Các quy định về căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm

Một phần của tài liệu Giám đốc thẩm trong tố tụng dân sự việt nam (Trang 40 - 47)

7. Kết cấu của luận văn

2.1.3. Các quy định về căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm

Kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là hoạt động tố tụng đặc biệt, do đó để tiến hành kháng nghị đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án thì người có thẩm quyền kháng nghị phải dựa trên những căn cứ nhất định do pháp luật quy định. Những căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm được pháp luật quy định trên cơ sở các sai lầm, vi phạm pháp luật của Tòa án trong việc giải quyết các vụ án dân sự.

Các căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm được quy định tại Điều 283 BLTTDS năm 2011. Theo đó, bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong những căn cứ sau:

Một là, kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án.

Kết luận của Tòa án trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án cũng có nghĩa là Tòa án giải quyết vụ án không đúng với bản chất của vụ việc. Để đảm bảo công bằng, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự thì bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật đã căn cứ vào kết luận này để giải quyết vụ án phải được xét lại.

Ví dụ: Vụ án dân sự "kiện đòi tài sản" giữa nguyên đơn là bà Dương Chiêu Vân, ông Đoàn Văn Lực (trú tại: 12 Woodroffe Ave Palmerston, NT 0830 - Australia) với bị đơn là Lê Nghĩa Tâm (trú tại: 69 ấp Chợ Mới, xã Thạnh Ngãi, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre) và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác (Bản án dân sự phúc thẩm số 27/2009/DSPT ngày 16/01/2009 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại Thành phố Hồ Chí Minh).

Nội dung vụ án: Tại đơn khởi kiện ngày 17/8/2007 và quá trình giải quyết vụ án nguyên đơn là bà Dương Chiêu Vân, ông Đoàn Tiến Lực trình bày: Từ năm 2002 đến năm 2005 bà Vân và ông Lực nhiều lần gửi tiền về nhờ bà Dương Chiêu Nguyệt và anh Lê Nghĩa Tâm (là con của bà Nguyệt) xây dựng một số công trình để thờ cúng. Tổng số tiền đã gửi là 68.835 đô la Úc (quy đổi thành 984.923.000 VNĐ) và ông bà cho anh Tâm vay 150 triệu đồng tiền Việt Nam. Anh Tâm và bà Nguyệt đã xây dựng xong công trình, công trình được định giá là 508.885.000 đồng. Nay nguyên đơn yêu cầu anh Tâm trả lại số tiền đã vay và số tiền xây dựng khu nhà thờ còn thừa.

Bị đơn là anh Lê Nghĩa Tâm trình bày: Anh Tâm đã nhận tiền bà Vân (là dì của anh Tâm) và ông Lực (chồng bà Vân) gửi về thông qua Ngân hàng

(nhận bằng tiền Việt Nam) để chi phí cho việc xây dựng các công trình dùng vào việc thờ cúng theo yêu cầu của nguyên đơn và sửa nhà của mẹ con anh Tâm để tổ chức đám cưới cho chị Đoàn Lê Chiêu Vi (con của bà Vân). Việc xây dựng chỉ thuê thợ ở địa phương nên không có chứng từ để xuất trình, anh Tâm không đồng ý với yêu cầu của nguyên đơn vì số tiền bà Vân, ông Lực gửi về anh đã sử dụng hết.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 25/2008/DSST ngày 30/9/2008, TAND tỉnh Bến Tre đã quyết định: Không chấp nhận yêu cầu của bà Dương Chiêu Vân, ông Đoàn Văn Lực đối với anh Lê Nghĩa Tâm, chị Phan Thị Ngọc Mai về việc yêu cầu anh Lê Nghĩa Tâm, chị Phan Thị Ngọc Mai trả cho ông Lực, bà Vân 590.380.000đ. Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo của đương sự.

Sau khi xét xử sơ thẩm, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn kháng cáo.

Tại bản án dân sự phúc thẩm số 27/2009/DSPT ngày 16/01/2009, Tòa phúc thẩm TANDTC tại Thành phố Hồ Chí Minh đã nhận định: …Về khoản tiền vay 150.000.000 đồng có biên nhận nhưng anh Tâm không thừa nhận chữ viết và chữ ký tên của mình, giấy biên nhận ngày 17/8/2007 đã được giám định 2 lần nhưng cơ quan giám định đều kết luận không đủ cơ sở kết luận giám định kết luận về chữ ký trên giấy biên nhận…vì không đủ chứng cứ khẳng định chữ ký trong giấy biên nhận là của anh Tâm nên Tòa án cấp sơ thẩm bác yêu cầu kiện đòi 150 triệu đồng của nguyên đơn là đúng.

…Đối với khoản tiền 68.835 đô la Úc anh Tâm thay mặt bà Nguyêt (chị của bà Vân) nhận tiền để mua vật liệu, thuê thợ làm các công trình hoàn thành đạt yêu cầu của bà Vân, thể hiện qua thư của bà Vân gửi về. Đặc biệt năm 2006 khi khánh thành công trình bà Vân đã làm bia lưu niệm tri ân bà Nguyệt và vợ chồng anh Tâm. Bà Vân không thắc mắc về chất lượng công trình và tiền bạc chi tiêu xây dựng công trình.

Từ nhận định trên, quyết định: Giữ nguyên án sơ thẩm.

Ngày 19/01/2009 ông Đoàn Văn Lực và bà Dương Chiêu Vân khiếu nại với nội dung: Anh Tâm không chứng minh được đã sử dụng hết số tiền trên để xây dựng các công trình. Tòa án không sử dụng kết quả định giá tài sản làm cơ sở giải quyết vụ án thì căn cứ vào đâu để Tòa án xác định bị đơn đã dùng hết số tiền bà Vân gửi, nhận định bà Vân đã làm bia tri ân mẹ con bà Nguyệt khi công trình hoàn thành để từ đó không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn là không đúng vì việc làm bia tri ân không thể thay thế cho việc quyết toán công trình.

Tại Quyết định số 07/2012/KN-DS ngày 09/01/2012, Chánh án TANDTC kháng nghị Bản án dân sự phúc thẩm số 27/2009/DSPT ngày 16/01/2009 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại Quyết định giám đốc thốm số 83/2013/QĐ-GĐT ngày 10/7/2013 HĐTP TANDTC quyết định: Hủy bản án dân sự phúc thẩm và bản án dân sự sơ thẩm và nêu trên để giải quyết lại theo quy định của pháp luật.

Như vậy, trong vụ án này, anh Tâm thừa nhận đã nhận khoản tiền 68.835 đô la Úc do vợ chồng bà Vân gửi về để làm hộ vợ chồng bà Vân một số công trình dùng vào việc thờ cúng. Tuy nhiên, chi phí xây dựng hết bao nhiêu tiền thì cả bà Nguyệt và anh Tâm không thống kê được. Quá trình giải quyết vụ án Tòa án đã tiến hành định giá tài sản đối với công trình xây dựng mà anh Tâm và bà Nguyệt đã làm. Vì vậy, lẽ ra trong trường hợp này Tòa án các cấp phải thu thập chứng cứ làm rõ giữa vợ chồng bà Vân và anh Tâm có thỏa thuận cụ thể như thế nào về việc xây dựng công trình? Số tiền bà Vân gửi về sẽ giải quyết như thế nào sau khi xây dựng còn thừa hoặc thiếu tiền?

Lẽ ra, cần phải căn cứ vào giá trị công trình đã được định giá để buộc các bên đương sự thanh toán cho nhau phần chênh lệch và xem xét công sức cho bà Nguyệt và anh Tâm là người trực tiếp đứng ra tổ chức thi công xây dựng công trình mà bà Vân yêu cầu mới đúng. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc

thẩm chỉ căn cứ vào việc năm 2005 vợ chồng bà Vân đã làm bia tri ân và viết thư cảm ơn bà Nguyệt và anh Tâm để từ đó không chấp nhận yêu cầu đòi lại khoản tiền thừa mà bà Vân gửi cho anh Tâm là không đúng, nhận định của Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án.

Hai là, có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Thủ tục tố tụng là những quy định của pháp luật về những hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng, nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ án đúng pháp luật, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Trong hoạt động tố tụng, đòi hỏi người tiến hành tố tụng phải thực hiện đúng, đầy đủ các thủ tục tố tụng để ra bản án, quyết định về nội dung vụ án. Việc vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là trường hợp BLTTDS quy định bắt buộc phải tiến hành hoặc tiến hành theo thủ tục tố tụng đó, nhưng cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng bỏ qua hoặc thực hiện không đúng quy định của BLTTDS, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự hoặc làm cho vụ án được giải quyết thiếu khách quan, toàn diện. Vì vậy, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng được BLTTDS xác định là một trong ba căn cứ để kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Chỉ những vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng mới là căn cứ để xem xét kháng nghị, còn những vi phạm thủ tục tố tụng không nghiêm trọng thì không phải là căn cứ để kháng nghị.

Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản pháp luật tố tụng dân sự nào quy định ở mức độ vi phạm như thế nào là "vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng". Trên thực tế các vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng thường gặp như:

Chưa xác định đầy đủ đương sự trong vụ án; chưa làm rõ vấn đề cần chứng minh trong vụ án; xác định sai thẩm quyền giữa Tòa án và cơ quan hành chính; vi phạm thủ tục trong việc xét xử vắng mặt đương sự, tiến hành định

giá tài sản không có mặt của đương sự hoặc thành phần của Hội đồng định giá không đúng; nội dung bản án không phù hợp với diễn biến phiên tòa được thể hiện tại biên bản phiên tòa…

+ Chưa xác định đầy đủ tư cách đương sự trọng vụ án: Đương sự là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Việc xác định đương sự trong tố tụng nhằm bảo đảm cho họ thực hiện những quyền hay nghĩa vụ tố tụng như quyền đề đạt yêu cầu, cung cấp chứng cứ, kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án. Thực hiện việc xác định tư cách đương sự trong vụ án nhằm đảm bảo cho đương sự bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình và cũng là điều kiện để Tòa án giải quyết đúng đắn và toàn diện vụ án. Do đó, việc bỏ sót hoặc không đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng trong vụ án được coi là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và bản án, quyết định của Tòa án sẽ bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

+ Chưa xác định rõ vấn đề cần chứng minh trong vụ án: Để giải quyết được vụ án dân sự thì Tòa án phải làm rõ được các tình tiết của vụ án. Vì vậy, trong quá trình giải quyết vụ án Tòa án cần phải xác định được những vấn đề nào cần phải chứng minh, thông qua việc thu thập chứng cứ chứng minh để làm sáng tỏ sự thật của vụ án. Việc không thu thập đầy đủ chứng cứ để chứng minh dẫn đến bản án, quyết định của Tòa án bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

+ Xác định sai thẩm quyền giữa Tòa án và cơ quan hành chính: Việc xác định sai thẩm quyền giữa Tòa án và cơ quan hành chính thường xảy ra đối với các vụ án về tranh chấp quyền sử dụng đất hoặc các vụ án khác nhưng có liên quan đến quyền sử dụng đất. Ví dụ: Ông A khởi kiện yêu cầu chia thừa kế tài sản của cụ B là nền móng nhà thờ trên diện tích đất khoảng 2000m2 (khi cụ B chết vẫn còn nhà thờ nhưng sau đó do chiến tranh nên nhà thờ đã bị phá hủy, nay chỉ còn lại nền móng). Căn cứ vào Điều 136 Luật đất đai năm 2003 thì tranh chấp tài sản gắn liền với đất thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, nhưng Tòa án cấp phúc thẩm lại quyết định hủy bản án của Tòa án cấp

sơ thẩm và đình chỉ việc giải quyết vụ án, giao hồ sơ cho Ủy ban nhân dân quận TX giải quyết theo thẩm quyền vì đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng là không đúng. Trong trường hợp này đương sự yêu cầu giải quyết tranh chấp cả tài sản có trên đất nên tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND.

+ Vi phạm thủ tục trong việc xét xử vắng mặt đương sự: Việc xét xử vắng mặt đương sự chỉ được tiến hành sau khi Tòa án tiến hành triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà đương sự vẫn vắng mặt theo quy định tại Điều 199 BLTTDS được sửa đổi, bổ sung năm 2011 hoặc khi đương sự có đơn đề nghị xử vắng mặt. Tuy nhiên, trong thực tế có nhiều trường hợp Tòa án không tiến hành triệu tập đương sự đến phiên tòa theo đúng quy định về việc tống đạt, thông báo văn bản tố tụng từ Điều 149 đến Điều 153 BLTTDS được sửa đổi, bổ sung năm 2011. Do đó, Tòa án vẫn tiến hành mở phiên tòa vắng mặt đương sự trong trường hợp này bị coi là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

+ Nội dung bản án không phù hợp với diễn biến phiên tòa được thể hiện tại biên bản phiên tòa: Đây là một dạng sai lầm thường xảy ra do lỗi chủ quan của Hội đồng xét xử, trong một số trường hợp diễn biến phiên tòa được thể hiện là các đương sự không thỏa thuận được nội dung tranh chấp, nhưng bản án lại có phần quyết định là công nhận sự thỏa thuận của các đương sự tại phiên tòa hoặc có những trường hợp thì thẩm phán tham gia xét xử phúc thẩm đã ký vào bản án gốc và thẩm phán được ghi là đã tham gia phiên tòa (thể hiện tại biên bản phiên tòa) lại là thẩm phán khác.

Ba là, có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật.

Sai lầm trong việc áp dụng pháp luật là việc Tòa án đã áp dụng sai các quy định của pháp luật vào việc giải quyết vụ án. Việc áp dụng sai các quy phạm pháp luật sẽ dẫn đến hậu quả Tòa án quyết định sai quyền và nghĩa vụ của các đương sự vì thế cần phải xem xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án.

Các sai lầm trong việc áp dụng pháp luật còn thể hiện dưới dạng Tòa án đã áp dụng văn bản pháp luật không đúng, không còn hiệu lực hoặc áp dụng không đúng nội dung quy định của điều luật v.v… trong đó phổ biến nhất là việc Tòa án áp dụng sai điều luật hoặc không đúng nội dung quy định của điều luật vào việc giải quyết vụ án.

Bộ luật tố tụng dân sự năm 2011 đã bỏ căn cứ kháng nghị "việc điều tra không đầy đủ" mà trước đây đã được quy định tại PLTTGQCVADS, song thực tế cho thấy trong nhiều trường hợp có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật là do thu thập chứng cứ không đầy đủ. Chính việc thu thập không đầy đủ chứng cứ dẫn đến việc Thẩm phán áp dụng điều luật hoặc văn bản pháp luật không đúng. Vì vậy, mặc dù BLTTDS quy định nghĩa vụ chứng minh là của đương sự và đã loại bỏ căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm "việc điều tra không đầy đủ" nhưng để giải quyết vụ án một cách triệt để và toàn diện Thẩm phán giải quyết vụ việc dân sự phải chủ động thu thập chứng cứ theo đúng quy định của pháp luật. Như vậy, trong thực tiễn quá trình giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm dân sự dường như căn cứ này vẫn chưa được loại bỏ thực sự.

Một phần của tài liệu Giám đốc thẩm trong tố tụng dân sự việt nam (Trang 40 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)