ vốn kiến thiết thị chính quận Ninh Kiều cho biết quận đang tiến hành cải tạo, sửa chữa công viên Đồ Chiểu (cặp bên UBND TP Cần Thơ) sau một thời gian dài để xuống cấp, không thu hút được nhiều người đến công viên. Được biết việc cải tạo công viên nhằm chỉnh trang đô thị, phục vụ nhu cầu vui chơi, sinh hoạt giải trí của nhân dân.
Tổng mức đầu tư cải tạo trên 1,2 tỉ đồng cho dự án cải tạo công viên Đồ Chiểu.
Các công viên hiện nay đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, cơ sở vật chất như ghế đá bị hư hỏng, vỉa hè bị sụt lún nghiêm trọng, các khu vực hành lang, hàng rào bám đầy rong rêu gây trơn trượt và làm mất mỹ quan của công viên.
3.2.2 Thực trạng tại Công viên Tao Đàn 3.2.2.1 Cơ sở vật chất và hoạt động a) Cơ sở vật chất
Là một trong những công viên tồn tại lâu đời của Cần Thơ, Tao Đàn là công viên thuộc phường Tân An quận Ninh Kiều Thành phố Cần Thơ, tiếp giáp 3 tuyến đường là đường Trần Quốc Toản, Phan Đình Phùng và Đại lộ Hòa Bình, đối diện Bảo tàng thành phố, Bưu điên thành phố, Ngân hàng Agribank và thư viện thành phố, có một vị trí thuận lợi nhưng nằm khá xa các khu dân cư và diện tích công viên còn hạn chế vào khoảng 1500m2 nên thường không thu hút được người dân.
Tại đây, công viên được trang bị khoảng 50-60 băng ghế đá chủ yếu tập trung dọc theo các hành làng, lề đường của công viên thuận tiện cho những người đi đường ghé qua để nghĩ ngơi, ngắm cảnh đường phố, xe cộ qua lại. Về phương diện vệ sinh, nơi đây được bố trí 5-7 thùng rác, tuy nhiên một số thùng rác đã quá cũ kĩ, nứt, bể làm mất mỹ quan, chẳng những vậy tại đây có một đài phun nước nhưng đã ngừng sử dụng, mặt hồ bám rong rêu không được cọ rửa rất mất vệ sinh, mặt đường bị nứt và bám đầy rong rêu gây trơn trượt gây nguy hiểm cho người sử dụng, vào những ngày mưa những cái hố trên mặt đường
khiến cho nước bị ứ đọng tạo nơi cư trú, sinh sôi nảy nở của các loại côn trùng như muỗi, chuột, gián gây mất vệ sinh công viên và nguy hại cho môi trường.
Mặt khác tại đây không có đội ngủ bảo vệ, không có bãi giữ xe nên người dân đến đây chạy vào công viên mà không bị nhắc nhở và phải tự xe cũng như các vật dụng cá nhân của mình. Tuy vậy, nhưng vì công viên tiếp giáp mặt đường và hệ thống chiếu sáng hợp lí nên ít diễn ra các hành vi, hoạt động gây mất trật tự, ảnh hưởng đến xã hội
Tuy là một công viên ngay trung tâm thành phố nhưng dường như vẫn chưa được chú ý và đầu tư đúng mực, nơi đây không có chốt bảo vệ, nhân viên vệ sinh thu gom và quét dọn rác vào mỗi buổi chiều, không có nhân viên chăm sóc, cắt tỉa cây cảnh, cây cối mọc um tùm, một số cành cây bị khô héo rất dễ gãy lại không được cắt, tỉa, quét dọn có thể sẽ rơi trúng vào người dân, rất nguy hiểm nên nơi đây không phải là địa điểm lý tưởng thu hút người dân đến tham quan.
b) Hoạt động tại công viên
Nơi đây được trang bị một tháp đồng hồ lớn ngân vang vào các giờ cố định tô điểm thêm nét đẹp cho thành phố. Ngoài ra, hệ thống cây xanh được trồng bao phủ rộng , mật độ cây xanh nhiều và đa phần là các loại cây kiểng như: hoa giấy, cau kiểng, cọ kiểng,... Và các tuyến đường nhỏ tiếp giáp với công viên vào dịp Tết thường được trang trí đèn lồng với đầy màu sắc tạo khung cảnh đẹp, là nơi tập trung của các Ông đồ viết chữ thư pháp với những lời văn, câu đối rất ý nghĩa, nơi đây còn là nơi lí tưởng để thư giản ngắm nhìn đường hoa nghệ thuật với ánh đèn tạo hình bắt mắt, ngắm nhìn đường phố, xe cộ qua lại, nghỉ ngơi sau những giờ làm việc vất vả, mệt mỏi.
3.2.2.2 Thuận lợi và khó khăn tại công viên a) Thuận lợi
Công viên có vị trí địa lí thuận lợi ngay trung tâm, tiếp giáp các tuyến đường chính của Thành phố, đây là địa điểm thuận lợi để thực hiện các hoạt động quảng cáo, tuyên truyền bằng băng rôn, biểu ngữ.
Chẳng những vậy mật độ bao phủ câu xanh cao, không gian thoáng mát, gần gũi với thiên nhiên, là nơi thích hợp diễn ra các hoạt động chơi chim, đánh cờ,…
Số lượng ghế đa tương đối nhiều, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân.
Ngoài ra, công viên được xây dựng cao hơn mặt đường khoảng 50-70cm nên vào các mùa nước lũ công viên vẫn khô ráo, sạch sẽ.
b) Khó khăn
Diện tích công viên còn hạn hẹp mà mật độ cây xanh nhiều khiến cho khoảng không gian trong công viên bị hạn chế, không thu hút được các dịch vụ thương mại cũng như không thể tổ chức các sự kiện, hoạt động lớn của thành phố.
Ví trí công viên cách xa khu dân cư nên vào những buổi sáng sớm, các hoạt động thể dục, thể thao diễn ra tại đây thường rất ít, nhỏ lẻ.
Người dân đến đây chủ yếu bằng xe máy nhưng lại không có bãi gửi xe, cơ sở vật chất đã xuống cấp, chậu hoa, bồn cây sức mẻ làm mất đi nét đẹp của công viên.
3.2.3 Thực trạng tại Công viên Đồ Chiểu 3.2.3.1 Cơ sở vật chất và hoạt động
a) Cơ sở vật chất
Là một công viên nằm trong trung tâm thành phố, công viên Đồ Chiểu thuộc phường An Hội quận Ninh Kiều thành phố Cần Thơ. Có vị trí địa lí thuận lợi tiếp giáp ba con đường: Nguyễn Đình Chiểu, đường Ngô Hữu Hạnh và đại lộ Hòa Bình và cũng là nơi tiếp giáp giữa đại lộ này với đường Nguyễn Trãi, đối diện với công viên là cầu Ninh Kiều, và Ủy ban Nhân dân Thành phố Cần Thơ.
Trước đây, bề mặt khuôn viên vị sụt lún, xuống cấp nghiêm trọng. Từ cuối năm 2012 công viên đã được xây dựng và cải tạo, hiên nay công viên với cơ sở vật chất còn mới, sạch sẽ, thoáng mát, có bảo vệ canh giữ hằng ngày khiến cho người dân khi đến đây cảm thấy yên tâm hơn.
Vì diện tích công viên khá nhỏ vào khoảng 1000m2 với các thiết chỗ ngồi được xây vào hành lang, các khu vực cây kiểng, thảm cỏ cũng thu hẹp lại tiết kiệm diện tích. Ngoài ra, nơi đâycòn được lắp mới khoảng 12 máy tập thể dục phục vụ cho người dân, tạo nên một môi trường sống lành mạnh. Đây là một nét mới của công viên rất được người dân ủng hộ. Tuy vậy số lượng máy tập còn chưa nhiều, chưa đáp ứng được hết nhu cầu của người dân nơi đây.
Công viên nằm gần khu chung cư, trường học, nên nơi đây cũng là nơi tập thể dục lí tưởng của người dân, là nơi nghĩ ngơi của học sinh sau những giờ học căng thẳng.
Nơi đây có những quy định về công viên nơi đây như để biển cấm xe chạy vào công viên nhưng lại không có bãi giữ xe nên sự yên tâm của người dân về độ an toàn chưa cao, người dân phải tự giữ xe của mình gây hạn chế trong việc tạo cảm giác an toàn, thoải mái cho người dân. Nơi này có mật độ phủ xanh tương đối nhiều, có hàng cây to, lớn trồng dọc theo lối đi mang lại môi trường trong lành, mát mẻ cho người dân.
b) Hoạt động:
Vì diện tích nhỏ hẹp nên nơi đây rất hiếm khi diễn ra các hoạt động của thành phố, chủ yếu là các hoạt động tập thể dục thể thao, các câu lạc bộ dưỡng sinh, các hoạt động nghỉ ngơi thư giản, nơi vui đùa của trẻ em tại các khu nhà ở lân cận.
3.2.3.2 Thuận lợi và khó khăn a) Thuận lợi:
Vị trí công viên thuận lợi, nằm ngay trung tâm thành phố, gần các tụ điểm khu dân cư nên thu hút nhiều người dân.
Không khí trong lành thoáng mát, có các dụng cụ tập thể dục làm cho công viên trở nên hữu ích và có nhiều công dụng hơn.
Có đội ngũ bảo vệ và nhân viên thường xuyên quét dọn đảm bảo vệ sinh và an ninh trong công viên.
b) Khó khăn:
Diện tích công viên hạn hẹp nên không thể diễn ra các hoạt động ngoài trời của thành phố. Và vì lí do đó nên không có các hoạt động thương mại diễn ra trong công viên. Diện tích công viên nhỏ nên cũng không có bãi xe, gây khăn trong việc di chuyển.
3.2.4 Thực trạng công viên Văn hóa Miền Tây 3.2.4.1 Cơ sở vật chất và hoạt động.
a) Cơ sở vật chất:
Công viên Văn hóa Miền Tây là công viên có diện tích rất lớn 180.000m2 nằm trên hai tuyến đường Nguyễn Đệ và Cách Mạng tháng Tám thuộc phường An Thới quận Bình Thủy thành phố Cần Thơ.
Trước đây, công viên được đánh giá là một công viên có cảnh quan thiên nhiên đẹp và thân thiện với môi trường, có cây xanh, ao hồ và các công trình nhân tạo đồ sộ, là nơi tập trung vui chơi, tổ chức các sự kiện lớn, các chương trình nghệ thuật, biểu diễn xiếc của thành phố…Tuy nhiên, các năm trở lại đây công viên ít được sử dụng, mặt bằng công viên dường như được tận dụng để cho thuê nhà kho, nhà hàng,… của các công ty khác. Công viên hiện nay bắt đầu khai thác khu vui chơi dành cho trẻ em với số lượng thiết bị máy móc trò chơi khá đa dạng. Kế bên khu vui chơi là hồ nước nhân tạo khá lớn, giúp cảnh quan trở nên trong lành, mát mẻ hơn, hệ thống công viên dọc hồ nước để câu cá và ngắm cảnh, uống cà phê rất lí tưởng và được người dân ưu chuộm.
Tại đây, tình trạng chiếm dụng, sử dụng đất công viên không đúng mục đích như tổ chức nhà hàng ăn uống, kinh doanh mua bán hàng hóa, làm trụ sở cơ quan, đơn vị, nơi cư trú của hộ dân,.. vẫn còn tồn tại.
Tuy là một công viên lớn, nhưng hiện tượng xe chạy vào công viên, bãi giữ xe không đáp ứng được nhu cầu của người dân còn khó nhiều bất cập.
Dịch vụ vui chơi giải trí khá đa dạng nhưng các dịch vụ hỗ trợ như ăn uống, vệ sinh,... vẫn chưa được cung ứng tốt, còn nhỏ lẻ, thiếu tập trung cũng như sự đảm bảo về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm chưa được quan tâm đúng mức.
Bên cạnh đó, hệ thống chiếu sáng tại khu trò chơi khá tốt nhưng còn những góc khuất trong công viên gây nên tình trạng “cà phê đèn mờ” gây tình trạng không thoải mái khi người dân dẫn con em đến đây vui chơi. Hiện nay, công viên đã có dấu hiệu xuống cấp.
b) Hoạt động
Diện tích công viên khá rộng lớn nhưng hầu hết đều được tận dụng, không có quãng trường để tổ chức các sự kiện, hoạt động. Công viên là nơi diễn ra các hoạt động vui chơi giải trí khá lớn của thành phố, là nơi thu hút người dân với các hoạt động thể dục, thể thao nâng cao sức khỏe.
3.2.4.1 Thuận lợi và khó khăn a) Thuận lợi
Công viên có vị trí địa lí thuận lợi, giáp các tuyến đường lớn của thành phố, diện tích công viên rộng rãi thoáng mát.
Công viên có hồ nước, cây xanh nhiều, tạo không khí gần gũi với thiên nhiên.
Có nhiều dịch vụ thương mại diễn ra tại đây: cho thuê sân đá banh, phòng tập thể dục, tập Gym, dịch vụ cà phê, câu cá, chợ đêm và đặc biệt là khu vui chơi trẻ em đa dạng thu hút nhiều người dân.
Là một dạng công viên đóng,, có hàng rào bảo vệ, có đội ngủ bảo vệ và dọn dẹp vệ sinh ngay trong công viên, đem lại cảm giác thoải mái, an toàn cho người dân khi đến đây vui chơi, học tập.
b) Khó khăn
Các dịch vụ còn rời rạc, không mang tính chất tập trung và quy mô còn hạn chế khiến người dân không gặp thuận lợi trong việc di chuyển cũng như không đáp ứng được nhu cầu của họ.
Công viên thiếu các dãy ghế đá, thùng rác, bãi giữ xe và nhà vệ sinh cho người dân, khiến cho các nhu cầu của họ gặp nhiều cản trở, không mang lại cảm giác thoải mái khi tham gia các hoạt động tại đây.
Công viên khá rộng lớn nhưng không có bảng chỉ dẫn rõ ràng, thiếu ánh sáng và mật độ cây xanh còn hạn chế.
Công viên có diện tích rộng nhưng hầu như được tận dụng để kinh doanh các dịch vụ, không có quảng trường rộng lớn để tổ chức các sự kiện, hoạt động cho người dân nơi đây.
Tóm tắt chương 3
Trong chương này, tác giả chủ yếu giới thiệu về các công viên và nêu lên thực trạng hiện có tại đây. Nhìn chung, các công viên đều có những mặt mạnh và hạn chế của mình, đều giúp thành phố có thêm nét đẹp, là nơi vui chơi, nghĩ ngơi của người dân. Tuy nhiên, về cơ sở vật chất cũng như chất lượng của các công viên còn thấp, một số công viên đã xuống cấp nghiêm trọng cần được tu bổ, sửa chữa. Ba công viên với các diện tích khác nhau nhưng đều không có quãng trường và rất ít khi tổ chức các hoạt động và sự kiện cho người dân. Nhìn chung, các công viên có chất lượng còn thấp không theo kịp với tốc độ phát triển của đô thị hiện nay.
Chương tiếp theo, bài nghiên cứu sẽ trình bày các kết quả, ý kiến của người dân về các dịch vụ, chất lượng tại ba công viên Văn hóa Miền tây, Tao Đàn và Đồ Chiểu.