Tấm lòng vàng
Tháng 9 năm 1997, tôi vào chùa Enpuku (Viên Phúc Tự) ở Kyoto và nhận được pháp danh là Daiwa (Đại Hòa).
Thật ra, tôi có ý định đi tu từ tháng 6, nhưng do phát hiện bị ung thư
dạ dày trong lần khám bệnh ngay trước đó nên tôi đã phải phẫu thuật gấp. Hơn hai tháng sau khi mổ, vào ngày 7 tháng 9, tôi đã quy y cửa Phật mặc dù sức khỏe vẫn chưa hồi phục hoàn toàn và tôi vẫn sống đời sống thế tục.
Hơn hai tháng sau, vào tháng 11 năm 1997, tôi bắt đầu cuộc sống tu hành. Cuộc sống mới trong chùa đối với tôi lúc đó là rất khắc nghiệt, một phần cũng do tôi mới khỏi bệnh. Nhưng đây cũng là thời kỳ tôi đã có được trải nghiệm mà suốt đời cũng không thể nào quên.
Vào một ngày đầu đông lạnh giá, đầu cạo trọc, đội nón nan, mặc áo cà sa, xỏ đôi dép rơm, tôi đi khất thực từng nhà.
Do chưa quen nên việc đi khất thực vô cùng cực nhọc. Ngón chân lòi ra khỏi dép miết xuống đường nhựa toạc máu. Tôi cố chịu đựng đau đớn nhưng cũng chỉ nửa ngày là cơ thể đã rã rời như cái giẻ lau nhà cũ rách bươm. Tôi vẫn gắng chịu đựng, tiếp tục khất thực cùng cả đoàn suốt mấy tiếng đồng hồ.
Đến xẩm tối, thân xác mệt rũ, lê đôi chân nặng trịch, chúng tôi trở về
chùa. Khi đi ngang qua một công viên thì có một người phụ nữ lớn tuổi – trong bộ quần áo bảo hộ lao động, đang dọn vệ sinh - chợt nhìn thấy đoàn khất thực chúng tôi. Tay vẫn cầm chổi, chị bước thoăn thoắt đến chỗ tôi và bỏ đồng xu 500 Yen vào cái túi tôi đeo trước ngực, hành động rất đỗi tự nhiên.
Trong khoảnh khắc đó, nỗi xúc động mà tôi chưa từng cảm nhận bỗng lan khắp cơ thể. Một cảm giác hạnh phúc tràn ngập trong tôi.
Bởi vì, người phụ nữấy chắc hẳn chẳng giàu có gì. Hành động tự
ban ơn của chị khiến tôi cảm động.
Nỗi xúc động - tôi chưa từng một lần được cảm nhận trong suốt 65 năm cuộc đời - mới thuần khiết và tươi rói làm sao!
Tôi thật sự nhận được tấm lòng từ bi của Đức Phật qua hành động nhân ái của người phụ nữ đó. Hành động ấy tuy nhỏ bé nhưng tôi nghĩ rằng chỉ cần như thế cũng đủ phản ánh cái tâm hướng thiện trong suy nghĩ và hành động của con người. Hành động ấy cũng đã cho tôi thấy cốt tuỷ của lòng vị tha là thế nào.
Lòng vị tha, theo đạo Phật, là tâm từ bi khi nghĩ tới người khác và mang điều tốt lành đến cho người khác. Nó cũng tương tự lời dạy nhân ái của Chúa Jesus trong đạo Thiên Chúa. Theo tôi, lòng vị tha, nói một cách dễ hiểu nhất là cống hiến hết mình cho xã hội, cho nhân loại. Tôi cho rằng lòng vị tha là từ khoá (keyword) quan trọng không thể thiếu trong nội dung sống của mỗi con người trên suốt nẻo đường đời, cũng như đối với những doanh nhân trên con đường kinh doanh.
Khái niệm “vị tha” có thể khiến nhiều người có cảm giác xa lạ, nhưng “suy nghĩ cho người khác” chính là việc làm hoàn toàn hợp đạo làm người.
Lòng vị tha chẳng phải là điều gì xa vời. Chúng ta có thể bắt đầu từ
việc để tâm một chút đến những người thân thiết xung quanh ta: Muốn vợ con sung sướng, no đủ, muốn đem lại sự an nhàn cho cha mẹ đã vất vả cả đời vì chúng ta. Từ những suy nghĩ vị tha nhỏ bé, bình dị như làm việc vì gia đình, giúp đỡ bạn bè, hiếu thảo với cha mẹ, sẽ mở rộng thành lòng vị tha ở phạm vi lớn hơn như xã hội, cộng đồng, nhân loại…
Với ý nghĩa đó thì hành động của người phụ nữ cho tôi 500 Yen và hành động của Mẹ Teresa là hoàn toàn giống nhau về bản chất. Bởi bản chất con người vốn mang trong lòng tình cảm vị tha, muốn làm điều thiện cho người khác.
Mỗi khi tôi nghe những câu chuyện cảm động, như chỉ mới đây thôi, những người tình nguyện xông vào nơi bị thảm hoạ thực hiện các hoạt động nhân đạo thì ý nghĩ “lòng vị tha là phẩm chất tự nhiên của con người” càng được khẳng định trong tôi.
Chỉ khi nào sống hết lòng vì người khác thì bản thân ta mới cảm thấy hạnh phúc, tâm hồn ta mới trở nên sâu xa và rộng lớn. Ngược lại, ta sẽ
không có được tâm trạng đó nếu lúc nào cũng chỉ nghĩ riêng cho mình. Hơn nữa, chỉ cần thông minh một chút cũng có thể nhận ra rằng giúp người khác cũng là giúp chính mình.
Điều này có lẽ có nhiều người đồng tình với tôi.
Xuống địa ngục hay lên niết bàn tùythuộc ở tâm