Bồi thường thiệt hại

Một phần của tài liệu GIAI đoạn TIỀN hợp ĐỒNG TRONG PHÁP LUẬT VIỆT NAM (Trang 31 - 35)

Chương 4. Hậu quả pháp lý đối với hành vi vi phạm nghĩa vụ tiền hợp đồng

4.2. Bồi thường thiệt hại

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong giai đoạn tiền hợp đồng được hình thành từ công trình nghiên cứu về học thuyết Culpa in contrahendo (Lỗi trong giai đoạn đàm phán hợp đồng) có nguồn gốc từ pháp luật La mã cổ đại của luật sư người Đức Rudolf Von Jhering.30 Theo đó, bên có lỗi trong giai đoạn đàm phán khiến hợp đồng vô hiệu hoặc không được ký kết phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại gây ra cho bên kia vì đã tin tưởng vào sự giao kết hợp đồng.31

Đến nay, trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong giai đoạn tiền hợp đồng đã được áp dụng và thể hiện ở các mức độ khác nhau trong các quy định pháp luật quốc tế và nhiều quốc gia trên thế giới.

Các nước theo hệ thống Common law (như Anh, Mỹ) tuy không chính thức thừa nhận học thuyết về lỗi trong đàm phán nhưng cũng có những cơ chế cụ thể áp đặt trách nhiệm với bên có hành vi vi phạm trong đàm phán hợp đồng.

Xoay quanh vấn đề bồi thường thiệt hại phát sinh từ giai đoạn tiền hợp đồng, có ba vấn đề pháp lý đáng quan tâm là bản chất pháp lý của trách nhiệm bồi thường, điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường và loại thiệt hại được bồi thường.

4.2.1. Bản chất pháp lý của bồi thường thiệt hại tiền hợp đồng 4.2.1.1. Kinh nghiệm nước ngoài

Liên quan đến bản chất pháp lý của trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong giai đoạn tiền hợp đồng đang tồn tại 3 quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất : Bồi thường thiệt hại phát sinh trong giai đoạn tiền hợp đồng là trách nhiệm theo hợp đồng. Đây là quan điểm được ghi nhận trong luật Đức. Quan điểm thứ hai: Bồi thường thiệt hại phát sinh trong giai đoạn tiền hợp đồng là trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Quan điểm này được ghi nhận trong pháp luật của hầu hết các quốc gia trong hệ thống Civil law. Tuy nhiên, nếu trong trường hợp chứng minh được giữa các bên đã hình thành nên những cam kết tiền hợp đồng thì lúc này giữa các bên có thể phát sinh trách nhiệm dân sự theo hợp đồng. Quan điểm thứ ba: Bồi thường thiệt hại phát sinh trong giai đoạn tiền hợp đồng là loại trách nhiệm dân sự độc lập với trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong và ngoài hợp đồng do tính chất đặc biệt của giai đoạn tiền hợp đồng. Quan điểm này được thừa nhận trong luật Hy Lạp, Thụy Sỹ…

30 Rudolf Von Jhering (22/8/1818 – 17/9/1892) là học giả người Đức nổi tiếng với các tác phẩm phân tích về mối quan hệ giữa pháp luật và sự thay đổi của xã hội và mối quan hệ giữa cá nhân và lợi ích xã hội.

31 Friedrich Kessler and Edith Fine (1964), Culpa in contrahendo, bargain in good faith and freedom of contract : a comparative study, Harv.L.Rev., (Vol.77), tr.402.

29 4.2.1.2. Theo pháp luật Việt Nam

Ở Việt Nam, vấn đề liên quan đến bản chất pháp lý của bồi thường thiệt hại tiền hợp đồng chưa được xác định rõ trong các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, về mặt lý luận, do ở giai đoạn này chưa có hợp đồng nên trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh từ giai đoạn tiền hợp đồng không là trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng mà là trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Căn cứ khách quan để xem xét áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại là hành vi vi phạm nguyên tắc thiện chí, trung thực, nghĩa vụ cung cấp thông tin trong giai đoạn giao kết hợp đồng… chứ không phải là hành vi vi phạm hợp đồng.

Việc xác định bản chất ngoài hợp đồng của trách nhiệm bồi thường thiệt hại như trên kéo theo một số hệ quả nhất định. Chẳng hạn, do xác định đây là trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nên chúng ta sẽ áp dụng các quy định về thời hiệu cho bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng tại Điều 607 BLDS theo đó “thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm”.

4.2.2. Điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại tiền hợp đồng 4.2.2.1. Kinh nghiệm nước ngoài

Theo luật của Đức và Pháp, bên cạnh chế tài vô hiệu hợp đồng, bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bên có hành vi vi phạm bồi thường thiệt hại. Để được kiện đòi bồi thường thiệt hại theo trách nhiệm dân sự tiền hợp đồng cần phải thỏa mãn ba điều kiện: có lỗi, thiệt hại và mối quan hệ nhân quả giữa lỗi và thiệt hại.32 Đối với bồi thường thiệt hại phát sinh từ giai đoạn tiền hợp đồng, khó khăn tập trung vào việc xác định lỗi của một bên vì ở giai đoạn này các bên vẫn chịu sự điều chỉnh của nguyên tắc tự do hợp đồng. Ở hệ thống Civil law này, bên vi phạm cố ý không cung cấp thông tin quan trọng mà nếu biết được thông tin đó thì đối tác đã không ký kết hợp đồng33, bên vi phạm cố ý cung cấp thông tin mà biết là không chính xác (cung cấp thông tin không chính xác mang tính lừa dối) cũng bị coi là có lỗi làm phát sinh trách nhiệm bồi thường34.

Trong các nước theo hệ thống Common law, học thuyết Culpa in contrahendo không được thừa nhận, ủng hộ. Khác với pháp luật của các quốc gia theo hệ thống Civil law, Common law không ghi nhận nghĩa vụ thiện chí, trung thực trong đàm phán hợp đồng và do đó không làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bên có lỗi gây thiệt hại trong giai đoạn đàm phán không chịu bất kỳ trách nhiệm gì đối với tổn thất của bên bị hại. Pháp luật hợp đồng

32 Xem thêm Trần Ngọc Dương (2009), “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong pháp luật dân sự của Cộng hòa Pháp”, Luật học, (số 1), tr.63-72.

33 Florence Caterini (2005), sđd.

34 Hugh Beale (2008), sđd, tr.44.

30

của Common law cũng có một số cơ chế có thể áp dụng để mang lại kết quả tương tự khi áp dụng trách nhiệm dân sự tiền hợp đồng, ví dụ như hưởng lợi không chính đáng (Unjust enrichment), sự tuyên bố sai về ý định giao kết hợp đồng (misrepresentation), thuyết “hạn chế rút lại lời hứa”

(promissory estoppel)35.

4.2.2.2. Theo pháp luật Việt Nam

Ở Việt Nam, pháp luật có một số quy định ghi nhận trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh từ giai đoạn tiền hợp đồng. Chẳng hạn, theo Điều 137 BLDS năm 2005 về hậu quả của hợp đồng vô hiệu, “bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường”, hoặc chế tài bồi thường thiệt hại áp dụng đối với bên vi phạm nghĩa vụ thông tin trong hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được như quy định tại khoản 2 Điều 411 BLDS 2005,…

Ngoài những trường hợp đã có quy định đặc thù nêu trên, trách nhiệm bồi thường thiệt hại tiền hợp đồng phát sinh trên cơ sở nào? Thực ra, chúng ta vẫn chưa có câu trả lời chung cho những trường hợp chưa có quy định cụ thể như trên. Trong trường hợp này, chúng ta theo hướng của các nước Civil law. Điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ khai thác các quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng để xác định một bên có chịu trách nhiệm bồi thường hay không vì chúng ta đã xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại tiền hợp đồng là trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Cụ thể, chúng ta có thể khai thác Điều 604 BLDS với nội dung “người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”.

4.2.3. Thiệt hại được bồi thường

Mục đích của bồi thường thiệt hại là khôi phục lại tình trạng ban đầu cho người bị thiệt hại.

Chính vì thế, các hệ thống pháp luật theo hướng phải bồi thường toàn bộ.

Pháp luật Việt Nam cũng ghi nhận nguyên tắc bồi thường toàn bộ tại khoản 1 Điều 605 BLDS theo đó “thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ”. Đây là quy định trong phần bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nên cũng được áp dụng cho bồi thường thiệt hại tiền hợp đồng vì, như đã nêu, trách nhiệm bồi thường thiệt hại tiền hợp đồng là dạng trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Vấn đề tiếp theo cần quan tâm là những thiệt hại nào được bồi thường trong khuôn khổ của bồi thường thiệt hại tiền hợp đồng.

4.2.3.1. Thiệt hại thực tế

35 Theo Rémy Cabrillac (2012), sđd, tr.49 : “pháp luật Mỹ hay Úc sử dụng khái niệm này để chấp nhận bồi thường thiệt hại cho nạn nhân trong việc đối tác có lỗi khi chấm dứt thương lượng tiền hợp đồng”.

31

Một nghiên cứu so sánh pháp luật các nước châu Âu khẳng định “nạn nhân cần được đưa vào hoàn cảnh của mình trước khi bắt đầu thương lượng; họ có thể được bồi thường tất cả những chi phí phát sinh từ việc thương lượng (ví dụ: chi phí đi lại, chi phí nghiên cứu, chi phí dự án, chi phí quảng cáo, chí phí nhân sự…), những chi phí liên quan đến chấm dứt (ví dụ: chi phí yêu cầu cấp tốc sự can thiệp của người thứ ba), và các thiệt hại phát sinh từ việc xâm phạm hình ảnh hay danh tiếng”36. Ở đây, “những chi phí phát sinh và cả thời gian mất đi cho việc thương lượng là những thành tố của thiệt hại được bồi thường”37

Thiết nghĩ, những thiệt hại nêu trên cũng được bồi thường theo pháp luật Việt Nam nếu chứng minh được rằng các thiệt hại này có quan hệ nhân quả với hành vi vi phạm các quy định điều chỉnh giai đoạn tiền hợp đồng.

4.2.3.2. Lợi ích đáng ra được hưởng

Khi một bên vi phạm nghĩa vụ tiền hợp đồng làm cho hợp đồng không thể giao kết được, câu hỏi đặt ra là bên bị vi phạm có được bồi thường khoản lợi đáng ra được hưởng nếu hợp đồng được giao kết không? Một nghiên cứu về pháp luật châu Âu khẳng định “một loại thiệt hại nữa tương ứng với lợi ích không thu được theo thuật ngữ của Pháp, về cơ bản tương thích với khái niệm lợi ích dương trong pháp luật của Anh hay pháp luật của Đức. Việc bồi thường có thể là để nạn nhân vào hoàn cảnh mà họ đáng ra sẽ có nếu họ không bị cản trở trong việc giao kết hợp đồng với người thứ ba hay nếu các thương lượng đã đạt kết quả. Việc bồi thường dựa vào đánh giá mất cơ hội thành công của thương lượng với đối tác hay với người thứ ba thông qua khái niệm mất một cơ hội được ghi nhận trong các hệ thống pháp luật khác nhau của châu Âu”38.

Trong lĩnh vực không thực hiện hợp đồng đã được giao kết hợp pháp, chúng ta có quy định tại khoản 2 Điều 302 Luật thương mại cho phép bồi thường khoản lợi đáng ra được hưởng nếu hợp đồng được thực hiện bình thường. Đối với giai đoạn tiền hợp đồng, hiện nay chúng ta không có quy định tương tự. Theo chúng tôi, rất khó để chấp nhận bồi thường khoản lợi đáng ra được hưởng nếu hợp đồng được giao kết. Bởi lẽ, hướng này gần như buộc bên không xác lập hợp đồng phải xác lập hợp đồng và điều này đi ngược lại với nguyên tắc tự do hợp đồng.

4.2.3.3. Trả lợi ích thu đƣợc từ việc vi phạm

Phần trên đã cho thấy các bên trong giai đoạn tiền hợp đồng có nghĩa vụ bảo mật thông tin bằng cách không tiết lộ cho người thứ ba hay không sử dụng thông tin này để làm lợi cho mình. Trong

36 Rémy Cabrillac (2012), sđd, tr.56.

37 Bertrand De Coninck (2002), bđd, tr.35.

38 Rémy Cabrillac (2012), sđd, tr.56 và 57.

32

trường hợp bên nhận thông tin sử dụng thông tin này cho mình thì họ có thể thu được khoản lợi. Câu hỏi đặt ra là khoản lợi này cần được xử lý như thế nào?

Rất khó có thể vận dụng được các quy định thông thường về bồi thường thiệt hại (vì rất khó khẳng định đây là thiệt hại) nên đang có xu hướng luật hóa vấn đề này trong một quy định cụ thể. Đơn cử như quy định tại Điều 2:302 Bộ nguyên tắc luật hợp đồng Châu Âu, Điều 2.1.16 của Bộ nguyên tắc Unidroit, ... Trong pháp luật quốc gia, nhiều nước cũng theo hướng trên, ví dụ như pháp luật của Áo, Bỉ, Đan Mạch, Pháp và Luxemboourg39.

Hướng nêu trên đã manh nha tồn tại trong pháp luật Việt Nam, ví dụ theo điểm a khoản 1 Điều 205 Luật sở hữu trí tuệ. Tuy vậy quy định này có phạm vi hẹp là chỉ vận dụng trong khuôn khổ của xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nên không bao quát được tất cả các trường hợp của giai đoạn tiền hợp đồng. Để tránh những tranh cãi không cần thiết, chúng ta cũng nên luật hóa việc hoàn trả lợi ích thu được từ việc vi phạm nghĩa vụ thông tin trong BLDS.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng có quy định về được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật (khoản 2 Điều 599 BLDS). Do vậy, trong trường hợp chúng ta chưa luật hóa được quy định như nêu trên, chúng ta hoàn toàn có thể coi khoản lợi của bên vi phạm nghĩa vụ bảo mật là khoản lợi không có căn cứ pháp luật nên phải hoàn trả cho bên có thông tin bảo mật bị xâm phạm theo quy định vừa nêu.

Một phần của tài liệu GIAI đoạn TIỀN hợp ĐỒNG TRONG PHÁP LUẬT VIỆT NAM (Trang 31 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(38 trang)