Phần 2 .Tổng quan tài liệu
2.2. Cơ sở thực tiễn
2.2.2. Xử lý chất thải chăn nuôi ở Việt Nam
Ô nhiễm môi trường luôn là thách thức nan giải đối với ngành chăn nuôi. Chăn nuôi là một trong những ngành sản xuất và sinh ra khối lượng chất thải lớn nhất. Chất thải chăn nuôi gây sức ép đến môi trường. Hàng ngày gia súc, gia cầm thải ra một lượng phân và nước tiều rất lớn. Khối lượng phân và nước tiểu được thải ra có thể chiếm từ 1,5 – 6% trọng lượng cơ thể. Các chất thải này chứa hàm lượng cao các chất ô nhiễm. Khối lượng chất thải chăn nuôi được sản sinh ra phụ thuộc vào giống, độ tuổi, giai đoạn phát triển, khẩu phần thức ăn và thể trọng của gia súc, gia cầm. Theo tác giả Trương Thanh Cảnh (2006), khối lượng phân lợn thải ra hàng ngày tính trên phần trăm trọng lượng cơ thể dao động trong khoảng 6 – 8% trọng lượng.
Bảng 2.1. Lượng phân gia súc, gia cầm thải ra hằng ngày tính trên % khối lượng cơ thể
Loại gia súc Tỷ lệ %
Lợn 6-8
Bò sữa 7-8
Bò thịt 5-8
Gà, vịt 5
Nguồn: Trương Thanh Cảnh (2006)
Lượng nước thải và phân thải còn phụ thuộc vào số lượng vật nuôi, số lượng vật nuôi càng cao thì lượng nước thải và phân thải phát sinh càng cao. Bên cạnh đó khối lượng chất thải chăn nuôi tùy thuộc vào giống, độ tuổi, giai đoạn phát triển, khẩu phần thức ăn và thể trọng gia súc và gia cầm. Riêng đối với gia súc, lượng phân và nước tiểu tăng nhanh theo quá trình tăng thể trọng. Nếu tính trung bình theo khối lượng cơ thể thì lượng phân thải ra mỗi ngày của vật nuôi rất cao, nhất là đối với gia súc cao sản..
Đối với chất thải rắn, dựa trên số đầu gia súc, gia cầm và tỷ lệ phát sinh chất thải rắn, có thể ước tính sơ bộ lượng chất thải sinh ra từ hoạt động chăn nuôi. Số liệu được chỉ ra trong bảng 2.2.
Bảng 2.2. Ước tính khối lượng chất thải rắn vật nuôi hàng năm STT Loài vật nuôi STT Loài vật nuôi Chất thải rắn BQ con/ngày (kg) Tổng lượng chất thải rắn hàng năm (tr.tấn/năm) Tổng khối lượng chất thải (tấn/ngày) 2015 2013 2014 2015 1 Trâu 15 14,01 13,81 13,82 37854,90 2 Bò 10 18,82 19,11 19,59 53670,78 3 Lợn 2 19,17 19,54 20,26 55502,02 4 Gia cầm 0,2 23,19 23,92 24,90 68219,20 5 Dê, cừu 1,5 0,80 0,93 1,03 2827,87 6 Ngựa 4 0,12 0,10 0,09 250,24 7 Hươu, nai 2,5 0,06 0,06 0,06 175,53 Tổng cộng 76,17 77,45 79,75 218500,53
Nguồn: Phòng Nông nghiệp huyện Ứng Hòa (2016)
Căn cứ vào bảng 2.2 có thể thấy, lượng chất thải phát sinh từ các vật nuôi chính ở nước ta hàng ngày rất lớn vào khoảng trên 0,2 triệu tấn (năm 2015). Trong đó, lượng chất thải phát sinh lớn nhất là từ chăn nuôi trâu, bò (hơn 91 nghìn tấn/ngày); tiếp đó là chăn nuôi gia cầm (hơn 68 nghìn tấn/ngày); lợn (hơn 55 nghìn tấn/ngày); dê, cừu (gần 3 nghìn tấn/ngày); ngựa (hơn 250 tấn/ngày) và thấp nhất là từ chăn nuôi hươu, nai (hơn 175 tấn/ngày). Với khối lượng chất thải phát sinh lớn như trên nếu không được quản lý và xử lý triệt để sẽ gây sức ép lớn đến môi trường tại các khu chăn nuôi và các vùng lân cận.
Những năm trở lại đây, việc xử lý chất thải ngày càng được quan tâm hơn bởi các cơ quan quản lý nhà nước, của cộng đồng và của chính những người chăn nuôi. Nhà nước cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ để cải thiện việc xử lý chất thải như: hỗ trợ kinh phí xây hầm biogas; tận dụng nguồn chất thải để nuôi giun quế; sử dụng chất thải chăn nuôi cho ngành trồng trọt… Hơn nữa, Việt Nam cũng đã có một số chương trình/dự án hợp tác quốc tế về xử lý chất thải chăn nuôi (với FAO, Hà Lan, Đan Mạch, Pháp, Bỉ,...). Nhiều doanh nghiệp cũng đã cung cấp các dịch vụ xử lý chất thải chăn nuôi. Tuy vậy cho đến nay, các chất thải vật nuôi ở nước ta vẫn chưa được xử lý nhiều, hoặc có xử lý nhưng công nghệ xử lý chưa triệt để.
Hiện nay, phân thải và nước thải chăn nuôi được tiến hành xử lý theo nhiều hình thức khác nhau. Một số hình thức có thể kể tới như: thu gom phân rắn để bán; ủ phân compost; biogas; làm thức ăn cho cá; thải bỏ trực tiếp ra ngoài môi trường;…Một số hình thức xử lý chất thải được trình bày cụ thể như sau:
Thu gom chất thải rắn: Thực chất là thu gom riêng phần phân rắn sau đó
mới tiến hành rửa chuồng. Lượng phân rắn thu được sẽ cho vào bao dùng để bón cho ruộng của gia đình, hoặc làm thức ăn cho cá hoặc bán cho những hộ trồng trọt có nhu cầu sử dụng phân. Biện pháp này có thể thu gom từ 90 – 95% lượng phân rắn qua đó làm giảm bớt chất ô nhiễm trong nước thải. Biện pháp này cũng được áp dụng khá phổ biến trong các hộ chăn nuôi ở một số huyện của Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh phúc. Tại các trang trại lợn của huyện Văn Giang tỷ lệ này là 28,57% (12/42 trang trại) (Cao Trường Sơn và Hồ Thị Lam Trà, 2013). Tuy nhiên hạn chế của biện pháp này là tốn công, tốn thời gian hơn trong quá trình vệ sinh chuồng đặc biệt là ở các trang trại lớn. Và việc thu gom chất thải rắn thường thích hợp hơn với các vật nuôi có phân thải rắn như lợn nái, trâu, bò, gia cầm. Còn với lợn thịt, do thức ăn chủ yếu là thức ăn tinh nên phân nát vì vậy khó thu gom.
Biogas: xây dựng các hầm biogas để xử lý chất thải đã được áp dụng nhiều ở các cơ sở chăn nuôi vừa và lớn trên cả nước. Tỷ lệ các trang trại chăn nuôi tại Hưng Yên đạt từ 37,5% - 59,1% (Cao Trường Sơn và cộng sự, 2010); tại các trang trại chăn nuôi ở Gia Lâm tỷ lệ sử dụng biogas đạt 72,73% (Cao Trường Sơn và cộng sự, 2014). Ngoài ra, tỷ lệ các cơ sở chăn nuôi sử dụng biogas ở các tỉnh như Hải Dương, Ninh Bình, Thái Bình, Vĩnh Phúc là rất cao. Biện pháp được đánh giá là có hiệu quả cao khi vừa góp phần xử lý đáng kể lượng chất thải phát sinh của các hộ chăn nuôi, giảm thiểu ô nhiễm vừa tạo ra khí sinh học phục vụ nhu cầu đun nấu, thắp sáng của người dân. Bùn cặn và nước thải sau biogas có thể sử dụng tốt để tưới cây hoặc làm thức ăn cho cá do đã giảm bớt được các vi sinh vật trong quá trình phân hủy yếm khí. Để khuyến khích người chăn nuôi ứng dụng công nghệ Biogas, chính phủ đã có những chính sách ưu đãi về vốn, trợ cấp xây dựng mô hình (mức hỗ trợ 1,2 triệu đồng/hầm) . Ngoài ra, tại Việt Nam còn có những dự án hợp tác quốc tế về khí sinh học như Dự án “Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam” do chính phủ Hà Lan tài trợ. Đến nay, công nghệ này đã phát triển rộng lớn ở Việt Nam, ước tính có khoảng hơn 30 000 công trình khí sinh học đã được xây dựng, lắp đặt.
Tuy nhiên, hạn chế của phương án này là vốn đầu tư khá cao, nồng độ chất thải sau biogas còn ở mức khá cao không thể thải bỏ trực tiếp ra ngoài môi trường (Vũ Đình Tôn và cộng sự, 2008). Trong quá trình vận hành bể biogas có thể không sinh khí hoặc bị tắc do lượng phân quá ít hoặc quá nhiều. Mặt khác, hàm lượng BOD, COD và các chất dinh dưỡng trong nước thải đã qua xử lý biogas đã giảm đi khá nhiều nhưng vẫn còn ở mức cao (Trịnh Quang Tuyên, 2010). Do đó, nước thải sau biogas vẫn cần phải được xử lý hoặc sử dụng vào các mục đích phù hợp (tận dụng loại nước này để tưới cây hoặc đưa xuống ao cá làm thức ăn). Ở Việt Nam, cho đến nay vẫn chưa có nhà máy sản xuất điện biogas nào được hòa lưới điện quốc gia nhưng đã được tận dụng làm nhiên liệu thay thế xăng dầu chạy động cơ để biến thành điện năng phục vụ chăn nuôi và góp phần bảo vệ môi trường (nghiên cứu thành công của GS. TSKH Bùi Văn Ga cùng các cộng sự).
Ủ phân compost: Đây cũng là một phương án khá phổ biến và cho hiệu
quả cao trong các trang trại, hộ chăn nuôi. Kết quả nghiên cứu của Cao Trường Sơn và Hồ Thị Lam Trà cho thấy, năm 2013 cho thấy tỷ lệ ủ phân compost để xử lý chất thải đối với trang trại lợn tại huyện Văn Giang là khá thấp 9,5% (4/42 trang trại) trong đó tập trung chủ yếu tại hai hệ thống AC và VAC. Kết quả này cũng một lần nữa được Cao Trường Sơn và cộng sự chỉ ra khi nghiên cứu về các trang trại chăn nuôi lợn tại Gia Lâm với tỷ lệ ủ phân compost là 13,64% (năm 2014). Đối với các nông hộ tỷ lệ này cao hơn. Phân thải sẽ được ủ lên men để tạo ra loại phân bón phục vụ tốt cho trồng trọt hoặc làm thức ăn cho cá, hoặc bán. Về thời gian ủ theo các nghiên cứu trước đây là từ 8 – 25 ngày (trung bình 14,5 ngày). Phương án này không những giảm thiểu chất ô nhiễm phát sinh mà còn tạo thêm thu nhập cho người chăn nuôi. Tuy nhiên phương án này đòi hỏi khá nhiều công lao động và kiến thức khoa học nhất định.
Ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi liên quan trực tiếp tới sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi nước ta, là những điều báo động cho tốc độ phát triển kinh tế của đất nước trong những năm tới. Để giảm thiểu ô nhiễm, việc cần làm trước tiên trong chăn nuôi là xử lý chất thải trước khi đưa ra môi trường, theo đó một số một số mô hình, biện pháp xử lý trong chăn nuôi và công nghệ đã được nghiên cứu có hiệu quả thực hiện chuyển giao vào thực tế sản xuất tại Việt Nam, trong đó đáng chú ý là sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi.
Những năm gần đây, phong trào sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi đã được thử nghiệm và áp dụng theo các quy mô khác nhau ở nhiều địa phương. Biện pháp này đã góp phần giảm thiểu đáng kể sự ô nhiễm môi trường về mùi do chất thải vật nuôi gây ra, tại một số nơi còn cho giá trị cao về hiệu quả kinh tế và năng suất chăn nuôi. Sử dụng đệm lót sinh học đã trở thành một trong những mô hình tiên tiến có nhiều triển vọng cho ngành chăn nuôi, nhất là chăn nuôi nông hộ, nuôi quy mô nhỏ, chăn nuôi gia trại hiện được áp dụng thành công ở nhiều địa phương trong trên cả nước.