Hình thức DH theo b-Learning là sự kết hợp của hai hình thức DH giáp mặt và DH trực tuyến. Theo cách này, e-Learning được thiết kế với mục đích hỗ trợ QTDH và chỉ quan tâm tới những nội dung, chủ đề phù hợp nhất với thế mạnh của
loại hình này. Còn lại, những nội dung khác vẫn được triển khai theo hình thức DH giáp mặt nhằm phát huy tối đa lợi thế của nó. DH giáp mặt với sự tiếp xúc trực tiếp giữa người dạy và người học có một ưu thế nổi bật là giúp kịp thời thu được những thông tin ngược để người dạy, người học điều chỉnh hoạt động của mình cho hợp lý và hiệu quả hơn. Mặt khác, DH giáp mặt còn là điều kiện thuận lợi để người dạy tác động tích cực đến tình cảm, ý chí và nghị lực của người học. Hai hình thức này cần được thiết kế phù hợp, có mối liên hệ mật thiết, bổ sung cho nhau với mục đích nâng cao chất lượng DH.
Hình 1.1. Hình ảnh về khái niệm b-Learning
Hình thức DH b-Learning là một thuật ngữ được sử dụng nhiều trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo ở các nước phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, ... DH kết hợp xuất phát từ nghĩa của từ "Blend" tức là "pha trộn". Có nhiều định nghĩa khác nhau về học kết hợp, tuy nhiên, có ba cách định nghĩa được sử dụng rộng rãi:
− Theo Bersin & Associates, 2003; Orey, 2002a, 2002b; Singh & Reed, 2001; Thomson, 2002 thì “b-Learning là kết hợp các phương thức giảng dạy (hoặc cung cấp các phương tiện truyền thông)”.
− Theo Driscoll, 2002; House, 2002; Rossett, 2002 thì “b-Learning là kết hợp các phương pháp giảng dạy”.
− Theo Reay, 2001; Rooney, 2003; Sands, 2002; Ward & Labranche, 2003;
Young, 2002 thì “b-Learning là kết hợp hướng dẫn trực tuyến và sự hướng dẫn đối”.
Theo tác giả Alvarez (2005), b-Learning là "Sự kết hợp của các phương tiện truyền thông trong đào tạo như công nghệ, các hoạt động, và các loại sự kiện nhằm tạo ra một chương trình đào tạo tối ưu cho một đối tượng cụ thể". Tác giả Victoria L. Tinio cho rằng "Học kết hợp (Blended Learning) để chỉ các mô hình học kết hợp giữa hình thức lớp học truyền thống và các giải pháp e-Learning". Các khái niệm được đưa ra chủ yếu dựa trên sự kết hợp về hình thức tổ chức, nội dung và PPDH. [32]
Ở Việt Nam, b-Learning còn là một khái niệm mới mẻ. Tác giả Nguyễn Văn Hiền có đưa ra một khái niệm tương tự là “Học tập hỗn hợp” để chỉ hình thức kết hợp giữa cách học truyền thống với học tập có sự hỗ trợ của công nghệ, học tập qua mạng [10]. Tác giả Nguyễn Danh Nam cũng đưa ra nhận định: “Sự kết hợp giữa e- Learning với lớp học truyền thống trở thành một giải pháp tốt, nó tạo thành một mô hình đào tạo gọi là Blended Learning” [23].
Từ những cách định nghĩa trên, có thể hiểu một cách đơn giản, DH b- Learning là sự phối hợp nội dung, phương pháp và cách thức tổ chức dạy - học giữa các hình thức học khác nhau nhằm tối ưu hóa thế mạnh mỗi hình thức, đảm bảo hiệu quả giáo dục đạt được là cao nhất. Trong nghiên cứu của mình, chúng tôi tập trung vào thiết kế mô hình học kết hợp giữa DH giáp mặt và DH trực tuyến với sự hỗ trợ của PHT nhằm đưa ra một giải pháp học hữu hiệu cho HS ở trường THPT.
1.2.2. Đặc điểm của b-Learning
B-Learning là một sự thay đổi đáng kể so với phương pháp giảng dạy truyền thống. Nếu như trước đây, CNTT đóng vai trò là công cụ hỗ trợ cho việc giảng dạy trên lớp thì nay, việc học trên lớp và việc học trên MVT có thời gian ngang nhau và quan trọng như nhau. Theo Inacol, DH b-Learning có các đặc điểm sau:
−Sự thay đổi phương pháp giảng dạy, lấy HS làm trung tâm thay vì GV như trước đây, HS sẽ trở nên năng động và tương tác nhiều hơn.
−Sự tăng sự tương tác giữa HS và GV, giữa HS với HS, giữa HS với nội dung kiến thức và giữa HS với các nguồn bên ngoài.
−Cơ chế hình thành và tổng kết đánh giá cho HS và GV. [23]
Xét về mặt bản chất của HTTCDH, b-Learning có những đặc điểm sau:
−Linh hoạt về không gian và thời gian diễn ra các hoạt động dạy và học, sao cho phù hợp với từng nội dung, khả năng tổ chức vì việc học vừa diễn ra thông qua mạng máy tính. Thời gian học được thay đổi cho phù hợp với khả năng học của cá nhân HS.
−Áp dụng PPDH tiên tiến hiện nay, phù hợp với nội dung dạy, tương thích với từng đối tượng học và khả năng học của HS.
−Tối ưu hóa việc sử dụng phương tiện. Trong học kết hợp, ngoài những phương tiện CNTT và truyền thông sử dụng để hỗ trong DH truyền thống còn có sự nâng cao và khai thác tối ưu những tiện ích từ các phương tiện hiện đại khác trong đó có MVT và Internet.
−Hợp lý hóa các nội dung học. Theo đó, cấu trúc nội dung chương trình được phân chia và bố trí một cách phù hợp trên cơ sở SGK và phân phối nội dung chương trình vật lý THPT được ban hành.
−Hoạt động của GV có mối liên hệ chặt chẽ và thống nhất với các GV khác và nhà kỹ thuật trong việc thiết kế các nội dung, đưa ra các chỉ dẫn cho người tham gia vào khóa học.
−Hoạt động của HS là hoạt động tự học có hướng dẫn, với vai trò chủ đạo của mình, HS tích cực tham gia vào hoạt động trên lớp học truyền thống và lớp môi trường e-Learning. Ngoài kiến thức về chuyên môn, HS còn trao dồi được kỹ năng tiếp cận và làm chủ công nghệ.
Như vậy, DH b-learning là một hình thức DH linh hoạt, áp dụng những PPDH tiên tiến và sử dụng hiệu quả những tiện ích mà công nghệ mang lại.
1.2.3. Các hình thức tổ chức dạy học theo b-Learning
B-Learning là một hình thức DH tích cực, đặc biệt là sự tương tác giữa người học với người học, giữa người học với người dạy nhằm đáp ứng nhu cầu giáo dục ngày càng cao của người học. Mô hình tổng thể b-Learning có thể bao gồm nhiều hình thức với các công cụ học tập liên quan đến nhiều yếu tố cấu thành như: nhu cầu và mục tiêu học tập, không gian thực ảo phối hợp các phần mềm, nhịp độ tự học dựa trên Web, phương pháp KTĐG, đặc điểm của người học, địa điểm và cộng đồng người học, khả năng hỗ trợ của hệ thống điện tử được nhúng trong môi trường học tập, nhiệm vụ và kiến thức của hệ thống quản lý.
B-Learning chứa sự kiện khác nhau dựa trên nhiều hoạt động, bao gồm cả học tập truyền thống, e-Learning và thời gian tự học. B-Learning thường xảy ra như là một hỗn hợp của giáo dục truyền thống có sự hướng dẫn của GV, giáo dục trực tuyến đồng bộ, không đồng bộ, nhịp độ tự học và nhiệm vụ DH có cấu trúc dựa trên một GV hoặc người cố vấn. Bên cạnh đó, Khalifa và Lâm (2002) lưu ý rằng b- Learning là một hình thức học tập cân bằng. Sự cân bằng đạt được bằng cách kết hợp những ưu điểm của hai phương thức học tập trực tuyến và học tập truyền thống;
từ đó, người học có thể lựa chọn cách họ muốn học linh hoạt và thuận tiện hơn khi học muốn tìm hiểu.
Căn cứ vào định nghĩa về b-Learning của Viện Clatyon Christensen [35], chúng tôi đưa ra sơ đồ các HTTCDH theo b-Learning như sau:
Hình 1.2. Sơ đồ các HTTCDH theo b-Learning
− Hình thức 1: HS học tập theo các phương thức học tập khác nhau với với sự hướng dẫn của GV theo một lịch trình cố định, trong đó ít nhất có hình thức học tập trực tuyến.
− Hình thức 2: HS tự thiết lập cho mình một thời khóa biểu cá nhân và linh động giữa các phương thức học tập. Ở hình thức này, nội dung học tập được GV đứng lớp biên soạn và đưa lên hệ thống hỗ trợ e-Learning. HS được học các nội
dung này ngay tại trường với sự hỗ trợ của DH giáp mặt với nhiều mức độ khác nhau tùy thuộc điều kiện cụ thể.
− Hình thức 3: là hình thức mà học tập trực tuyến hỗ trợ cho việc học tập trên lớp. Nội dung học tập được GV biên soạn và đưa lên hệ thống hỗ trợ e- Learning. Điểm đặc trưng của hình thức này là thời lượng học tập trực tuyến được mở rộng, HS có thể vừa học ở trường vừa học ở nhà. Hình thức này khác với hình thức học trực tuyến đơn thuần ở chỗ: học trực tuyến đơn thuần không có được các kinh nghiệm học tập trên lớp.
− Hình thức 4: là hình thức mà HS được học giáp mặt một phần nhỏ nội dung cần học, sau đó, HS được tự do hoàn thành tất cả các nội dung còn lại mà không cần đến lớp. Với hình thức này, học tập trực tuyến đóng vai trò xương sống hỗ trợ việc tự học của HS. Lúc đó GV là người vừa định hướng cả việc học trực tuyến lẫn việc học giáp mặt.