Chỉ đạo toàn dân kháng chiến ở miền Nam và xây dựng lực lượng kháng chiến trên cả nước (9/1945-12/1946)

Một phần của tài liệu TỪ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ TOÀN DÂN KHÁNG CHIẾN (Trang 31 - 38)

trên cả nước (9/1945-12/1946)

Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, "Nước ta vừa tranh quyền độc lập, thì đã gặp nạn ngoại xâm" [25, 27]. Dựa vào Nghị quyết Hội nghị Pốtxđam, lấy danh nghĩa quân đồng minh vào Việt Nam tước khí giới của quân đội Nhật, Tưởng Giới Thạch và đế quốc Anh vội vã đưa quân vào nước ta với âm mưu tiêu diệt chế độ dân chủ cộng hoà ở Việt Nam còn non trẻ.

Ở miền Nam, được sự che chở của phái bộ Anh, quân Pháp đã quay trở lại và bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược, chỉ sau 28 ngày nhân dân ta giành được chính quyền. Tại miền Bắc, từ cuối tháng 8, khoảng 20 vạn quân Tưởng và tay sai theo kế hoạch "Hoa quân nhập Việt" kéo vào Việt Nam với âm mưu: "Tiêu diệt Đảng ta, phá tan Việt Minh, giúp bọn phản động Việt Nam đánh đổ chính quyền nhân dân để lập một chính phủ phản động làm tay sai cho chúng"[64, 161]. Cùng với những khó khăn về đối nội, đặc biệt là về kinh tế- tài chính- văn hoá… do hậu quả của chế độ thực dân, phong kiến để lại, làm cho cách mạng nước ta đứng trước thử thách hiểm nghèo, vận mệnh dân tộc như "ngàn cân treo sợi tóc".

Trước mưu đồ hiểm độc của lực lượng "đồng minh" và yêu cầu bảo vệ nền độc lập mới giành được, vấn đề cơ bản nhất đặt ra với toàn Đảng, toàn dân ta lúc này là phải bảo vệ bằng được chính quyền cách mạng. Đó là nhiệm vụ thiêng liêng đồng thời là quyết tâm sắt đá của toàn dân tộc đã được khẳng định trong "lời thề độc lập". Dựa vào sức mạnh của toàn dân tộc vừa được hồi sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Trung ương Đảng và Chính phủ vận dụng những biện pháp toàn diện, hiệu quả để giữ vững và phát huy thành quả của Cách mạng Tháng Tám đã đạt được.

Ngay tại cuộc họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ và các cuộc họp của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra những nhiệm vụ cấp bách trước mắt là: phát động tăng gia sản xuất chống nạn đói; mở rộng phong trào chống nạn mù chữ, diệt giặc dốt; xây dựng chính quyền nhân dân, tổ chức tổng tuyển cử bầu Quốc hội ; vũ trang toàn dân và xây dựng Quân đội nhân dân; động viên tổ chức nhân dân, củng cố mặt trận dân tộc thống nhất; giảm tô giảm tức; xây dựng văn hoá mới; tuyên bố tự do tín ngưỡng, lương giáo đoàn kết….Những nhiệm vụ ấy đều nhằm động viên bồi dưỡng sức dân, tăng cường sức mạnh đoàn kết của toàn dân, phát triển thực lực cách mạng để đối phó với thù trong giặc ngoài.

Người thảo chỉ thị "kháng chiến và kiến quốc", vạch rõ nhiệm vụ trước mắt của toàn Đảng, toàn dân là củng cố chính quyền cách mạng, cải thiện đời sống nhân dân; chống thực dân Pháp xâm lược ở miền Nam, hoà hoãn với quân Tưởng ở miền Bắc, kiên quyết bảo vệ chính quyền nhân dân, bảo vệ nền độc lập dân tộc.

Người gửi thư cho các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, tôn giáo, các địa phương, xác định vị trí và trách nhiệm của mỗi người công dân Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhờ đó làm dấy lên cao trào cách mạng mới trong phạm vi cả nước.

Đẩy mạnh kháng chiến ở Nam bộ:

Sáng ngày 23 tháng 9 năm 1945, quân Pháp được sự hậu thuẫn của quân Anh đã đánh chiếm trụ sở của uỷ ban nhân dân Nam Bộ tại Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai.

Dưới sự lãnh đạo của xứ uỷ và uỷ ban nhân dân lâm thời Nam Bộ, nhân dân Sài Gòn nhất tề đứng lên quyết chiến với quân xâm lược Pháp. Một trang sử mới, oanh liệt của dân tộc Việt Nam bắt đầu: Nam Bộ kháng chiến.

Để thực hiện tư tưởng toàn dân kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư "Gửi đồng bào Nam Bộ". Người biểu dương lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào, khích lệ tinh thần quyết chiến, "thà chết tự do còn hơn sống nô lệ". Đồng thời Người kêu gọi đồng bào cả nước: "Vậy toàn quốc đồng bào ta Nam Bộ thì ra sức kháng chiến, Trung Bộ và Bắc Bộ thì ra sức giúp đỡ đồng bào Nam Bộ và ra sức đề phòng"[28, 91]. Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước hăng hái chi viện sức người sức của cho cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam. Theo đó, Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch quyết định thành lập lực lượng Nam Tiến để đưa ngay vào chiến đấu ở miền Nam. Chi đội giải phóng quân Nam Tiến đầu tiên ra đời ở Hà Nội đêm 26/9 và lập tức lên đường hành quân vào Nam chiến đấu. Từ đây mở đầu phong trào cả nước ra trận, toàn dân đánh giặc, phản ánh ý chí nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, Nam- Bắc là con một nhà.

Được sự tiếp sức của nhân dân cả nước, nhân dân Nam bộ đã anh dũng đánh trả quân xâm lược. Hoạt động phá hoại và bất hợp tác của nhân dân Sài Gòn đã đẩy địch vào những khó khăn không lường trước được. Bằng tinh thần quả cảm và những cách đánh giặc sáng tạo, nhân dân Sài Gòn đã thực hiện vây hãm địch dài ngày trong thành phố làm cho địch bị nhiều tổn thất, không tiến hơn được.

Cuối tháng 10 năm 1945, nhờ tăng viện binh, thực dân Pháp mới phá được vòng vây quanh Sài Gòn và thực hiện đánh chiếm các tỉnh miền Đông, miền Trung và tây Nam Bộ, mở rộng vùng chiếm đóng ra nông thôn đồng bằng Nam Bộ. Sau đó chúng đánh ra Nam Trung bộ và Nam Tây Nguyên.

Tinh thần của chỉ thị "kháng chiến kiến quốc" đã được quần chúng nhân dân cả nước tiếp nhận, quán triệt sâu sắc và trở thành hành động cách mạng sôi nổi. Cán bộ, nhân dân, dân quân tự vệ ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên đã anh dũng chiến đấu bám giữ địa phương, dùng lối đánh du kích và bất hợp tác với địch để thực hiện kháng chiến lâu dài. Nhiều căn cứ du

kích được xây dựng, nhiều đội du kích được thành lập. Các chi đội bộ đội tập trung đầu tiên ra đời ở Nam Bộ. Cuộc kháng chiến của quân và dân ta ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ tiếp tục được giữ vững. Ghi nhận thành tích và biểu dương tinh thần chiến đấu của quân và dân ta, tháng 2 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Đảng và Chính phủ tặng đồng bào Nam Bộ danh hiệu "Thành đồng Tổ quốc".

Qua thực tiễn những ngày tháng kháng chiến đầu tiên ở miền Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rút ra những kết luận có ý nghĩa chiến lược trong chỉ đạo toàn dân kháng chiến chống xâm lược. Thể hiện trong lời kêu gọi đồng bào cả nước tháng 2 năm 1946, Người chỉ rõ: "Một dân tộc đang chiến đấu như dân ta bây giờ ắt phải luôn luôn chuẩn bị, đồng thời phải luôn trấn tĩnh, cương quyết, sẵn sàng đối phó với mọi tình thế, không bao giờ rối trí sợ sệt"[41,187]. Người nhắc nhở động viên nhân dân ta phải xác định tinh thần "bại không nản, thắng không kiêu", trong mọi hoàn cảnh luôn phải thực hiện "chung sức, đồng tâm, nhất trí, giữ gìn trật tự, tuân theo mệnh lệnh của Chính phủ". Người nêu lên "Cách thực hành trường kỳ kháng chiến và toàn dân kháng chiến bằng quân sự (dũng cảm kỷ luật), bằng chính trị (đoàn kết, trật tự), bằng kinh tế (tăng gia sản xuất), bằng ngoại giao (thêm bạn bớt thù)"[41, 188]. Những kết luận quan trọng này của Hồ Chí Minh phản ánh quy luật giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh nhân dân theo phương thức kháng chiến toàn dân, toàn diện nhằm đánh bại chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa đế quốc.

Xây dựng lực lượng về mọi mặt trên cả nước kết hợp với kháng chiến ở Nam Bộ.

Vừa theo dõi chỉ đạo cuộc kháng chiến ở miền Nam, Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng và Chính phủ vừa quan tâm đặc biệt đến việc chỉ đạo toàn dân thực hiện công cuộc củng cố, bảo vệ chính quyền, xây dựng chế độ mới, xây dựng lực lượng toàn diện chuẩn bị sẵn sàng thực hiện toàn quốc kháng chiến. Trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra 6 nhiệm vụ cấp bách nhất của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện tại. Theo Người, thực hiện "chống giặc đói" là nhiệm vụ hàng đầu. Trong thư gửi nhà nông, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: "Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa! Đó là khẩu hiệu của ta ngày nay. Đó là cách thiết thực của chúng ta để giữ vững quyền tự do, độc lập"[29, 115]. Nhiệt liệt hưởng ứng lời kêu gọi của Người, chỉ trong cuộc vận động sản xuất lương thực

ngắn ngày từ cuối năm 1945 đến đầu 1946 nhân dân ta đã sản xuất được 231000 tấn khoai lang, 244000 tấn ngô và 6000 tấn đậu tương. Kết hợp với tinh thần toàn dân hưởng ứng thực hiện phong trào "nhường cơm sẻ áo" để cứu đói phát triển sôi nổi khắp nơi, nhờ đó nạn đói đã bị đẩy lùi, đời sống vật chất của nhân dân lao động bước đầu được cải thiện. Thắng lợi to lớn này là thắng lợi đầu tiên chứng minh sức mạnh và tính ưu việt của một chế độ mới; sức mạnh và vai trò toàn dân đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng ta và Hồ Chủ tịch.

Để chống "giặc dốt", khắc phục hậu quả nặng nề của chế độ thực dân phong kiến để lại (95% người Việt Nam mù chữ), trong lời kêu gọi chống nạn thất học, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này là nâng cao dân trí"[30, 36]. Theo sáng kiến của Người, Nha Bình dân học vụ được thành lập để chăm lo việc học chữ của nhân dân. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước dấy lên phong trào học chữ quốc ngữ sôi nổi từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược, lôi cuốn đông đảo mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi, mọi giới, mọi ngành tham gia. Cả nước như một trường học lớn. Thắng lợi quan trọng bước đầu của chủ trương "diệt giặc dốt" là 2,5 triệu người Việt Nam đã thoát nạn mù chữ. Thắng lợi đó vừa phản ánh sức mạnh, tiềm năng trí tuệ của toàn dân, vừa là cơ sở, nền tảng cho việc nâng cao đời sống tinh thần, nâng cao trình độ nhận thức của nhân dân, tăng cường xây dựng lực lượng toàn dân kháng chiến.

Để khắc phục khó khăn nghiêm trọng về kinh tế-tài chính, đáp ứng yêu cầu chi tiêu của Chính phủ, đời sống dân sinh và nhu cầu của quốc phòng, Hồ Chí Minh chú trọng phát huy vai trò toàn dân tham gia sự nghiệp kiến quốc. Người có một bài viết riêng về "động viên kinh tế", nhằm thực hiện thu hút tất cả lực lượng của toàn quốc, tập trung sức người, sức của toàn dân, "huy động hết thảy nhân lực, vật lực, tài lực" phục vụ cho công cuộc kháng chiến kiến quốc. Hồ Chí Minh cùng Chính phủ động viên nhân dân xây dựng "quỹ độc lập", phát động "tuần lễ vàng" từ ngày 17 đến 24/9/1945. Trong thời gian ngắn đã quyên góp của nhân dân được 20 triệu đồng và 370 kg vàng. Sự đóng góp đó đã đáp ứng kịp thời yêu cầu cấp bách cho quốc phòng, dân sinh, đồng thời phản ánh lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết nhất trí của toàn dân, sẵn sàng góp sức và hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ nền độc lập dân tộc và xây dựng chế độ mới.

Trong điều kiện chính quyền cách mạng bị thù trong giặc ngoài uy hiếp, việc xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang cách mạng càng trở nên yêu cầu bức xúc đã được Hồ Chí Minh và thường vụ Trung ương Đảng đặc biệt quan tâm. Do vậy, trong phong trào cách mạng mới, lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang phát triển mạnh mẽ. Đồng bào nô nức ra nhập các đoàn thể cứu quốc. Khối liên minh công nông do giai cấp công nhân lãnh đạo ngày được tăng cường. Đây là lực lượng chính trị hùng hậu, giữ vai trò hết sức quan trọng trong công cuộc bảo vệ thành quả Cách mạng Tháng Tám, bảo vệ Chính phủ Hồ Chí Minh. Khắp các địa phương, từ thành thị đến nông thôn, nhân dân tham gia tòng quân và luyện tập quân sự hết sức sôi nổi. Các đội du kích và tự vệ được xây dựng khắp nơi, do cấp uỷ địa phương trực tiếp lãnh đạo. Lực lượng dân quân, tự vệ đã phát triển nhanh lên hàng chục vạn người, đây là lực lượng giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ chính quyền nhân dân ở cơ sở. Bộ đội tập trung, từ mấy chi đội, đại đội trong tổng khởi nghĩa đã phát triển lên khoảng 40 chi đội từ Trung bộ trở ra, nâng tổng số bộ đội lên chừng 5 vạn vào cuối năm 1945 và lên 8,2 vạn vào cuối năm 1946. Các cơ quan quân sự đầu ngành như Tham Mưu, Chính trị, Quân giới, Quân Nhu, Thông tin sớm được thành lập vào cuối năm 1945 đầu 1946. Đặc biệt vào tháng 1/1946, Trung ương quân uỷ được thành lập, đây là cơ quan lãnh đạo cao nhất của quân đội ta, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hệ thống chính quyền nhân dân từ Chính phủ Lâm thời Trung ương đến Uỷ ban Hành chính các cấp tỉnh, huyện, xã được hình thành. Theo đó, Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm giáo dục cán bộ về bản chất của chính quyền cách mạng và yêu cầu về phẩm chất đạo đức của người cán bộ cách mạng. Người dạy: "… Các cơ quan Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân"[31, 56]. Với lực lượng vũ trang, Người đặc biệt quan tâm giáo dục bản chất cách mạng, tinh thần vì nhân dân phục vụ. Theo Hồ Chí Minh: "Dân là chủ, lực lượng bao nhiêu là nhờ ở dân hết" và "Trung với nước, hiếu với dân là một bổn phẩn thiêng liêng, một trách nhiệm nặng nề nhưng cũng là một vinh dự của người chiến sĩ trong đạo quân quốc gia đầu tiên của nước ta"[5, 236].

Thường vụ Trung ương Đảng, Chính phủ Lâm thời và Hồ Chủ tịch sớm xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là hoàn chỉnh và hợp thức hoá cơ quan quyền lực tối cao của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, đó là việc xúc tiến tổng tuyển cử bầu Quốc hội, ban hành Hiến pháp và bầu Chính phủ chính thức hợp pháp. Thực hiện nhiệm vụ quan trọng đó, ngày 8/9/1945 Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh 14/SL chỉ rõ yêu cầu cần thiết của việc tổ chức tổng tuyển cử và những quy định nghĩa vụ, quyền lợi công dân trong tổng tuyển cử.

Trong điều kiện hết sức khó khăn về kinh tế-xã hội, trước sự chống phá quyết liệt của thù trong giặc ngoài, song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tài giỏi linh hoạt của Đảng và Hồ Chủ tịch, cuộc tổng tuyển cử được tiến hành thông suốt vào ngày 6/1/1946. Đây thực sự là một ngày hội của quần chúng. Đại đa số cử tri đã quyết tâm vượt mọi khó khăn (kể cả đổ máu) để tham gia bỏ phiếu. Với tinh thần "mỗi lá phiếu là một viên đạn diệt thù", toàn dân nô nức đi làm nghĩa vụ công dân, kết quả đưa đến thắng lợi của tổng tuyển cử, với 89% cử tri đi bỏ phiếu, bầu ra 333 đại biểu Quốc hội khoá I, qua đó phản ánh sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, sức mạnh toàn dân có vai trò quyết định trong công cuộc củng cố chính quyền cách mạng. Vì vậy, "tổng tuyển cử là cuộc tổng nổi dậy của nhân dân để xây dựng chính quyền sau cuộc tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 để giành chính quyền"[1, 78].

Ngay trong phiên họp đầu tiên (2/3/1946), Quốc hội đã thông qua danh sách Chính phủ

Một phần của tài liệu TỪ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ TOÀN DÂN KHÁNG CHIẾN (Trang 31 - 38)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(83 trang)
w