CHƯƠNG 2: PHONG TỤC HÔN NHÂN CỦA NGƯỜI VIỆT TRUYỀN THỐNG
2.1. Nếp nghĩ và quan niệm hôn nhân thời xưa
2.1.1. Quyền lợi gia tộc
Việc hôn nhân tuy là hai người nhưng lại kéo theo việc xác lập quan hệ giữa hai gia tộc. Vì vậy, điều cần làm đầu tiên chưa phải là việc chọn một cá
nhân cụ thể, mà lựa chọn một dòng họ, một gia đình xem cửa nhà hai bên có tương xứng không, có môn đăng hộ đối không.
Tiếp theo, đối với cộng đồng gia tộc, hôn nhân là một công cụ duy nhất và thiêng liêng để duy trì dòng dõi và phát triển nhân lực. Để đáp ứng nhu cầu nhân lực của nghề trồng lúa, khi xem xét con người trong hôn nhân, người nông nghiệp Việt Nam quan tâm trước hết đến năng lực sinh sản của họ.
Không chỉ duy trì nòi giống, người con dâu tương lai còn có trách nhiệm làm lợi cho gia đình. Con cái phải đảm đang tháo vát, đem lại nguồn lợi vật chất cho gia đình nhà chồng; con cái phải giỏi giang đem lại nguồn lợi vẻ vang (nguồn lợi tinh thần) cho gia đình vợ: Chồng sang vợ được đi giày, Vợ ngoan chồng được tối ngày cậy trông. Trai khôn kén vợ chợ đông, Gái khôn kén chồng giữa chốn ba quân. [Xem TLTK 12], [Xem thêm TLTK 15].
2.1.2. Quyền lợi của làng xã
Mối quan tâm hàng đầu của người Việt Nam là sự ổn định của làng xã, vì vậy mà có truyền thống ngụ cư. Cũng nhằm tạo nên sự ổn định đã hình thành quan niệm chọn vợ chọn chồng cùng làng: Ruộng đầu chợ, vợ giữa làng; Ruộng giữa đồng, chồng giữa làng; Lấy chồng khó giữa làng hơn lấy chồng sang thiên hạ; Ta về ta tắm ao ta, Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn.
Nếu việc phân biệt “dân chính cư - dân ngụ cư’ là phương tiện hành chính để duy trì sự ổn định, cách nói “ gắn bó với quê cha đất tổ” với nơi
“chôn rau cắt rốn” quan niệm chọn vợ chọn chồng cùng làng là phương tiện tâm lý; thì tục nộp cheo đóng vai trò phương tiện kinh tế: khi lấy vợ thì nhà trai phải nộp cho làng xã bên nhà gái một khoản “lệ phí” gọi là “cheo” thì đám cưới mới được công nhận là hợp pháp. Ca dao, tục ngữ có những câu:
Nuôi lợn thì phải vớt bèo, Lấy vợ thì phải nộp cheo cho làng; Lấy vợ mười heo không cheo cũng mất; Lấy vợ không cheo tiền gieo xuống suối. Người
cùng làng lấy nhau thì phải nộp ít (có tính tượng trưng) gọi là cheo nội; Lấy vợ ngoài làng thì cheo rất nặng, gấp đôi gấp ba cheo nội gọi là cheo ngoại.
Nhìn chung lịch sử hôn nhân Việt Nam luôn là lịch sử hôn nhân vì lợi ích của cộng đồng, tập thể: Từ các cuộc hôn nhân vô danh của thường dân đến những cuộc hôn nhân nổi danh như: Mỵ Châu với Trọng Thuỷ, Công chúa Huyền Trân với vua Chàm Chế Mân; Công chúa Ngọc Hân với Nguyễn Huệ…rồi vô số các cuộc hôn nhân của các con vua chúa qua các triều đại được triều đình gả bán cho tù trưởng các miền biên ải nhằm củng cố đường biên giới quốc gia - tất cả đều là làm theo ý nguyện của các tập thể cộng đồng lớn nhỏ: gia đình, gia tộc, làng xã, đất nước.
2.1.3. Những nhu cầu riêng tư
Trước hết là sự phù hợp của đôi trai gái xét một cách trừu tượng bằng việc hỏi tuổi (lễ vấn danh mà ngày nay gọi là chạm ngõ, hay lễ dạm) xem đôi trai gái có hợp tuổi nhau hay không, còn nếu xung khắc thì thôi. Để cho quan hệ vợ chồng được bền vững khi cưới, đôi vợ chồng trẻ thời Hùng Vương có tục trao cho nhau nắm đất và gói muối: nắm đất tượng trưng cho lời nguyền gắn bó với đất đai - làng xóm; gói muối là lời chúc cho tình nghĩa giữa hai người mặn mà thuỷ chung (Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau). Sau này thay cho đất và muối, trong lễ vật dẫn cưới luôn có một loại bánh đặc biệt rất có ý nghĩa là bánh su sê (tên đọc chệch của phu thê). Khi làm lễ hợp cẩn, còn có tục hai vợ chồng uống chung một chén rượu: ý nghĩa của tục này cũng là cầu chúc cho hai vợ chồng luôn gắn bó với nhau: dính nhau như cơm nếp và say nhau như rượu.
2.1.4. Vai trò của người mai mối
Trong hôn nhân cũ, phải kể đến vai trò của người mai mối. Bởi vì theo lễ giáo: “Nam nữ thụ thụ bất thân”. Nghĩa là trai gái không được phép gần nhau, nên không có khả năng hiểu biết về nhau. Do đó việc tìm hiểu tin đi tin
lại, để hai bên nam nữ và gia đình biết được những điều cần biết về nhau, tức là hai bên gia đình biết được những thông tin cơ bản bắt buộc phải thông qua một người trung gian, người đó được gọi là người làm mối. Thời xưa trong một làng xã có khoảng vài ba người làm công việc se duyên này. Họ là những người có rất nhiều thông tin về các gia đình và sẵn sàng giúp đỡ bất kì ai nhờ cậy. Có những người chuyên làm nghề này (chuyên nghiệp) nhưng cũng có đám do “nhờ”mà làm, làm giúp.
Khi nhà có việc, người ta thường chọn - mời những ông mối hoặc bà mối có tuổi, tính tình vui vẻ, hoạt bát. Người này càng thân thiện và có uy tín với nhà gái càng tốt. Nhưng trước hết phải là người có gia đình toàn vẹn (có đủ vợ chồng) hoà thuận, về đường con cái có nếp có tẻ (có trai, có gái).
Vai trò của các ông mối, bà mối xưa quan trọng tới mức xã hội phải thừa nhận: “Đẹp như rối không mối không xong”. Trong nhiều trường hợp, người mai mối là người có công trong việc chắp mối lương duyên cho đôi trai gái nên vợ nên chồng.
Tuy nhiên cách mai mối xưa cũng có trường hợp người ta lừa nhau bằng cách đánh tráo người. Chẳng hạn về phía nhà trai, khi đi hỏi thì để cậu em nhanh nhẹn mặt mũi sáng sủa đóng vai rể. Nhưng hôm cưới thì lại là cưới cho ông anh chậm chạp, xấu xí. Ngược lại bên nhà gái đánh tráo người [Xem TLTK 1] ,[Xem thêm TLTK 7]
2.1.5. Tuổi thành hôn và so tuổi
Về tuổi thành hôn, ông Toan Ánh viết: “Xưa kia trai gái lấy nhau rất sớm. Nữ thập tam, nam thập lục, là tuổi trai gái đã hiểu sự đời. Nhiều gia đình đôi bên cha mẹ còn đính ước với nhau ngay từ khi những đứa trẻ còn là bào thai trong bụng”.
Trong Luật Hồng Đức người ta không tìm thấy điều khoản quy định hạn tuổi của nam - nữ khi muốn lấy nhau nhưng trong một văn bản còn ghi