3.3.1.1 Hoàn thiện môi trường pháp lý
Dịch vụ Ngân hàng điện tử là một dịch vụ còn nhiều mới mẻ ở Việt Nam nhưng với tốc độ phát triển nhanh chóng của internet, công nghệ viễn thông và thương mại điện tử sẽ thúc đẩy dịch vụ Ngân hàng điện tử tăng trưởng mạnh trong tương lai. Hệ thống văn bản pháp lý về giao dịch điện tử được ban hành từ năm 2005 và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật giao dịch điện tử ban hành từ năm 2007 cần được nghiên cứu, sửa đổi thay thế cho phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay. Đồng thời Chính phủ cần ban hành các quy định về dịch vụ thanh toán điện tử, quy định về hoạt động thương mại điện tử trong dịch vụ thẻ,... đảm bảo tạo ra hành lang pháp lý chặt chẽ cho sự phát triển dịch vụ Ngân hàng điện tử của NHTM và khuyến khích các NHTM phát huy tính chủ động, sáng tạo trong quá trình phát triển dịch vụ.
3.3.1.2 Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng
Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạn tầng, trang bị kỹ thuật để hiện đại hóa dịch vụ ngân hàng không phải chỉ là vấn đề riêng của ngành Ngân hàng mà còn là chiến lược phát triển kinh tế của cả nước. Chỉ có như vậy mới có thể đưa nước ta nhanh chóng theo kịp các nước trong khu vực và trên thế giới về công nghệ ngân hàng. Đối với dịch vụ Ngân hàng điện tử, Chính phủ cần có các chính sách khuyến khích các ngân hàng đầu tư phát triển máy móc thiết bị, phục vụ thanh toán điện tử. Hiện nay, các loại máy móc, thiết bị này đều là những thiết bị hiện đại chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài. Vì vây, Chính phủ nên có chính sách giảm thuế nhập khẩu đối với các loại thiết bị này.
3.3.1.3 Thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt
- Bộ tài chính nên có chính sách khấu trừ một phần thuế đối với các khoản chi tiêu bằng thẻ trên tại thị trường Việt Nam và có chính sách ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp chấp nhận thanh toán hàng hóa, dịch vụ bằng thẻ đề khuyến khích việc thanh toán không dùng tiền mặt.
- Chính phủ cần chỉ đạo các đơn vị kinh doanh hàng hóa, dịch vụ nâng cao ý thức chấp nhận thanh toán thẻ thay cho tiền mặt khi cấp phép đăng ký kinh doanh, nghiêm cấm thu phụ phí khi chấp nhận thanh toán bằng thẻ.
3.3.1.4 Phát triển nguồn nhân lực
Đầu tư cho giáo dục cũng là một trong những chiến lược phát triển chung của một quốc gia. Muốn dịch vụ Ngân hàng điện tử phát triển đòi hỏi phải có một đội ngũ lao động có trình độ, có khả năng sáng tạo, nhanh chóng nắm bắt công nghệ hiện đại để đáp ứng được yêu cầu của hệ thống thanh toán điện tử. Vì vậy, ngay từ bây giờ, Chính phủ và các trường đại học cần xây dựng chương trình đào tạo nâng cao kiến thức của sinh viên về thương mại điện tử, thanh toán điện tử và công nghệ thông tin.