CÁC NGUYÊN TẮC SINH HỌC CỦA HUẤN LUYỆN

Một phần của tài liệu giao an sinh hoa (Trang 72 - 75)

III. Tiến trình thực hiện giáo án

2. CÁC NGUYÊN TẮC SINH HỌC CỦA HUẤN LUYỆN

Đến nay đã có nhiều kết quả nghiên cứu về sinh hóa xác định được những quy luật thích nghi cơ bản dưới tác động của lượng vận động trong quá trình huấn luyện. Những quy luật đó thường được thể hiện bằng các nguyên tắc sinh học (Các nguyên tắc sinh học chỉ thể hiện quy luật phát triển các biến đổi thích nghi trong cơ thể người và tất nhiên nó không thể hiện các quy luật sư phạm đặc thù và các quy luật khác của quá trình huấn luyện. Về diễn biến nó không hoàn toàn trùng hợp với những nguyên tắc lý luận chung được trình bày trong lý luận giáo dục thể chất và huấn luyện thể thao) của công tác huấn luyện thể thao. Có ý nghĩa hơn cả là 6 nguyên tắc:

- Nguyên tắc quá tải, - Nguyên tắc chuyên biệt,

- Nguyên tắc tác động ngược, - Nguyên tắc tương tác dương tính, - Nguyên tắc thích nghi tuần tự, - Nguyên tắc chu kỳ.

Theo nguyên tắc quá tải những biến đổi thích nghi rõ nét trong cơ thể có thể đạt được chỉ trong các trường hợp, nếu lượng vận động được sử dụng quá trình huấn luyện thể thao đủ mạnh để làm nặng thêm chức năng tập luyện và kích thích sự phát triển của nó. Tăng cường độ hoạt động chức năng (tăng năng) cá hệ và cơ quan chủ yếu khi vận động sẽ kích thích tăng tổng hợp acid nucleic và protid cấu tạo nên các hệ và cơ quan, dẫn đến cải tổ các cấu trúc và chức năng cần thiết trong cơ thể. Lượng vận động gây nên sự thích nghi không phải là hằng số, mà nó tăng rõ trong quá trình huấn luyện. Vì vậy để đảm bảo kích thích bên ngoài làm tăng được khả năng vận động không ngừng thì lượng vận động phải tăng dần cùng với sự tăng trưởng trình độ tập luyện của VĐV.

Nguyên tắc chuyên biệt khẳng định những biến đổi thích nghi rõ nét nhất do ảnh

hưởng của tập luyện xảy ra ở những cơ quan và hệ chức năng chịu tải chính của lượng vận động. Tương ứng với đặc điểm và độ lớn của lượng vận động đã chọn, trong cơ thể hình thành hệ trội, mà sự tăng năng của nó chịu trách nhiệm phát triển thích nghi. Hệ chịu tải lớn hơn này có ưu thế nhất định trong việc đảm bảo năng lượng và tạo hình trước các hệ và cơ quan khác không liên quan trực tiếp đến việc thực hiện lượng vận động. Trong quá trình huấn luyện, sự thích nghi quá mức với một dạng lượng vận động cụ thể trong một thời điểm nhất định có thể làm cạn kiệt dự trữ chức năng ở các cơ quan chủ chốt và giảm chức năng các hệ khác không trực tiếp có phản ứng với lượng vận động (đó là trạng thái tập luyện quá sức). Vì vậy, khi chọn tác động tập luyện đến chức năng chủ yếu (trội) đồng thời cần phải đảm bảo sự biến đổi hài hòa định hướng của nó để đạt được sự thích nghi có hiệu quả và toàn diện của cơ thể với tất cả các yếu tố có thể thực hiện tác động của mình trong điều kiện môn thể thao cụ thể.

Từ nguyên tắc tác động ngược cần hiểu là, các biến đổi thích nghi trong cơ thể do tập luyện là nhất thời. Sau khi ngừng tập luyện hay ở giai đoạn nghỉ giữa các chu kỳ tập luyện, những biến đổi cấu trúc và chức năng dương tính ở các cơ quan chủ chốt giảm dần cho đến khi mất hẳn. Minh họa cho nguyên tắc này được thể hiện ở hiệu quả tập luyện kéo dài sau khi kết thúc ảnh hưởng của lượng vận động. Ví dụ, những biến đổi trong phạm vi trao đổi năng lượng (hình 111) nhanh chóng trở về mức ban đầu và ở một thời điểm nhất định, nó vượt qua mức ban đầu (pha phục hồi vượt mức). Khi kết

thúc pha phục hồi vượt mức, các chỉ số trao đổi năng lượng qua các giai đoạn giao động dần dần trở về mức chuẩn. Trên cơ sở quy luật của các quá trình phục hồi đó đã chỉ rõ là, để phát triển thích nghi trong quá trình tập luyện thì lượng vận động lặp lại cần phải tiến hành ở pha phục hồi vượt mức (hình 139). Nguyên tắc tác động ngược có thể hoàn toàn áp dụng vào các trường hợp hiệu quả huấn luyện tích lũy. Năng lực làm việc cao đạt được trong giai đoạn huấn luyện dài sẽ giảm sau khi ngừng hoạt động hoặc sẽ giảm đi sau khi sự căng thẳng bớt đi.

Nguyên tắc tương tác dương tính thể hiện tình trạng hiệu quả tích lũy xuất hiện

sau những lần lặp lại lượng vận động, nhưng không chỉ là phép cộng đơn giản của một vài hiệu quả tập luyện kéo dài và tức thời. Mỗi lượng vận động tiếp theo có tác động nhất định đến hiệu quả thích nghi của lượng vận động trước và có thể cải biến nó. Nếu tổng hiệu quả tập luyện từ các lượng vận động được thực hiện một cách tuần tự dẫn đến tăng biến đổi thích nghi trong cơ thể thì đó là tương tác dương tính; nếu mỗi lượng vận động tiếp theo làm giảm hiệu quả của lượng vận động trước đó thì là tương tác âm tính; nếu lượng vận động tiếp theo không làm ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả tập luyện lần trước thì là tương tác trung tính. Hiệu quả thích nghi trong giai đoạn tập luyện dài có thể đạt được chỉ khi có tương tác dương tính giữa các lượng vận động riêng biệt. Hiệu quả tập luyện của lượng vận động có thể chịu ảnh hưởng của các yếu tố đặc thù khác: dinh dưỡng, sử dụng các biện pháp vật lý và dược liệu, các yếu tố khí hậu sinh học. Việc sử dụng các yếu tố bổ trợ nhằm mục đích thúc đẩy sự thích nghi với lượng vận động có thể có được trong các trường hợp, nếu hiệu quả đặc trưng của các yếu tố đó tương tác dương tính với hiệu quả tập luyện.

Nguyên tắc thích nghi tuần tự xuất phát từ các yếu tố dị thời (không cùng thời gian) được nghiên cứu kỹ ở những biến đổi sinh hóa trong cơ thể xuất hiện khi tập luyện. Ở hiệu quả huấn luyện tức thời, sau một lần tác động của lượng vận động, những biến đổi thích nghi về chuyển hóa năng lượng - trước hết là từ hệ yếm khí phi lactat, sau đó là gluco phân yếm khí, và muộn hơn mới nhận thấy phản ứng của quá trình hô hấp ở ty thể và oxy hóa phosphoryl. Trong giai đoạn hồi phục, sau khi lượng vận động ngừng tác động, lượng CP hồi phục vượt mức nhanh, sau đó là glycogen và cuối cùng là lipid và protid cấu trúc tiểu tế bào. Trong quá trình thích nghi lâu dài, chỉ số về cường độ trao đổi năng lượng biến đổi đầu tiên, sau đó là dung lượng năng lượng và ỏ giai đoạn cuối cùng thích nghi là các chỉ số hiệu quả năng lượng.

Nguyên tắc chu kỳ khẳng định những biến đổi thích nghi trong cơ thể trong huấn luyện có tính giai đoạn (pha) và những giao động đó ở tốc độ phát triển thích nghi các chức năng cơ bản có biên độ và độ dài sóng khác nhau. Để tạo ra thích nghi đủ mạnh nhằm phát triển thích nghi, hiệu quả huấn luyện của một số lượng vận động (hoặc là một số buổi tập) cần phải được tập hợp theo nguyên tắc nhất định và tạo ra một chu kỳ hoàn chỉnh tác động đến các chức năng cơ bản. Để có thích nghi hoàn toàn với chu kỳ huấn luyện như vậy cần phải nhiều lần lặp lại nó trong một giai đoạn huấn luyện, mà ở đó sẽ giải quyết nhiệm vụ chính của việc đào tạo VĐV. Từ các chu kỳ huấn luyện đó, được thay đổi liên tục từ giai đoạn này đến giai đoạn khác tương ứng với quy luật phát triển thích nghi, trong các chức năng cụ thể cần có các chu kỳ lớn hơn có tính đến sự tham gia của VĐV trong các cuộc thi quan trọng trong năm.

Một phần của tài liệu giao an sinh hoa (Trang 72 - 75)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(79 trang)
w