Những vấn đề đặt ra trong sáng tác từ mô hình của tiểu thuyết Tự lực văn đoàn

Một phần của tài liệu Sự biến đổi mô hình tiêu thuyết tự lực văn đoàn qua tiểu thuyết gia đình của khái hưng (Trang 39 - 43)

Chương 2: Mô hình tiểu thuyết Tự lực văn đoàn

2.3. Những vấn đề đặt ra trong sáng tác từ mô hình của tiểu thuyết Tự lực văn đoàn

2.3.1. Giai đoạn 1932 - 1935

Tiểu thuyết luận đề gắn với tư tưởng chống lễ giáo phong kiến và khẳng định chủ nghĩa cá nhân. Đây là thời kì văn đoàn có gương mặt mới mẻ và được đón nhận nhiệt tình ở người đọc trong cả nước. Tờ Phong hoá đã đem đến cho bạn đọc lối tư duy mới tự do, trẻ trung, gần gũi với mọi người.

Đặc biệt trong khu vực sáng tạo văn chương, văn đoàn nổi bật lên với những tác phẩm gây xôn xao dư luận những năm đầu: “tạp chí và tiểu thuyết do nhóm ấy xuất bản đã thành công rất lớn. Hồn bướm mơ tiên (Khái Hưng), Đoạn tuyệt (Nhất Linh) được xem như là những kiệt tác và đã kích thích cổ vũ nhiều kẻ chọn đường sự nghiệp văn chương ngay cả những người ngoài nhóm nữa” Hoàng Xuân Hãn. Những cuốn tiểu thuyết như Hồn bướm mơ tiên; Nửa chừng xuân; Đoạn tuyệt; Gánh hàng hoa đều được dư luận ca ngợi vì các tác phẩm phê phán trực tiếp vào đạo đức của đại gia đình phong kiến, đề cao tự do cá nhân và lối sống tươi trẻ. Về tác phẩm Đoạn tuyệt, tác giả Trương Tửu nhận xét: “Đoạn tuyệt là một vòng hoa tráng lệ đặt trên đầu chủ nghĩa cá nhân... Ông giúp bạn trẻ vững lòng phấn đấu nghĩa là vui mà sống” [2. 25]. Nhà văn Vũ Ngọc Phan cũng nói lên sự hâm mộ của giới trẻ với tài văn nhà văn Khái Hưng: “Hiện nay nhà văn được nam nữ thanh niên yêu chuộng, được họ coi là hiểu biết tâm hồn họ hơn cả có lẽ chỉ có Khái Hưng” [2. 25]. Người đọc tìm thấy ở Tự lực văn đoàn những điều từng mong đợi. Trong chừng mực nào đó, Tự lực văn đoàn đã giúp họ giải toả được những trì trệ, bảo thủ nhiều năm kìm hãm vây bọc họ.

Tự lực văn đoàn giương cao ngọn cờ nhân văn, đấu tranh đòi quyền sống cho con người, đòi giải phóng cá nhân ra khỏi gia đình phong kiến nhưng không phải để xây dựng một gia đình hạnh phúc lứa đôi kiểu mới. Các

nhà văn lãng mạn trong Tự lực văn đoàn xem tình yêu và hôn nhân là hai việc hoàn toàn khác nhau. Họ xem ái tình là một sự đuổi bắt, khám phá của hai tâm hồn, hai thế giới riêng tây, xa lạ. Và tất cả cái thú vị của tình yêu là trò chơi ú tim đó. Khi các chàng và nàng đuổi bắt được nhau thì tình yêu kết thúc.

2.3.2. Giai đoạn 1936 - 1939

Tự lực văn đoàn có bước phát triển mới. Từ xu hướng buổi đầu chống lễ giáo phong kiến, đề cao tự do cá nhân. Tự lực văn đoàn đã bắt vào không khí của thời cuộc trong thời kì Mặt trận dân chủ. Hướng về với bình dân, theo chủ nghĩa bình dân, tôn chỉ từ đầu đã ghi nhận đến nay là lúc thực hành. Hơn nữa khi chính phủ bình dân ở Pháp thiết lập thì xu hướng quan tâm đến bình dân, ca ngợi bình dân trở thành cái mốt thời thượng trong quan hệ xã hội.

Thân thiện và gắn bó với bình dân là điều dễ dàng về lý thuyết nhưng thực sự khó khăn là hiểu sâu sắc để biến người bình dân thành hồn thành cốt trong tác phẩm văn chương. Về mặt đề tài cũng dễ thấy những tác giả trong Tự lực văn đoàn quan tâm viết về bình dân: Khái Hưng với Trống mái (1936); Hoàng Đạo với Con đường sáng (1938), tập truyện Tối tăm của Nhất Linh. Trên tờ Phong hoá, Hoàng Đạo viết nhiều bài văn chính luận trực tiếp cổ vũ cho quyền lợi của bình dân. Trong hướng đi vào miêu tả mặt trái của đời sống gia đình phong kiến, Khái Hưng có những mặt thành công qua các tác phẩm như:

Thừa tự, Thoát ly, Gia đình. Tuy nhiên, không khí văn chương trong thời điểm này đã mở rộng diện phản ánh đến những vấn đề bức xúc của người lao động và những mâu thuẫn xã hội quyết liệt.

2.3.3. Giai đoạn 1940 - 1945

Văn chương lãng mạn bị vỡ mộng vì trong cuộc sống có nhiều bi kịch và đen tối chẳng có gì được xem là nên thơ, gợi cảm. Các thành viên chính của văn đoàn dường như sắp chấm dứt hoạt động văn chương. Cảm hứng văn

chương sôi nổi ngày nào với mộng ước xây dựng một sự nghiệp nay trở thành mong manh trước cơn bão táp chiến tranh và những biến động xã hội.

Từ cuối năm 1939, văn đoàn xuống dốc một cách trầm trọng. Không còn là lãng mạn mơ mộng như đã thấy trong Hồn bướm mơ tiên; Gánh hàng hoa hay lãng mạn tiến bộ như trong Đoạn tuyệt; Đôi bạn; Nửa chừng xuân mà là lãng mạn suy đồi với Bướm trắng; Thanh Đức. Tác phẩm Thanh Đức (1943) và Cách ba ngàn năm (1941) đã đề cao những tư tưởng duy tâm siêu hình, đề cao thuyết bất khả tri của Kant, ca ngợi bói toán và tướng số, chế giễu khoa học và chủ nghĩa duy vật. Thuyết định mệnh thấp thoáng trong tiểu thuyết Đời mưa gió; Bướm trắng. Vũ trụ có những “thần luật”, những “luật định huyền bí” chi phối tất cả, cho nên con người ta không cưỡng được số mệnh. Mọi việc trên cõi đời này, từ việc nhỏ như cái lỗ kim cho đến việc lớn như núi Thái Sơn, tất cả đều theo đúng “luật định” của tạo hoá. Đó là nguyên tắc của khoa học tử vi, một thứ “khoa học cao siêu”, huyền bí. Nhưng các nhà bói toán tử vi cũng không thể thay đổi được thần luật: “đã là luật định, dù là vật lý luật hay thần luật thì phải là những điều bất di bất dịch. Chiến tranh cũng là một luật định vật lý mà người ta chưa tìm ra nguyên tắc. Vậy là chỉ còn ngồi mà ngắm loài người giết lẫn nhau. Cản trở sao được một thần luật của vũ trụ ” ( Thanh Đức).

Ở những tác phẩm thời kì cuối, các tác giả Nhất Linh, Khái Hưng không những không đấu tranh đòi giải phóng cá nhân, đòi nhân quyền, mà còn có xu hướng đẩy con người vào chủ nghĩa duy tâm và định mệnh. Trước mắt ta là những con người sa đoạ về nhân phẩm (Trương, Cảnh), những con người cô đơn, bất lực vì đã bị tước hết mọi vũ khí về tư tưởng, mọi quan hệ tốt đẹp giữa cá nhân và cộng đồng xã hội .

Các tác phẩm ở chặng đường cuối như Bướm trắng; Đẹp; Thanh Đức đều mang tính chất pha tạp của nhiều khuynh hướng vừa lãng mạn, vừa hiện

thực lại trộn lẫn với các khuynh hướng hiện đại suy đồi. Về phía chủ quan, ngòi bút của các nhà văn Tự lực không còn sinh lực buổi ban đầu và họ trong tâm thế của kẻ thất bại, chán chường. Đôi khi mặc cho trang viết truyền tải những chất liệu phức tạp, nhân vật có thể trôi dạt trong cuộc đời, bị xói mòn dần nhân cách. Tự lực văn đoàn chấm dứt dần hoạt động của mình trong thời điểm này, chấm dứt trào lưu lãng mạn trong văn xuôi vốn đã có những năm tháng huy hoàng trên văn đàn thời hiện đại.

Một phần của tài liệu Sự biến đổi mô hình tiêu thuyết tự lực văn đoàn qua tiểu thuyết gia đình của khái hưng (Trang 39 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(68 trang)