Chương 3 TRI THỨC ĐỊA PHƯƠNG
3.3. Tri thức địa phương trong việc quản lý tài nguyên nước
Sử dụng và quản lý có mối quan hệ mật thiết với nhau, mục đích cuối cùng chính là bảo vệ nguồn tài nguyên. Sử dụng và quản lý nguồn tài nguyên nước một cách hợp lý, phù hợp với điều sinh thái, duy trì sự đa dạng sinh học chính là cách bảo vệ bền vững nhất. Người Mường nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của nước đối với đời sống con người, nên từ xa xưa đã đặt ra những quy ước khá cụ thể trong việc quản lý để bảo vệ nguồn tài nguyên nước. Những quy định thể hiện trong
111
phong tục, tập quán, luật tục của người Mường chính là ý thức hệ tư duy và lối sống được phản ánh thông qua sự ứng xử giữa con người với con người và giữa con người với môi trường tự nhiên, cụ thể ở đây với nguồn tài nguyên nước.
3.3.1. Nguồn nước làm nông nghiệp
Trong xã hội truyền thống, ở các làng Mường trước đây bên cạnh lang đạo, còn có những người giúp việc như: đôn đốc công việc cày cấy thu hái cho nhà lang, truyền mệnh của nhà lang xuống các chức việc, các đạo, xã chòm.v.v… Người Mường gọi những người giúp việc ấy là các ông bô (pố) hay các ông bỏ, ông túa, ông viềng… Trong các việc giúp nhà lang kể trên có một việc liên quan đến thuỷ lợi, đó là có trách nhiệm quản lý và điều hành chung hoạt động thuỷ lợi của mường, của làng từ việc đắp phai, đào mương dẫn nước cho đến việc giải quyết những mâu thuẫn xảy ra trong việc sử dụng nguồn nước giữa các gia đình trong làng nếu có. Do đó, những người giúp việc thường được lang đạo chia phần ruộng tốt để cày cấy.
Theo luật tục, sông, suối chảy qua địa bàn làng nào thì làng đó đƣợc toàn quyền sử dụng, được đắp phai, đào mương dẫn nước về ruộng trồng lúa.
Mương, phai là công trình của cộng đồng, hàng năm mọi gia đình trong làng có trách nhiệm bảo vệ và tu sửa. Mùa mƣa nếu có lũ lớn thì lang đạo, xã chòm có trách nhiệm cử người đi xả lũ để tránh cho ruộng đồng ngập úng. Ở làng Cha (mường Ống), trong thời kỳ chế độ lang đạo trước đây, hàng năm theo định kỳ ông viềng thay mặt xã chòm đánh trống tập hợp dân làng tu sửa mương phai và khai thông mương máng sau mỗi mùa nước lũ. Trong mùa lũ dân làng có trách nhiệm thay nhau túc trực bảo vệ cầu máng dẫn nước qua suối Cha. Trong thời kỳ hợp tác hoá nông nghiệp (1960 - 1971) làng thành lập một tổ bảo nông từ 4 đến 6 người chuyên làm công việc bảo vệ hoa màu và làm công tác thuỷ lợi tưới tiêu nước và bảo vệ mương máng cho làng, mỗi năm được làng khoán công 100 kg thóc/1người.
Từ năm 1971 - 1991 công việc này đƣợc tổ phụ lão đảm trách. Từ năm 1991 - 2007, Hội Cựu chiến binh lại đƣợc làng giao trách nhiệm làm công việc này. Từ năm 2007 đến nay (2009) làng bầu ra một tổ bảo nông gồm hai người có trách nhiệm điều
112
phối nước đến từng cánh đồng thông qua hệ thống thuỷ lợi, mỗi người một vụ được làng trả công 40 kg thóc.
Các làng đều có quy ước về việc cấm phá mương phai để đánh bắt cá, nếu ai vi phạm sẽ bị làng bắt vạ. Nếu ai bị bắt vạ thì đó sẽ là sự xấu hổ không chỉ đối với người vi phạm mà còn ảnh hướng xấu đến cả gia đình, dòng họ. Vì thế hầu như không có ai vị phạm quy ước này. Trong quy ước mường Ống, mường Khô (Bá Thước), mường Vẩm (Cẩm Thuỷ) trước đây ai phạm tội phá mương phai dẫn nước vào ruộng hoặc làm bẩn nguồn nước như duốc cá ở các sông suối thì bị phạt roi, vi phạm lần đầu phạt 50 roi, lần thứ hai phạt 100 roi.
Các gia đình trong làng cùng có trách nhiệm quản lý nước, dẫn nước và giữ nước trên phần ruộng của mình. Những gia đình ở ruộng thấp không được tự ý đào bờ ruộng trên tháo nước cho chảy xuống ruộng nhà mình nếu không được sự đồng ý của gia đình ở ruộng trên. Trong trường hợp ruộng nhà bên vừa bón phân thì tuyệt đối không được dẫn nước qua ruộng nhà đó.
Người ta để nước ruộng trên tự tràn xuống ruộng dưới, hoặc chỉ được phép dùng ống luồng, ống nứa xuyên qua bờ ruộng cho nước chảy vào ruộng nhà mình.
Cũng theo quy ƣớc, các gia đình ở ruộng trên muốn dọn sạch bèo cũng không đƣợc tự ý tháo nước để bèo trôi sang hoặc trôi xuống ruộng nhà khác mà phải xin phép nhà có ruộng ở bên khơi một con lạch nhỏ để tháo nước cho bèo trôi qua đó chảy ra khe suối. Nếu tự ý tháo nước cho bèo trôi qua ruộng nhà khác sẽ bị phạt theo quy định của từng làng.
3.3.2. Nguồn nước ăn uống và sinh hoạt
Nước sản xuất có thể khai thác và sử dụng nhiều nguồn nước khác nhau, trong khi đó nước ăn uống và sinh hoạt yêu cầu đảm bảo vệ sinh hơn và càng vệ sinh càng tốt, do đó người ta sử dụng chủ yếu nguồn nước ngầm ở các mó nước, nước mưa và nước giếng để ăn uống và sinh hoạt. Vì thế, việc quản lý để bảo vệ đối với nguồn nước này cũng thường được chú trọng hơn. Những quy định bảo vệ nguồn nước ăn uống và sinh hoạt cũng cụ thể và chặt chẽ hơn trong luật tục của từng làng, được mọi người trong làng thực hiện rất có trách nhiệm. Hầu hết các làng
113
của người Mường ở Bá Thước đều có những quy định cấm không được làm bẩn nguồn nước ăn uống và sinh hoạt.
Trước hết, để đảm bảo cho nguồn nước sạch không bị nhiễm bẩn, hàng năm các gia đình trong làng có trách nhiệm đan phên, rào dậu xung quanh bảo vệ các mó nước, đồng thời dọn vệ sinh như phát quang cỏ, vớt sạch rêu bèo, rác bẩn lâu ngày tích tụ ở chung quanh các mó nước cũng như khơi thông dòng chảy. Các làng quy định cấm chăn thả gia súc gia cầm như trâu, bò, chó, gà, vịt… ở gần nguồn nước, nhất là không cho trâu, bò uống nước ở các mó; cấm không được phóng uế cũng nhƣ giết mổ gia súc, gia cầm và vứt các con vật chết ở xung quanh khu vực mó nước và ở khu vực các khe suối đầu nguồn. Có những làng người ta quy định mó nước để ăn uống riêng và mó nước để tắm giặt riêng.
Để giữ vệ sinh chung, các làng còn quy định những đồ dùng, váy áo của phụ nữ trong thời kỳ ở cữ, trong thời kỳ rong kinh và tã lót của trẻ sơ sinh không đƣợc giặt ở đầu nguồn khe suối mà phải giặt ở nguồn nước cuối làng, hoặc có làng quy định mó nước dành riêng cho những trường hợp này.
Ngoài ra, các làng còn quy định không được chôn người chết gần nguồn nước ăn của làng. Khi làng chọn đất làm nghĩa địa không được chọn ở khu vực rừng đầu nguồn và những nơi có nguồn nước chảy qua.
Các quy định trên tuy không đƣợc ghi thành văn bản nhƣng đƣợc mọi thành viên trong làng tự giác chấp hành, ai vi phạm sẽ đƣợc dân làng nhắc nhở, nhƣng nếu tái phạm mà bị bắt quả tang sẽ bị phạt vạ theo quy định chung của làng(16). Cụ thể có những làng quy định vi phạm lần thứ nhất bị nhắc nhở, vi phạm lần thứ hai bị làng phạt một con lợn từ 20 đến 30kg và thông báo cho toàn thể dân làng biết, nhƣng nếu lại tiếp tục vi phạm lần thứ 3 thì làng cấm không cho sử dụng nguồn nước sạch để ăn uống và sinh hoạt [196, tr.76].
Ở làng Cha, trước đây dân làng quản lý các mó nước dùng để ăn uống và sinh hoạt bằng cách giao cho một số gia đình trực tiếp quản lý. Bốn mó nước chính của làng (mó Cây Chương, mó Cây Khi, mó Chạng và mó Mơi) giao cho 4 hộ gia đình ở gần nhất bảo vệ. Hàng năm các gia đình trong làng có trách nhiệm đóng góp
114
để trả công cho mỗi gia đình bảo vệ là 25 kg thóc. Các gia đình này có trách nhiệm bảo vệ các mó nước, không cho trâu bò và gia súc gia cầm nói chung đến gần mó nước, đồng thời thỉnh thoảng vệ sinh mó nước như vớt sạch rong rêu và khai thông rãnh thoát nước.v.v… Hiện nay nhân dân làng Cha phần lớn vẫn sử dụng các mó nước trong làng để ăn uống và tắm giặt. Do đó hàng năm dân làng tổ chức họp để bầu ra một gia đình trực tiếp quản lý chung các mó nước trong làng, mỗi năm được làng trả công trách nhiệm 50 kg thóc. Nếu làm không tốt dân làng sẽ bãi nhiệm và bầu người khác, chính vì vậy người được dân làng tín nhiệm bầu ra phải là người có trách nhiệm lớn với công việc này, và nếu làm tốt thì năm sau sẽ đƣợc tái cử.
Ở làng Cò (mường Khô) người ta sử dụng nước mó Đuống giữa làng để ăn uống và tắm giặt. Do đó làng quy định nếu ai phóng uế bừa bãi, làm bẩn mó nước của làng sẽ bị làng phạt vạ. Xã chòm (quan lang) thay mặt dân làng xét xử theo lệ làng. Gia đình người vi phạm phải chuẩn bị lợn, gà, rượu làm cơm mời cả làng đến ăn vạ đồng thời phải xin lỗi dân làng về hành vi của mình và phải hứa với dân làng không tái phạm nữa.v.v…
Nhìn chung, mọi thành viên trong cộng đồng đều có nhận thức rất sâu sắc về vai trò và tầm quan trọng của nguồn nước ăn uống và sinh hoạt trong đời sống hàng ngày, thêm vào đó, tín ngưỡng về thần nước hay ma nước cũng đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ nguồn nước nói chung hiệu quả hơn.
3.3.3. Nguồn nước khai thác và nuôi trồng thuỷ sản
Theo luật tục, dân ở làng nào thì có quyền quản lý và khai thác sông suối chảy qua địa bàn làng đó. Vì vậy, người ngoài làng tuyệt đối không được đánh bắt nguồn thuỷ sản trong địa bàn của làng. Mọi người dân trong làng đều phải có trách nhiệm bảo vệ nguồn thuỷ sản.
Ngoài những quy ước trong việc bảo vệ nguồn nước ăn uống, sinh hoạt, sản xuất, người Mường còn có quy ước nguồn thuỷ sản cá, tôm, cua, ốc... ở khe suối, sông hồ trong phạm vi địa bàn của làng là của chung dân làng, mọi thành viên phải có trách nhiệm quản lý và có quyền đƣợc đánh bắt, nhƣng cấm sử dụng thuốc độc, lá độc trong rừng đánh bắt làm ô nhiễm nguồn nước và huỷ diệt nguồn thuỷ sinh.
115
Trên các đoạn suối, sông hay những vụng nước trong làng nếu ai đó chiếm dụng bằng cách đào một cái hố, quăng chà hay cắm vài tàu lá cọ ở đó để cho cá trú ẩn thì người đó có quyền hưởng dụng số cá đánh bắt được, người khác không có quyền khai thác và chiếm dụng diện tích mặt nước ấy. Theo quy ước, diện tích mặt nước này được chiếm dụng lâu dài và được trao quyền hưởng dụng cho các đời sau, chỉ khi nào không sử dụng và quản lý nữa thì mới trở thành của chung cộng đồng.
Tuy nhiên, trong xã hội phong kiến trước đây một số làng định cư ven sông, suối lớn có nguồn thuỷ sản dồi dào, theo luật tục, hàng năm dân làng đƣợc khai thác và có trách nhiệm cống nạp cho lang đạo một phần. Cụ thể như ở mường Khô xưa kia có hai nơi nổi tiếng về cá và thú đó là làng Song và đồi Muốn, hàng năm xã chòm (quan chòm) huy động dân làng Song đánh bắt những loại cá to và ngon nhất của sông Mã cống nạp cho lang đạo Hà Công quản lý mường này. Câu tục ngữ “Cá lồông Khoong, moong đồi Muồn” (Cá làng Song, thú muông đồi Muốn)(17), hay “Cá to quan Phoong, moong to quan Muốn” của người Mường ở Bá Thước vừa để nói đến đặc sản của vùng đất này đồng thời đƣợc đúc kết từ thực tế cống nạp trên. Qua đây cho thấy quản lý nguồn tài nguyên nói chung ở cấp mường thuộc về những người đứng đầu mường, đó là dòng họ lang đạo.
Nguồn nước nuôi trồng thuỷ sản chủ yếu là nguồn nước mặt ao, hồ, sông. Ao thường thuộc sự quản lý của gia đình, do đó các gia đình tự dẫn nước về ao nuôi cá.
Bờ ao được kè đắp cẩn thận để giữ nước và được kiểm tra hàng ngày. Những làng có hồ nước tự nhiên hoặc ngăn đập tạo hồ dự trữ nước để trồng lúa thì trách nhiệm quản lý thuộc về cộng đồng. Người ta vừa sử dụng nước trồng lúa đồng thời tận dụng nguồn nước hồ để nuôi cá. Đây là nguồn thuỷ sản của chung cộng đồng, nhƣng các gia đình không đƣợc tự do khai thác mà có quy định thời gian khai thác cụ thể hàng năm, nhƣ vào dịp cuối năm khai thác để lấy cá ăn tết hoặc vào mùa khô khi mực nước rút xuống mức thấp nhất. Ngoài ra, dân làng còn tận dụng diện tích mặt nước hồ để nuôi thả thuỷ cầm như ngan, vịt. Do vậy, người ta có những quy định cấm không được làm ô nhiễm nguồn nước như việc thả lá độc, thuốc độc để bắt cá.v.v...
116
Người Mường ở Bá Thước có tập quán sử dụng nguồn nước sông Mã để nuôi cá lồng, do đó trước đây các làng bên sông có những quy ước quản lý nguồn nước như cấm không được thả các chất độc xuống sông, nhất là những khúc sông nuôi cá lồng; không đƣợc đánh bắt gần khu vực nuôi cá.
Có thể nói, nguồn nước để khai thác và nuôi trồng thuỷ sản là nguồn nước mặt tự nhiên rất phong phú của người Mường ở Bá Thước. Trước kia nguồn nước này đã đem lại nguồn lợi lớn về thuỷ sản và thuỷ cầm cho đồng bào Mường. Do đó người dân từng làng có trách nhiệm rất cao trong việc quản lý để bảo vệ nguồn nước không bị ô nhiễm làm ảnh hưởng đến nguồn thuỷ sinh cũng như bảo vệ nguồn thuỷ sản của cộng đồng. Vì vậy, đến những năm 1960 của thế kỷ XX nguồn nước ở trên địa bàn huyện Bá Thước còn rất trong lành, nguồn thuỷ sản cá, tôm… trên sông, suối, đồng ruộng tất cả còn rất dồi dào.
Nhìn chung, trong xã hội truyền thống, người Mường ở Bá Thước nói riêng quản lý tài nguyên nước vẫn chủ yếu dựa trên quy ước, luật tục. Song kết quả cho thấy cách quản lý này rất hiệu quả, phù hợp với điều kiện xã hội. Do đó, nó đã phát huy được lợi ích trong sử dụng mà không ảnh hưởng xấu đến nguồn nước như ô nhiễm, cạn kiệt hay những mâu thuẫn xã hội khác.
3.3.4. Tín ngưỡng liên quan đến nước
Để có nước ăn uống, sinh hoạt và sản xuất, trước đây ngoài các quy ước trong việc sử dụng và quản lý để bảo vệ nguồn nước thì người Mường còn có những tín ngưỡng về nước, đó là các nghi lễ cầu mưa, cầu nước… được tổ chức hàng năm.
Tuy nhiên, những nghi lễ liên quan đến nước được bắt nguồn từ tín ngưỡng tôn giáo sơ khai, đó là tín ngƣỡng “vạn vật hữu linh”. Nhà dân tộc học Từ Chi đã diễn giải thế giới quan của người Mường bằng mô hình “Vũ trụ 3 tầng - 4 thế giới”
được người Mường và nhiều học giả tán thành với cách diễn giải này [169]. Cũng ở tầng thấp nhất của vũ trụ nhưng không phải trong lòng đất là Mương Bua Khụ (Mường Vua Khú). Hiện nay người Mường vẫn còn lưu truyền nhiều truyền thuyết về thế giới nước này. Loài Khú mà dân gian gọi là Vua Khú (Bua Khú), nó gần giống với quan niệm về vua Thủy Tề của người Việt (Kinh). Với người Mường ở
117
Thanh Hoá nói chung và ở Bá Thước nói riêng còn quan niệm cai quản thế giới nước là vua nước - ma nước - thần nước. Thần nước trong tưởng tượng dân gian của người Mường thuộc loài rắn, có hình thù giống như con thuồng luồng, hay trú ngụ ở những vụng nước sâu, bến nước hoặc sông suối trong làng. Thần nước có thể làm hại đến cuộc sống của dân làng, nếu thần nước không hài lòng sẽ tàn phá cuộc sống của còn người như gây ra lũ lụt, hạn hán. “Nước Vạn Cha, Ma La Hán” là quan niệm ma thiêng, nước độc của người Mường ở Bá Thước. Vì thế, tục thờ thần nước của người Mường trước đây diễn ra khá phổ biến ở hầu hết các làng mường, hoặc được thờ cúng ở cấp mường do lang đạo đứng ra tổ chức hàng năm.
Một nguồn nước quan trọng đối với người dân Mường xưa ở các làng đó là nguồn nước mó (vó rạac). Đối với người Mường đây là nguồn nước ngầm tinh khiết nhất của trời đất, vì thế hầu hết các nghi lễ cần đến nước đều phải sử dụng nguồn nước ngầm này để cúng, đặc biệt trong lễ cúng tổ tiên và lễ cúng trong những ngày tết. Có những nơi người ta còn quan niệm nước mó như là nước thiêng, ai ốm nặng sắp chết cũng muốn uống nước mó [139].
Người Mường ở mường Khô, mường Ống, mường Ai… trước kia cũng như hiện nay có tục đi lấy nước cầu may đầu năm. Cụ thể người Mường ở làng Cha, làng Sèo… có tục lấy nước đầu năm cầu may, gọi là tục lấy nước rồng “rạac rốông”. Không ai bảo ai nhưng cứ sau thời điểm giao thừa người dân trong làng có mặt ở mó nước. Người ta cho rằng càng đi sớm thì trong năm đó gia đình càng gặp được nhiều may mắn, được trời đất phù hộ, ban phát phước lành và làm ăn phát đạt vì lấy được nước đầu rồng, còn ai đi muộn thì chỉ lấy được nước đuôi rồng, ít may mắn hơn. Khi lấy nước về, chủ nhà rót ngay ra bát đặt lên bàn thờ cúng tổ tiên đầu năm(18). Mỗi ngày tết được thay nước cúng một lần. Hiện nay, tục lấy nước rồng vào đầu năm của người Mường ở làng Sèo vẫn còn một số gia đình thực hiện như giữ gìn một nét đẹp văn hoá của dân tộc.
Ngoài ra, các ông mo, bà máy trước đây có sử dụng nước mó để chữa bệnh và trừ tà ma(19). Khi chữa bệnh các bà máy có sử dụng nước lã phù phép rồi mới cho người bệnh uống. Có thể không có giá trị về y học nhưng bài thuốc tinh thần mà nó