1.5.1.Trên thế giới
Trên thế giới với sự phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng của khoa học - kĩ thuật đã có nhiều công trình nghiên cứu về tính chống chịu của cây trồng như: Bates (1996), Bamet N. M, Naylor A.W (1996),Thomashow MI (1998), Xiao B.,Yhuang, NTang (2007) , Volcova A.M (1984) ,… nghiên cứu về tính chịu mặn, chịu hạn và chịu lạnh ở lúa, lúa mì, đậu trương và thực vật khác.
Eduardo Blumwald, ĐH California, Mỹ đã nghiên cứu tạo ra giống cà chua biến đổi gen có khả năng chống chịu tốt khi sống trên vùng đất nhiễm mặn mà vẫn cho quả cà chua thơm ngon.
Trên đối tượng cây thuốc lá, tác giả Kishor P.B.K và cộng sự (1995) [21]
nghiên cứu cây thuốc lá được chuyển gen (gen liên quan đến sinh tổng hợp prolin - P5CS) trong điều kiện hạn nước, hạn muối. Kết quả cho thấy hàm lượng prolin gấp khoảng từ 10 - 18 lần so với đối chứng. Thực vật được chuyển gen (gen P5CS) cũng được nghiên cứu trên đối tượng là cây đậu tương (De Ronde J.A.; R.N. Laurie ; T.Caetano; M.M Greyling; I.Kerepesi 2004). Các tác giả tiến hành so sánh giữa dòng đậu tương chuyển gen P5CS và dòng đậu tương không được chuyển gen cho thấy: dòng đậu tương chuyển gen có khả năng chịu mặn tốt hơn [22].
Tác giả Farsiani và cộng sự trong nghiên cứu của mình đã chỉ ra rằng có sự suy giảm về tỉ lệ nảy mầm, chiều dài rễ mầm, thân mầm, khối lượng tươi khô của rễ mầm và thân mầm khi cây ngô được thực nghiệm trên môi trường NaCl [27]. Một nghiên cứu của tác giả Kulkarni và cộng sự trên đối tượng cà chua ở giai đoạn nảy mầm và cây con cũng thông báo kết quả tương tự [25].
Trước đây, khi nghiên cứu về phản ứng của nảy mầm của đậu xanh, tác giả Al-Rawi IMT và cộng sự cũng cho biết: tỉ lệ nảy mầm, chiều dài rễ mầm,
chiều dài thân mầm, trọng lượng và trọng lượng khô của cây đều bị ảnh hưởng khi áp suất của môi trường tăng lên [24].
Theo Basalah MO (2010) áp suất thẩm thấu được tạo ra bởi NaCl có ảnh hưởng tới tỉ lệ nảy mầm, chiều dài rễ mầm, thân mầm, trọng lượng tươi và trọng lượng khô (rễ mầm và thân mầm) [14].
Một nghiên cứu mới xác định giống rau chịu mặn để có thể canh tác ở khu vực ven biển đó là nghiên cứu của nhóm tác giả Youping Sun, Joseph Masabni, và Genhua Niu: nghiên cứu tìm hiểu cây con của 10 loại rau phổ biến, gồm cà tím, bông cải xanh, cải xoăn, cải bắp Trung Quốc, cà chua, rau bina, dưa chuột, củ cải, củ cải đỏ, và rau cải Trung Quốc.Kết quả cho thấy rằng các loại rau khác đã có sự thiệt hại rõ ràng từ muối. Khi bị ngập trong nước biển mô phỏng, thì bắp cải Trung Quốc bị giảm mạnh nhất, trong khi đó rau bina, cà chua, cà tím giảm trọng lượng khô ít nhất so với các cây trong nhóm đối chứng, các nhà khoa học cho biết: “Sau hai tuần bị ngập trong nước biển mô phỏng, thì tỷ lệ quang hợp ròng của bông cải xanh, cải xoăn, rau bina, và cà chua giảm từ 43% đến 67%, tốc độ thoát hơi nước giảm từ 35%
đến 66%, và độ dẫn khí khổng giảm từ 51% đến 82%” [16].
Cây con sau 2 ngày ngập trong nước biển mô phỏng đã bị thiệt hại thấy rõ. Ở phía bên trái ảnh (từ trên xuống): rau bina, dưa chuột, củ cải đỏ, bông cải xanh, và cà chua. Ở phía bên phải ảnh (từ trên xuống): cải xoăn, mướp, củ cải, rau cải Trung Quốc và cà tím. Ảnh: Youping Sun [16].
1.5.2. Ở Việt Nam
Ở Việt Nam, tác giả Nguyễn Tường Vân, Lê Trần Bình, Lê Thị Muội (1994) tiến hành đánh giá khả năng chịu mặn (NaCl) của CR203, Lốc, C8, Co ở mức độ mô sẹo, sau khi bổ sung NaCl 1% và 2%. Sau 12 tuần theo dõi khả năng chịu muối của giống Co là cao nhất và giống CR203 có khả năng chịu mặn thấp nhất [14].
Tăng Thị Hạnh, Dương Thị Hồng Mai, Trần Văn Luyện, Phạm Văn Cường, Lê Khả Tường, Phan Thị Nga, nghiên cứu khả năng chịu mặn của một số nguồn gen lúa lưu giữ tại ngân hàng gen cây trồng quốc gia. Phân tích tác động của các mức mặn khác nhau lên khả năng quang hợp, hàm lượng chlorophyl và khối lượng chất khô của các giống lúa:Nước mặn dạng 1 (G1), Lúa chăm (G2), Cườm dạng 1 (G3), Chiêm rong (G4), Lúa chăm biển (G5), 2 giống đối chứng mẫn cảm với mặn IR28 (Đối chứng 1) và kháng mặn A69-1 (Đối chứng 2) và đưa ra kết luận: 2 nguồn gen Cườm dạng 1 và Chiêm rong có khối lượng chất khô tích lũy cao nhất, có tiềm năng cho năng suất cao nhất, là 2 nguồn gen giống có khả năng chịu mặn tốt hơn các nguồn gen còn lại [7].
Bùi Chí Bửu, Nguyễn Thị Lang nghiên cứu khả năng chịu mặn của một số giống lúa tại đồng bằng sông Cửu Long tiến hành tạo môi trường mặn bằng cách hòa tan NaCl trong nước cất và xử lí mặn trong 3 tuần, sau đó theo dõi các chỉ tiêu và thấy rằng các chỉ tiêu: khối lượng khô của thân mầm, rễ mầm đều chịu ảnh hưởng của mặn [3].
Tác giả Đào Quang Thắng đã nghiên cứu khả năng chịu mặn ở giai đoạn nảy mầm và cây non của hai giống ngô V98-1 và CP33 và đưa ra kết luận giống ngô V98-1 có khả năng chịu mặn tốt hơn nhờ so sánh các chỉ tiêu: sinh trưởng, hàm lượng đường tan, hoạt độ catalaza và một số enzim trong giai đoạn nảy mầm và cây non [14].
Ngô Huy Kiên, nghiên cứu ảnh hưởng và giải pháp khắc phục của sự nhiễm mặn đến năng suất, chất lượng của một số cây trồng chính (lúa, khoai, lạc) ở vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ. Kết quả nghiên cứu cho thấy:Chất lượng cả 3 loại cây trồng ở vùng đồng bằng sông Hồng đều cao hơn ở vùng Bắc Trung Bộ. Nhìn chung các chỉ tiêu đều đạt từ trung bình đến khá, riêng đối với cây khoai lang chất lượng khá cao đồng nghĩa với việc cây khoai lang ít chịu tác động của xâm nhập mặn hơn so với lạc và lúa. Cũng như về yếu tố năng suất, yếu tố chất lượng sản phẩm cây lạc vẫn chịu ảnh hưởng của mặn lớn nhất, sau đó đến cây lúa và thấp nhất là cây khoai lang [9].
Hà Thị Khuyên, nghiên cứu ảnh hưởng của nồng độ NaCl tới sự tích lũy prolin, glyxin betain và axit ascobic ở mầm đậu tương. Kết quả nghiên cứu cho thấy: NaCl có ảnh hưởng rõ rệt đến sự tích lũy prolin, glyxin betain và axit ascobic ở mầm đậu tương, khi nồng độ muối càng tăng thì sự hình thành và tích lũy prolin, glyxin betain cũng tăng lên [8].
Kim Thị Duyên đã tiến hành nghiên cứu phản ứng của đậu tương DT2008 nảy mầm trong điều kiện dung dịch NaCl có áp suất thẩm thấu khác nhau và kết luận rằng áp suất thẩm thấu có ảnh hưởng rất lớn tới sự sinh trưởng và phát triển của đậu tương trong giai đoạn nảy mầm làm giảm tốc độ và tỉ lệ nảy mầm, kìm hãm sự sinh trưởng của thân và rễ mầm, hạn chế sự gia tăng khối lượng của thân và rễ mầm, ảnh hưởng tới sự tích lũy khối lượng tươi, khô của mầm [5].
Khổng Thị Mai, Nguyễn Văn Mã đã nghiên cứu ảnh hưởng của NaCl đến hàm lượng prolin, đường khử và glyxin betain ở hạt đậu côve, kết quả nghiên cứu cho thấy môi trường NaCl ảnh hưởng rõ rệt đến sự hình thành và tích lũy prolin, đường khử và glyxin betain ở hạt đậu côve nảy mầm [12].
Như vậy hiện nay, nghiên cứu khả năng chịu mặn trên đối tượng rau ở Việt Nam còn hạn chế, các nghiên cứu chủ yếu tiến hành trên các đối tượng:
ngô, khoai, lạc, cà chua … và chưa có nghiên cứu ảnh hưởng của NaCl đến khả năng sinh trưởng và hàm lượng prolin của cải ngọt.