2. Lên men lactic dị hình
1.4.2. Đặc tính sinh học của rong Nho
Rong Nho có hình dáng giống trứng cá nhưng có màu xanh và mọc thành chùm trong nước biển như chùm nho. Rong Nho có vị mằn mặn lạ miệng, đặc trưng hương biển, lại giàu vitamin A, C, khoáng chất…và là một loại dược liệu quý cho sức khỏe và sắc đẹp [28].
Hình 1.6: Rong nho sau khi đã được ngắt bỏ thân bò
Rong Nho có màu xanh đậm, gồm có phần thân bò chia nhánh có hình trụ tròn, đường kính 1- 2 mm. Trên thân bò mọc ra nhiều thân đứng, trên thân đứng mọc ra nhiều nhánh nhỏ, tận cùng là các khối hình cầu (ramuli), giống quả nho, đường kính 1,5- 3 mm, mọc dày kín xung quanh các thân đứng. Đây là phần có giá trị sử dụng. Trên thân bò có nhiều “rễ giả” phân nhánh thành chùm như lông tơ, bám sâu vào đáy bùn. Cách sinh sản chủ yếu của rong Nho là sinh sản sinh dưỡng.
Rong Nho là một loại rong sống ở vùng biển ấm, nhiệt độ thích hợp cho sự phát triển của chúng khoảng 25- 30 oC. Nhiệt độ thấp hơn sẽ làm cây rong chậm hoặc ngừng tăng trưởng. Vì vậy, trong môi trường giàu dinh dưỡng rong phát triển mạnh và như thế dòng chảy nhẹ, rong sống bò trên nền đáy hoặc cài quấn với rong khác, nhưng trong nuôi trồng có thể dùng giàn treo. Phương pháp này hiện nay được sử dụng rất phổ biến ở các cơ sở nuôi trồng rong Nho [5].
• Phân bố
Rong Nho biển (Caulerpa lentillifera) là loài rong lục phân bố rộng ở vùng biển ấm Thái Bình Dương như: Philippin, Java (Indonexia), Micronesia...Trong những vùng biển này thường là những vũng, vịnh kín sóng, nước trong, nền đáy bằng phẳng. Rong Nho thường phân bố từ vùng triều thấp đến sâu 8m, tuy nhiên tại Bikini (Micronesia) do nước rất trong chúng phân bố sâu đến 40m [26].
• Đặc tính sinh lý
+ Môi trường sống
Khi khảo sát môi trường của vịnh Yonaha (Nhật Bản), nơi rong Nho phát triển mạnh cho thấy rong mọc trên trầm tích cát hoặc cát bùn ở giữa và chung quanh vịnh, phân bố đến vùng sâu khoảng 8m.
Phân tích tổng hàm lượng các hỗn hợp nitơ vô cơ (NH4, NO3, NO2,) và những chất dinh dưỡng vô cơ khác tại vịnh này cũng cao hơn hai lần so với những vùng có bãi đá ngầm và san hô ở các vùng khác. Hàm lượng các chất dinh dưỡng chính là yếu tố quan trọng đầu tiên cho việc phát triển của rong Nho. Một số yếu tố môi trường khác thích nghi cho loài rong này khá hẹp, độ mặn thay đổi từ 30-35‰, nhiệt độ nước biển hạ thấp 200C chúng sẽ tăng trưởng chậm hoặc ngừng tăng trưởng.
+ Mùa vụ
Từ tháng 6 tới tháng 10 chính là mùa vụ tăng trưởng của rong Nho biển. Cùng với sự tăng lên của nhiệt độ nước, tốc độ tăng trưởng của rong bắt đầu tăng nhanh vào tháng 3 và kéo dài đến tháng 10. Qua tháng 11 khi nhiệt độ nước bắt đầu giảm dần thì tốc độ tăng trưởng của rong Nho cũng chậm dần và dừng lại. Tuy nhiên tại vịnh Yonaha chúng có thể sống qua suốt mùa đông và phân bố dọc theo eo biển (độ sâu 2-8m), do ở đây nhiệt độ nước ấm lên vào mùa đông vì có những dòng nước ấm từ ngoài vịnh đưa vào nhờ chế độ thuỷ triều.
+ Sinh sản
Theo Trono và Ganzon-Fortes, 1988 Rong Nho biển sinh sản bằng cả hai hình thức là sinh sản hữu tính và sinh sản sinh dưỡng, nhưng chủ yếu bằng hình thức sinh sản sinh dưỡng.
- Sinh sản sinh dưỡng
Tất cả các bộ phận dinh dưỡng của rong đều có thể phát triển thành cây rong mới. Trong hình thức sinh sản sinh dưỡng của rong Nho thì phần thân bò sẽ mọc dài ra, phân nhánh và mọc ra các thân đứng. Từ thân đứng mọc ra các nhánh nhỏ hình cầu (ramuli) có đường kính khoảng 2 mm, màu xanh lục. Trong công nghệ nuôi
trồng người ta có thể cất giữ số lượng lớn những quả cầu nhỏ này để làm giống vì những nhánh nhỏ hình cầu này cũng có thể tái sinh lại toàn bộ thành một cây rong mới. Cách sinh sản sinh dưỡng từ những quả cầu nhỏ của rong Nho sử dụng, thao tác dễ dàng, ít tốn kém và nhất là có hiệu quả cao nên đã được áp dụng rất rộng rãi. Sau khi được trồng bằng hình thức sinh sản sinh dưỡng từ các nhánh rong Nho đã bị cắt khúc, rong sẽ phát triển và có thể đạt tốc độ tăng trưởng chiều dài khoảng 2 cm/ngày trong điều kiện thuận lợi.
- Sinh sản hữu tính
Từ mùa xuân đến mùa hè hàng năm là thời tiết ấm áp, khi đó sự sinh sản hữu tính của rong Nho xảy ra. Các tế bào sinh dưỡng ở vùng vỏ của các nhánh nhỏ hình cầu (ramuli) tích luỹ đầy chất dinh dưỡng, chúng biến thành các tế bào sinh sản đực và cái hay còn gọi là các giao tử đực và cái, có 2 roi (bi-flagellate) có thể bơi lội được. Các giao tử này được phóng thích vào môi trường nước. Chúng kết hợp với nhau để tạo thành hợp tử. Hợp tử của rong sẽ bám trên sỏi, đá, mảnh vụn san hô hoặc trầm tích và nảy mầm phát triển thành cây rong mới.