Nghệ thuật gây cười qua xây dựng hành động nhân vật

Một phần của tài liệu Nghệ thuật gây cười trong hài kịch của uyliam sêcxpia (Trang 34 - 49)

Chương 2: Nghệ thuật gây cười trong hài kịch của Uyliam Sêcxpia

2.1. Nghệ thuật gây cười qua xây dựng nhân vật

2.1.2. Nghệ thuật gây cười qua xây dựng hành động nhân vật

Thuật ngữ “hành động nhân vật” trong Từ điển văn học được diễn đạt bằng cụm từ “cái hành động”, trong Từ điển thuật ngữ văn học được diễn tả bằng thuật ngữ “hành động kịch”.

“Hành động kịch là phương tiện biểu đạt chủ yếu của kịch dựa trên cơ sở một chuỗi biến cố, xung đột phát sinh và kết thúc theo quy luật nhân quả của các quan hệ xã hội, tâm lí. Hành động kịch gắn với những mâu thuẫn xã hội và tính cách, thể hiện thành các hành động, biến cố của nhân vật, tạo thành cơ sở của cốt truyện kịch” [6; 140].

Trong một vở kịch có nhiều hành động lớn nhỏ, bao gồm từ lời phát biểu, cử chỉ, điệu bộ đến những hành vi, hoạt động của nhân vật. Trên sân khấu hài kịch, người diễn viên có thể vận dụng tổng hợp các cử chỉ, điệu bộ, nét mặt, … của mình để thu hút khán giả, để gây cười. Hơn ai hết Sêcxpia biết rõ điều đó. Và ông đã xây dựng cho nhân vật của mình những hành động kịch đặc sắc, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc, người xem.

Hẳn bạn đọc còn nhớ cảnh Tiên hậu Titalia xinh đẹp hết lòng chăm sóc chú lừa Bottơm ngộ nghĩnh trong “Giấc mộng đêm hè”. Do bị Tiên vương Ôbêrơn ép cánh hoa thần (giáo trình Văn học Phương Tây và nhiều tài liệu khác gọi là nhỏ lọ thuốc thần) vào mí mắt lúc đang ngủ nên khi tỉnh dậy Tiên hậu Titalia sẽ yêu ngay sinh vật đầu tiên mà Tiên hậu nhìn thấy. Và Titalia tuyệt mĩ đã nhìn thấy anh thợ dệt Bottơm trước tiên. Oái oăm thay, Bottơm lúc này không còn là Bottơm nữa mà là một chú lừa có đôi tai dài do bị chú tiên đồng Păc tinh nghịch hoá phép thành. Mặc dù vậy, Titalia thần tiên vẫn đem lòng yêu say đắm chú lừa Bottơm một cách tha thiết, không gì cưỡng lại được. Chúng ta hãy tưởng tượng một nữ thần tiên tuyệt trần lại vuốt ve, ôm ấp một người nửa người nửa vật, nói những lời tình tứ yêu đương thì sẽ hài hước ra sao ? Titalia nói với Bottơm : “Em van chàng, hỡi người trần xinh đẹp, hãy ca hát nữa đi! Tai em đã mê đắm nốt nhạc của chàng, cũng như mắt em đã bị hình dáng của chàng quyến rũ. Và sức mạnh đức hạnh của chàng đã kích động em, ngay mới thoạt nhìn, đã phải thú nhận, phải thề rằng : “em yêu anh”. Bottơm đã không ngần ngại đáp lại tình cảm khi có cơ hội có một không hai được một nữ thần tiên xinh đẹp si mê, săn sóc. Titalia ra lệnh cho các tiên nữ làm tất cả những gì tốt đẹp nhất cho người yêu của nàng : Các tiên nữ “hãy đối đãi tốt và lịch sự với chàng công tử này. Hãy nhảy nhót trong những cuộc dạo chơi của chàng và nô giỡn dưới mắt chàng. Hãy nuôi chàng bằng hạnh đào và các loại quả dâu , bằng những chùm nho mọng đỏ và những quả vả xanh tươi. Hãy lấy trộm túi mật ở những con ong nhẫn nại và để làm nến ban đêm, hãy cắt những đùi ong đầy sáp rồi thắp chúng bằng lửa mắt của đom đóm, đem chiếu sáng bạn tình của ta khi lên giường và khi tỉnh giấc […]” [9; 987].

Bottơm cứ thế đón nhận sự săn sóc yêu thương của Tiên hậu Titania.

Bottơm giờ chỉ thích nhai lúa mạch khô, thích có được có một bó rạ ngon và

thơm, một nắm đậu khô để thưởng thức. Titania đáp ứng tất cả. Nàng chăm lo giấc ngủ cho chàng Bottơm: “Nào, chàng hãy ngồi xuống cái giường hoa này, để cho ta ve vuốt cặp má dễ thương của chàng và đính những bông hoa hồng ngát hương lên cái đầu mượt mà êm ả của chàng và hôn những vành tai to lớn xinh đẹp của chàng, ôi niềm vui dịu dàng của em [...].Ngủ đi anh, em sẽ ôm anh trong cánh tay em [9; 1003- 1004]. Những hành động ân ái của Titania dành cho chú lừa Bottơm khiến cho Tiên vương Ôbêrơn không khỏi ghen tuông. Ôbêrơn ra lệnh cho Păc hoá phép bỏ ngay cái đầu lừa cho anh thợ dệt Bottơm và làm cho mọi người tỉnh lại, coi như vừa trải qua một giấc mơ. Còn Tiên vương thì trực tiếp ép cánh hoa thần vào mắt Tiên hậu Titania khiến cho nàng trở lại như xưa. Tiên hậu Titania lại yêu thương Tiên vương Ôbêrơn.

Gia đình chúa tể các loài tiên này lại chung sống vui vẻ, dẹp mọi nỗi bất hoà trước đó. Nhưng Titania thì vẫn không hiểu vì sao mình lại có một giấc mơ kì lạ rằng mình lại đi yêu một con lừa.

Như vậy, qua những cử chỉ, hành động của Titania, người xem có được những tiếng cười thật sảng khoái. Titania cũng giống như những nhân vật khác trong vở kịch như Laixanđơ, Đimitriơx… đều là nạn nhân của cánh hoa thần mà Ôbêrơn đã sai Păc tìm ra. Họ hành động theo tình cảm, cảm tính yêu người mà mình không yêu, không có sự can thiệp của lý trí. Nhựa tình mà Păc đã đặt vào mắt những kẻ si tình kia có thể xem như một biểu tượng, cái gì sẽ xảy ra nếu người ta không làm chủ được trái tim mình, đột ngột thay đổi tình yêu, hoàn toàn bỏ rơi lý trí khi hành động ?

Có lẽ sẽ không ai quên được cảnh diễn kịch của đoàn diễn viên không chuyên – nhóm thợ thủ công thành Aten, những con người ngây ngô, chất phác. Do trình độ và do quan niệm của họ về nghệ thuật nên họ vô tình đã trở thành những vai hề của vở kịch. Khi diễn kịch, bất cứ vai diễn nào ra sân

khấu đều phải có một màn thuyết minh đến nực cười. Những lời tự thuyết minh của các vai diễn khiến cho khán giả cười lăn cười bò.

Vai Bức tường: “Trong màn xen kẽ này, tôi tên là Xnao biểu thị một bức tường, và tôi mong các vị nghĩ rằng trong bức tường này có một lỗ thủng hay một kẽ nứt, qua đó những tình nhân, Pirơmơx và Thidơbi, thường thì thầm rất bí mật. Đất cát này, thạch cao này, viên đá này chứng tỏ rằng tôi chính là bức tường đó. Sự thực là như vậy. Và đây là lỗ nứt, cả phải, cả trái, qua đó những tình nhân hốt hoảng thầm thì” [9; 1016].

Còn vai sư tử thì tự giới thiệu về mình như sau: “Thưa các phu nhân, các phu nhân là những người có trái tim tế nhị, sợ cả con chuột nhắt ghê tởm bò giữa sàn nhà, giờ đây có thể run lên như cầy sấy khi con sư tử hung dữ gầm rú trong cơn cuồng nộ bạo tàn nhất. Vậy thì xin hãy biết cho rằng tôi là Xnăc, anh chàng thợ mộc, chứ không phải là sư tử đực, hay sư tử cái gì hết, bởi vì nếu tôi là sư tử thực thụ đến gây chuyện ở chốn này thì thật là tội nghiệp cho đời tôi…” [9; 1018].

Các hành động kịch, cách trình diễn kịch của mấy anh kép hát này thật ngây ngô, cổ lỗ khiến cho cử toạ cười ngây ngất. Đó cũng “là tiếng cười của một thời đại, muốn tống tiễn cái nghệ thuật Trung cổ - cả nội dung lẫn hình thức – đi vào quá khứ, là sự khẳng định một bước tiến mới của loài người trên con đường tự giải phóng mình” [9; 953].

Còn trong vở “Đêm thứ mười hai”, những hành động của lão quản gia Mavôliô cũng thu hút được sự chú ý của bạn đọc. Sêcxpia đã tập trung xây dựng Mavôliô là một gã tiêu biểu cho tầng lớp trung gian: nịnh trên, nạt dưới, hợm hĩnh mà ngu si lạ lùng. Gã ta giàu mộng tưởng, là quản gia nhưng lại ảo tưởng sẽ trở thành Bá tước, trở thành vị hôn phu danh giá của quận chúa

Ôlivia. Hãy xem, hắn ta ngồi mơ tưởng về tương lai như thế nào: “Maria có lần nói với ta là nàng có lòng cảm mến ta. Và ta cũng đã nghe thấy chính nàng nói gần đúng như vậy, rằng nếu nàng yêu ai thì đó hẳn là một người từa tựa như ta. Vả lại, nàng đối đãi ta với một sự tôn trọng cao hơn hẳn bất kỳ ai khác trong số kẻ hầu người hạ này. Ta nên nghĩ thế nào về điều đó nhỉ ? […]. Trở thành bá tước Mavôliô […]. Sau khi cưới nàng được ba tháng, ta ngồi trong tư thất. Mình mặc áo dài nhung, ta gọi các cận thần đến quanh ta. Ta vừa ngủ ngày trở dậy, rời chiếc giường, nơi ta để lại Ôlivia đang thiêm thiếp giấc nồng,… Rồi với vẻ đường bệ, sau khi nghiêm trang đưa mắt nhìn quanh, ra ý bảo họ là ta biết địa vị của ta, cũng như ta muốn họ phải biết địa vị của họ, ta cho gọi người bà con Tôby của ta đến… Tôby lại gập nghiêng mình thi lễ trước mặt ta…” [9; 1166 - 1167]

Giấc mơ của Mavôliô quả thực là một giấc mơ ngọt ngào nhưng lại quá viển vông! Bởi vì quận chúa Ôlivia đang đem lòng si mê chàng trai mà Viôla cải trang đóng giả; Hơn nữa nàng mãi mãi chỉ coi y là một lão quản gia thậm chí có nhiều lúc còn thấy bực mình, ngán ngẩm về tình y. Nắm bắt được mộng tưởng này của y, cộng với sự căm ghét y, Tôby, Anđru, Maria đã hùa sức đưa Mavôliô vào bẫy, khiến cho y trở nên kệch cỡm, đáng cười với những hành động, nét mặt, cử chỉ, điệu bộ hớ hênh.

Cô hầu gái Maria đã khéo léo viết một bức thư làm như là của quận chúa Ôlivia gửi cho gã Mavôliô, trong đó tỏ những lời tình tứ yêu thương.

Maria đã cố tình để cho Mavôliô nhặt được bức thư này. Cảnh lão quản gia đọc bức thư rồi biến đổi sắc mặt khiến bốn kẻ chủ mưu vụ lỡm Mavôliô là Maria, Tôby, Anđru, Febiơn lấp sau lưng y được một trận cười vui vẻ. Bức thư viết đại ý rằng: do số trời run rủi, em đang là bề trên của chàng, và em đang mang mối tình thầm lặng với chàng, chàng hãy trút bỏ cái vỏ mọn mằn

để xứng đáng với em. “Hãy đối lập với một người bà con của em, hãy cau có với bọn gia nhân. Miệng lưỡi chàng hãy thốt ra những lời có gang có thép.

Hãy nhớ xem ai đã từng khen đôi tất màu vàng của chàng và muốn thấy chàng luôn luôn cài nịt chéo… Trước mặt em, hãy cứ tiếp tục tủm tỉm cười vì nụ cười tủm tỉm rất hợp với chàng [9 ; 1170]. Và Mavôliô, đã thực hiện đúng những gì trong thư đã dặn. Ngay lập tức hắn tỏ ra vô cùng kiêu kì, cao đạo, bệ vệ, đi tất vàng và thắt nịt chéo. Khi gặp quận chúa Ôlivia, lão ta xuất hiện với một bộ trang phục hết sức kì dị, dởm đời, bộ trang phục mà Ôlivia ghét nhất.

Gã lại còn tủm tỉm cười khiến cho Ôlivia chả hiểu làm sao.

“Mavôliô: Ha ha, tiểu thư thân mến

Ôlivia: Ngươi cười đấy ư? Ta sai tìm ngươi trong lúc sầu não mà ngươi lại tủm tỉm cười.

Mavôliô: Sầu não! Thưa tiểu thư, lẽ ra tôi cũng có chuyện sầu não đấy: Cái kiểu bắt thắt nịt chéo này quả có phần nào làm cho máu không lưu thông. Nhưng có hề chi! Nếu nó vừa mắt người ta thì cũng đẹp ý tôi” [9; 1184].

Ôlivia thấy ngạc nhiên trước những lời nói, điệu bộ của Mavôliô. Hỏi y: “Sao, ngươi làm sao thế ? Có chuyện gì xảy ra với ngươi đấy?”, khuyên y nên đi ngủ thì y lại bạo gan gọi Ôlivia là em:“Đi ngủ! Ồ, em thân yêu và ta sẽ đến với em”. Đến mức này thì quận chúa không sao chịu được nữa rồi. “Cầu chúa cứu giúp ngươi”. Và cho rằng y đang mắc một căn bệnh gì đó về thần kinh “Chao, y điên thật rồi” nên sai người chăm sóc y tử tế.

Hành động đeo tất vàng, thắt nịt chéo, cười tủm tỉm, tán tỉnh quận chúa của Mavôliô trong hoàn cảnh này thật hài hước, nực cười. Nếu đây là những hành động của nhân vật trong tiểu thuyết hay truyện ngắn thì nhà văn có thể tả

hàng trang giấy nhưng ở đây là tác phẩm kịch, nên Sêcxpia tập trung thể hiện các động tác, dáng điệu, cử chỉ, ngôn ngữ, giọng điệu của nhân vật. Qua những hành động của nhân vật, nhà soạn kịch làm nổi bật nên tính cách con người của anh ta.

Nếu ai đã từng đọc “Lão hà tiện” của Môlie hẳn sẽ không thể quên được hình ảnh của Acpagông, một người hà tiện, keo kiệt, bủn xỉn. Cảnh lão kêu gào giữa phố khi bị mất chiếc tráp chắc hẳn còn in sâu trong lòng độc giả.

Ở vở “Người lái buôn thành Vơnidơ” của Sêcxpia cũng có một cảnh tương tự.

Sailôc – một gã Do Thái chuyên cho vay nặng lãi, khi bị con gái là Jexica bỏ trốn đi theo người yêu là chàng Lôrenca, mang theo rất nhiều vàng bạc, tiền của thì y cũng đi lang thang giữa phố, kêu gào thảm thiết, tiếc con gái thì ít mà tiếc của thì nhiều. Hành động này của Sailôc chỉ được Sêcxpia xây dựng thoáng qua nhưng nó cũng góp phần không nhỏ làm nên tiếng cười chua chát về tính cách keo kiệt đến tàn ác, nhẫn tâm của Sailôc.

“Con gái của tôi, ôi những đồng đuyca của tôi! Ôi con gái của tôi! Bỏ đi theo một tên theo đạo cơ đốc! Ôi những đuyca của tôi theo đạo cơ đốc!

Công lý đâu! Pháp luật đâu! Những đuyca của tôi đâu! Con gái của tôi đâu!

Một túi thật kín! Hai túi đầy những đồng đuyca, những đồng hai đuyca bị con gái tôi lấy cắp của tôi, và cả những đồ châu báu nữa, hai viên ngọc, hai viên ngọc sáng ngời, hai viên ngọc sáng ngời và quý báu bị con gái tôi ăn cắp!

Công lý đâu! Hãy tìm cho được đứa con gái của tôi, nó mang theo những viên ngọc và đồng đuyca” [9; 1263 - 1264].

Như vậy, có thể thấy xây dựng hành động nhân vật là một yếu tố quan trọng trong nghệ thuật gây cười của Sêcxpia.

2.1.3. Nghệ thuật gây cười qua xây dựng tính cách nhân vật

Theo Từ điển văn học, “Tính cách là khái niệm chỉ toàn bộ những đặc điểm đặc thù về lối sống, cách suy nghĩ, ứng xử của một nhân vật do nhà văn tạo nên, góp phần khu biệt với các nhân vật khác . Tính cách là hình ảnh con người được phác hoạ đến mức đủ rõ và đủ tính xác định, thông qua đó làm bộc lộ một dạng hành vi, suy nghĩ, lời nói có căn nguyên lịch sử, đồng thời cũng làm bộc lộ một quan niệm của tác giả về tồn tại con người” [11; 345].

Một vở hài kịch không thể thiếu được những nhân vật có tính cách hài hước, vui nhộn. Đó có thể là tính cách vui vẻ, hay nói hay cười, hay bông đùa… Những nhân vật này sẽ làm nên tiếng cười vui vẻ, thư giãn cho vở kịch.

Đó có thể là tính cách gàn dở, kệch cỡm, ngây ngô, dốt nát… Những nhân vật này sẽ tạo ra tiếng cười chế giễu, mỉa mai. Sêcxpia đã xây dựng cho hệ thống nhân vật của mình những tính cách hài hước đa dạng để mang lại nhiều sắc điệu cười cho từng vở kịch.

Đọc vở “Giấc mộng đêm hè”, hẳn bạn đọc sẽ rất yêu thích chú Tiên đồng Păc bởi chú ta hết sức nhí nhảnh, nghịch ngợm. Chú ta được mệnh danh là “kẻ lữ hành vui vẻ ban đêm”, chuyên làm trò mua vui cho Tiên vương Ôbêrơn, hay đi trêu chọc người khác khiến người ta phải dở cười, dở mếu.

Păc hay doạ nạt những cô gái trong làng, vớt kem trên sữa và đôi khi phá đám trong cối xay khiến cho bà nội trợ thở dốc ra mà vẫn không nên công cán gì, có khi làm cho rượu không lên men, làm cho những người đi đêm lạc lối rồi cười cợt nỗi nhọc nhằn của họ. Có khi Păc lại giấu mình trong bát ăn của một mụ lắm mồm dưới hình một con cua rán rồi khi mụ uống, Păc húc vào môi và đổ rượu lên thân hình khô héo của mụ. Khi một người đàn bà khôn ngoan nhất đang kể câu chuyện buồn thảm nhất thì Păc hoá thành cái ghế ba chân để cho bà ta ngồi vào rồi Păc trượt đi khiến cho bà ta ngã lăn kềnh, rồi kêu to, ho

sặc sụa khiến cho tất cả mọi người đang ngồi xung quanh ôm bụng cười, vừa hỉ mũi, vừa thề thốt rằng chưa bao giờ được trải qua một giờ vui như thế. Păc còn tinh nghịch hoá phép biến Bottơm thành chú lừa ngộ nghĩnh với đôi tai dài khiến cho nhóm thợ cùng diễn kịch hoảng sợ chạy toán loạn. Có thể nói, Tiên đồng Păc là nhân vật vui nhộn nhất trong “Giấc mộng đêm hè”.

Còn trong vở “Có gì đâu mà rộn”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Nam cho rằng: Sêcxpia đã xây dựng được hai nhân vật Biniđich và Biơtrix vào loại nhân vật hài hước, xuất sắc nhất trong các hài kịch của ông. Biniđich và Biơtrix có cá tính rõ nét: thông minh, sắc sảo, hay châm biếm, tự cho mình cao hơn những người xung quanh, ít nhất cũng trong một chuyện – tình yêu.

Chàng Biniđich thề nguyền sẽ chết như một gã trai tân, còn nàng Biơtrix thì quyết không hạ mình xuống làm kẻ nô lệ tình cảm cho bất cứ gã đàn ông nào.

Nét tính cách độc đáo, có phần bất bình thường này khiến cho họ khác biệt với những người xung quanh. Nhưng đó là khởi điểm để họ gần gũi nhau: họ khâm phục nhau, mặc dầu vẫn gay gắt với nhau trong sự đối địch bên ngoài [9; 1029]. Biniđich và Biơtrix thường xuyên có những cuộc đối thoại hài hước, ví dụ như đoạn sau đây:

“Biniđich: Đành rằng đại nhân Lêônatô là cha nàng, nhưng ví bằng có giống cha đến thế, hẳn nàng chẳng muốn mang đầu ông trên vai mình, cho dù có được cả thành Mexina để bù lại.

Biơtrix: Ông Biniđich, tôi không hiểu tại sao ông vẫn cứ nói hoài. Có ai để ý đến ông đâu!

Biniđich: Ồ! Tiểu thư Kiêu Kì thân mến, cô vẫn còn sống đấy ư?

Một phần của tài liệu Nghệ thuật gây cười trong hài kịch của uyliam sêcxpia (Trang 34 - 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(66 trang)