Tổng quan về công tác xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho dược liệu

Một phần của tài liệu xây dựng tiêu chuẩn cho nguyên liệu nấm linh chi khô (Trang 35 - 40)

2.4.1 Giới thiệu

Công tác tiêu chuẩn là một phần quan trọng của công tác kiểm nghiệm.

Những tiêu chuẩn được đề ra để đảm bảo chất lượng của dược liệu, là căn cứ để giao dịch trên thị trường, đồng thời là những quy định mang tính pháp chế để kiểm nghiệm viên căn cứ vào đó mà tiến hành thực nghiệm, đánh giá kết quả, công bố kết quả là đạt hay không đạt và có được phép lưu hành (hoặc sử dụng) hay không.

Dựa trên thực tiễn của cơ sở và những yêu cầu về chất lượng đối với dược liệu khô tiêu chuẩn cơ sở thường bao gồm các chỉ tiêu:

 Đánh giá cảm quan (thể chất, màu sắc, mùi, vị).

 Độ tinh khiết (độ ẩm, tro toàn phần, tro không tan trong acid, kim loại nặng, độ nhiễm khuẩn).

 Định tính nhóm hoạt chất chính.

 Định lượng hoạt chất chính.

2.4.2. Công tác đánh giá cảm quan

(Theo phụ lục 12.2 Dược điển Việt Nam IV) 2.4.2.1 Về hình thái

Hình thái là hình dạng của dược liệu khô. Thông thường dược liệu được quan sát mà không cần xử lý trước.

2.4.2.2 Về kích thước

Kích thước là chiều dài, đường kính và độ dày của dược liệu. Tiến hành đo trên một số mẫu. Cho phép một vài mẫu có giá trị hơi cao hơn hoặc thấp hơn giá trị đã xác định. Sử dụng thước đo chia vạch tới milimet. Đối với hạt

hay vật có kích thước nhỏ, xếp 10 hạt gần nhau theo một hàng trên một tờ giấy có chia vạch tới milimet, đo và tính giá trị trung bình.

2.4.2.3 Về màu sắc

Màu sắc của dược liệu được quan sát bằng mắt thường ở ánh sáng ban ngày. Màu có thể được mô tả bằng các sắc độ như “hơi”, “đậm” hay “nhạt” (ví dụ màu hơi vàng, màu vàng đậm, màu vàng nhạt). Nếu màu được mô tả là màu phối hợp của hai màu thì màu chính là màu ghi trước (ví dụ trong màu nâu vàng thì màu nâu là màu chính).

2.4.2.4 Về mùi

Mùi của dược liệu được kiểm tra bằng cách ngửi trực tiếp hoặc sau khi bẻ gãy và vò nát. Cũng có thể ngửi sau khi làm ẩm dược liệu bằng nước nóng.

2.4.2.5 Về vị

Vị của dược liệu được kiểm tra bằng cách nếm trực tiếp dược liệu hoặc nếm dịch chiết nước. Nên cẩn thận khi nếm những vị thuốc có độc.

2.4.3 Công tác xây dựng các chỉ tiêu về độ tinh khiết 2.4.3.1 Độ ẩm (Theo phụ lục 9.6 Dược điển Việt Nam IV)

Khái niệm:

Xác định độ ẩm (hay xác định sự mất khối lượng do làm khô) là sự giảm khối lượng của mẫu thử biểu thị bằng phần trăm (kl/kl) khi được làm khô trong điều kiện xác định ở mỗi chuyên luận.

Phương pháp này dùng để xác định hàm lượng nước, một phần hoặc toàn bộ lượng nước kết tinh và lượng chất dễ bay hơi khác trong mẫu thử.

Việc xác định mất khối lượng do làm khô không được làm thay đổi tính chất lý hóa cơ bản của mẫu thử, vì vậy mỗi chuyên luận riêng sẽ có quy định cách làm khô theo một trong các phương pháp sau đây:

 Trong bình hút ẩm: Tiến hành làm khô trong bình hút ẩm với những chất hút nước như phosphor pentoxyd, silica gel, …

 Trong chân không: Tiến hành làm khô ở điều kiện áp suất từ 1.5 đến 2.5 kPa có mặt chất hút ẩm phosphor pentoxyd và ở nhiệt độ phòng.

 Trong chân không ở điều kiện nhiệt độ xác định: Tiến hành làm khô ở điều kiện áp suất từ 1,5 đến 2,5 kPa có mặt chất hút ẩm phosphor pentoxyd và trong điều kiện nhiệt độ quy định trong chuyên luận riêng.

 Trong tủ sấy ở điều kiện nhiệt độ xác định: Tiến hành làm khô trong tủ sấy ở điều kiện nhiệt độ quy định trong chuyên luận riêng.

 Trong chân không hoàn toàn: Tiến hành làm khô trong điều kiện áp suất không quá 0,1 kPa có mặt chất hút ẩm phosphor pentoxyd và ở điều kiện nhiệt độ quy định trong chuyên luận riêng.

Phương pháp tiến hành:

Dùng dụng cụ sấy thủy tinh rộng miệng đáy bằng có nắp mài làm bì đựng mẫu thử; làm khô bì trong thời gian 30 phút theo phương pháp và điều kiện quy định trong chuyên luận rồi cân để xác định khối lượng bì. Cân ngay vào bì này một lượng chính xác mẫu thử bằng khối lượng quy định trong chuyên luận với sai số 10%. Nếu không có chỉ dẫn gì đặc biệt thì lượng mẫu thử được dàn mẫu thành lớp có độ dày không quá 5 mm. Nếu mẫu thử có kích thước lớn thì phải ghiền nhanh tới kích thước dưới 2 mm trước khi cân. Tiến hành làm khô trong điều kiện quy định của chuyên luận. Nếu dùng phương pháp sấy thì ở nhiệt độ cho phép chỉ chênh lệch 2 C so với nhiệt độ quy định. Sau khi sấy phải làm ngội tới nhiệt độ phòng cân trong bình hút ẩm có silica gel rồi cân ngay. Nếu chuyên luận trong quy định thời gian làm khô có nghĩa là phải làm khô đến khối lượng không đổi, tức là sự chênh lệch khối lượng sau khi sấy thêm 1 giờ trong tủ sấy hoặc 6 giờ trong bình hút ẩm so với lần sấy trước đó không quá 0,5 mg.

Nếu mẫu thử bị chảy ở nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ sấy quy định thì trước khi đưa lên nhiệt độ đó, cần duy trì từ 1 đến 2 giờ ở nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ nóng chảy của mẫu thử từ 5 C đến 10 C.

Nếu mẫu thử ở dạng viên nang hoặc viên bao thì phải bỏ vỏ (lấy không ít hơn 4 viên) và nghiền nhanh tới kích thước dưới 2 mm rồi lấy lượng bột viên như chỉ dẫn trong chuyên luận riêng.

Nếu mẫu thử là dược liệu, khi chuyên luận riêng không có chỉ dẫn gì đặc biệt thì tiến hành sấy trong tủ sấy ở áp suất thường. Dược liệu phải được làm thành mảnh nhỏ đường kính không quá 3 mm; lượng đem thử từ 2 g đến 5 g; chiều dày lớp mẫu thử đem sấy theo yêu cầu của chuyên luận riêng.

2.4.3.2 Tro toàn phần (Theo phụ lục 9.8 Dược điển Việt Nam IV)

Khái niệm:

Tro toàn phần là khối lượng cắn còn lại sau khi nung cháy hoàn toàn một dược liệu.

Phương pháp tiến hành: (Nếu không có hướng dẫn khác trong chuyên luận thì áp dụng phương pháp 1.)

 Phương pháp 1

Với mẫu thử là thảo mộc: Cho 2-3 g bột đem thử vào một chén sứ hoặc chén platin đã nung và cân bì. Nung ở nhiệt độ không quá 450 C tới khi không còn carbon, làm nguội rồi cân.

Bằng cách này mà tro chưa loại được hết carbon thì dùng một ít nước nóng cho vào khối chất đã than hóa, dùng đũa thủy tinh khuấy đều, lọc qua qua giấy lọc không tro. Rửa đũa thủy tinh vào giấy lọc, tập trung nước rửa vào dịch lọc. Cho giấy lọc và cắn vào chén nung rồi nung đến khi thu được tro màu trắng hoặc gần như trắng. Hợp dịch lọc vào cắn trong chén nung, đem bốc hơi đến khô rồi nung ở nhiệt độ không quá 450 C đến khi khối lượng không đổi. Tính tỷ lệ phần trăm của tro toàn phần theo dược liệu đã làm khô trong không khí.

Với các mẫu thử khác: Cũng thực hiện như trên nhưng chỉ dùng 1 g mẫu thử nếu không có chỉ dẫn gì khác trong chuyên luận.

 Phương pháp 2

Lấy 1 chén sứ hoặc chén platin nung tới đỏ trong 30 phút. Để nguội trong bình hút ẩm rồi cân. Nếu trong chuyên luận riêng không có hướng dẫn gì khác thì lấy 1 g mẫu thử rải đều vào chén nung, sấy 1 giờ ở 100-105 C rồi đem nung trong lò nung ở 60025 C. Sau mỗi lần nung, lấy chén nung cùng cắn tro đem làm nguội trong bình hút ẩm rồi cân. Trong quá trình thao tác không được để tạo thành ngọn lửa. Nếu sau khi đã nung lâu mà vẫn chưa loại hết carbon của tro thì dùng nước nóng để lấy cắn ra, lọc qua giấy lọc không tro rồi lại nung cắn và giấy lọc trong chén nung. Hợp dịch lọc vào tro ở trong chén, làm bốc hơi cẩn thận tới khô rồi nung tới khối lượng không đổi.

2.4.3.3 Tro không tan trong acid (Theo phụ lục 9.7 Dược điển Việt Nam IV) Phương pháp tiến hành: (Nếu không có hướng dẫn khác trong chuyên luận thì dùng phương pháp 1.)

 Phương pháp 1

Cho 25 ml acid hydrocloric 2 M (TT) vào tro toàn phần, đun sôi 5 phút, lọc để tập trung những chất không tan vào một phễu thủy tinh xốp đã cân bì, hoặc vào một giấy lọc không tro, rửa bằng nước nóng rồi đem nung ở 500 C đến khối lượng không đổi. Tính tỷ lệ phần trăm của tro không tan trong acid so với dược liệu đã làm khô trong không khí.

 Phương pháp 2

Để tro toàn phần hay tro sulfat như quy định trong chuyên luận vào một chén nung, thêm 15 ml nước và 10 ml acid hydrocloric (TT). Đậy chén bằng

một mặt kính đồng hồ, đun sôi cẩn thận 10 phút rồi để nguội. Rửa mặt kính đồng hồ với 5 ml nước nóng rồi cho vào chén nung. Tập trung chất không tan vào một phễu lọc thủy tinh xốp đã cân bì hoặc vào một giấy lọc không tro, rửa bằng nước nóng cho tới khi dịch lọc cho phản ứng trung tính. Làm khô rồi nung tới đỏ tối, để nguội trong bình hút ẩm rồi cân. Nung tiếp tới khi giữa 2 lần cân khối lượng chênh lệch nhau không quá 1 mg. Tính tỷ lệ phần trăm của tro không tan trong acid so với dược liệu đã được làm khô trong không khí.

2.4.3.4 Bán định lượng kim loại nặng Phương pháp tiến hành:

Phân tích bán định lượng bằng phương pháp so màu bằng mắt: Dung dịch chuẩn (chứa chất chuẩn với hàm lượng đã biết) và dung dịch thử (chứa chất cần phân tích) được chuẩn bị trong cùng điều kiện, sử dụng lượng thuốc thử như nhau, tiến hành các giai đoạn như nhau. Sau khi tạo màu, cho hai dung dịch vào hai ống nghiệm đồng cỡ, giống nhau về chất liệu thủy tinh, đặt lên giá ống nghiệm có đặt sau một tờ giấy trắng. So sánh màu của hai dung dịch.

2.4.4 Công tác định tính nhóm hoạt chất chính

Khái niệm:

Định tính là những phương pháp dùng để nhận biết dược liệu, bao gồm các kinh nghiệm truyền thống, phương pháp vi học và các phương pháp lý hóa.

Phương pháp tiến hành:

 Nhận biết dược liệu dựa theo kinh nghiệm bằng phương pháp đơn giản và truyền thống như sự chìm hay nổi trong nước, tiếng nổ, màu của ngọn lửa hay khói và mùi khí đốt cháy dược liệu, …

 Định tính dược liệu bằng phương pháp vi học là việc quan sát đặc điểm của các tế bào, các mô của lát cắt, của bột hay (trong một vài trường hợp) của bề mặt dược liệu dưới kính hiển vi.

 Định tính lý học là việc xác định các chỉ số như độ tan, tỉ trọng, chiết suất, năng suất quay cực, … của các dược liệu.

 Định tính hóa học là phép thử một vài thành phần trong dược liệu bằng các phản ứng hóa học.

 Định tính sắc ký là việc sử dụng các phương pháp sắc ký như sắc ký lớp mỏng, sắc ký khí, sắc ký lỏng hiệu năng cao, … để phát hiện một số

thành phần có trong dược liệu; so sánh với chất chuẩn hay thành phần trong dược liệu chuẩn.

 Định tính huỳnh quang là quan sát sự phát huỳnh quang của bề mặt hay mặt cắt dược liệu hoặc của dịch chiết dược liệu ở điều kiện thường hay sau khi cho tác dụng với acid, kiềm hay thuốc thử. Trừ khi có quy định riêng trong chuyên luận, mẫu thử được quan sát dưới ánh sáng tử ngoại có bước sóng 365 nm, cách nguồn sáng khoảng 10 cm.

 Trừ những quy định trong chuyên luận riêng, định tính vi thăng hoa thường được tiến hành như sau: Đặt 1 vòng kim loại đường kính khoảng 2cm, cao khoảng 8 mm lên một tấm kim loại mỏng có kích thước hơi lớn hơn. Trải một lớp mỏng bột dược liệu trong vòng kim loại và đậy kín bằng một phiến kính bên trên có đặt một miếng bông tẩm nước lạnh. Đặt tấm kim loại đã có dược liệu này lên một lưới amiant có 1 lỗ tròn đường kính khoảng 2 cm sao cho vòng kim loại có dược liệu nằm trên lỗ này. Đun nóng nhẹ phía dưới lỗ cho đến khi bột dược liệu bị cháy xém. Nhấc phiến kính ra và để nguội. Quan sát hình dạng và màu sắc của tinh thể chất được thăng hoa đọng lại trên phiến kính bằng kính hiển vi và/hoặc tiến hành phản ứng hóa học thích hợp đối với chất đã được thăng hoa.

2.4.5 Công tác định lượng nhóm hoạt chất chính

Định lượng là việc xác định hàm lượng một hay một số chất có trong dược liệu bằng phương pháp hóa học (phương pháp chiết, phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao HPLC, …), lý học hoặc sinh học.

Định lượng bao gồm cả việc xác định hàm lượng chất béo, tinh dầu và xác định hoạt lực bằng các phép thử sinh học.

Một phần của tài liệu xây dựng tiêu chuẩn cho nguyên liệu nấm linh chi khô (Trang 35 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(68 trang)