7. Đóng góp của luận văn
1.2.2. Văn học dân gian dân tộc Giáy
Người Giáy được kế thừa vốn văn học dân gian của cha ông truyền lại. Đó là những bài ca dao, tục ngữ, những điều răn về các chuẩn mực xã hội, phản ánh được ý nghĩ , tình cảm, cuộc sống lao động của con người, xã hội rất rõ nét. Họ còn có cả kho tàng truyện cổ tích, thần thoại, truyện cười…rất hay và có thể kể hàng đêm (truyện thơ “Pít chai phù sĩ”, “E toi”); dân ca có tới vài nghìn bài và nhiều thể loại (“Hát mừng nhà mới”, “Hát mời điếu”, “Hát chào đường”…).
Truyện cổ dân tộc Giáy rất phong phú, tiêu biểu là các truyện: “Quả bầu”, “Nàng sram póc ẻn tái”, “Pít chai phù sĩ”, “E chá E péng”… đã phần nào cho thấy trí tưởng tượng vô cùng phong phú của dân tộc Giáy. Nội dung chủ yếu của các câu chuyện cổ là: giải thích nguồn gốc sự ra đời của các dân tộc trên đất Việt; ca ngợi những con người đẹp, tài sắc vẹn toàn; ca ngợi lối sống tình nghĩa vợ chồng thủy chung; ca ngợi những con người nghèo khổ mà lương thiện (qua hình tượng: những người mồ côi, em út, con riêng); đồng thời gửi gắm ước mơ, khát vọng về một xã hội công bằng, cái thiện sẽ chiến thắng cái ác. Ngoài ra nội dung phản ánh trong các truyện cổ còn là những phong tục tập quán, những quan niệm của người xưa về cái sống, cái chết, về sự tích các loài vật và muôn loài…
Kho tàng tục ngữ, thành ngữ dân tộc Giáy rất phong phú: nó được đúc rút từ chính cuộc sống của người Giáy, từ trong mối quan hệ con người với
thiên nhiên và từ trong thực tiễn lao động sản xuất... Tục ngữ Giáy còn có nhiều câu nói sâu sắc và triết lý về cuộc sống, ví dụ như: “Choi dưới vịt đáy/Pí nuống rưới vịt bỏ pắn” (Sọt rách không vứt được/Anh em rách không vứt được); “Đăn lai đai bỏ đáy có chắn” (Trồng nhiều làm cỏ không được cũng đói); “Pun ta nửng há ráy quả mùm” (Lông mày còn muốn dài hơn râu); “Chảy nắng há quai nhiếu pít” (Trứng còn muốn khôn hơn vịt)…; và cách giao tiếp, cách ăn ở, nói năng đi lại: “Ăn đưa xuống, uống đưa lên”, “Ăn khi đói, nói khi tỉnh”, “Lời nói ở đầu lưỡi, lật bên nào cũng được”, “Lời nói ở đầu lưỡi, đắng, ngọt ở đấy cả”. Khi nhắc đến quan hệ giàu nghèo, sang hèn người Giáy nói: “Vào nhà quăng gậy không vướng vật gì”, “Giàu có thì tìm đến, nghèo khó quay lưng đi”…Họ dùng tục ngữ để giáo dục, răn dạy con trẻ, và để bàn luận trao đổi trong các cuộc nói chuyện. Người Giáy rất tôn trọng và đề cao những người biết nhiều và am hiểu tục ngữ, coi đó là những người có tri thức, biết ứng xử trong xã hội.
Vốn văn học dân gian của dân tộc Giáy rất phong phú, bên cạnh truyện cổ dân gian cùng kho tàng tục ngữ, thành ngữ phong phú cũng phải kể đến vốn quí dân ca dân gian Giáy. Người Giáy không làm thơ để ngâm riêng mà làm thơ chính là để đặt lời cho bài hát, thậm chí các câu tục ngữ, thành ngữ,
câu đố… cũng là lời của bài hát dân ca. Những bài dân ca chiếm phần lớn
trong các lễ hội, và giữ vị trí quan trọng trong kho tàng văn hoá của dân tộc Giáy. Với người Giáy, những bài hát cổ truyền của dân tộc có sức truyền cảm mạnh mẽ trong tâm thức của mỗi con người, trong các mối quan hệ gia đình. Qua mỗi bài hát, họ đã gửi gắm bao ước vọng vào cuộc sống, vào tình yêu, vào cộng đồng, làng bản yêu quí của mình.
Dân ca Giáy rất phong phú, có nhiều làn điệu với nội dung khác nhau, thể hiện và phản ánh nhiều hoạt động văn hóa tinh thần khác nhau, ví dụ như:
Hát bên mâm rượu (Vươn ná láu): thường diễn ra trong các bữa ăn vui mừng, khách đến ăn mừng, chúc tụng gia chủ, khen rượu ngon, chè ngon, chúc tụng ông già bà cả sống lâu trăm tuổi, con cháu khỏe mạnh, mùa màng tươi tốt,cuộc sống bình an, hạnh phúc: “Chúc cha mẹ sống như núi đá tảng/ Núi đá tảng biết lăn/ Cha mẹ ta sống trăm năm không già…”; “Chúc gia đình trâu ngựa đầy đồng/ Lợn gà đầy sân/ Con nuôi con bán/ Chúc gia đình ngô lúa đầy sàn…”; “Chúc gia đình nhiều khách đến thăm/ Chúc gia đình cháu con đầy đàn…”.
Hát trong đám cưới: Thay lời dặn dò của người mẹ đối với con gái khi đã đi làm dâu con thì không được mải vui, mải chơi mà phải chăm làm, phải chịu thương chịu khó làm lụng, chăm sóc, gây dựng nhà chồng.
Hát tặng địu (Vươn srỏng đa): là các bài hát khi nhà trai làm đầy tháng cho cháu nội và nhà gái mang địu, mang tã đến tặng cho cháu ngoại.
Hát tiễn đường (Vương srỏng răn): các bài hát khi mọi người gặp gỡ nhau, hoặc làm quen nhau trong mỗi phiên chợ, khi tan buổi chợ họ tiễn nhau bằng các bài hát tha thiết,lưu luyến.
Hát ống hát (Vươn bộc vươn): là cuộc hát “tâm tình” của đôi lứa, sau khi thu hoạch lúa xong, vào khoảng tháng chạp, hoặc tháng tết âm lịch trên những thửa ruộng trước làng, đêm đến từng đôi hoặc từng nhóm rủ nhau ra cánh đồng để nói lời yêu thương, tâm tình bằng lời hát qua hai ống tre được nối bằng một sợi chỉ.
Hát ban đêm (Vươn chang hằm): dạng hát này là phổ biến nhất và cũng có thể coi đây là sự biểu hiện trọng tâm của dân ca dân tộc Giáy, là cuộc hát có bài vở, có thứ tự, có chủ đề nội dung, là cuộc hát đọ tài thi sức của trai gái vùng này với trai gái vùng khác, cuộc hát thu hút mọi lứa tuổi tham gia.
Có thể nói dân ca đã ăn vào tiềm thức, máu thịt của người Giáy. Người con của dân tộc Giáy từ khi lọt lòng sinh ra, rồi nằm trên lưng mẹ, trong lòng bà…đã được nghe các bài hát, được đắm mình trong các bài hát dân ca của dân tộc mình. Những bài hát dân ca đã thực sự góp phần xây đắp nên tâm hồn, tình cảm, lối sống và làm nên mối quan hệ tốt đẹp trong cộng đồng dân tộc Giáy. Cũng chính vì được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất vùng cao xanh thẳm, được tắm mát và uống nguồn nước dân ca ngọt ngào từ thuở ấu thơ, nên nhà thơ Lò Ngân Sủn – người con ưu tú của dân tộc Giáy (Bát Xát – Lào Cai), đã ngấm rất sâu chất văn hóa mang đậm bản sắc của dân tộc mình và đã trở thành nhà thơ cất lên tiếng hát tâm hồn của dân tộc. Khi viết về Bản sắc dân
tộc trong thơ các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại, nhà nghiên cứu, phê
bình Trần Thị Việt Trung đã khẳng định: “Người Giáy có một kho tàng thơ ca, đồng dao và truyện cổ rất phong phú. Đặc biệt người Giáy có nhiều loại dân ca và mỗi loại có nhiều bài, nhiều làn điệu khác nhau. Đây chính là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn nghệ sĩ Lò Ngân Sủn, và cái chất dân gian ấy đã thấm sâu vào con người Lò Ngân Sủn từ thuở nhỏ và sau này trở thành nguồn mạch vô tận nuôi dưỡng sự nghiệp sáng tác thơ văn của ông…” [46, tr.321].
Có thể thấy rất rõ: thiên nhiên cuộc sống, con người, những nét phong tục tập quán độc đáo về văn hóa, kho tàng văn học dân gian phong phú đậm đà bản sắc dân tộc của người Giáy, cùng với tài năng thơ ca thiên bẩm, một tình yêu cháy bỏng với nàng thơ, đã hun đúc nên một Lò Ngân Sủn – nhà thơ trữ tình tài hoa, người con tiêu biểu của đồng bào Giáy, một gương mặt đại biểu xuất sắc cho nền văn học DTTS nói chung và thơ ca DTTS hiện đại nói riêng.
1.2.3. Cuộc đời, con người và quá trình sáng tác của nhà thơ Lò Ngân Sủn
1.2.3.1.Cuộc đời và con người
Lò Ngân Sủn sinh ngày 26 tháng 04 năm 1945 tại thôn Bản Vền, xã Bản Qua, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Khi đến với làng thơ ông lấy các bút danh
khác là E Sun, Lô Quang Thuận, nhưng chủ yếu ông vẫn sử dụng cái tên khai sinh của mình: Lò Ngân Sủn – cái tên đậm chất dân tộc Giáy, cái tên đã làm nên tên tuổi nhà thơ tình của một vùng núi cao, hùng vĩ, thơ mộng và dữ dội.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, đông con, và là người em út trong gia đình, quanh năm phải đối mặt với cái nghèo, cái đói, nhưng cậu bé Lò Ngân Sủn ngày nào vẫn không thôi nuôi khát vọng được đi học và ước mơ vào đại học. Từ năm 1961 – 1967, sau khi đỗ tốt nghiệp cấp III, ông theo học trường Sư phạm của tỉnh từ Sơ cấp lên Trung cấp.Từ năm 1967 – 1969, ông tiếp tục học lên Đại học Sư phạm khoa Chính Trị. 18 tuổi Lò Ngân Sủn trở thành người “kĩ sư tâm hồn” đi gieo những hạt giống quí nơi núi rừng xanh thẳm. Ông công tác trong ngành Giáo dục tại quê nhà (dạy học ở trường Phổ thông Cấp I, xã Mường Hum, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, sau đó dạy học ở trường Trung cấp Sư phạm Lào Cai). Từ năm 1970 – 1979, Lò Ngân Sủn tiếp tục dạy học và tham gia công tác quản lí trong ngành Giáo dục, cũng trong thời gian này ông bén duyên với “nàng thơ”. Và sớm trở thành một nhà thơ dân tộc Giáy quí hiếm, có những đóng góp đối với đời sống văn học DTTS Việt Nam hiện đại. Ông đã từng giữ các chức vụ quan trọng như: Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lào Cai, Tổng thư ký Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam; Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam; Ủy viên Đoàn chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.
Năm 2003, nhà thơ Lò Ngân Sủn bị một cơn tai biến dẫn đến đột quỵ. Ông tỉnh lại với di chứng là chân phải, tay phải bị liệt và nói ngọng, nói lắp, trí nhớ suy giảm mạnh. Nhưng người đàn ông “đá núi” vẫn không chịu bỏ cuộc trước số phận, ông đã tập viết bằng tay trái. Sau một thời gian dài kiên trì, ông đã viết được, dù nét chữ có vẻ hơi run nhưng vẫn khá rõ ràng, mạch lạc. Nhờ thế, ông đã tự tay gửi đến các tòa soạn nhiều bài thơ mới, hoặc cả
một tập thơ với một màu sắc, một giọng điệu riêng và về đề tài thì luôn trung thành với tình yêu đôi lứa (nhà thơ Lò Ngân Sủn từng “tuyên ngôn”: "Làm báo săn tin/ Làm thơ săn tình"…)
Trong suốt thời gian 10 năm phải chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo, Lò Ngân Sủn vẫn luôn sống với một tinh thần lạc quan, và tin tưởng rằng một ngày kia mình sẽ khỏe lại. Nhưng rồi, tác giả đã “trở về” vĩnh viễn với quê hương Bát Xát, Lào Cai, nơi mà ông yêu nhất – nơi ông đã từng viết “có nơi nào xanh hơn”, “có nơi nào cao hơn”, “có nơi nào đẹp hơn”…
Nhà thơ Lò Ngân Sủn đã từng được trao nhiều Giải thưởng văn học có giá trị, có uy tín về văn học nghệ thuật, ví dụ như: Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, của Liên Hiệp các Hội Văn học – Nghệ thuật Việt Nam, của Hội Văn học – Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam và Giải thưởng Phan Xi Păng của Ủy ban Nhân Dân Tỉnh Lào Cai
Nhà thơ Lò Ngân Sủn là người sống gắn bó, và có ân tình sâu nặng với quê hương, đất nước, đặc biệt là đối với mảnh đất quê mẹ nơi ông đã sinh ra và lớn lên. Những hình ảnh về thiên nhiên núi rừng, sông suối, thác nước, nương đồi…; về con người miền núi thuần phác giản dị, mạnh mẽ, mãnh liệt, phóng khoáng, đa tình; về những phiên chợ vùng cao với những tiếng kèn pí lè; những bài hát dân ca…luôn thường trực trong thơ ông. Chính cái tình sâu nặng của người con “đá núi” với quê hương đã làm nên chất trữ tình, làm nên những câu thơ, bài thơ với những hình ảnh mang đậm sắc mầu miền núi với những giai điệu ngọt ngào qua các sáng tác của ông. Họa sĩ Đỗ Đức lần đầu gặp ông đã nhận xét: “Lò Ngân Sủn đẹp như cây măng mới mọc, da trắng, mặt bầu và đặc biệt đôi mắt màu hổ phách trong vắt. Và rồi tôi nhận ra những vần thơ trong trẻo ngây thơ như đôi mắt ấy…Anh ra đi nhưng để lại những trang thơ trải dài biên giới, thẫm đẫm tình yêu đôi lứa. Bao nhiêu năm bom đạn nhưng thơ anh hầu như không tháy tiếng súng, thơ anh chỉ lấp lánh màu thổ cẩm với câu
chuyện về một chàng trai suốt đời hát với tình yêu. Nhưng chứa đựng trong đó là tình yêu bản làng đến nao lòng” [16,tr.235-236].
Lò Ngân Sủn là một người ít nói, lặng lẽ, nhưng ẩn chứa trong con người ông là lửa đỏ, là thác lũ rất sôi nổi, mãnh liệt vô cùng. Điều đáng nói nữa ở con người Lò Ngân Sủn là cách sống lạc quan, yêu đời, luôn có niềm tin, ý chí, và nghị lực sống mãnh liệt. Mặc dù gia cảnh nghèo đói, đông anh em, chạy ăn từng bữa, nhưng khi còn là cậu học sinh Lò Ngân Sủn luôn nuôi hi vọng, ước mơ, ý chí học hành, cuối cùng ông cũng đạt được ước nguyện của mình: thành công trong lĩnh vực “trồng người” ở vùng cao và thành công trên con đường văn chương nghệ thuật. Khi phải chống chọi với bệnh tật hiểm nghèo, và di chứng của tai biến mạch máu não, sức khỏe, trí nhớ suy giảm mạnh, nói năng khó khăn, liệt tay phải không thể cầm bút viết được, nhưng bằng sự quyết tâm, bằng ý chí và nghị lực sống ông đã kiên trì luyện tập hằng ngày để viết (bằng tay trái), để tiếp tục sáng tác, tiếp tục bay trên bầu trời thi ca của mình. Ông đã từng viết về vai trò, về ý nghĩa, về tư cách và khát vọng của một nhà thơ chân chính:
Nhà thơ như ngọn lửa Cháy giữa mùa Đông Nhà thơ như ngọn gió Thổi vào mùa Hạ
Nhà thơ như chiếc lá trên cành Dẫu rụng rồi vẫn cho cây màu xanh.
Quả thực – với nhà thơ: “dẫu đã rụng rồi” vẫn để lại cho đời một “cây thơ mầu xanh” tràn đầy nhựa sống.
1.2.3.2. Sự nghiệp sáng tác của nhà thơ Lò Ngân Sủn
* Quan điểm sáng tác của nhà thơ:
Khởi đầu cho con đường sự nghiệp của mình, Lò Ngân Sủn đến với nghề dạy học, nhưng sau đó ông lại bén duyên bền chặt với văn chương. Ở lĩnh vực công tác nào ông cũng tâm huyết hết mình vì công việc. Đặc biệt khi đứng ở vị trí của người cầm bút đi “gieo vần cấy chữ” ông luôn trăn trở với nghề và có ý thức sâu sắc về vai trò, trách nhiệm vụ của người làm văn nghệ. Bởi vậy, qua những sáng tác, qua những lời phát biểu của mình Lò Ngân Sủn đã thể hiện một cách rất rõ ràng và nhất quán những quan điểm về văn chương nghệ thuật nói chung và về thơ ca nói riêng.
Trước hết đối với ông “Thơ phải được chưng cất từ tình yêu”. Thơ là
phải xuất phát từ trái tim cháy bỏng yêu thương, từ “cái tình chân thật”. “Cái tình chân thật” trong thơ Lò Ngân Sủn khởi phát từ chính con người có trái tim dạt dào tình cảm, có tấm lòng yêu đời, yêu cuộc sống thiết tha. Được chưng cất nên từ tình yêu con người, yêu quê hương của một chàng trai miền núi mạnh mẽ, mãnh liệt, lãng mạn,phóng khoáng. Thơ ông thấm đẫm tình đời, tình người vùng cao, “cái tình không bờ bến đã dẫn dắt thơ anh đến mọi nẻo
đường” [26, tr.445].
Cũng giống như suy nghĩ của một số nhà thơ khác, Lò Ngân Sủn coi việc làm thơ là “một công việc đầy sáng tạo” và là một sự “sáng tạo đặc biệt”. Vì thế, ông không thể chấp nhận sự dập khuôn, sự “bắt chước” hay sự dễ dãi, cẩu thả trong câu chữ, trong diễn đạt. Đặc biệt, ông rất “dị ứng” với loại thơ mang tính chất thị trường (như khá nhiều các bài thơ đã đăng tràn lan trên các mặt báo). Đó chính đấy là ý thức và lòng tự trọng của một người nghệ sĩ chân chính. Ông thẳng thắn phê phán loại thơ nhạt nhẽo, vô vị, dập khuôn…; ông