CHƯƠNG 3 NHỮNG GIẢI PHÁP GÓP PHẦN TRIỂN KHAI
3.2. Tăng cường cải cách hành chính, nhất là đối với cơ quan quản lý hành chính – kinh tế (Bộ, UBND các cấp…)
Để Luật DNNN 2003 đi vào thực tiễn hiệu quả, đồng thời với việc ban hành một loạt các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thì việc tăng cường cải cách hành chính đối với cơ quan quản lý hành chính – kinh tế là vô cùng cần thiết và quan trọng. Trong đó, việc cải cách hành chính cần tập trung vào một số lĩnh vực sau:
3.2.1. Cải tiến các thủ tục hành chính liên quan đến cổ phần hóa như cấp giấy tờ sở hữu tài sản, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thủ tục đăng ký, thủ tục rút tiền từ quỹ hỗ trợ cổ phần hoá.
Phải kiên quyết xóa bỏ cửa quyền trong dịch vụ hành chính của nhà nước theo phương châm nhà nước phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp, chứ không được dựa vào quyền được giao để gây khó dễ cho doanh nghiệp.
Chẳng hạn, một điều phi lý là các Sở Tài Nguyên Môi trường và Nhà đất hiện nay vẫn làm theo “kế hoạch cứng” nên cuối năm nếu kế hoạch đã hoàn thành
thì dừng lại chờ năm sau chứ không cấp tiếp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dân vì sợ chỉ tiêu sang năm cao hơn nên không hoàn thành được.
Vì vậy, để buộc các cơ quan hành chính tạo điều kiện thời gian cho doanh nghiệp sau cổ phần hóa, thiết nghĩ phải củng cố cơ quan kiểm tra, kiểm soát chính các cơ quan hành chính và đề cao ý thức và khả năng sử dụng pháp luật của các doanh nghiệp.
3.2.2. Giảm thiểu đầu mối can thiệp vào hoạt động của DNNN.
Hiện nay có thực tế là một đối tác nước ngoài muốn liên doanh với DNNN cần biết rõ những cơ quan nào có quyền quyết định liên quan đến việc góp quyền sử dụng dất làm vốn thành lập doanh nghiệp liên doanh. Từ trung ương đến địa phương có rất nhiều cơ quan có thể can thiệp vào quá trình sử dụng nguồn vốn này, như:
- Cơ quan chủ quản – thường là các Tổng công ty, các bộ hoặc UBND các tỉnh, có quyền xem xét và phê duyệt dự án đầu tư của DNNN do mình “quản lý”.
- Bộ KH&ĐT và các UBND các tỉnh có quyền xem xét cấp phép đầu tư cho liên doanh.
- Bộ Tài chính có quyền xem xét giá thuê đất.
- Bộ Tài nguyên – Môi trường (trước đây là Tổng Cục địa chính) có quyền xem xét về việc sử dụng đất và đăng ký quyền sử dụng đất.
- Văn phòng kiến trúc sư có quyền xem xét và phê chuẩn kế hoạch xây dựng.
- UBND các địa phương, thường là cấp quận/huyện, thậm chí cấp xã có quyền can dự vào các kế hoạch phát triển kinh tế của địa phương.
- Những đơn vị và cơ quan khác liên quan đến đền bù và giải toả mặt bằng.
Do rất nhiều cơ quan có quyền can dự vào việc sử dụng tài sản như vậy, các giao dịch liên quan đến loại tài sản này cần được sự đồng thuận của họ – một công việc tốn kém thời gian và tiền bạc. Chi phí giao dịch gia tăng, dẫn đến các DNNN phản ứng chậm chạp với quá trình thay đổi của thị trường và kém tính cạnh tranh. Nếu lô đất góp vào liên doanh thuộc quyền tài sản tư hữu, chủ tài sản có toàn quyền quyết định trong giây lát, song nếu lô đất đó thuộc quyền sử dụng của một DNNN thì những trình tự lập, trình, lấy ý kiến và xét duyệt dự án có khi kéo dài hàng năm [47].
Do đó, để giảm chi phí giao dịch, làm DNNN không mất cơ hội kinh doanh và giúp DNNN hoạt động hiệu quả hơn đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, Chính phủ cần có giải pháp tháo gỡ vướng mắc trên theo hướng giảm đầu mối cơ quan xét duyệt quá trình hoạt động, sử dụng vốn của DNNN.
3.2.3 Kỷ luật hành chính.
Tình trạng kỷ luật hành chính lỏng lẻo đang diễn ra trong bộ máy nhà nước, đã gây khó khăn cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến việc nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của DNNN. Một số Bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố tuỳ tiện ban hành văn bản pháp quy trái với đường lối đổi mới của Đảng trái với hệ thống pháp luật hiện hành. Trong hoạt động công vụ, một số cơ quan chức năng không thi hành đúng các văn bản pháp luật và sự chỉ đạo của cấp trên hoặc tuỳ tiện đặt thêm những thủ tục sai trái, gây khó dễ cho doanh nghiệp nhằm trục lợi bất chính cho tổ chức hoặc cá nhân công chức [44].
Vì vậy, cần sớm có những giải pháp thiết chặt lại kỷ luật hành chính để đảm bảo cho bộ máy nhà nước vận hành hiệu lực và hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh của DNNN để đảm bảo vai trò chủ đạo trong nền kinh tế nhiều thành phần.
3.2.4. Hoàn thiện pháp luật về quản lý nhà nước đối với DNNN.
Qua các văn bản pháp luật ban hành những năm qua, có thể nói rằng quan điểm về xác lập quan hệ quản lý nhà nước đối với DNNN ngày càng rõ ràng hơn theo hướng phân biệt chức năng quản lý nhà nước với chức năng điều hành doanh nghiệp. Nhà nước ta cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về vấn đề này ở các mặt sau:
- Xác lập các nội dung quản lý nhà nước đối với DNNN trong khuôn khổ quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nói chung. Không nên tạo sự khác biệt quá lớn giữa quản lý nhà nước DNNN với quản lý nhà nước doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.
- Cần phải quy định thật rõ ràng các nội dung của quản lý nhà nước đối với DNNN, trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến việc quản lý nhà nước thực chất chính là xây dựng khung pháp lý cho DNNN hoạt động và kiểm tra việc chấp hành pháp luật của DNNN. Xây dựng khung pháp lý ở đây ngoài việc nhà nước ban hành các văn bản luật thực định, còn là việc xây dựng các thiết chế để thực thi hiệu quả các quy định pháp luật được ban hành.
- Cần triệt để áp dụng nguyên tắc: các cơ quan nhà nước, các cán bộ, công chức không được tự ý thực hiện những điều mà luật không quy định. Điều này giúp hạn chế tình trạng lạm quyền vốn là một căn bệnh rất dễ xảy ra ở những cán bộ nhà nước được giao quyền.
- Cần phải thay đổi một cách căn bản quan niệm về kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp theo các mặt sau:
Thanh tra, kiểm tra phải nhằm đến mục đích là hỗ trợ doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp thấy được những sai sót, hạn chế và có biện pháp khắc phục, chứ không phải thanh tra để nhằm “trừng trị” doanh nghiệp.
Tất nhiên doanh nghiệp vi phạm thì bị xử lý, song điều quan trọng hơn là các biện pháp phòng ngừa, hạn chế sai phạm chứ không phải chỉ tìm sai phạm để xử lý.
Cần xác định rõ mục tiêu, yêu cầu cơ bản đối với doanh nghiệp và kiểm tra việc thực hiện mục tiêu đó. Nói cách khác, phải xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Ví dụ, yêu cầu đối với DNNN hoạt động kinh doanh là hiệu quả theo suất sinh lời trên vốn. Nhà nước chỉ kiểm tra mức độ thực hiện yêu cầu trên mà không cần phải sa vào việc kiểm tra các hoạt động cụ thể của doanh nghiệp.
Không nên hiểu kiểm tra, thanh tra theo quan hệ một chiều và đơn tuyến từ nhà nước đến doanh nghiệp như lâu nay vẫn làm. Doanh nghiệp có quyền tự chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước xã hội. Việc kiểm tra xét cho cùng là góp phần tạo ra môi trường kinh doanh an toàn cho xã hội, do vậy cũng cần phải “xã hội hoá” hoạt động kiểm tra. Thực tế, với số lượng doanh nghiệp ngày càng tăng nhanh như hiện nay, nhà nước không thể nào kiểm tra hết mọi doanh nghiệp.
Vì vậy, cần phải có một cơ chế để các tổ chức khác nhau trong xã hội cùng tham gia kiểm tra doanh nghiệp. Ví dụ, Nhà nước có thể ban hành các quy định nhằm tạo điều kiện cho các Hiệp hội nghề, Hội bảo vệ người tiêu dùng, công luận tham gia kiểm tra doanh nghiệp. Đặc biệt là xây dựng quy chế kiểm tra nội bộ doanh nghiệp mà bước đầu được thực hiện có hiệu quả trong nhiều DNNN thời gian qua.
3.2.5. Đào tạo cán bộ quản lý doanh nghiệp.
Thực tiễn hoạt động của các DNNN hiện nay đã chỉ rõ rằng cán bộ quản lý quyết định sự thành bại trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Cán bộ quản lý không đáp ứng yêu cầu của đổi mới là nguyên nhân quan trọng đối với các doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả. Như vậy, vai trò của đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp có ý nghĩa quyết định đối với hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Vì thế, hiện nay, cần phải có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo cán bộ quản lý doanh nghiệp tiến tới hình thành đội ngũ các nhà
doanh nghiệp giỏi của Việt Nam, đáp ứng yêu cầu quản lý và điều hành kinh doanh của các doanh nghiệp theo cơ chế thị trường. Để thực hiện tốt điều này, theo tác giả, trong điều kiện hiện nay, ngoài việc quy định những quyền và nghĩa vụ của những người quản lý doanh ngiệp như quy định trong Luật DNNN 2003, cần phải thực hiện đồng bộ các biện pháp sau:
Thứ nhất, kiện toàn và nâng cao năng lực của các cơ sở bồi dưỡng, đào tạo cán bộ quản lý doanh nghiệp. Đổi mới nội dung, chương trình bồi dưỡng, đào tạo cán bộ quản lý doanh nghiệp, chú trọng tới các mặt: đường lối, chính sách và pháp luật, kiến thức mới và kỹ năng hiện đại quản lý sản xuất kinh doanh trong điều kiện cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế; tư duy chiến lược trong sản xuất kinh doanh và năng lực nắm bắt những xu thế hiện đại trong khoa học, công nghệ, trong tổ chức quản lý doanh nghiệp;phong cách làm việc và phương pháp phát huy trí tuệ, nỗ lực của người lao động vào phát triển sản xuất kinh doanh…Kết hợp đào tạo, bồi dưỡng trong nước và nước ngoài; đào tạo qua trường lớp với hoạt động thực tiễn.
Thứ hai, bảo đảm kết hợp chặt chẽ lợi ích với trách nhiệm, đãi ngộ xứng đáng về vật chất và tinh thần cho những nhà quản lý doanh nghiệp giỏi, đồng thời xử lý nghiêm minh những người không hoàn thành nhiệm vụ hoặc tham ô, xâm phạm tài sản công.
3.2.6. Thực hiện chương trình cải cách chính sách tài chính.
Ngoài việc cải cách hành chính như trình bày ở trên, Chính phủ cần phải thực hiện chương trình cải cách chính sách tài chính, tập trung vào các nội dung: thuế, hải quan, phát triển thị trường vốn, phát triển thị trường dịch vụ tài chính và hỗ trợ kinh doanh (bảo hiểm, kế toán, kiểm toán, tư vấn thuế) và cải cách khu vực doanh nghiệp.
Về cải cách khu vực doanh nghiệp, cần làm tập trung vào đẩy nhanh quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp, mở rộng quy mô doanh nghiệp cổ phần hoá,
cải cách cách quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp và các chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể là sẽ kiên quyết thực hiện cơ chế đấu giá bán cổ phần doanh nghiệp thông qua thị trường vốn và thị trường chứng khoán, tạo điều kiện cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhất là nhà đầu tư có tiềm năng, công nghệ, năng lực quản lý tham gia vào việc quản lý, điều hành doanh nghiệp, tạo ra kênh huy động vốn mạnh hơn. Cùng với mở rộng quy mô và diện doanh nghiệp cổ phần hoá, tới đây đối với những doanh nghiệp Nhà nước không nhất thiết phải nắm giữ thì có thể bán đấu giá toàn bộ doanh nghiệp cho tất cả các nhà đầu tư cùng tham gia quản lý, điều hành; đối với những doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả nhưng không có khả năng phát triển thì kiên quyết giải thể theo Luật Phá sản để tránh cho việc thất thoát vốn Nhà nước sau này.