4.4.1. Giả thuyết H1 về quy mô ngân hàng (LNTA)
Quy mô ngân hàng có mối tương quan dương với khả năng sinh lời của các NHTMCP Việt Nam, phù hợp với giả thuyết ban đầu, có ý nghĩa thống kê ở mức ý nghĩa 1% trong mô hình biến phụ thuộc ROE, không tìm thấy ý nghĩa thống kê trong mô hình biến phụ thuộc ROA . Mối tương quan dương chỉ ra rằng các Ngân hàng Việt Nam càng mở rộng quy mô thì khả năng sinh lời ROE càng tăng. Kết quả nghiên cứu này cũng phù hợp với nghiên cứu trước đây của Phan Thu Hiền và Phan Thị Mỹ Hạnh (2013), Nguyễn Thị Mỹ Linh và Nguyễn Thị Ngọc Hương (2015), Admet Ugur & Hakan Erkus (2010). Đồng thời kết quả này ủng hộ nghiên cứu của Bhatti & Hussain (2010) khi cho rằng các ngân hàng lớn hơn có danh mục đầu tư lớn và khả năng đa dạng hóa đầu tư tốt. Theo lí thuyết danh mục đầu tư, nếu công ty có danh mục đầu tư lớn, công ty có thể đa dạng hóa rủi ro và tạo được lợi nhuận cao hơn. Trong bối cảnh ở VN, khi quy mô càng lớn, ngân hàng càng có khả năng mở rộng hệ thống chi nhánh, phòng giao dịch hơn để có thể thu hút vốn cũng như phát triển hoạt động tín dụng mang lại lợi nhuận cho ngân hàng. Theo Điều 6, Quyết định số 13/2008/QĐ-NHNN, số chi nhánh NHTM được mở phải đảm bảo vốn điều
lệ lớn hơn 100 tỷ đồng x số chi nhánh đã mở và đề nghị mở tại thành phố Hà Nội và TP.HCM + 50 tỷ đồng x số chi nhánh đã mở và đề nghị mở tại đơn vị hành chính ngoài thành phố Hà Nội và TP.HCM. Như vậy, ngân hàng càng lớn thì khả năng mở rộng mạng lưới hoạt động của ngân hàng sẽ càng cao. Việc mở rộng mạng lưới sẽ tạo thuận lợi cho khách hàng hơn trong việc thực hiện các dịch vụ của ngân hàng, từ đó giúp ngân hàng có thể phát triển mạnh hơn về các hoạt động truyền thống như: huy động và cho vay để thu lợi nhuận. Đây được xem là nguồn thu nhập chủ yếu của các NHTMCP Việt Nam hiện nay. Bên cạnh đó, khi ngân hàng có tài sản càng lớn thì các ngân hàng có thể đầu tư công nghệ phát triển các dịch vụ để tạo thu nhập ngoài lãi như thu nhập từ phí và dịch vụ, hoa hồng… Đây là nguồn thu nhập giúp ngân hàng giảm rủi ro khi nền kinh tế bất ổn và các hoạt động truyền thống bị ảnh hưởng như trong giai đoạn suy giảm kinh tế vừa qua. Hơn thế nữa, khi quy mô của ngân hàng lớn, khả năng cạnh tranh của ngân hàng sẽ gia tăng, giúp ngân hàng dễ dàng tăng tỷ suất lợi nhuận.
4.4.2. Giả thuyết H2 về quy mô vốn chủ sở hữu (ETA)
Quy mô vốn chủ sở hữu (ETA) có mối tương quan âm với khả năng sinh lời ROE của các Ngân hàng TMCPCP Việt Nam, tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản càng cao thì khả năng sinh lời ROE càng sụt giảm, kết quả này phù hợp với giả thuyết ban đầu, có ý nghĩa thống kê ở mức ý nghĩa 1% trong mô hình biến phụ thuộc ROE, không tìm thấy ý nghĩa thống kê trong mô hình biến phụ thuộc ROA. Với điều kiện các yếu tố khác không đổi, khi biến EAT tăng 1% thì ROE giảm 0.163%. Các NHTMCP Việt Nam trong giai đoạn nghiên cứu sử dụng đòn bẩy tài chính cao đã gia tăng suất sinh lời trên VCSH của ngân hàng trong khi không ảnh hưởng đến suất sinh lời trên tài sản.
Kết quả này cũng phù hợp với các kết quả nghiên cứu trước đây Hồ Thị Hồng Minh và Nguyễn Thị Cành (2015), Trịnh Quốc Trung, Nguyễn Văn Sang (2013) đã tìm ra mối tương quan âm giữa quy mô vốn chủ sở hữu và ROE. Ngân hàng có ETA cao tuy an toàn về khả năng thanh khoản hơn nhưng hiệu quả sử dụng vốn chưa cao dẫn đến khả năng sinh lời cũng bị giảm. Theo Tăng Thị Phúc (2016), mặc dù vốn chủ sở hữu trong giai đoạn năm 2010-2014 có xu hướng tăng nhưng do tín dụng tăng thấp, lãi suất cho vay giảm, chi phí huy động và chi phí trích lập dự
phòng rủi ro tín dụng tăng cao tạo áp lức lớn về sử dụng vốn đối với các NHTMCP, nên kết quả kinh doanh của ngân hàng gặp nhiều khó khăn, làm suy giảm khả năng sinh lời của NHTMCP Việt Nam trong giai đoạn này.
Tuy nhiên, một cấu trúc vốn mạnh rất cần thiết cho các ngân hàng trong nền kinh tế đang phát triển, vì nó cung cấp thêm sức mạnh cho cho các ngân hàng có thể đứng vũng trong thời kỳ khủng hoảng tài chính và tăng mức độ an toàn cho người gửi tiền khi phải đối mặt với các điều kiện kinh tế vĩ mô không ổn định. Đồng thời nguồn vốn chủ sở hữu là tấm lá chắn an toàn cho các ngân hàng khi có khó khăn về tài chính. Như vậy rõ ràng, quy mô vốn chủ sở hữu đã cung cấp cho các ngân hàng một sức mạnh nội lực để có thể đứng vững trong thời kỳ kinh tế có nhiều bất ổn. Các sự kiện kinh tế diễn ra trên thế giới ít nhiều đều có ảnh hưởng đến Việt Nam, chỉ có nâng cao năng lực tài chính mới tạo nên một nội lực vững mạnh để các NHTMCP Việt Nam có thể chống chọi với rủi ro, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh cho hệ thống ngân hàng Việt Nam. Do vậy, việc yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng vốn chủ sở hữu để nâng cao năng lực tài chính là đúng đắn, phù hợp với bối cảnh của nền kinh tế và phù hợp với chủ trương xây dựng một hệ thống ngân hàng hoạt động ổn định và phát triển bền vững, nhưng phải làm tốt công tác quản trị nguồn vốn nhằm trong dài hạn nâng cao khả năng sinh lời.
4.4.3. Giả thuyết H3 về tỷ lệ nợ xấu (NPL/TL)
Tỷ lệ nợ xấu (NPL/TL)có mối tương quan âm với khả năng sinh lời ROE của các NHTMCP Việt Nam, tỷ lệ nợ xấu càng cao thì khả năng sinh lời ROE càng sụt giảm, kết quả này phù hợp với giả thuyết ban đầu, có ý nghĩa thống kê ở mức ý nghĩa 1% trong mô hình biến phụ thuộc ROE, không tìm thấy ý nghĩa thống kê trong mô hình biến phụ thuộc ROA. Với điều kiện các yếu tố khác không đổi, khi biến tỷ lệ nợ xấu tăng 1% thì ROE giảm 0.519%.
Khi mở rộng hoạt động tín dụng ồ ạt trong những năm trước đây ngân hàng phải chấp nhận rủi ro tín dụng và gia tăng tỷ lệ nợ xấu, khi nợ xấu gia tăng thì NHTM phải tăng chi phí trích lập dự phòng rủi ro, giảm hiệu quả hoạt động kinh doanh và khả năng sinh lời của ngân hàng. Điều này phù hợp với kết quả nghiên cứu của Nguyễn Minh Hà và Nguyễn Công Tâm (2012), Hồ Thị Hồng Minh và Nguyễn Thị Cành (2015), Nguyễn Thị Loan và Trần Thị Ngọc Hạnh (2013),
Olweny & Shipho (2011), Muhammad Bilal và cộng sự (2013),…Nguyên nhân là do việc năng lực thẩm định cho vay, đạo đức nghề nghiệp, quản trị ngân hàng yếu kém dẫn đến rủi ro tín dụng tăng làm nợ xấu gia tăng. Ngược lại, ngân hàng nào có hiệu quả kinh doanh cao hay khả năng sinh lời cao thì ngân hàng đó có môi trường làm việc, đạo đức nghề nghiệp, khả năng quản trị tốt,...từ đó kiểm soát nợ xấu tốt hơn, an toàn hơn.
4.4.4. Giả thuyết H4 về thu nhập từ lãi trên tổng thu nhập hoạt động (IM/GI) (IM/GI)
Tỷ lệ thu nhập từ lãi trên tổng thu nhập hoạt động (IM/GI) có mối tương quan âm với khả năng sinh lời ROA của các NHTMCP Việt Nam, IM/GI càng cao thì khả năng sinh lời ROA càng sụt giảm, kết quả này phù hợp với giả thuyết ban đầu, có ý nghĩa thống kê ở mức ý nghĩa 10% trong mô hình biến phụ thuộc ROA, không tìm thấy ý nghĩa thống kê trong mô hình biến phụ thuộc ROE. Với điều kiện các yếu tố khác không đổi, khi biến IM/GI tăng 1% thì ROA giảm 0.005%.
Kết quả này cũng phù hợp với các kết quả nghiên cứu trước đây Nguyễn Minh Hà và Nguyễn Công Tâm (2012), trên thực tế các NHTMCP Việt Nam hiện nay nguồn thu chính từ hoạt động tín dụng, đây là nguồn thu truyền thống và chứa đựng rất nhiều rủi ro. Theo Phụ lục 2. thì tỷ lệ thu nhập từ lãi trên tổng thu nhập hoạt động chiếm khoảng 81% tổng thu nhập của ngân hàng, đây là tín hiệu đáng lo ngại trong giai đoạn hiện nay bởi các ngân hàng chưa đa dạng hóa tốt và chậm phát triển các sản phẩm mới. Chưa làm tốt mảng dịch vụ phi tín dụng, để làm tốt điều này thì các ngân hàng cần phải có hạ tầng kỹ thuật công nghệ ở mức tương thích để mở rộng các hoạt động dịch vụ hiện đại, nâng cao năng lực quản trị điều hành và chất lượng nguồn nhân lực vì nhiều loại hình dịch vụ chủ yếu dựa trên cơ sở chất lượng nguồn nhân lực của các NHTM như các dịch vụ về môi giới hay tư vấn. Nhìn một cách tổng quát, lợi nhuận từ dịch vụ phi tín dụng góp phần không nhỏ vào tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng trong điều kiện các hoạt động tín dụng tiềm ẩn nhiều rủi ro, các hoạt động đầu tư và kinh doanh chứng khoán gặp nhiều khó khăn trong thời điểm hiện nay. Do vậy, phát triển dịch vụ phi tín dụng là hướng đi hiệu quả để thay đổi cơ cấu kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Như vậy, trong tương lai các ngân hàng cần đẩy mạnh các hoạt động bán lẻ, dịch vụ cá nhân... Phát triển dịch vụ phi tín dụng, giảm tỷ trọng thu lãi từ hoạt động tín dụng sẽ là cách thức có hiệu quả nhất để thay đổi cơ cấu kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng, nhất là trong điều kiện các dịch vụ tín dụng đang tiềm ẩn nhiều rủi ro và mặt bằng lãi suất vẫn chịu áp lực tăng như thời điểm hiện nay.
4.4.5. Giả thuyết H5 về hiệu quả quản lý (NIE/GI)
Hiệu quả quản lý tốt hay không phụ thuộc vào chỉ tiêu tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng thu nhập (NIE/GI). Kết quả nghiên cứu cho thấy hiệu quả quản lý có tác động ngược chiều với khả năng sinh lời (ROA, ROE), kết quả này phù hợp với giả thuyết ban đầu và có ý nghĩa thống kê ở mức 1%. Với điều kiện các yếu tố khác không đổi, khi biến NIE/GI tăng 1% thì ROA giảm 0.032% và ROE giảm 0.242%.
Kết quả nghiên cứu này phù hợp với nghiên cứu của Nguyễn Minh Hà và Nguyễn Công Tâm (2012), Nguyễn Thị Cành và Hồ Thị Hồng Minh (2015), Nguyễn Thị Mỹ Linh và Nguyễn Thị Ngọc Hương (2015), Sufian & Chong (2008), Sufian (2011), Admet Ugur & Hakan Erkus (2010), Trujillo – Ponce (2013) cho thấy hiệu quả quản lý có mối tương quan âm với khả năng sinh lời.
Kết quả nghiên cứu đã phản ánh đúng thực trạng của hệ thống ngân hàng Việt Nam giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2013, giai đoạn diễn ra khủng hoảng tài chính, nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, các ngân hàng đã phải tiến hành tổ chức, sắp xếp lại bộ máy quản trị, bộ máy điều hành và các phòng ban nhằm nâng cao hiệu quả quản lý cũng như nhằm xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn các bộ phận các cấp. Hoạt động quản trị, điều hành của các ngân hàng đã mang tính chuyên nghiệp hơn, tiếp cận với kiến thức quản trị ngân hàng tiên tiến từ hoạt động chuyển giao công nghệ, hợp tác chiến lược.
Chi phí hoạt động của các NHTMCP Việt Nam càng tăng, mà đặc biệt là càng tăng nhanh hơn tổng thu nhập thì khả năng sinh lợi càng giảm và ngược lại chi phí hoạt động càng giảm thì khả năng sinh lợi càng tăng. Quản lý chi phí hiệu quả là điều kiện tiên quyết để nâng cao khả năng sinh lợi của các ngân hàng, vì thế các ngân hàng luôn quan tâm nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý, cho nhân viên ngân hàng học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Đó cũng là định hướng phát triển bền vững của các ngân hàng, nhất là trong giai đoạn Việt Nam đang hội nhập
sâu rộng với nền kinh tế thế giới thì các cán bộ quản lý phải xây dựng được chiến lược phát triển lâu dài nhằm giúp ngân hàng ngày càng phát triển.
4.4.6. Giả thuyết H6 về tỷ lệ cho vay trên vốn huy động (LDR)
Tỷ lệ cho vay trên vốn huy động (LDR) có mối tương quan dương với khả năng sinh lời ROE của các NHTMCP Việt Nam, LDR càng cao thì khả năng sinh lời ROE càng tăng, kết quả này trái ngược với giả thuyết ban đầu, có ý nghĩa thống kê ở mức ý nghĩa 5% trong mô hình biến phụ thuộc ROE, không tìm thấy ý nghĩa thống kê trong mô hình biến phụ thuộc ROA. Với điều kiện các yếu tố khác không đổi, khi biến LDR tăng 1% thì ROE tăng 0.024%.
Nghiên cứu này cũng phù hợp với nghiên cứu của Nguyễn Thị Mỹ Linh và Nguyễn Thị Ngọc Hương (2015), nếu ngân hàng càng mở rộng quy mô cho vay thì càng tăng được nguồn thu nhập lãi cho ngân hàng. Đây cũng là một trong những hoạt động chính tạo nguồn thu cho ngân hàng từ đó làm gia tăng khả năng sinh lời trên vốn chủ sở hữu cổ đông. Thực tế qua chín năm khảo sát thì tỷ lệ cho vay trên vốn huy động trung bình chiếm một tỷ lệ khá cao trên 89.48% (phụ lục 2) cao hơn so với quy định về an toàn tỷ lệ cho vay trên vốn huy động của NHTMCP là 80% (Điều 7-Thông tư 36/2014/TT-NHNN), nếu quá tập trung cho vay vượt xa huy động vốn sẽ làm mất an toàn thanh khoản. Năm 2008 giai đoạn đầu bùn nổ cuộc khủng hoảng kinh tế thì nền kinh tế tăng trưởng khá nóng với tỷ lệ LDR cao nhất trong giai đoạn nghiên cứu là 105.44% (Bảng 4.4) từ đó tạo ra lợi nhuận năm 2008 và năm 2009 cao nhất giai đoạn nghiên cứu, cụ thể ROA = 1.5% và ROE = 14.43%, đến năm 2014 thông qua các biện pháp kiểm soát hạn chế cung tiền kiềm chế lạm phát nên tỷ lệ LDR thấp nhất là 76.36% từ đó lợi nhuận năm 2015 thấp nhất trong giao đoạn nghiên cứu, cụ thể ROA = 0.43% và ROE = 5.48% .
4.4.7. Giả thuyết H7 về Chênh lệch lãi suất bình quân trên thị trường (SPREAD) (SPREAD)
Chênh lệch lãi suất bình quân trên thị trường (SPREAD) có mối tương quan âm với khả năng sinh lời của các NHTMCP Việt Nam, SPREAD càng cao thì khả năng sinh lời càng giảm, kết quả này phù hợp với giả thuyết ban đầu, tuy nhiên lại không tìm thấy ý nghĩa thống kê trong mô hình biến phụ thuộc ROA và ROE.
Kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Nguyễn Minh Hà và Nguyễn Công Tâm (2012), Kosak và Cok (2008) tại 6 quốc gia đang phát triển ở Đông Nam Âu. Tuy nhiên, để lý giải thích trường hợp này như sau: khi chênh lệch lãi suất tăng, các ngân hàng thường ưu tiên tập trung vốn để cho vay nhiều hơn là đầu tư vào các chứng khoán có tính thanh khoản. Và chính việc đẩy mạnh cho vay để tìm kiếm lợi nhuận trong thời gian ngắn sẽ khiến cho các ngân hàng gặp phải rủi ro trong tín dụng là rất lớn. Khi đó, mặc dù cho vay nhiều hơn trong tình trạng chênh lệch lãi suất cho vay – huy động lớn nhưng chất lượng các khoản cho vay mới không cao dẫn đến khả năng sinh lợi bị giảm sút.
4.4.8. Giả thuyết H8 về tăng trưởng kinh tế (RGDP)
RGDP đo lường tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2008-2016 có mối tương quan âm với khả năng sinh lời của các NHTMCP Việt Nam, kết quả này trái với giả thuyết ban đầu, với mức ý nghĩa 1% với biến phụ thuộc ROA và mức ý nghĩa 5% với biến phụ thuộc ROE. Với điều kiện các yếu tố khác không đổi, khi biến RGDP tăng 1% thì ROA giảm 0.163% và ROE giảm 0.979%
Kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Nguyễn Thị Mỹ Linh và Nguyễn Thị Ngọc Hương (2015), Hamadi và Awdeh (2012), Kasman và cộng sự (2010). Thực tế từ năm 2012 – 2015 cho thấy khi các hoạt động kinh tế tăng (5.25% - 6.68%) sẽ làm tăng giá trị vay của khách hàng, lãi suất huy động được điều chỉnh giảm liên tục từ 13.46% xuống còn 7.1% kéo theo lãi suất cho vay cũng được giảm đáng kể để kích thích khách hàng vay vốn, do đó làm giảm khả năng sinh lời (ROA