4.2. Một số gợi ý chính sách
4.2.1. Gợi ý chính sách đối với giá vàng
Một số gợi ý chính sách để ổn định giá vàng như:
4.2.1.1 Ổn định tâm lý người dân
Lý do
Các nhà điều hành kinh tế phải hướng đến mục tiêu làm cho người dân tin tưởng vào giá trị đồng nội tệ, sẽ không làm cho giá vàng tăng đột biến. Tâm lý lo sợ đồng tiền mất giá, tâm lý thiếu lòng tin vào đồng tiền VND trong lúc lo ngại giá vàng trong nước sẽ còn tăng nữa khiến nhu cầu vàng tăng mạnh trong khi nguồn cung có hạn, đã khiến thị trường chứng kiến các hiện tượng giá vàng tăng mạnh như trong thời gian qua. Có hai nguyên nhân khiến người dân theo các cơn sốt giá vàng. Thứ nhất là sức hấp dẫn trong lựa chọn đầu tư ngắn hạn
của người dân đối với các tài sản có giá trị như vàng. Rất nhiều người hy vọng vào những cơn sốt để tạo sự chênh lệch giá cao để sinh lợi lớn. Tuy nhiên, chỉ có một bộ phận nhỏ chủ động đầu cơ là có lãi, còn lại đa số người dân bị cuốn vào dòng xoáy tâm lý là bị thua lỗ. Thứ hai, nhiều người dân vẫn quen tích trữ vàng như tài sản đảm bảo. Khi giá biến động, người dân sợ mất giá trị tài sản nên vội đổ ra mua bán gây xáo trộn thị trường, tạo nên cơn sốt vàng.
Nội dung
Để tránh những cơn sốt vàng tức là ngăn chặn đà tăng mạnh của vàng trên thị trường thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần phải ổn định tâm lý người dân bằng một số biện pháp như tuyên truyền nâng cao hiệu biết của người dân về tác hại những cơn sốt vàng ảo, ngăn chăn nạn đầu cơ làm giá và đưa ra các biện pháp kinh tế hiệu quả để tăng cường lòng tin của người dân vào đồng nội tệ.
Hiệu quả
Theo các chuyên gia kinh tế, vàng tồn đọng trong dân là một sự lãng phí rất to lớn. Nếu tâm lý người dân được ổn định thì nguy cơ vàng tồn đọng trong dân được giải quyết. Khi đó nên kinh tế Việt Nam sẽ có thêm nguồn lực để phát triển tốt hơn.
4.2.1.2. Nhà nước cần dự trữ vàng hợp lý
Lý do
Vàng giữ vai trò quan trọng trong dự trữ ngoại hối của quốc gia, nhất là đối với các nước đang phát triển thì lượng vàng dự trữ có xu hướng tăng theo sự tăng lên của tổng dự trữ ngoại hối.
Nội dung
Nghiên cứu tăng lượng vàng dự trữ tương ứng với mức tăng tổng dự trữ ngoại hối.
Tăng cường sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước đối với thị trường vàng cũng đồng nghĩa việc Ngân hàng Nhà nước kiểm soát tỷ giá và thị trường ngoại hối.
Hiệu quả
Các biện pháp trên sẽ giúp bình ổn giá cả và kiềm chế lạm phát bởi vì nếu dự trữ ngoại hối chỉ có ngoại tệ như USD thì nếu giá trị USD bị mất giá sẽ ảnh hưởng đến nguồn dự trữ ngoại hối quốc gia. Một khi điều hành được tỷ giá và thị trường ngoại hối linh hoạt, bình ổn được giá cả các mặt hàng nhập khẩu thì sẽ góp phần kiềm chế được lạm phát và tăng sự ổn định của thị trường vàng.
4.2.1.3. Tiến tới tự do hóa thị trường vàng
Lý do
Cùng với quá trình tự do hóa thị trường tài chính, thị trường vàng cũng cần được tự do từng bước nhằm phù hợp với trình độ phát triển chung của thị trường tài chính.
Nội dung
Hoạt động xuất nhập khẩu vàng do liên quan đến cung cầu ngoại tệ nên trong điều kiện còn các biện pháp kiểm soát ngoại hối, quản lý tỷ giá thì vẫn cần thực hiện kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu vàng. Nên cho phép xuất nhập khẩu vàng như loại hàng hóa thông thường, vấn đề là chính sách thuế và phí đối với xuất nhập khẩu vàng. Nên sử dụng công cụ thị trường trong quản lý vàng, hơn là dùng các quyết định hành chính.
Hiệu quả
Có như vậy, sự khác biệt giữa giá vàng trong nước và quốc tế sẽ giảm dần, từ đó giảm hoạt động đầu cơ lũng đoạn thị trường. Theo kinh nghiệm của nhiều nước, trong đó có Trung Quốc, tiến trình tự do hóa thị trường vàng bắt đầu từ tự do hóa thị trường vàng vật chất, sau đó đến kinh doanh vàng tài khoản và cuối cùng là xóa bỏ kiểm soát đối với hoạt động xuất nhập khẩu vàng.
4.2.1.4. Thành lập Trung tâm giao dịch vàng Việt Nam
Lý do
Hiện nay, tại Việt Nam, có rất ít Trung tâm giao dịch vàng Việt Nam khiến cho:
Tình trạng xuất, nhập lậu vàng có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Tình trạng đầu cơ làm giá tiếp tục có diễn biến phức tạp.
Gia tăng rủi ro và chi phí cho các nhà đầu tư vàng.
Tình trạng vàng tồn đọng trong dân với số lượng lớn.
Thị trường vàng trong nước và thị trường vàng quốc tế không được liên thông với nhau
Nội dung
Cơ quan chức năng cần xác định được các tiêu chí, điều kiện thành lập Trung tâm giao dịch vàng, một số nguyên tắc hoạt động đảm bảo cân đối quyền lợi giữa đơn vị quản lý trung tâm với các nhà đầu tư; nhận diện các dạng vi phạm và hướng xử lý, cơ quan có trách nhiệm xử lý vi phạm.
Hiệu quả
Việc Trung tâm giao dịch vàng quốc gia ra đời sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng xuất, nhập lậu vàng. Khi có Trung tâm giao dịch thì giá vàng trong nước và thế giới sẽ liên thông với nhau, góp phần hình thành mức giá đồng nhất trên thị trường, tránh được tình trạng đầu cơ làm giá như hiện nay. Đây là nơi tập trung nhiều nhà đầu tư có nhu cầu mua và bán vàng, là nơi phản ánh trung thực, khách quan về giá cả, không để các doanh nghiệp tự công bố giá. Bên cạnh đó, Trung tâm giao dịch vàng có thể áp dụng các công cụ phái sinh, giúp nhà đầu tư phòng ngừa và kiểm soát các rủi ro trước biến động giá vàng. Nhà nước có thể huy động nguồn vốn lớn từ trong dân thông qua nghiệp vụ kinh doanh vàng trên tài khoản, giúp mở rộng thị trường vàng.
Ngoài ra, hình thức kinh doanh này phù hợp với xu hướng quốc tế, làm giảm bớt nhu cầu kinh doanh vàng vật chất và tạo một kênh lưu thông hiệu quả giữa thị trường trong nước và thị trường thế giới. Ngoài hình thức giao dịch nhanh chóng, hình thức này còn khắc phục được các công đoạn, các chi phí phát sinh từ nhập đến lưu thông như vận chuyển, chế tác, bảo hiểm, lưu giữ vàng.
Hình thức giao dịch này không chỉ khiến lượng vàng vật chất nhập về giảm đi, tiết kiệm được ngoại tệ và các chi phí cho xã hội, mà còn giúp các ngân hàng
huy động, cân đối được nguồn vốn bằng vàng trong dân, từ đó góp phần làm minh bạch, rõ ràng, tập trung được các hoạt động giao dịch.
4.2.1.5. Kết luận
Ngân hàng Nhà nước có thể sử dụng các chính sách nêu trên để trực tiếp điều hành tốt thị trường vàng. Ngoài ra, thị trường vàng muốn hoạt động ổn định thì các nhân tố kinh tế vĩ mô như chỉ số chứng khoán, chỉ số lạm phát, lãi suất huy động và giá dầu thế giới cũng phải ổn định.
Chỉ số chứng khoán, chỉ số lạm phát và lãi suất huy động trong bài nghiên cứu là các nhân tố kinh tế vĩ mô ở Việt Nam nên Ngân hàng Nhà nước cũng như Chính phủ Việt Nam có thể điều chỉnh sao cho thị trường trong nước vàng trở nên ổn định. Còn giá dầu thế giới là nhân tố kinh vĩ mô ở bên ngoài nên chỉ có thể đưa ra biện pháp đối phó khi giá dầu tăng hoặc giảm nhằm giúp cho thị trường vàng trong nước không bị hỗn loạn.
4.2.2. Gợi ý chính sách đối với thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK VN) 4.2.2.1. Phát triển toàn diện TTCK VN
Lý do
Luật chứng khoán vẫn có những thiếu sót chưa phù hợp, hành lang pháp lý thiếu hoàn chỉnh để đảm bảo tính chặt chẽ trên thị trường.
Quản lý, giảm sát hoạt động thị trường còn chưa thật tốt dẫn đến giá cổ phiếu tăng giảm bất thường, chất lượng dịch của các tổ chức tài chính trung gian, hoạt động tư vấn, giám sát, định giá cổ phần để chưa thật hợp lý và chất lượng quản lý thông tin không cao.
Hoạt động kinh doanh của một phần lớn các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán không hiệu quả.
Nội dung
Hoàn thiện khung khổ pháp luật, pháp lý.
Đổi mới thể chế quản lý TTCK VN, bao gồm:
Cơ cấu lại thị trường.
Tổ chức sắp xếp lại các sàn giao dịch chứng khoán
Tăng cường năng lực kiểm soát TTCK VN.
Phát triển cân đối TTCK VN sơ cấp và thứ cấp đối với cả cổ phiếu và trái phiếu.
Nâng cấp hệ thống tổ chức quản lý, nhân sự, công nghệ hiện đại.
Tăng cường công tác quản lý, giám sát thị trường và hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán (về vốn, hành nghề, quản trị rủi ro, chỉ tiêu an toàn tài chính, kiểm soát nội bộ, công bố thông tin, báo cáo).
Nâng cao quản trị doanh nghiệp, chất lượng hàng hóa niêm yết trên thị trường, đa dạng hóa các sản phẩm chứng khoán, triển khai TTCK VN phái sinh phát triển nhà đầu tư tổ chức, thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài trung và dài hạn. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đồng thời gắn liền quá trình cổ phần hóa với niêm yết và giao dịch trên TTCK
Hiệu quả
Thi hành hiệu quả các biện pháp trên sẽ giúp TTCK VN hoạt động công khai, minh bạch, hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế và các cam kết quốc tế của Việt Nam cũng như kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo pháp luật đối với các hành vi vi phạm, không tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về chứng khoán và TTCK VN. Đó là sự răn đe cần thiết để các tổ chức, cá nhân và thành viên TTCK VN tiếp tục chấp hành, tuân thủ các quy định pháp luật.
Đồng thời còn tạo lập môi trường thật sự hấp dẫn, lành mạnh, đáng tin cậy và có sức cạnh tranh đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước đồng thời củng cố hoạt động, nâng cao năng lực tài chính và quản trị công ty của các tổ chức kinh doanh chứng khoán.
Ngoài ra còn giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có điều kiện phát triển và huy động vốn phục vụ
sản xuất kinh doanh. Khi doanh nghiệp khỏe mạnh thì TTCK VN mới phát triển ổn định.
4.2.2.2. Kết luận
TTCK VN phát triển chậm và không ổn định chính là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho các nhà đầu tư chuyển sang mua vàng nhiều hơn gây nên những cơn sốt vàng. Những cơn sốt vàng này thường gây thiệt hại rất lớn cho các nhà đầu tư nền kinh tế Việt Nam.
Bài nghiên cứu đã phần nào chỉ ra rằng chỉ số VN-Index và giá vàng trong nước có mối quan hệ nghịch chiều do đó gợi ý chính sách “Phát triển toàn diện TTCK VN” nêu trên trong điều kiện thị trường vàng đang ổn định là phù hợp để ngăn chặn thị trường vàng mất ổn định do những cơn sốt vàng gây nên.