7. Đóng góp của luận văn
3.2. Một thứ thơ tình giàu tính nhạc
Bên cạnh sức mạnh của những lớp nghĩa bên trong ngôn từ thì tính nhạc cũng là một trong yếu tố rất quan trọng tạo nên màu sắc, nhịp điệu riêng cho thơ hay cũng chính là tạo nên phong cách riêng biệt của người nghệ sĩ. Nguyễn Đình Thi - tác giả của bài “Mấy ý nghĩa về thơ” đã từng viết: “Làm thơ, ấy là dùng lời và những dấu hiệu thay cho lời nói, tức là chữ để thể hiện một trạng thái tâm lí đang rung chuyển khác thường. Làm thơ là đang sống, không phải chỉ nhìn lại sự sống, làm một câu thơ yêu tâm hồn cũng rung động như khi có người yêu trước mặt… Cái kì diệu ấy của tiếng nói trong thơ, có lẽ chăng ta tìm nó trong nhịp điệu bằng bằng, trắc trắc, lên bổng xuống trầm như tiếng đàn êm tai… Nhạc của thơ không giới hạn ở thứ nhạc ngoài tai ấy. Thơ có một thứ nhạc nữa, một thứ nhịp điệu bên trong, một thứ nhịp điệu của hình ảnh, tình ý, nói chung là của tâm hồn…”
Thơ tình yêu của Lò Ngân Sủn rất giàu tính nhạc, nhạc điệu trong thơ ông không chỉ do biết cách vận dụng âm điệu, vần luật của những con chữ mà nó còn bắt nguồn từ chính “cái tình”luôn ngân nga, luôn réo rắt trong các vần thơ, câu thơ của thi nhân. Chính vì vậy, thơ ông được khá nhiều nhạc sĩ phổ nhạc và đã trở thành những bài hát được nhiều người, nhiều thế hệ ưa thích, ví dụ như bài thơ: “Chiều biên giới” (một bài hát được rất nhiều người ưa thích, đã được vang lên trong đời sống âm nhạc Việt Nam nhiều thế hệ):
- Chiều biên giới em ơi! Có nơi nào xanh hơn Như tiếng chim hót gọi Như chồi non cỏ biếc Như rừng cây của lá Như tình yêu đôi ta ….
Chiều biên giới em ơi! Có nơi nào cao hơn Như đầu sông đầu suối Như đầu mây đầu gió Như quê ta - ngọn núi Như đất trời biên cương.
Chiều biên giới em ơi! Có nơi nào đẹp hơn Khi mùa đào hoa nở
Khi mùa sở ra cây
Lúa lượn bậc thang mây Mùa tỏa ngát hương bay …
Chiều biên giới em ơi! Đôi ta cùng chiến hào Gần nhau thêm bền chí Tình yêu là vũ khí Giữ đất trời quê hương
(Chiều biên giới)
Câu thơ “Chiều biên giới biên ơi!” như một tiếng gọi thiết tha vang lên từ tận sâu thẳm của một tâm hồn yêu đời, yêu cuộc sống, yêu quê hương và cũng chính tình yêu ấy đã chắp cánh cho tình yêu đôi lứa. Âm “ơi” đặt ở cuối mỗi dòng thơ cứ ngân lên, ngân vang mãi, như một tiếng đồng vọng để rồi dội vào lòng người đọc điệp khúc về “Chiều biên giới” với bức tranh tuyệt đẹp, lãng mạc, nên thơ. Ngôn từ giản dị không trau truốt, mĩ miều, không câu nệ vào vần vèo, bằng trắc, nhưng với cách lựa chọn, sắp xếp từ ngữ một cách tinh tế, tài tình để vừa gọi tên sự vật một cách chính xác vừa có âm điệu luyến láy, bay bổng. Nhà thơ Lò Ngân Sủn đã đem đến cho người đọc những liên tưởng thú vị về chất họa và nhạc trong thơ. Còn nơi “nào xanh hơn”, “cao hơn”, “đẹp hơn” nữa khi hình ảnh trước cứ gọi đến những hình ảnh sau, nối tiếp nhau gợi ra cái trùng điệp của núi non hùng vĩ, cái nên thơ của hoa lá cỏ cây, của vang ngân “tiếng chim hót gọi”, khúc vĩ thanh trầm hùng của âm thanh “con sông chảy xiết”, “con suối thác đổ” nơi buổi chiều biên giới quê hương. Câu thơ cứ bay bổng, ngân nga bởi những hình ảnh: “chồi non”, “có
biếc”, “rừng cây của lá”, “tình yêu đôi ta”, “đầu sông”, “đầu suối”, “đầu mây”, “đầu gió”, “ngọn núi”, “đất trời biên cương”. Rồi lại vút lên với âm hưởng da diết trước vẻ đẹp không “có nơi nào đẹp hơn” của “chiều biên giới”
khi: “mùa đào hoa nở”, “mùa sở ra cây”, “Lúa lượn bậc thang mây”, “Mùa tỏa ngát hương bay”. Điểm hội tụ dồn nén của mạch cảm xúc, của âm hưởng cả bài thơ chính là bài ca về tình yêu lứa đôi gắn liền với trách nhiệm, xứ mệnh thiêng liêng và cao cả của tình yêu Tổ quốc, Đất nước. Chính vì vậy mà giai điệu của nó cứ ngân vang, sâu lắng mãi trong lòng người đọc: “Chiều biên giới em ơi! Đôi ta cùng chiến hào/ Gần nhau thêm bền chí/ Tình yêu là vũ khí/ Giữ đất trời quê hương…/ Hồn ta như ngọn gió/ Thổi giữa trời quê hương”. Bài thơ “Chiều biên giới” của Lò Ngân Sủn đã được nhạc sĩ Trần Chung phổ nhạc và trở thành một trong những ca khúc hay nhất về miền biên cương của Tổ quốc.
Ngoài bài thơ “Chiều biên giới”, còn rất nhiều bài thơ tình khác của Lò Ngân Sủn được phổ nhạc như: “Chiều Lào Cai”, “Những người con của núi”,“Tình ca lều nương”, “Người đẹp”, “Những người ngủ trên trời”, “Tiên Vịnh”, “Tam Đảo Ru”,“Yêu em”, “Em như là ngày tết”, “Phiên chợ Sapa”, “Nếu ta được nàng”, “Lửa cháy đêm xòe”, “Đàn môi gọi bạn”…
Ví dụ như bài thơ: “Yêu em” đã được nhạc sĩ Đàng Năng Thọ phổ nhạc cũng đã trở thành một ca khúc được nhiều người ưa thích:
- Hoa nở rồi lại tàn Mây hợp rồi lại tan Gió thổi rồi lại ngừng Mưa đổ rồi lại tạnh Nắng lửng rồi lại tắt Trăng tròn rồi lại khuyết
Nên anh mới ví em như dòng suối
Uống rồi, uống mãi không vơi không cạn Nên anh mới ví em như câu ca bát ngát Hát rồi, hát mãi vẫn còn lời yêu thương.
Sử dụng những từ ngữ, hình ảnh đối lập về nghĩa cũng như thanh điệu bằng - trắc: “nở - tàn”, “hợp – tan”, “thổi - ngừng”, “đổ - tạnh”, “hửng - tắt”, “tròn - khuyết”, điệp từ ngữ “rồi lại” kết hợp với câu thơ 5 chữ đã tạo nên nhịp điệu lúc bổng, lúc trầm, nhịp nhàng, uyển chuyển, luyến láy của câu thơ. Đồng thời cũng diễn tả được cái quy luật luân chuyển tuần hoàn của tự nhiên, nhấn mạnh cái còn - mất, cái tồn tại - với cái hư vô của vạn vật, tạo hóa. Những câu thơ dài tiếp nối đằng sau có chứa đựng biện pháp nghệ thuật so sánh: “ví em như dòng suối”, “ví em như câu ca bát ngát” khiến cho nhịp điệu, tiết tấu của câu thơ như ngân nga, trải dài ra mãi, như muốn kéo dài thêm mãi khát vọng cháy bỏng khôn nguôi của nhân vật trữ tình, đó là được sống trong niềm đam mê, đắm say, mãnh liệt của tình yêu. Ca từ giản dị, hình ảnh gần gũi, cách so sánh tự nhiên, quen thuộc chính là chất liệu làm nên giai điệu trữ tình cho cả bài thơ và trên cái nền của giai điệu trữ tình ấy nhà thơ cũng không ngần ngại công khai tấm chân tình của một tâm hồn yêu đương đầy mơ mộng: “ví em như dòng suối” để được uống “uống mãi không vơi không cạn”, “ví em như câu ca” để được hát “hát rồi, hát mãi vẫn còn lời yêu thương”.
Hay bài thơ “Em như là ngày tết” (được nhạc sĩ Lương Thủy phổ nhạc), tác giả đã viết với thể thơ 5 chữ quen thuộc, đọc lên đã như hát, du dương bởi tính nhạc đã như “nằm sẵn” ở trong câu thơ, lời thơ, nhịp thơ rồi:
- “Em như tiếng pí lè Anh nghe lòng xốn xang Em như làn điệu then
Anh nghe hồn tươi xanh Em như làn điệu khắp Thắp ngọn lửa trong anh Em như chum rượu ngọt Uống mãi không biết cạn Em như tấm cơm lam Ăn mãi không biết hết Em như là ngày tết
Đẹp như cái bánh chưng…”
Làm nên cái hay, trữ tình cũng như tính nhạc cho câu thơ, bài thơ của tác giả Lò Ngân Sủn chính là “thật” và “khéo”, thật trong lối so sánh ví von
“em” với những gì gần gũi quen thuộc nhất thường thấy trong cuộc sống hàng ngày trong nếp sinh hoạt, văn hóa lễ tết cổ truyền đậm bản sắc dân tộc vùng cao: “Em như một vầng trăng…/ Em như một rừng hoa…/ Em như tiếng pí lè…/ Em như làn điệu then…/ Em như làn điệu khắp…/ Em như chum rượu ngọt…/ Em như tấm cơm lam…/ Em như là ngày tết…/ Em như con đường dốc…”. Việc tác giả sử dụng những điệp từ “Em”, điệp ngữ “Em như” khiến câu thơ cứ như một điệp khúc được nhắc đi nhắc lại nhiều lần đã diễn tả cái đắm đuối si mê của người đàn ông đá núi trước vẻ đẹp giản dị, thuần phác, rất truyền thống mà không kém phần ngọt ngào, đầy quyến rũ của người con gái vùng cao. “Khéo” trong cách lựa chọn từ ngữ gọi tên các sự vật, gọi ra cái âm thanh náo nức, rộn rã, trữ tình: “vầng trăng”, “rừng hoa”, “suối trong”, “tiếng pí lè”, “làn điệu then”, “làn điệu khắp”… tất cả đều gợi ra cái không khí tươi vui, náo nhiệt của ngày tết. Có thể nói qua cái nhìn và cảm nhận rất tinh tế, độc đáo của nhà thơ, vẻ đẹp tự nhiên, tràn đầy sức sống của người em
gái miền sơn cước đã khiến tâm hồn thi nhân như lạc vào không gian tưng bừng, náo nhiệt với âm thanh dập dìu của tiếng kèn pí lè, với dáng điệu mềm mại, uyển chuyển theo từng bước đi trong màu váy thổ cẩm rực rỡ, trước những làn “điệu then”, “điệu khắp” của các cô gái vùng cao, như đứng trước một bữa tiệc ngày tết có đủ sản vật quen thuộc của người vùng cao: “chum rượu ngọt”, “tấm cơm lam”, “cái bánh chưng”. Cái rung động sâu xa của tiếng lòng đang yêu đã thổi hồn vào câu chữ, ca từ khiến cho câu thơ nào, dòng thơ nào cũng mang âm hưởng, giai điệu trữ tình, lãng mạn bay bổng, thiết tha. Tình yêu đã làm cho cảm xúc thăng hoa, lên hương, lên sắc màu của sự sống.
Và còn rất nhiều bài thơ, câu thơ khác nữa cũng chất chứa giai điệu trữ tình, ngọt ngào, sâu lắng về tình yêu đôi lứa, tình yêu trong cuộc đời của nhà thơ Lò Ngân Sủn: “Gặp nhau trong phiên chợ/ Tay truyền lửa sang nhau / Hát những câu cháy bỏng / Tỏ tình những đêm thâu” (Phiên chợ SaPa);
“Chiều Lào Cai huyền ảo / Chiều Lào Cai mộng mơ / Chiều Lào Cai bốc lửa / Vừa qua mùa sương gió / Vừa qua mùa lau cỏ / Chiều Lào Cai đứng đó / Ngọt như một nụ hôn!” (Chiều Lào Cai); “Mơ / Tận đáy / Tận đỉnh / Cháy / Quảng Ninh / Lung linh / Tình anh / Tình em / Tình thơ” (Tiên Vịnh); “
Chiều Nà Nọng / Những bông hoa / Nở giữa dòng / Như trăng mọc / Như sao mọc / Sáng rực cả dòng suối xanh / Sáng rực cả miền núi xanh / Sáng rực cả miền trời xanh … / Chiều Nà Nọng / Vẽ lên / Bức tranh / Tắm suối / Chiều Nà Nọng / Trắng ngần / Màu / Con gái / Tràn ngập / Màu / Yêu thương” (Chiều Nà Nọng); “Anh muốn là ngọn gió / Thổi bên em đêm hè / Anh muốn là ngọn lửa / Cháy bên em đêm đông” (Anh muốn); “Đá kê làm gối ta ngồi / Suối khe cũng hóa thành lời yêu thương / Hai ta cùng ở lều nương / Sớm hôm hạnh phúc thiên đường hai ta / Trời bao la / Đất bao la / Hai ta ở giữa bao la đất trời”(Thiên đường)…
Đọc xong những bài thơ tình của nhà thơ Lò Ngân Sủn, khi gấp những trang sách lại rồi mà dường như âm hưởng của những hình ảnh thơ, những câu thơ cháy bỏng, khát chứa với tình yêu vẫn cứ ngân nga, vang vọng mãi không thôi.