Tạo tình huống bất ngờ, ngẫu nhiên

Một phần của tài liệu Nghệ thuật gây cười trong hài kịch của uyliam sêcxpia (Trang 57 - 61)

Chương 2: Nghệ thuật gây cười trong hài kịch của Uyliam Sêcxpia

2.2. Nghệ thuật gây cười qua xây dựng tình huống

2.2.2. Tạo tình huống bất ngờ, ngẫu nhiên

Trong cuộc sống luôn luôn có những điều bất ngờ, ngẫu nhiên xảy ra, không ai có thể lường trước được. Sêcxpia đã đem những bất ngờ, ngẫu nhiên ngoài đời sống vào trong các vở hài kịch, nhuận sắc thêm cho chúng sao cho ngẫu nhiên, bất ngờ mà không phi lí.

“Theo từ điển tiếng Việt”, bất ngờ có nghĩa là không ai ngờ, xảy ra ngoài dự tính [5; 51]; ngẫu nhiên có nghĩa là: tình cờ xảy ra, chứ không phải do những nguyên nhân bên trong quyết định, trái với tất yếu [5; 674].

Khảo sát bốn vở kịch của Sêcxpia, chúng tôi nhận thấy vở kịch nào cũng chứa đựng những tình huống bất ngờ, ngẫu nhiên.

Ở vở “Giấc mộng đêm hè”, nhà soạn kịch đã tạo ra một tình huống ngẫu nhiên đó là: Cùng lúc các đôi tình nhân dạo chơi trong khu rừng là cuộc dạo chơi của các thần tiên, thêm vào đó cùng ở khu rừng vào đêm trăng sáng ấy, có một nhóm thợ thủ công đang tập một vở kịch để chuẩn bị biểu diễn. Sự gặp gỡ ngẫu nhiên giữa người và tiên đã dẫn đến cho vở kịch biết bao hài hước.

Còn trong vở “Có gì đâu mà rộn”, khi bị Đôn Jôn vu khống về sự trong trắng, bị Claođiô xỉ vả và tuyên bố huỷ bỏ hôn nhân, nàng Hirô đã chết ngất giữa đám cưới của mình. Tất cả mọi người từ cha của nàng đến Biơtrix, Biniđich thông minh đều hết sức thông cảm cho Hirô nhưng không tìm được cách nào để chứng minh cho sự trong sáng của nàng bởi chứng cứ đã rõ ràng:

chính mắt Claođiô và hoàng tử Đôn Pêđrô nhìn thấy nàng đứng ngoài cửa sổ

phòng ngủ tán tỉnh với một anh chàng lạ mặt ngay trong đêm trước lễ thành hôn. Sự việc dường như đi đến bế tắc thì lại loé lên một tia hy vọng. Do sự ngẫu nhiên, tình cờ mà những người lính tuần đêm đã bắt được kẻ lạ mặt đứng dưới cửa sổ phòng ngủ Hirô. Tên này đã khai nhận tất cả âm mưu vu khống của Đôn Jôn. Chính sự ngẫu nhiên tình cờ này đã minh oan cho sự trong sáng của nàng Hirô, dẫn đến một kết thúc có hậu cho vở kịch: chuyện buồn hoá vui với hai đám cưới của Claođiô và Hirô, Biniđich và Biơtrix.

Bạn đọc hẳn còn nhớ những nhầm lẫn thú vị trong vở “Đêm thứ mười hai” từ khi Xêbaxchiên xuất hiện. Do sự ngẫu nhiên mà hai anh em Xêbaxchiên và Viôla lại có ngoại hình giống nhau như hai giọt nước, nhất là khi người em đóng giả nam nhi ăn mặc giống như người anh. Viôla may mắn thoát bão, dạt vào bờ biển xứ Ilyria. Còn người anh trai xấu số của nàng thì tưởng như đã bị biển khơi nhấn chìm trong vô vọng. Mặc dù vừa mất đi người anh trai thân yêu nhưng khi đặt chân lên xứ sở Ilyria kì diệu, nàng đã bị cuốn hút ngay vào không khí huyền ảo ở nơi đây. Thích phiêu lưu, sẵn sàng chờ đợi mọi bất ngờ của số phận, Viôla cải trang nam nhi lấy tên là Zêzariô đến xin làm người hầu cận của quận công Orxinô. Viôla được Orxinô cử làm sứ giả tình yêu đến chinh phục nàng Ôlivia. Nhưng Ôlivia lại đem lòng yêu vị sứ giả có miệng lưỡi ngọt ngào. Trong khi đó Viôla lại đem lòng yêu mến quận công Orxinô. Viôla vừa tự phải che giấu tình cảm của mình, vừa phải chạy trốn tình cảm của nàng Ôlivia, vừa phải đối mặt với chàng hiệp sĩ Anđru...

Bất ngờ Xêbaxchiên xuất hiện. Chàng đã may mắn được Antôniô tốt bụng cứu sống và cũng dạt đến bờ biển xứ Ilyria. Quả là một tình huống bất ngờ khi hai anh em giống nhau như hai giọt nước cùng xuất hiện ở cùng một thành phố. Nhầm lẫn bắt đầu xảy ra. Và như ở phần trên đã phân tích, có biết bao hài hước từ chuyện nhầm lẫn giữa hai anh em này. Nhưng chuyện Xêbaxchiên còn sống lại là một niềm vui, niềm hạnh phúc khôn tả cho cả hai

anh em... tưởng như họ sẽ chẳng bao giờ gặp lại nhau vậy mà giờ đây họ lại được ôm nhau hoà trong nước mắt niềm vui. Và rồi vở kịch cũng đi đến hồi kết thúc, một kết thúc vui vẻ khi mỗi nhân vật ai cũng có được tình yêu đích thực cho mình: quận công Orxinô yêu Viôla, quận chúa Ôlivia yêu Xêbaxchiên. Thật là ở đời này vẫn luôn có những may mắn bất ngờ.

Còn trong vở “Người lái buôn thành Vơnidơ”, Sêcxpia cũng tạo ra những bất ngờ lí thú. Khi vụ án xử Sailôc đòi thi hành đúng bản giao ước là sẽ xẻo một cân thịt ở ngực Antôniô khi Antôniô không trả khoản tiền vay Sailôc đúng kì hạn đang vào hồi căng thẳng thì bỗng nhiên xuất hiện một vị luật sư trẻ tuổi (do nàng Porxya đóng giả). Sau khi dùng hết lí lẽ và tình cảm để thuyết phục Sailôc từ bỏ việc thi hành điều khoản nhẫn tâm kia để nhận món tiền bồi thường gấp ba mà không có kết quả gì, vị luật sư liền đồng ý cho y tiến hành đúng bản giao ước. Sailôc thấy vậy hết sức vui sướng và luôn miệng khen vị luật sư thông minh tài giỏi.

“Porxya: Dụng ý và mục tiêu của pháp luật đều hoàn toàn đồng ý với điều khoản hình phạt, điều khoản đó, theo tờ văn khế, phải được thi hành.

Sailôc: Thật chí lí. Ôi! Vị quan toà ngay thẳng và sáng suốt! Ngài thật là già dặn hơn bề ngoài nhiều lắm [...].

Porxya: Một cân thịt của người lái buôn kia là thuộc quyền ngươi: toà xử cho ngươi được cân thịt đó và pháp luật cho phép ngươi được lấy.

Sailôc: Quan toà thật công minh quá!

Porxya: Và ngươi phải cắt miếng thịt đó trên ngực của y: pháp luật cho phép và toà đồng ý.

Sailôc: Quan toà thật là giỏi quá! Án quyết như thế mới là án quyết chứ” [9;

1301].

Tất cả mọi người đều ngỡ như là quan tòa đồng ý để cho Sailôc cắt một cân thịt ở ngực Antôniô. Nhưng bất ngờ đã xảy ra. Vị luật sư đã căn cứ vào từng câu chữ trong bản giao ước để lật lại tình thế, lật lại thế cờ, buộc tội Sailôc.

“Porxya: Khoan đã: Chưa biết. Tờ văn khế này không cho ngươi được lấy một giọt máu nào, nhưng được lấy một cân thịt, lời văn khế đã nói rõ;

nếu, khi cắt thịt, ngươi làm chảy ra một giọt máu của người Cơ đốc giáo, thì tài sản đất cát của ngươi bị tịch thu, theo pháp luật của Vơnidơ, để xung công”[9; 1301].

Mọi người đều ngỡ ngàng trước lập luận ấy của vị tiến sĩ. Lúc này, Sailoc như kẻ há miệng mắc quai, vội vàng xin toà bỏ bản khế ước và chấp nhận để cho Antôniô bồi hoàn gấp ba số tiền đã vay. Nhưng toà kiên quyết không đồng ý:

“Porxya: Ngươi hãy chuẩn bị để cắt thịt, không được làm rỏ một giọt máu;

cũng không được cắt nhiều hơn hoặc ít hơn một cân đúng: nếu cân lượng non già dù chỉ một li một lai thôi, nếu cân nghiêng chỉ một sợi tóc thôi, ngươi sẽ bị tử hình, và tất cả tài sản của ngươi sẽ bị tịch thu”

[9; 1302].

Đến lúc này thì Sailôc hối hận cũng không kịp. Chẳng những không được trả nợ lại còn bị tịch thu tài sản, và tính mạng phải nhờ vào sự khoan hồng của nhà nước. Qua tình huống bất ngờ này Sêcxpia muốn ca ngợi trí tuệ con người, sự công minh của pháp luật và tinh thần nhân văn của con người, phê phán những kẻ có lòng dạ độc ác, nhẫn tâm, không có bản tính con người.

Để cho vở kịch thêm vui vẻ, Sêcxpia còn tạo thêm một bất ngờ nữa. Khi mọi người đang mở tiệc chúc mừng Antôniô tai qua nạn khỏi, cảm ơn sự giúp đỡ quý báu cảu vị luật sư mà lúc này mọi người đã biết rõ là nàng Porxya - người vợ yêu quý của Baxaniô, thì có tin đoàn tàu của Antôniô đã cập bến an toàn với rất nhiều hàng hoá. Niềm vui nối tiếp niềm vui, bất ngờ nối tiếp bất ngờ. “Người lái buôn thành Vơnidơ” tuy có màu sắc chua chát của đồng tiền nhưng nhìn chung kết thúc đều vui vẻ do những bất ngờ tạo ra.

Sáng tạo những tình huống bất ngờ, ngẫu nhiên trong các vở hài kịch dường như Sêcxpia muốn nhắn nhủ: cuộc đời có biết bao chuyện bất ngờ, may rủi không biết đâu mà lường, số phận con người nhiều khi không tự quyết định được. Trong bi kịch, trong những lúc gặp khó khăn con người hãy cứ lạc quan, hy vọng bởi biết đâu đó phía trước còn có những bất ngờ may mắn xảy ra.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật gây cười trong hài kịch của uyliam sêcxpia (Trang 57 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(66 trang)