4.2. Đặc điểm UTKĐ trên cộng hưởng từ thường quy
4.2.3. Một số đặc điểm hình ảnh của UTKĐ
Các nghiên cứu đánh giá giá trị của CHT thường quy trong chẩn đoán phân bậc UTKĐ đã dựa trên nhiều đặc điểm khác nhau của u để đưa ra kết luận về mức độ ác tính trên CHT. Tác giả Zou sử dụng các 6 đặc điểm gồm kích thước u, hoại tử, chảy máu, phù quanh u, hiệu ứng khối và tính chất ngấm thuốc sau tiêm để phân loại nhóm bậc thấp và nhóm bậc cao [7]. Tác giả Galanaud sử dụng 4 đặc điểm phù, ngấm thuốc sau tiêm, tín hiệu trong u và hoại tử để định nghĩa bậc của UTKĐ [119]. 9 đặc điểm gồm tín hiệu u, hoại tử tạo nang trong u, chảy máu, xâm lấn đường giữa, phù hoặc hiệu ứng khối, giới hạn u, tính chất ngấm thuốc và tín hiệu dòng chảy cũng đã được tác giả Asari sử dụng trong thang điểm phân loại UTKĐ [120].
Hoại tử và tạo nang trong u thường khó chẩn đoán phân biệt trên CHT thường quy. Các u bậc thấp có thể tạo nang trong u nhưng ít khi có hoại tử, tăng tín hiệu trên T2W, giảm tín hiệu trên T1W và FLAIR nhưng có tín hiệu cao hơn dịch não tuỷ [28]. Ngược lại, hoại tử và tạo nang là đặc điểm tương đối đặc trưng của nhóm u bậc cao [24]. Các nghiên cứu của Lê Văn Phước và Law, tỷ lệ hoại tử ở nhóm u bậc cao đều > 90% [4, 13]. Tác giả Dean trong nghiên cứu 36 bệnh nhân khẳng định đặc điểm hoại tử trong u có giá trị trong chẩn đoán u bậc cao [5]. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng cho thấy có
sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa nhóm hoại tử và không hoại tử ở cả nhóm u bậc thấp và bậc cao.
Thâm nhiễm quanh u là đặc điểm đặc trưng của UTKĐ, mặc dù vậy, đánh giá mức độ thâm nhiễm quanh u là một hạn chế của CHT thường quy.
Vùng tăng tín hiệu quanh u trên FLAIR có thể là vùng thâm nhiễm, có thể là vùng phù vận mạch. Đối với các UTKĐ bậc thấp, vùng tăng tín hiệu quanh u thường ít hoặc không có, ngược lại, các UTKĐ bậc cao có vùng tăng tín hiệu quanh u rộng [28]. Trong nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy hầu hết các u bậc cao có vùng tăng tín hiệu trên FLAIR rộng (32/52 trường hợp có vùng tăng tín hiệu từ 2 – 5 cm), các u bậc thấp có 19/33 trường hợp không có hoặc vùng tăng tín hiệu quanh u ít dưới 2 cm, không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa các mức độ tăng tín hiệu ở nhóm bậc thấp và bậc cao. Trong nghiên cứu 53 trường hợp UTKĐ, tác giả Chishty nhận thấy tất cả các u bậc IV có phù quanh u mức độ cao, các u bậc III có mức phù quanh u trung bình và các u bậc thấp không có (60%) hoặc phù mức độ ít (40%) [121].
Hiệu ứng khối của u bao gồm 2 đặc điểm chính chèn ép hệ thống não thất và đè đẩy đường giữa. Trong nghiên cứu của chúng tôi, các u bậc thấp thường không chèn ép não thất, đè đẩy đường giữa < 5mm; các u bậc cao thường chèn ép não thất và đè đẩy đường giữa nhiều (> 5mm), có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa nhóm bậc thấp và bậc cao ở hai dấu hiệu này. Các nghiên cứu khác cũng cho thấy nhóm u bậc cao thường có hiệu ứng khối rõ, nguyên nhân có thể do u phát triển nhanh và xâm lấn nhiều các cấu trúc lân cận [4]. Theo Dean, dấu hiệu hiệu ứng khối có tỷ lệ chẩn đoán đúng 75%
trong chẩn đoán phân bậc UTKĐ [5].
Tính chất ngấm thuốc của u cũng được coi là một dấu hiệu quan trọng dự báo mức độ ác tính. Các u bậc thấp thường không ngấm thuốc hoặc ngấm thuốc ít [28], các u bậc III ngấm thuốc mạnh, không đều, các u bậc IV có hình ảnh ngấm thuốc viền đặc trưng [24]. Dấu hiệu ngấm thuốc được coi là dấu
hiệu chỉ điểm cho chuyển dạng ác tính của u. Trong nghiên cứu 927 trường hợp UTKĐ bậc thấp có ngấm thuốc, Johan Pallud nhận thấy các u ngấm thuốc dạng nốt, tăng dần qua các lần chụp trước khi được điều trị gợi ý u chuyển dạng ác tính bậc cao, mặc dù vậy, sự ngấm thuốc của u không phải là yếu tố tiên lượng xấu [122]. Tác giả Jain cho thấy có sự liên quan giữa vùng ngấm thuốc của u trên CHT và bậc của u, trong đó, 16 mẫu sinh thiết ở vùng có ngấm thuốc có 10 mẫu (62,5%) là bậc cao, 6 mẫu (37,5%) là bậc thấp, 11 mẫu ở vùng không ngấm thuốc có 10 mẫu bậc thấp và 1 mẫu không được phân bậc [123]. Nghiên cứu Tynninen chứng minh có sự liên quan giữa vùng ngấm thuốc trên CHT và mức độ tăng sinh tế bào và mật độ mạch máu trên mô bệnh học [124]. Trong nghiên cứu của Lê Văn Phước, 98,3% các u bậc thấp không ngấm thuốc, 59,5% u ngấm thuốc mạnh là các u bậc cao, 89,8% các u bậc cao ngấm thuốc sau tiêm . Kết quả nghiên cứu của chúng tôi phù hợp với các nghiên cứu đã được tiến hành, 71,8%
các u bậc thấp không ngấm thuốc hoặc ngấm ít sau tiêm, 71,15% các u bậc cao ngấm thuốc mạnh, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê.
Các nghiên cứu đã được tiến hành có những kết luận khác nhau về vai trò của các dấu hiệu của u trên CHT thường quy trong chẩn đoán mức độ ác tính UTĐK. Theo Chishty, các đặc điểm hoại tử trong u, bờ không đều và phù quanh u là các dấu hiệu quan trọng nhất để chẩn đoán phân bậc UTKĐ, trong đó, dấu hiệu xâm lấn thể chai là dấu hiệu chỉ điểm u bậc cao [121]. Tác giả Pope cho thấy dấu hiệu không ngấm thuốc sau tiêm, phù và số lượng u là những dấu hiệu tiên lượng quan trọng với nhóm UTKĐ bậc cao [125]. Phù quanh u, tính chất ngấm thuốc, hoại tử trong u và giới hạn u là các đặc điểm quan trọng theo tác giả Phước [13]. Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy các u có hoại tử bên trong, vùng tăng tín hiệu quanh u rộng, hiệu ứng khối rõ, ngấm thuốc mạnh sau tiêm có xu hướng ác tính cao, ngược lại, các u bậc thấp có tín hiệu đồng nhất, không có hoại tử, ít chèn ép các cấu trúc lân cận và ít ngấm thuốc sau tiêm.