3. Các hình thức chủ yếu của tài chính quốc tế
3.1. Đầu tư quốc tế trực tiếp (FDI)
Đầu tư quốc tế trực tiếp là hình thức đầu tư thể hiện việc các tổ chức, cá nhân một nước thực hiện đầu tư vốn ra nước ngoài dưới hình thức tự mình đứng ra kinh doanh hoặc hợp tác kinh doanh với các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài.
* Các hình thức FDI:
+ Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài: Là doanh nghiệp do chủ nước ngoài đầu tư 100% vốn tại nước sở tại, có quyền điều hành toàn bộ doanh nghiệp theo quy định của pháp luật của nước sở tại. Doanh nghiệp hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài và do bên nước ngoài tự thành lập, tự quản lý và hoàn toàn chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh.
+ Doanh nghiệp liên doanh: Là doanh nghiệp được thành lập do các chủ đầu tư nước ngoài góp vốn chung với doanh nghiệp ở nước sở tại trên cơ sở hợp đồng liên doanh. Các bên cùng tham gia điều hành doanh nghiệp, chia lợi nhuận, chịu rủi ro theo tỷ lệ góp vốn của mỗi bên vào vốn đầu tư. Theo luật đầu tư nước ngoài của Việt Nam, phần góp vốn pháp định của bên nước ngoài không bị hạn
chế về mức cao nhất như một số nước khác, nhưng không được ít hơn 30% vốn pháp định.
+ Hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh: Là một văn bản được ký kết giữa một chủ đầu tư nước ngoài và một chủ đầu tư trong nước để tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh ở nước chủ nhà trên cơ sở quy định về trách nhiệm và phân phối kết quả kinh doanh mà thành lập pháp nhân mới.
+ Các hình thức khác: Hợp đồng xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT), BT, BTO…
1.3.2. Đặc điểm của đầu tư trực tiếp nước ngoài
- Đầu tư trực tiếp nước ngoài được thực hiện bằng vốn do chủ đầu tư nước ngoài tự quyết định đầu tư, quyết định sản xuất kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về lỗ lãi. Nó là hình thức đầu tư mang tính khả thi và hiệu quả kinh tế cao, cũng như không để lại gánh nặng nợ nần cho nền kinh tế.
- Chủ đầu tư nước ngoài điều hành toàn bộ mọi hoạt động đầu tư nếu là daonh nghiệp 100% vốn nước ngoài, hoặc tham gia điều hành doanh nghiệp liên doanh tùy thuộc tỷ lệ góp vốn của mình.
- Nguồn vốn FDI không chỉ bao gồm vốn đầu tư ban đầu của chủ đầu tư mà còn bao gồm cả vốn vay của doanh nghiệp để triển khai hoặc mở rộng dự án cũng như vốn đầu tư từ nguồn lợi nhuận thu được trong quá trình hoạt động.
- Thông qua FDI, doanh nghiệp của nước chủ nhà còn có thể tiếp thu được công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, kinh nghiệm quản lý hiện đại ... là những mục tiêu mà những hình thức đầu tư khác không có được.
1.3.3. Mục tiêu của đầu tư trực nước ngoài.
Mục tiêu chung nhất của các chủ đầu tư nước ngoài là tìm kiếm thị trường đầu tư hấp dẫn, thuận lợi và an toàn nhằm thu lợi nhuận cao và sự thịnh vượng lâu dài của doanh nghiệp. Tuy nhiên mục tiêu cụ thể của từng doanh nghiệp phụ thuộc vào chiến lược phát triển của doanh nghiệp ở thị trường nước ngoài. Có thể khái quát chung lại có những mục tiêu sau trong FDI:
+ Đầu tư nhằm phát triển thị trường: Là hình thức đầu tư nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của công ty mẹ sang các nước sở tại. Đây là chiến lược
bành trướng thị trường của các công ty đa quốc gia để vượt qua hàng rào bảo hộ của các nước sở tại và kéo dài tuổi thọ của các sản phẩm của doanh nghiệp.
+ Đầu tư nhằm giảm chi phí: Là hình thức đầu tư ở nước ngoài nhằm giảm chi phí sản xuất thông qua việc tận dụng lao động và nguồn tài nguyên rẻ của nước sở tại nhằm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, nâng cao tỷ suất lợi nhuận.
+ Đầu tư khai thác nguồn nguyên liệu: Là hình thức đầu tư theo đó các cơ sở đầu tư ở nước ngoài là một bộ phận cấu thành trong dây chuyền sản xuất kinh doanh của công ty mẹ, có trách nhiệm khai thác nguồn nguyên liệu tại chỗ của nước sở tại cung cấp cho công ty mẹ để tiếp tục chế biến hoàn chỉnh sản phẩm.
1.3.4. Vai trò của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)
* Đối với nước tiếp nhận vốn:
- Đối với những nước công nghiệp phát triển: Tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật của nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất và tăng trưởng kinh tế. Qua đó, tạo môi trường cạnh tranh thúc đẩy phát triển kinh tế và thương mại. Đồng thời giúp người lao động và cán bộ quản lý học hỏi kinh nghiệm của các nước phát triển khác. Đầu tư trực tiếp nước ngoài giải quyết những khó khăn về kinh tế-xã hội như thất nghiệp, lạm phát ... Thông qua việc chủ đầu tư nước ngoài mua lại công ty, doanh nghiệp có nguy cơ bị phá sản giúp cải thiện tình hình thanh toán và tạo việc làm cho người lao động; Tạo điều kiện tăng thu ngân sách Nhà nước dưới hình thức thu thuế.
- Đối với các nước đang phát triển: Nguồn vốn bổ sung quan trọng để các nước đang phát triển thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế; FDI góp phần thu hút một lượng lớn lao động giúp giải quyết tình trạng thất nghiệp; Hoạt động của các dự án FDI có tác động quan trọng tới xuất nhập khẩu của nước chủ nhà; Nếu chính sách thu hút vốn FDI theo các ngành nghề định hướng hợp lý sẽ góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa; Cùng với FDI, doanh nghiệp trong nước có thể học hỏi phương thức quản lý công nghiệp hiện đại, tiếp cận những thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến, lực lượng lao động quen dần với phong cách làm việc công nghiệp, đồng thời hoàn thiện dần
đội ngũ những nhà doanh nghiệp giỏi; Các dự án FDI góp phần bổ sung nguồn thu quan trọng cho ngân sách các quốc gia.
* Đối với nước xuất khẩu FDI: Giúp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tăng cường bành trướng sức mạnh kinh tế và vai trò ảnh hưởng trên thế giới.
Ngoài ra còn giúp các công ty nước ngoài giảm chi phí sản xuất, rút ngắn thời gian thu hồi vốn đầu tư, thu lợi nhuận cao do lợi dụng được những lợi thế so sánh của nước sở tại, giảm chi phí vận chuyển, quảng cáo, tiếp thị...; Chủ đầu tư tìm được các nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định, đổi mới cơ cấu sản phẩm, áp dụng công nghệ mới, nâng cao năng lực cạnh tranh.