Câu chuyện này đã xa xưa lắm rồi, cách đây hơn 40 năm, thời Công ty Kyocera vẫn còn trứng nước. Tôi đã từng nói với các nhân viên mới, vừa tốt nghiệp đại học, trong buổi lễ gia nhập công ty: “Từ trước đến nay, các bạn sống trong sự nuôi nấng đùm bọc của cha mẹ, nhà trường và xã hội. Từ giờ phút này, các bạn đã thực sự trưởng thành và đến lượt mình làm việc cho xã hội. Kể từ nay, các bạn không được phép mang theo ý nghĩ chờ đợi mọi người phải làm gì đó cho mình nữa. Các bạn phải thay đổi 1800 vị trí của mình, từ “được nhận” chuyển sang “làm cho”…”.
Sở dĩ tôi muốn kể lại câu chuyện này là vì khi Kyocera còn nhỏ bé, các chế độ phúc lợi trong công ty chưa đầy đủ, những nhân viên mới tốt nghiệp đại học, vào làm ở công ty chưa được bao lâu thường hay kêu ca phàn nàn: “Tưởng công ty này lớn, hoá ra đồng lương thì thấp, chế độ
phúc lợi cũng chẳng ra sao”.
Nghe như vậy, tôi rất bực: “Đúng là công ty vẫn còn nhỏ. Thiết bị sản xuất cũng như các chế độ đãi ngộ đều thiếu thốn. Nhưng để làm cho công ty lớn hơn, phúc lợi đầy đủ hơn thì không ai khác mà chính là các bạn. Các bạn đừng chờ đợi những gì có sẵn mà chính các bạn phải tạo ra chúng. Những người chỉ muốn “được nhận”, chỉ muốn hưởng thụ điều người khác làm cho mình chính là những người hay để ý đến sự thiếu thốn, hay than vãn kêu ca. Nhưng đã là người trưởng thành thì phải nhìn nhận ở góc độ ngược lại, tức là phải “làm cho” người khác. Để trở
thành người như vậy, các bạn phải thay đổi 180o nhân sinh quan, thế
giới quan của mình”.
Thời đó, tuy tinh thần vị tha chưa phải là tư tưởng, quan điểm vững chắc trong tôi, nhưng tôi cũng thường nói chuyện với nhân viên về tầm quan trọng của cách sống vì người khác, mong muốn làm một chút gì đó cho người khác, làm điều tốt cho người khác trước khi làm cho mình, đôi khi vì người khác mình chịu thiệt một chút cũng được.
Khả năng quan tâm đến người khác, hay lòng vị tha, quan trọng đến mức nào? Vị sư già nơi tôi tu hành thuyết giảng bằng câu chuyện dưới đây:
Ở chùa nọ, có một thầy tu trẻ tuổi tên là Vân Thuỷ. Một hôm, Vân Thuỷ hỏi vị sư già trụ trì chùa: “Thưa thầy, con nghe nói có niết bàn và địa ngục. Điều đó có thật không ạ? Và những nơi đó là như thế nào?”.
Vị sư già đáp: “Tất cả đều có thật, con ạ. Chỉ có điều hai nơi đó không xa nhau như con tưởng. Niết bàn và cõi địa ngục là hai cõi hoàn toàn giống nhau. Điểm khác nhau là cái tâm của những người sống ở hai nơi đó. Những người sống ở cõi địa ngục là những người ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến bản thân. Còn ở niết bàn là những người có tấm lòng vị tha, luôn sống vì người khác.”
Vân Thuỷ thắc mắc: “Vì sao chỉ khác nhau ở cái tâm mà cũng phải chia thành hai cõi, thưa thầy?”
Để giải đáp, vị sư già kể cho Vân Thuỷ câu chuyện ngụ ngôn: Có một nồi mì mạch - udon - để giữa nhà. Bát nước chấm để bên cạnh. Mì mạch là món ăn thịnh soạn với người khổ tu như Vân Thuỷ. Bên cạnh nồi mì để sẵn đôi đũa dài tới một thước. Quy định của nhà bếp là chỉ được ăn bằng loại đũa đó và phải dùng đầu đũa để gắp mì rồi
chấm vào bát nước chấm. Đến đoạn này thì cả địa ngục và niết bàn đều giống nhau. Kích cỡ nồi mì, số người ăn vẫn vậy. Chỉ có cái tâm của những người ăn là khác nhau.
“Nào, con thử tưởng tượng xem điều gì sẽ xảy ra?”
Mọi người đang đói, lại có nồi mì trước mặt, chuyện gì sẽ xảy ra khi họ được phép bắt đầu bữa ăn?
Những người ở địa ngục lập tức tranh nhau gắp mì, tranh nhau chấm mì vào bát nước chấm. Khổ nỗi, đũa dài quá nên không sao đưa mì vào miệng mình được. Người này sợ người kia ăn hết nên giành giật để gắp. Một cảnh thê thảm diễn ra. Kết cục là không ai ăn được miếng nào, mì rơi vương vãi xung quanh và những người ấy trở thành quỷ đói da bọc xương.
Trong khi đó, những người đầy lòng vị tha sống ở niết bàn, tiếng mời mọc vang lên: “Nào, chúng ta ăn chung nhé!”, “Xin mời, xin mời!”. Mọi người nhường nhau, lần lượt gắp mì, chấm nước chấm và đưa vào miệng người đối diện. Người đối diện ăn xong, nói: “Cảm ơn. Tôi đủ rồi. Đến lượt tôi giúp bác ăn”. Cứ như thế, mọi người hợp sức, nhường nhịn lẫn nhau, ai cũng được ăn và không sợi mì nào rơi ra ngoài.
“Khung cảnh niết bàn là như thế đấy. Nhưng nếu chỉ nhìn bề ngoài thôi thì khó phân biệt được đâu là địa ngục và đâu là niết bàn.” Vị sư già giảng giải cho Vân Thuỷ.
Tôi cũng thường giảng cho các nhân viên về tấm lòng vị tha, nhấn mạnh nhiều lần rằng để điều hành kinh doanh tốt thì trong tâm khảm không thể thiếu những ý tưởng cao cả, sống vì xã hội, vì con người.