TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG ------ NGUYỄN THỊ BÍCH PHƯỢNG ĐÁNH GIÁ KHẢ NĂNG ỨNG DỤNG GÓI KỸ THUẬT 1 PHẢI 5 GIẢM TRONG SẢN XUẤT LÚA Ở
Trang 1TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
- -
NGUYỄN THỊ BÍCH PHƯỢNG
ĐÁNH GIÁ KHẢ NĂNG ỨNG DỤNG GÓI KỸ THUẬT
1 PHẢI 5 GIẢM TRONG SẢN XUẤT LÚA
Ở HUYỆN NGÃ NĂM, SÓC TRĂNG
LUẬN VĂN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC
CẦN THƠ, THÁNG 12/2014
Trang 2TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
- -
NGUYỄN THỊ BÍCH PHƯỢNG
ĐÁNH GIÁ KHẢ NĂNG ỨNG DỤNG GÓI KỸ THUẬT
1 PHẢI 5 GIẢM TRONG SẢN XUẤT LÚA
Ở HUYỆN NGÃ NĂM, SÓC TRĂNG
LUẬN VĂN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC Chuyên ngành: Phát triển nông thôn
Mã ngành: 52 62 01 01
Cán bộ hướng dẫn ThS TÔ LAN PHƯƠNG
CẦN THƠ, THÁNG 12/2014
Trang 3LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của bản thân tôi Các số liệu, kết quả trình bày trong luận văn là trung thực và có sử dụng một phần số liệu của dự án nghiên cứu “Phát triển nông nghiệp và môi trường thích nghi với biến đổi khí hậu ở tỉnh Sóc Trăng”
Tác giả
Nguyễn Thị Bích Phượng
Trang 4THÔNG TIN CÁ NHÂN
Sinh viên thực hiện: NGUYỄN THỊ BÍCH PHƯỢNG Giới tính: Nữ Ngày sinh: 20/09/1993
Lớp: Phát triển nông thôn (CA11X5A1), Khóa 37
MSSV: 4114958
Quê quán: Phong Điền – Cần Thơ
Địa chỉ liên lạc: Ấp Trường Thọ, xã Trường Long, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ
Họ tên cha: Nguyễn Văn Khấn Năm sinh: 1958
Quá trình học tập:
Giai đoạn 1999 – 2004: Học sinh cấp I trường Tiểu học cơ sở Trường Long
Giai đoạn 2004 – 2008: Học sinh cấp II trường Trung học cơ sở Trường Long
Giai đoạn 2008 – 2011: Học sinh cấp III trường Trung học phổ thông Phan Văn Trị
Giai đoạn 2011 – 2014: Sinh viên lớp Phát triển nông thôn – Viện Nghiên cứu Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long – Trường Đại học Cần Thơ
Cần Thơ, ngày… tháng…….năm 2014
Người khai
Nguyễn Thị Bích Phượng
Trang 5NHẬN XÉT CỦA CÁN BỘ HƯỚNG DẪN
Nhận xét và xác nhận của cán bộ hướng dẫn về đề tài “Đánh giá khả năng ứng dụng gói kỹ thuật 1 phải 5 giảm trong sản xuất lúa ở huyện Ngã Năm, Sóc Trăng”, do
sinh viên Nguyễn Thị Bích Phượng lớp Phát triển nông thôn CA11X5A1 – Khóa 37, Viện Nghiên cứu Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long - Trường Đại học Cần Thơ thực hiện từ 9/2013 đến 12/2014
Ý kiến của cán bộ hướng dẫn
Cần Thơ, ngày……tháng…….năm 2014
Cán bộ hướng dẫn
ThS Tô Lan Phương
Trang 6NHẬN XÉT CỦA BỘ MÔN HỆ THỐNG NÔNG NGHIỆP
Nhận xét và xác nhận của Bộ môn Hệ thống nông nghiệp về đề tài “Đánh giá khả năng ứng dụng gói kỹ thuật 1 phải 5 giảm trong sản xuất lúa ở huyện Ngã Năm, Sóc Trăng”, do sinh viên Nguyễn Thị Bích Phượng lớp Phát triển nông thôn
CA11X5A1 – Khóa 37, Viện Nghiên cứu Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long - Trường Đại học Cần Thơ thực hiện từ 9/2013 đến 12/2014
Ý kiến của Bộ môn Hệ thống nông nghiệp
Cần thơ, ngày… tháng……năm 2014
Bộ môn Hệ thống nông nghiệp
Trang 7NHẬN XÉT CỦA HỘI ĐỒNG
Hội đồng chấm luận văn tốt nghiệp chứng nhận chấp nhận báo cáo với đề tài “Đánh giá khả năng ứng dụng gói kỹ thuật 1 phải 5 giảm trong sản xuất lúa ở huyện Ngã Năm, Sóc Trăng”, do sinh viên Nguyễn Thị Bích Phượng lớp Phát triển nông
thôn CA11X5A1 – Khóa 37, Viện Nghiên cứu Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long - Trường Đại học Cần Thơ thực hiện từ 9/2013 đến 12/2014
Báo cáo luận văn tốt nghiệp đã được hội đồng đánh giá ở mức………
Ý kiến hội đồng ………
………
………
………
………
………
………
………
………
Thư ký hội đồng
Cần Thơ, ngày… tháng… năm 2014
Chủ tịch hội đồng
Trang 8LỜI CẢM TẠ
Trong quá trình học tập cũng như thời gian làm luận văn tốt nghiệp, tôi đã gặp không
ít khó khăn nhưng nhờ sự chỉ dạy tận tình của thầy cô, cùng những lời động viên của cha mẹ, anh chị, bạn bè đã giúp tôi vượt qua được những khó khăn trong học tập và hoàn thành bài luận văn của mình
Thông qua luận văn này tôi xin chân thành cảm ơn:
- Cha mẹ và những người thân của tôi, những người đã luôn quan tâm, lo lắng, chăm sóc, động viên tôi trong suốt quá trình học tập và làm luận văn tốt nghiệp
- Cảm ơn Thầy cố vấn học tập Nguyễn Công Toàn đã quan tâm, dìu dắt, động viên và giúp đỡ tôi trong suốt thời gian học tập cũng như sinh hoạt tại Viện
- Cảm ơn Cô Tô Lan Phương, người đã tận tình hướng dẫn, chỉ dạy tôi trong suốt thời gian làm luận văn
- Cảm ơn tất cả quý Thầy Cô Viện Nghiên cứu Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long đã truyền đạt kiến thức cho tôi trong suốt quá trình học tập và sinh hoạt tại Viện
- Cảm ơn tập thể các bạn sinh viên lớp Phát triển nông thôn khóa 37 đã không ngừng giúp đỡ và động viên tôi trong suốt quá trình học tập tại trường
- Cảm ơn dự án Phát triển nông nghiệp và môi trường thích nghi với biến đổi khí hậu ở tỉnh Sóc Trăng đã hỗ trợ kinh phí cho tôi làm luận văn
Cần Thơ, ngày… tháng…….năm 2014
Sinh viên thực hiện
Nguyễn Thị Bích Phượng
Trang 9TÓM LƯỢC
Việt Nam là một trong những quốc gia có truyền thống trồng lúa nước lâu đời nhất trên thế giới Nông nghiệp lúa nước vừa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, vừa là cơ sở kinh tế sống còn của đất nước Hiện nay, người dân trồng lúa ở cả nước nói chung và ở tỉnh Sóc Trăng nói riêng vẫn còn canh tác theo truyền thống sử dụng nhiều giống, phân, thuốc, cơ giới hóa chưa được áp dụng rộng rãi làm cho hiệu quả sản xuất chưa cao Vì thế, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân ứng dụng kỹ
thuật 1 phải 5 giảm vào sản xuất lúa Từ đó, đề tài “Đánh giá khả năng ứng dụng gói
kỹ thuật 1 phải 5 giảm trong sản xuất lúa ở huyện Ngã Năm, Sóc Trăng” được
thực hiện nhằm mục tiêu đánh giá hiện trạng canh tác lúa và khả năng phát triển gói
kỹ thuật 1 phải 5 giảm trong sản xuất lúa tại vùng nghiên cứu
Đề tài thực hiện thông qua phương pháp điều tra, đánh giá hiện trạng canh tác lúa của nông dân Tổ chức tập huấn kỹ thuật 1 phải 5 giảm kết hợp trình diễn mô hình mẫu, từ đó đánh giá hiệu quả của khóa tập huấn thông qua sự chuyển biến về hiểu biết, nhận thức và kỹ thuật canh tác của nông dân Ngoài ra, sử dụng công cụ ADOPT
để đánh giá khả năng mở rộng gói kỹ thuật 1 phải 5 giảm, xác định những khó khăn
và đề xuất giải pháp khắc phục
Kết quả nghiên cứu cho thấy đa số nông dân canh tác lúa theo tập quán truyền thống sử dụng nhiều yếu tố đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật), chưa áp dụng các giải pháp kỹ thuật do ngành nông nghiệp khuyến cáo Điều này làm cho chi phí đầu tư vẫn còn khá cao, đặc biệt là chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (chiếm trên 50% tổng chi phí) Vì thế, lợi nhuận của người dân trồng lúa vẫn còn thấp Sau khi tham gia lớp tập huấn 1 phải 5 giảm, đa số nông dân được nâng cao hiểu biết
về kỹ thuật và ứng dụng vào thực tế sản xuất Kết quả cho thấy chi phí sản xuất giảm 3,2 triệu đồng/ha và lợi nhuận tăng 6,4 triệu đồng/ha so với trước đây, phần lớn nông dân đánh giá kỹ thuật đem lại hiệu quả cao hơn so với phương pháp canh tác truyền thống Tuy nhiên, còn tồn tại một số vấn đề khó khăn về kỹ thuật canh tác cũng như các điều kiện khách quan (thời tiết, áp lực sâu bệnh, đặc điểm thổ nhưỡng) nên một số nông dân vẫn chưa mạnh dạn áp dụng kỹ thuật Khi sử dụng công cụ ADOPT để dự đoán khả năng phát triển của kỹ thuật mới, kết quả cho thấy sau khoảng 16 năm áp dụng kỹ thuật 1 phải 5 giảm thì mức độ chấp nhận cao nhất của nông dân đạt 95% và sau 5 năm đạt 40,5% Bên cạnh đó, để thúc đẩy việc ứng dụng kỹ thuật này nhanh hơn cần quan tâm thực hiện các giải pháp như nâng cao kỹ thuật canh tác của nông dân, tổ chức quản lý sản xuất ở phạm vi cộng đồng và thực hiện các mô hình trình diễn nhằm giúp nông dân dễ dàng nhận thấy được hiệu quả cũng như lợi ích mang lại của gói kỹ thuật 1 phải 5 giảm về các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường để từ đó mạnh dạn đưa vào sản xuất thực tế
Trang 10MỤC LỤC
LỜI CAM ĐOAN i
THÔNG TIN CÁ NHÂN ii
NHẬN XÉT CỦA CÁN BỘ HƯỚNG DẪN iii
NHẬN XÉT CỦA BỘ MÔN HỆ THỐNG NÔNG NGHIỆP iv
NHẬN XÉT CỦA HỘI ĐỒNG v
LỜI CẢM TẠ vi
TÓM LƯỢC vii
MỤC LỤC viii
DANH MỤC BẢNG xii
DANH MỤC HÌNH xiv
DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT xv
CHƯƠNG 1 1
MỞ ĐẦU 1
1.1 ĐẶT VẤN ĐỀ 1
1.2 MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU 2
1.2.1 Mục tiêu tổng quát 2
1.2.2 Mục tiêu cụ thể 2
1.3 CÂU HỎI NGHIÊN CỨU 2
1.4 PHẠM VI VÀ GIỚI HẠN NGHIÊN CỨU 2
1.4.1 Giới hạn không gian 2
1.4.2 Giới hạn thời gian 2
1.4.3 Giới hạn nội dung 2
CHƯƠNG 2 3
LƯỢC KHẢO TÀI LIỆU 3
2.1 TÌNH HÌNH SẢN XUẤT LÚA Ở TỈNH SÓC TRĂNG VÀ HUYỆN NGÃ NĂM 3
2.2 GIỚI THIỆU KỸ THUẬT 1P5G VÀ THỰC TRẠNG ỨNG DỤNG 4
2.2.1 Giới thiệu kỹ thuật 1P5G 4
Trang 112.2.2 Thực trạng ứng dụng kỹ thuật 1P5G 8
2.3 TỔNG QUAN VỀ VÙNG NGHIÊN CỨU 10
2.3.1 Tổng quan về tỉnh Sóc Trăng 10
2.3.1.1 Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên 10
2.3.1.2 Đặc điểm kinh tế - xã hội 12
2.3.2 Tổng quan về huyện Ngã Năm 12
2.3.2.1 Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên 12
2.3.2.2 Đặc điểm kinh tế - xã hội 14
CHƯƠNG 3 16
PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 16
3.1 PHƯƠNG PHÁP TIẾP CẬN 16
3.2 PHƯƠNG PHÁP CHỌN VÙNG VÀ MẪU NGHIÊN CỨU 17
3.2.1 Phương pháp chọn vùng nghiên cứu 17
3.2.2 Phương pháp chọn mẫu nghiên cứu 17
3.3 PHƯƠNG PHÁP THU THẬP SỐ LIỆU 17
CHƯƠNG 4 22
KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN 22
4.1 THÔNG TIN CHUNG VỀ NÔNG HỘ CANH TÁC LÚA 22
4.1.1 Thông tin chung của chủ hộ 22
4.1.1.1 Tuổi 22
4.1.1.2 Trình độ văn hóa 22
4.1.1.3 Kinh nghiệm sản xuất 23
4.1.2 Nguồn lực nông hộ 24
4.1.2.1 Nhân khẩu và lao động 24
4.1.2.2 Diện tích đất trồng lúa 24
4.1.2.3 Tham gia các khóa tập huấn 25
4.2 KỸ THUẬT VÀ HIỆU QUẢ KINH TẾ TRONG CANH TÁC LÚA CỦA NÔNG DÂN HUYỆN NGÃ NĂM TỈNH SÓC TRĂNG 26
4.2.1 Lịch Thời vụ 26
Trang 124.2.2 Giống lúa 27
4.2.2.1 Chủng loại giống 27
4.2.2.2 Cấp giống 28
4.2.2.3 Lượng giống gieo sạ 28
4.2.3 Phân bón 29
4.2.4 Thuốc BVTV 31
4.2.5 Quản lý nước 32
4.2.6 Thu hoạch 33
4.2.7 Năng suất lúa 33
4.2.8 Hình thức bán lúa 34
4.2.9 Hiệu quả kinh tế trong canh tác lúa 35
4.2.10 Hiện trạng ứng dụng kỹ thuật 1P5G 36
4.3 SỰ CHUYỂN BIẾN CỦA NÔNG DÂN SAU KHI THAM GIA KHÓA TẬP HUẤN 1P5G 37
4.3.1 Chuyển biến về hiểu biết 37
4.3.2 Chuyển biến về nhận thức 38
4.3.3 Đánh giá sự thay đổi về kỹ thuật canh tác của nông dân trước và sau tập huấn 39
4.3.4 Đánh giá những khó khăn và điều kiện áp dụng kỹ thuật 1P5G 41
4.4 ĐÁNH GIÁ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA KỸ THUẬT 1P5G TẠI VÙNG NGHIÊN CỨU… 43
4.4.1 Đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng chấp nhận kỹ thuật 1P5G 43
4.4.2 Dự đoán khả năng chấp nhận kỹ thuật 1P5G 46
4.4.3 Phân tích độ nhạy cảm của các yếu tố tác động đến sự phát triển kỹ thuật 1P5G tại địa bàn nghiên cứu 46
4.5 GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KỸ THUẬT 1P5G TRONG SẢN XUẤT LÚA Ở HUYỆN NGÃ NĂM TỈNH SÓC TRĂNG 48
CHƯƠNG 5 49
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ 49
5.1 KẾT LUẬN 49
Trang 135.2 KIẾN NGHỊ 49
TÀI LIỆU THAM KHẢO 50
PHỤ LỤC 1 54
PHỤ LỤC 2 57
PHỤ LỤC 3 60
PHỤ LỤC 4 62
Trang 14DANH MỤC BẢNG
Bảng 2.2 Lượng phân bón khuyến cáo theo từng vùng canh tác 6
Bảng 3.2 Các lĩnh vực và yếu tố ảnh hưởng đến khả năng ứng dụng gói
kỹ thuật 1P5G trong canh tác lúa của công cụ ADOPT
20
Bảng 4.2 Kinh nghiệm sản xuất của chủ hộ phân theo nhóm 23
Bảng 4.4 Diện tích đất trồng lúa của chủ hộ phân theo nhóm 25
Bảng 4.7 Mật độ gieo sạ phân theo nhóm của các hộ ở từng vụ 29 Bảng 4.8 Mật độ gieo sạ trung bình của các hộ ở từng vụ 29 Bảng 4.9 Lượng phân bón trung bình của các hộ ở từng vụ 30 Bảng 4.10 Liều lượng phân bón phân theo nhóm của các hộ ở vụ Đông
Bảng 4.14 Mực nước ruộng trước khi bơm phân theo nhóm của các hộ ở
Trang 15Bảng 4.18 Hình thức bán lúa của các hộ ở từng vụ 35 Bảng 4.19 Hiệu quả kinh tế trong canh tác lúa của các hộ ở từng vụ 36 Bảng 4.20 Hiện trạng ứng dụng kỹ thuật 1P5G của các hộ ở từng vụ 37 Bảng 4.21 Hiểu biết của nông dân về kỹ thuật 1P5G trước và sau tập huấn 38
Bảng 4.22 Đánh giá khả năng áp dụng từng yếu tố kỹ thuật trong 1P5G
của nông dân
39
Bảng 4.23 Đánh giá sự khác biệt các biện pháp kỹ thuật của nông dân
trước tập huấn (vụ Hè Thu 2013) và sau tập huấn (vụ Hè Thu 2014)
40
Bảng 4.24 Đánh giá của nông dân về hiệu quả của kỹ thuật 1P5G sau khi
áp dụng ở vụ Hè Thu năm 2014 so với vụ Hè Thu trước đây
41 Bảng 4.25 Đánh giá khó khăn và điều kiện để áp dụng các yếu tố kỹ thuật
trong 1P5G
42 Bảng 4.26 Ảnh hưởng lợi ích và rủi ro của kỹ thuật 1P5G 43
Bảng 4.28 Ảnh hưởng đặc điểm của nông dân có khả năng ứng dụng kỹ
thuật 1P5G
45 Bảng 4.29 Ảnh hưởng lợi ích tương đối của kỹ thuật 1P5G 45
Bảng 4.30 Các yếu tố tác động đến khả năng ứng dụng của kỹ thuật 1P5G
theo thứ tự từ 6 – 14
47
Trang 16DANH MỤC HÌNH
Hình 3.2 Sơ đồ tóm tắt tiến trình đánh giá sự chuyển biến về hiểu biết,
nhận thức và kỹ thuật canh tác của nông dân
19
Hình 4.2 Tỷ lệ chủ hộ đã từng tham gia các lớp tập huấn 25
Hình 4.5 Phương pháp thu hoạch lúa của các hộ ở từng vụ 33
Hình 4.6 Kết quả dự đoán khả năng chấp nhận kỹ thuật 1P5G của nông
Trang 17IPM Intergrate Pest Managerment (Quản lý dịch hại tổng hợp) IRRI International Rice Research Institute (Viện Nghiên cứu lúa
Quốc tế)
PRA Participatory Rural Appraisal (Phỏng vấn nhanh nông thôn có
sự tham gia)
TT-BNNPTNT Thông tư - Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn
VAAS Vietnam Academy of Agricultural Sciences (Viện Khoa học
Nông nghiệp Việt Nam)
Trang 18Sóc Trăng là một trong những tỉnh có diện tích sản xuất lúa rất lớn ở ĐBSCL với 365.909 ha, đặc biệt có vùng chuyên sản xuất lúa cao sản Trong đó, huyện Ngã Năm
có diện tích trồng lúa đạt 39.773 ha, vùng đã xây dựng được các cánh đồng mẫu lớn với quy mô trên 2000 ha (Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng, 2013) Trước những khó khăn chung trong canh tác lúa ở ĐBSCL, nhiều nông dân ở huyện Ngã Năm nói riêng và ở tỉnh Sóc Trăng nói chung vẫn còn áp dụng những lối canh tác truyền thống như sử dụng giống kém chất lượng với mật độ sạ dày đã làm giảm chất lượng sản phẩm, sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) không hợp lý làm tăng chi phí sản xuất, hơn nữa gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe của con người (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh, 2008)
Cơ giới hóa chưa được áp dụng rộng rãi vào trong sản xuất, người dân chủ yếu sử dụng những công cụ thô sơ làm cho tỷ lệ thất thoát trước và sau thu hoạch ngày càng cao Vì thế, làm thế nào để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho người nông dân trong khi vẫn giữ được tính bền vững về môi trường đang là vấn đề được quan tâm hàng đầu
Sản xuất lúa ứng dụng kỹ thuật 1 phải 5 giảm (1P5G) là một trong những giải pháp được ngành nông nghiệp khuyến cáo trong những năm qua Kỹ thuật này đã được thực hiện thành công ở nhiều địa phương ở ĐBSCL, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất cho người dân và góp phần cải thiện sinh kế nông hộ Với những lợi ích mang lại
mà kỹ thuật đã được giới thiệu và thử nghiệm tại vùng canh tác lúa ở huyện Ngã Năm
trong những năm gần đây Vì vậy, đề tài “Đánh giá khả năng ứng dụng gói kỹ thuật
1 phải 5 giảm trong sản xuất lúa ở huyện Ngã Năm, Sóc Trăng” được thực hiện
nhằm đánh giá hiện trạng canh tác lúa và khả năng phát triển của gói kỹ thuật 1P5G ở mức độ cộng đồng nông dân huyện Ngã Năm tỉnh Sóc Trăng
Trang 191.2 MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU
1.2.1 Mục tiêu tổng quát
Nâng cao nhận thức, kỹ thuật canh tác của nông dân và phát triển kỹ thuật 1P5G trong sản xuất lúa tại vùng nghiên cứu, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và cải thiện đời sống cho nông hộ
1.2.2 Mục tiêu cụ thể
- Đánh giá hiện trạng canh tác lúa ở huyện Ngã Năm tỉnh Sóc Trăng;
- Đánh giá sự chuyển biến về hiểu biết, nhận thức và kỹ thuật canh tác của nông dân sau khi tham gia khóa tập huấn;
- Đánh giá khả năng mở rộng gói kỹ thuật 1P5G trong sản xuất lúa ở vùng nghiên cứu
1.3 CÂU HỎI NGHIÊN CỨU
- Nông dân có tập quán sử dụng nhiều giống, phân, thuốc, nước và có áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa không?
- Kiến thức, nhận thức và kỹ thuật canh tác của nông dân có được cải thiện sau khóa tập huấn hay không?
- Nông dân có khả năng ứng dụng kỹ thuật 1P5G không? Những yếu tố nào hạn chế khả năng mở rộng kỹ thuật 1P5G?
- Những giải pháp gì được đặt ra nhằm nâng cao khả năng ứng dụng kỹ thuật 1P5G của nông dân?
1.4 PHẠM VI VÀ GIỚI HẠN NGHIÊN CỨU
1.4.1 Giới hạn không gian
Đề tài chỉ giới hạn nghiên cứu ở xã Vĩnh Biên và xã Vĩnh Quới thuộc huyện Ngã Năm tỉnh Sóc Trăng Đây là 2 xã đại diện cho vùng trồng lúa thâm canh trong huyện Nông dân trong xã muốn chuyển đổi sang sản xuất lúa chất lượng cao nhưng chưa hiểu rõ về kỹ thuật 1P5G
1.4.2 Giới hạn thời gian
Đề tài nghiên cứu được tiến hành từ tháng 9 năm 2013 đến tháng 12 năm 2014
1.4.3 Giới hạn nội dung
Đề tài tập trung nghiên cứu đánh giá sự thay đổi về hiểu biết, nhận thức và kỹ thuật canh tác của nông dân sau khi tham gia tập huấn Đồng thời, đánh giá khả năng ứng dụng gói kỹ thuật 1P5G cũng như tìm ra các giải pháp nâng cao khả năng chấp nhận và ứng dụng của nông dân vào thực tế
Trang 20CHƯƠNG 2 LƯỢC KHẢO TÀI LIỆU
2.1 TÌNH HÌNH SẢN XUẤT LÚA Ở TỈNH SÓC TRĂNG VÀ HUYỆN NGÃ NĂM
Sóc Trăng là một trong những tỉnh có diện tích sản xuất lúa rất lớn ở ĐBSCL Năm 2011, tổng diện tích lúa gieo trồng của tỉnh đạt 348.980 ha, trong đó diện tích lúa đặc sản đạt 54.314 ha; năng suất lúa bình quân đạt 59,9 tạ/ha, tăng 6,63% so với năm 2010; sản lượng lúa đạt 2,1 triệu tấn, tăng 6,31% so với cùng kỳ năm 2010 Vụ Mùa
2011 – 2012 (kể cả vụ Thu Đông), diện tích gieo trồng lúa ước đạt 26.694 ha, tăng 3.055 ha so với năm 2010 Vụ Đông Xuân 2011 – 2012, diện tích gieo trồng lúa ước đạt 138.552 ha, tăng 298 ha so với năm 2011 Nhằm đẩy nhanh tiến độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn, tăng lợi nhuận và thu nhập cho người dân trồng lúa mà trong những năm qua tỉnh Sóc Trăng đã có các chủ trương khuyến khích mở rộng diện tích lúa chất lượng cao (lúa đặc sản) ở những địa bàn phù hợp và đã đem lại hiệu quả
rõ rệt Cụ thể diện tích sản xuất lúa năm 2012 đạt 365.909 ha, tổng sản lượng đạt 2,2 triệu tấn, năng suất lúa bình quân đạt 6,15 tấn/ha (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, 2012)
Hiện nay, tỉnh không những quan tâm đến năng suất lúa mà còn chú trọng đến chất lượng giống lúa và hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa Với đặc thù về điều kiện
tự nhiên nên các giống lúa thơm tại địa phương có chất lượng khá tốt và có khả năng canh tranh trong thị trường tiêu thụ nội địa cũng như xuất khẩu so với các tỉnh, thành khác trong khu vực Xác định được những thế mạnh này, tỉnh đã đề ra chỉ tiêu cụ thể định hướng phát triển lúa thơm là phấn đấu đến năm 2015 diện tích gieo trồng lúa đặc sản đạt trên 20% diện tích gieo trồng của toàn tỉnh Qua 2 năm triển khai đề án phát triển lúa đặc sản, diện tích lúa đặc sản và lúa thơm đã tăng đáng kể, cụ thể đạt 57.610
ha (2012) và 68.000 ha (2013) Về tình hình xuất khẩu, năm 2012 tỉnh Sóc Trăng đã xuất khẩu được 0,12 triệu tấn gạo, giá trị xuất khẩu đạt 51,5 triệu USD Ngoài ra, tỉnh
đã tuyển chọn được nhiều giống lúa thơm mới, có một số giống qua khảo nghiệm thích nghi với vùng đất có chế độ thủy văn lợ và mặn như ST5, ST16, ST19, ST20 nên diện tích gieo trồng lúa thơm hàng năm luôn được mở rộng; đặc biệt lúa thơm cao cấp đã góp phần vào việc chuyển đổi cơ cấu giống lúa của tỉnh Bên cạnh đề án phát triển lúa thơm, lúa cao sản thì tỉnh cũng có các đề án cơ giới hóa nông nghiệp cũng như hỗ trợ và thúc đẩy các cánh đồng mẫu lúa chất lượng cao phát triển nhanh hơn, có hiệu quả cao hơn
Trang 21Ngã Năm là một trong những huyện có diện tích sản xuất lúa lớn ở Sóc Trăng với 39.773 ha (năm 2013), vùng đã xây dựng được các cánh đồng mẫu lớn với quy mô trên 2.000 ha Từ vụ Đông Xuân 2012 – 2013, mô hình lúa đặc sản đã được nhân rộng trong vùng, nông dân chủ yếu sử dụng giống ST5, ST20 và có sự tham gia của “các nhà” nên hầu hết diện tích lúa được kí kết hợp đồng bao tiêu ngay từ đầu vụ Bước đầu tại đây đã định hình “Con đường lúa thơm” với 2 giống chủ lực, thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tìm đến ký kết hợp đồng đầu tư, bao tiêu sản phẩm (Trang tin Xúc tiến Thương mại – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2013) Bên cạnh những kết quả đạt được thì hiện nay người dân ở tỉnh Sóc Trăng đang phải đối mặt với những khó khăn như dịch hại thường xảy ra, đất phèn trũng, xâm nhập mặn, nắng hạn Điều này gây ảnh hưởng đáng kể đến năng suất lúa, thu nhập và lợi nhuận của người dân Vì vậy, để thực hiện được mục tiêu phát triển Sóc Trăng thành vùng sản xuất nói chung và lúa chất lượng cao nói riêng thì cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ từ chính sách, quy hoạch vùng, quản lý và tổ chức huấn luyện các kỹ thuật canh tác cho nông dân; xây dựng quy trình sản xuất riêng cho từng vùng, từng giống lúa Ngoài ra, hướng nông dân thực hiện quy trình canh tác hiện đại như quản lý dịch hại bằng công nghệ sinh thái, áp dụng kỹ thuật 1P5G, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cách chọn giống lúa thuần và biện pháp hỗ trợ dinh dưỡng cho cây lúa
2.2 GIỚI THIỆU KỸ THUẬT 1P5G VÀ THỰC TRẠNG ỨNG DỤNG
2.2.1 Giới thiệu kỹ thuật 1P5G
1P5G là một biện pháp kỹ thuật được kế thừa và nâng cao từ kỹ thuật 3 giảm 3 tăng (3G3T) Trong đó, nhấn mạnh 1 phải là phải sử dụng giống xác nhận nhằm để có được giống lúa tốt, khỏe mạnh và kháng được sâu bệnh giúp nâng cao chất lượng và năng suất lúa; 5 giảm là giảm nước tưới, giảm thất thoát sau thu hoạch cùng với 3 giảm của 3G3T là giảm lượng giống gieo sạ, giảm phân bón và giảm thuốc BVTV
1 Phải
Là phải sử dụng giống xác nhận Thực tế trong những năm qua, vẫn còn nhiều
nông dân ở ĐBSCL có tập quán sử dụng hạt giống từ lúa ăn của gia đình hoặc đổi giống lẫn nhau nên hạt giống không đảm bảo chất lượng Đây là một trong những yếu
tố hạn chế năng suất lúa, giảm chất lượng và không mang lại hiệu quả kinh tế cao (Bùi
Bá Bổng và ctv, 2003) Vì thế, nhiều địa phương khuyến cáo người dân sử dụng giống xác nhận Việc sử dụng giống xác nhận giúp cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, hạt
có tỷ lệ nảy mầm cao, kháng sâu bệnh, đạt năng suất và chất lượng cao
Hạt giống lúa xác nhận là hạt giống lúa được nhân ra từ hạt giống nguyên chủng qua một hoặc hai thế hệ Các giống lúa xác nhận được sử dụng phải có nguồn gốc tin
Trang 22cậy và phải đạt các chỉ tiêu chất lượng hạt giống lúa theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN 01-54: 2011/BNNPTNT) do Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống sản phẩm cây trồng và phân bón Quốc gia biên soạn và được ban hành tại Thông tư số 45/2011/TT-BNNPTNT ngày 24 tháng 6 năm 2011 (Bảng 2.1)
Bảng 2.1: Các chỉ tiêu chất lượng hạt giống lúa
Chỉ tiêu
Hạt giống siêu nguyên chủng
Hạt giống nguyên chủng
Hạt giống xác nhận 1
Hạt giống xác nhận 2
Độ sạch (% khối lượng) > 99,0 > 99,0 > 99,0 > 99,0 Hạt khác giống có thể
phân biệt được (% số hạt)
Giảm lượng giống gieo sạ
Giống giữ vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp Các nhà khoa học ước tính năng suất của các cây lương thực trên thế giới tăng từ 30 – 50% là nhờ vào việc
sử dụng các loại giống tốt với mật độ gieo trồng thích hợp Ngày nay, tập quán sản xuất của nông dân còn mang tính truyền thống là sạ dày, bón nhiều phân đạm nên tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của sâu bệnh, vì thế đã làm giảm năng suất lúa một cách đáng kể (Trang Kiên Bush, 2012) Cây lúa là loại cây có thể tự điều chỉnh trong quần thể, nếu sạ với mật độ quá cao cây sẽ đẻ nhánh ít hoặc không đẻ nhánh, tỉ
lệ chồi vô hiệu cao, cây quá nhiều sẽ cạnh tranh dinh dưỡng với nhau dẫn đến nhiều
cây chết do thiếu dinh dưỡng (Nguyễn Trường Giang, 2010)
Theo kết quả nghiên cứu của Trang Kiên Bush (2012) cho thấy, nếu sạ với mật
độ 100 kg/ha cây lúa có số hạt chắc trên bông, tỷ lệ hạt chắc, trọng lượng 1000 hạt đạt cao hơn so với mật độ sạ 200 kg/ha và 150 kg/ha Mặt khác, mật độ sạ 100kg/ha hiệu quả hơn trong việc hạn chế sự đổ ngã nên năng suất thực tế đạt cao nhất (5.97 tấn/ha), giúp giảm được chi phí giống khoảng 1,4 triệu đồng/ha Theo Nguyễn Thành Hối (2010), mật độ gieo sạ đối với các loại giống cao sản ngắn ngày theo hình thức sạ lan được khuyến cáo là 150 kg/ha Đối với hình thức sạ hàng, lượng giống sạ được khuyến cáo từ 80 – 120 kg/ha (Trung tâm giống Nông nghiệp Hậu Giang, 2014) Tuy nhiên, tùy theo đặc tính đất đai của mỗi vùng cũng như giống lúa, tỷ lệ nảy mầm của
Trang 23hạt và mùa vụ gieo trồng mà lượng giống gieo sạ khác nhau, thích hợp nhất là từ 80 -
120 kg/ha (Nguyễn Ngọc Đệ, 2008)
Giảm lượng phân bón
Theo đánh giá của Viện dinh dưỡng Quốc tế thì phân bón đóng góp khoảng 30 – 35% tổng sản lượng cây trồng Sử dụng phân bón đúng cách sẽ góp phần làm tăng độ màu mỡ của đất đai và nâng cao chất lượng, sản lượng cây trồng Ngược lại, nếu sử dụng phân bón quá nhiều thì cây hấp thụ không hết, một phần nằm lại trong đất, một phần bay hơi gây ô nhiễm không khí, số còn lại bị rửa trôi theo nước mưa ra sông, kênh rạch gây ô nhiễm nguồn nước mặt và nước ngầm Bên cạnh đó, nếu bón thừa phân đạm cho cây lúa thì sẽ làm cho lúa ít cứng cây, dễ bị đổ ngã, cỏ dại và sâu bệnh phát triển (Võ Tòng Xuân, 2003) Nhiều nghiên cứu điều tra cho thấy nông dân sử dụng phân bón rất cao và mất cân đối, có trên 45% nông dân sử dụng thừa phân đạm, nhất là trong giai đoạn lúa đẻ nhánh và làm đòng (Phạm Anh Cường, 2005) Vì thế, hiện nay ngành nông nghiệp khuyến cáo nên sử dụng phân bón theo nguyên tắc 4 đúng (đúng lúc, đúng liều lượng, đúng cách, đúng thời điểm); bón phân dựa vào bảng
so màu lá lúa; hạn chế sử dụng phân hóa học, thay vào đó là sử dụng các loại phân vi sinh, phân chuồng Ngoài ra, các chương trình 3G3T và 1P5G cũng được khuyến khích và triển khai thực hiện ở một số địa phương (Quốc Dũng, 2013) Qua nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy, bón phân đạm dựa trên bảng so màu lá lúa sẽ giảm được 11
kg đạm/ha so với đối chứng (77,4 kg đạm/ha) (Hà Ngọc Hiển, 2006), năng suất tăng lên 10% (Phạm Sĩ Tân, 2000)
Bảng 2.2: Lượng phân bón khuyến cáo theo từng vùng canh tác
Nguồn: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, 2011
Giảm sử dụng thuốc BVTV
Sử dụng thuốc BVTV quá mức thì lượng thuốc dư thừa tích tụ trong đất và nước ngày càng nhiều gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí và đặc biệt là ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người Bên cạnh đó, sử dụng quá nhiều thuốc BVTV sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc đối với một số loại cỏ dại, dịch bệnh có
Trang 24nguy cơ bùng phát, tiêu diệt một số loài thiên địch có lợi cho cây Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp ngày càng được mở rộng và tăng mùa vụ gieo trồng nên số lượng và chủng loại thuốc BVTV được sử dụng không ngừng tăng lên Theo báo cáo mới đây của Tổng cục Môi Trường (Bộ Tài nguyên – Môi Trường), hầu hết các diện tích đất sản xuất lúa đều sử dụng thuốc BVTV Ước tính trên 1.000 chủng loại thuốc BVTV có độc tính cao được sử dụng trên đồng ruộng (Cao Phong, 2013) Do đó, để hạn chế tình trạng sử dụng thuốc BVTV quá mức, các cán bộ khuyến nông địa phương khuyến cáo nông dân sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng, sản xuất lúa theo
kỹ thuật 1P5G và 3G3T, áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và không mua thuốc BVTV ngoài danh mục cho phép
Giảm nước tưới
Theo Chu Thị Hồng Anh (2011), nguồn nước tưới cho cây trồng trong tương lai được dự báo ngày càng giảm do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, trong đó tình trạng nước biển dâng và xâm nhập mặn là những vấn đề nghiêm trọng đối với sản xuất lúa Vì thế, nông dân phải có kỹ thuật canh tác mới để ứng phó với tình trạng thiếu nước hiện nay hay nói cách khác là trồng lúa tiết kiệm nước Trong các nghiên cứu do các chuyên gia thuộc ban điều hành Chương trình lúa có tưới của Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) phối hợp với Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) trong
10 năm gần đây cho thấy, nếu sử dụng nước tưới cho cây lúa đúng cách thì người nông dân có thể giảm 15 – 20% lượng nước tưới trong mùa khô mà vẫn duy trì được năng suất lúa, đồng thời năng suất lúa có thể tăng thêm 15% bằng việc sử dụng cân đối các loại phân bón và bón đúng thời điểm (Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam, 2007) Theo Nguyễn Tất Cảnh và Nguyễn Văn Dũng (2005), trồng lúa theo phương pháp tiết kiệm nước giúp tiết kiệm được 25% lượng nước tưới và tăng hiệu quả sử dụng nước lên tới 24,7% so với phương pháp truyền thống
Hiện nay, nhiều địa phương ứng dụng phương pháp tưới nước ngập khô xen kẽ
để giảm lượng nước tưới trong canh tác lúa Đây là kỹ thuật được khuyến cáo bởi IRRI, Cục BVTV và các chuyên gia trồng trọt, đem lại hiệu quả cao nhất và được khuyến cáo nhiều nhất Kỹ thuật này giúp giảm được 25 – 50% số lần tưới và giảm tỷ
lệ đổ ngã (Cổng thông tin điện tử Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, 2010) Theo kết quả nghiên cứu của Cabangon (2002) về phương pháp tưới ngập khô xen kẽ trên cây lúa ở Trung Quốc cho thấy năng suất lúa đạt tương đương so với khi trồng lúa ngập nước liên tục, giúp tiết kiệm được từ 5 – 35% lượng nước
Giảm thất thoát sau thu hoạch
Thu hoạch lúa là một trong những khâu căng thẳng về lao động nhất Kỹ thuật
và quy trình thu hoạch kém sẽ dẫn đến chất lượng sản phẩm thấp (Nguyễn Bồng, 2001) Theo Nguyễn Văn Xuân và ctv (2010), tổn thất sau thu hoạch ở các tỉnh
Trang 25ĐBSCL bao gồm cắt, đập, sấy, vận chuyển, tồn trữ và xay xát khoảng 12% Vì thế, một trong những giải pháp được đặt ra hiện nay là áp dụng cơ giới hóa nông nghiệp Theo tính toán của các chuyên gia, nếu thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp thì mức độ hao hụt xấp xỉ 2%, giảm được khoảng 3,1% so với thu hoạch thủ công (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, 2013) Mặt khác, thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp giúp tiết kiệm được chi phí từ 0,5 - 1 triệu đồng/ha và tăng được 2% sản lượng (Dương Văn Chín, 2010) Theo Lê Văn Bảnh (2012), nhờ áp dụng
cơ giới hóa nông nghiệp ở các tỉnh ĐBSCL mà người nông dân có thể rút ngắn thời gian thu hoạch nên thời gian gieo sạ sẽ sớm hơn Bên cạnh việc áp dụng cơ giới hóa, một số giải pháp khác cũng giúp giảm thất thoát sau thu hoạch như thu hoạch lúa đúng thời điểm (trên 85% số hạt trên bông chuyển sang màu vàng rơm), phơi sấy phải được tiến hành ngay sau khi thu hoạch và không nên trễ quá 24 giờ vì ẩm độ cao sẽ làm giảm phẩm chất hạt lúa, không nên phơi lúa ở ngoài đồng hoặc trên nền xi măng, không nên sấy lúa ở nhiệt độ quá 40oC, bảo quản hạt lúa ở ẩm độ thích hợp là 12% (không nên bảo quản ở ẩm độ quá 14%) (Nguyễn Ngọc Đệ, 2008)
2.2.2 Thực trạng ứng dụng kỹ thuật 1P5G
Ở ĐBSCL
Trong những năm qua, quy trình sản xuất lúa theo kỹ thuật 1P5G được áp dụng rộng rãi ở các tỉnh ĐBSCL thông qua nhiều dự án lớn nhỏ khác nhau và đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người nông dân Năm 2009, với sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của IRRI và Cục BVTV, tỉnh An Giang đã triển khai thực hiện mô hình 1P5G với 335
hộ nông dân tham gia trên tổng diện tích 646,92 ha Mô hình được xây dựng trên quy
mô 1 ấp hay 1 tiểu vùng sản xuất, mỗi mô hình có thực hiện các ruộng trình diễn với diện tích 1 ha để nông dân tham quan học tập Nhờ áp dụng một cách đồng bộ các tiến
bộ kỹ thuật như IPM và 1P5G nên sản xuất lúa đạt hiệu quả cao hơn Trong vụ Hè Thu năm 2009, lượng giống đã giảm được 24,5 kg/ha; lượng phân đạm giảm 6,5 kg/ha, lượng phân lân giảm 8,4 kg/ha, lượng phân kali giảm 0,3 kg/ha; số lần phun thuốc trừ sâu giảm 2,4 lần/vụ, số lần phun thuốc trừ bệnh giảm 1,3 lần/vụ; số lần bơm nước giảm 2 lần/vụ; tỷ lệ đổ ngã giảm 11,5%; năng suất lúa tăng 190 kg/ha và lợi nhuận tăng 615.000 đồng/ha so với tập quán canh tác truyền thống (Lưu Hồng Mẫn, 2010) Riêng vụ Đông Xuân 2010 – 2011, lượng giống gieo sạ giảm 76,4 kg/ha; lượng phân đạm giảm 28,1 kg/ha; số lần phun thuốc BVTV giảm 2,5 lần/vụ; số lần bơm nước tưới giảm 1,3 lần/vụ Nhờ việc áp dụng kỹ thuật 1P5G mà lợi nhuận của nông dân trong cánh đồng mẫu tăng trên 4 triệu đồng so với nông dân ngoài cánh đồng (Cục Bảo vệ Thực vật, 2014)
Năm 2012, dự án Cạnh tranh nông nghiệp (ACP) do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ được mở rộng triển khai xây dựng mô hình canh tác lúa gạo bền vững – cánh
Trang 26đồng mẫu lớn áp dụng quy trình kỹ thuật 1P5G tại 7 tỉnh, thành phố thuộc vùng ĐBSCL (An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ) Vụ Đông Xuân năm 2012 – 2013, dự án đã tổ chức đào tạo những kiến thức cơ bản về quy trình sản xuất lúa bền vững, sử dụng giống lúa xác nhận, thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn theo quy trình 1P5G trong sản xuất lúa cho 5.793 nông dân
Vụ Hè Thu năm 2013, đã tổ chức tập huấn cho 12.435 người Dự án đã được người dân hưởng ứng tích cực và tham gia thực hiện Kết quả theo điều tra các hộ ở Cần Thơ
và Kiên Giang cho thấy, lượng giống gieo sạ giảm 58 kg/ha, lượng phân đạm giảm 1,3 kg/ha; số lần phun thuốc BVTV giảm 3,5 lần/vụ và số loại sử dụng trong một lần phun cũng giảm 1,2 loại Vụ Đông Xuân 2013 – 2014, kết quả điều tra ở Sóc Trăng, Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp cho thấy 100% số hộ giảm lượng giống gieo
sạ (trung bình giảm 50 kg/ha), lượng giống gieo sạ từ 120 – 150 kg/ha; 80% số hộ giảm bón phân đạm (trung bình giảm 20 kg/ha); 90% số hộ giảm sử dụng thuốc BVTV (giảm 1 - 2 lần phun); 66% hộ giảm lượng nước tưới; 100% hộ sử dụng máy gặt đập liên hợp để thu hoạch lúa Nhờ việc áp dụng kỹ thuật 1P5G mà chi phí sản xuất giảm, năng suất và lợi nhuận của người dân tăng lên đáng kể Vụ Đông Xuân
2013 – 2014, năng suất lúa đạt ở Cần Thơ và An Giang đạt 10 tấn/ha, với giá bán 5.300 đồng/kg người nông dân sản xuất lúa trong cánh đồng mẫu lớn thu lãi gần 37 triệu đồng/ha, cao hơn các hộ ngoài cánh đồng mẫu là 5 triệu đồng/ha; lợi nhuận tăng 4,5 – 5 triệu đồng/ha so với canh tác lúa truyền thống Chi phí sản xuất ở người dân huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang) đã giảm hơn 4 triệu đồng/ha (Ngọc Diệp, 2014) Ngoài ra, huyện Cái Bè và Cai Lậy tỉnh Tiền Giang đã thực hiện thành công mô hình “Công nghệ sinh thái đồng ruộng” và gần đây là mô hình trồng hoa trên bờ ruộng bao quanh cánh đồng lúa được trồng theo kỹ thuật 1P5G trên diện tích 30 ha ở xã Vĩnh Bình huyện Châu Thành trong vụ Hè Thu năm 2009 nhằm thu hút thiên địch và giúp cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng (Chi cục Bảo vệ Thực vật thành phố Hồ Chí Minh, 2010)
Ở Sóc Trăng và Ngã Năm
Hàng năm, diện tích gieo trồng lúa ở Sóc Trăng rất lớn (từ 320.000 – 350.000 ha), sản lượng lúa đạt trên 2 triệu tấn mỗi năm, cung cấp một lượng lương thực lớn tiêu dùng trong nước và xuất khẩu Do đó, tỉnh đã tổ chức lại sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn áp dụng các biện pháp kỹ thuật 3G3T và 1P5G, sử dụng các giống lúa chất lượng cao, xuống giống tập trung để né rầy theo lịch thời vụ, đồng thời áp dụng cơ giới hóa vào các khâu sản xuất Trong thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn với quy mô vài chục hecta Vụ Đông Xuân 2012 – 2013, có 106 điểm với trên 12.000
ha, vụ Hè Thu 2013 có 104 điểm trên 11.500 ha sản xuất lúa theo quy mô cánh đồng mẫu lớn Qua kết quả thực hiện, năng suất lúa cao hơn từ 5 – 7% so với ngoài cánh
Trang 27đồng, giá thành sản xuất trong cánh đồng giảm 12,6%, lợi nhuận tăng 21,68% Cánh đồng mẫu lớn tại ấp 15 (xã Vĩnh Lợi huyện Thạnh Trị), vụ Đông Xuân 2012 – 2013 với quy trình kỹ thuật áp dụng 1P5G mà chi phí sản xuất bình quân 16,8 triệu đồng/ha; năng suất lúa đạt 68 tạ/ha; giá thành sản xuất là 2.479 đồng/kg lúa; giá bán theo hợp đồng là 5.800 đồng/kg; thu nhập bình quân 39,44 triệu đồng; lợi nhuận bình quân 22,64 triệu đồng/ha (tương đương 57% giá trị sản xuất) (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, 2013)
Ngoài ra, được sự tài trợ của dự án Cạnh tranh nông nghiệp, trung tâm khuyến nông tỉnh Sóc Trăng cũng đã tổ chức 53 lớp tập huấn canh tác lúa theo quy trình 1P5G cho 2.650 nông dân ở Ngã Năm, Thạnh Trị, Mỹ Tú, Châu Thành, Long Phú và Kế Sách Lớp tập huấn được tổ chức nhiều đợt, tùy theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây lúa mà thời gian tổ chức các lớp tập huấn cũng khác nhau (Trung tâm khuyến nông quốc gia, 2014) Bên cạnh đó, Ngã Năm cũng là một trong những vùng triển khai mô hình sản xuất lúa theo quy trình 1P5G trong vùng thủy lợi ở xã Vĩnh Quới Đây là một trong những mô hình thuộc dự án “Phát triển nông nghiệp và môi trường thích nghi với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL” được thí điểm ở Sóc Trăng, do Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam tài trợ nhằm triển khai xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp thích nghi với biến đổi khí hậu (Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu trường Đại học Cần Thơ, 2014)
2.3 TỔNG QUAN VỀ VÙNG NGHIÊN CỨU
2.3.1 Tổng quan về tỉnh Sóc Trăng
2.3.1.1 Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên
Sóc Trăng là một tỉnh ven biển thuộc ĐBSCL, nằm ở cửa Nam sông Hậu, cách thành phố Cần Thơ 62 km Tỉnh có diện tích tự nhiên 3.311,7629 km2 (chiếm khoảng 1% diện tích cả nước và 8,3% diện tích khu vực ĐBSCL) và đường bờ biển dài 72 km với 3 cửa sông lớn đổ ra biển Phía Bắc và Tây Bắc giáp tỉnh Hậu Giang; phía Tây Nam giáp tỉnh Bạc Liêu; phía Đông Bắc giáp tỉnh Trà Vinh; phía Đông và Đông Nam giáp Biển Đông Hiện tỉnh có 11 đơn vị hành chính gồm thành phố Sóc Trăng, thị xã Vĩnh Châu; các huyện Ngã Năm, Châu Thành, Cù Lao Dung, Kế Sách, Long Phú, Mỹ
Tú, Mỹ Xuyên, Thạnh Trị, Trần Đề; và 109 đơn vị hành chính cấp xã gồm 80 xã, 17 phường, 12 thị trấn
Sóc Trăng có địa hình thấp và tương đối bằng phẳng Do nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nên tỉnh Sóc Trăng chịu ảnh hưởng gió mùa, hàng năm có 2 mùa rõ rệt là mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 10) và mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau) Nhiệt độ trung bình hàng năm là 26,8oC Lượng mưa trung bình trong năm
là 1.864 mm Đất đai được chia thành 6 nhóm chính gồm đất cát, đất gley, đất phù sa, đất mặn, đất phèn và đất nhân tác
Trang 28Sóc Trăng có hệ thống kênh rạch chịu ảnh hưởng của chế độ thủy triều ngày lên xuống 2 lần Nguồn nước trên hệ thống sông rạch được pha trộn giữa lượng mưa tại chỗ, nước biển và nước thượng nguồn sông Hậu đổ về Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dòng thủy triều và hải triều nên nước trên sông trong năm có thời gian bị nhiễm mặn vào mùa khô và ngọt hóa vào mùa mưa Phần sông rạch giáp biển bị nhiễm mặn quanh năm, do đó không thể sử dụng nước tưới tiêu trong nông nghiệp, nhưng điều kiện nước mặn và nước lợ nơi đây chính là điều kiện thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản Ngoài ra, Sóc Trăng còn có nguồn tài nguyên rừng và biển phong phú Rừng
ở nơi đây thuộc hệ rừng ngập mặn ven biển và rừng tràm ở khu vực đất nhiễm mặn với tổng diện tích 11.356 ha gồm có nhiều loại cây như tràm, bần, đước, dừa nước Bên cạnh đó, do có đường bờ biển dài 72 km với 3 cửa sông lớn là Trần Đề, Định An
và Mỹ Thanh nên mỗi năm người dân đã thu được nguồn hải sản đáng kể bao gồm cá đáy, cá nổi và tôm Nhờ vào các điều kiện tự nhiên và vị trí thuận lợi nên Sóc Trăng rất có tiềm năng trong việc phát triển tổng hợp kinh tế biển, thủy - hải sản, nông – lâm nghiệp biển, cảng cá, dịch vụ cảng biển, xuất nhập khẩu, du lịch và vận tải biển (Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng, 2014)
Hình 2.1: Bản đồ hành chính tỉnh Sóc Trăng
(Nguồn: Cổng thông tin Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ & vừa tỉnh Sóc Trăng, 2014)
Trang 292.3.1.2 Đặc điểm kinh tế - xã hội
Về kinh tế
Sóc Trăng chủ yếu sản xuất nông nghiệp với diện tích đất nông nghiệp chiếm 84,64% diện tích tự nhiên Trong đó, cây lúa được xem là sản phẩm chủ lực của vùng Năm 2012, tổng sản lượng lúa ước đạt trên 2,2 triệu tấn, tăng trên 285.000 tấn so với năm 2010 Bên cạnh đó, tỉnh còn có nhiều thuận lợi cho việc trồng cây ăn trái Diện tích cây ăn trái vào năm 2012 là 26.988 ha với sản lượng 200.000 tấn trái Chăn nuôi cũng là một ngành nghề truyền thống đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân Năm 2012, tổng đàn heo đạt 317.000 con, đàn bò đạt 23.620 con và gia cầm đạt 5,3 triệu con Ngoài ra, tỉnh còn có tiềm năng rất lớn về việc khai thác thủy sản do có vị trí địa lý, sông ngòi, chế độ nước thích hợp nên có thể phát triển nuôi trồng thủy sản ở
cả 3 vùng sinh thái (nước ngọt, nước mặn, nước lợ) Tổng diện tích đất nuôi trồng thủy sản đến năm 2012 đạt 64.434 ha, tổng sản lượng đạt 181.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 388 triệu USD (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, 2014)
Về văn hóa – xã hội
Năm 2012, dân số tỉnh Sóc Trăng khoảng 11,33 triệu người, gồm các dân tộc Kinh, Khmer và Hoa; trong đó, người Kinh chiếm số lượng đông nhất với 408.000 người, chiếm 30,71% dân số của vùng Năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh theo tiêu chí mới là 24,31%, tỷ lệ hộ cận nghèo là 14,07% Vì thế, tỉnh ủy và các cấp ủy luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện các chính sách an sinh xã hội Nhờ đó, đến năm 2012, toàn tỉnh có 12.250 hộ thoát nghèo và 4.284 hộ nghèo mới phát sinh; toàn tỉnh chỉ còn 62.682 hộ nghèo, chiếm 20,1% tổng số hộ; tỷ lệ hộ cận nghèo còn 13,95% Ngoài ra, tỉnh đã giải quyết việc làm cho 44.944 lao động; đào tạo nghề cho 52.695 người, qua
đó tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đến cuối năm 2012 đã được nâng lên đạt 38% Bên cạnh đó, công tác chăm sóc sức khỏe, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thông tin, cung cấp điện - nước sinh hoạt, bảo đảm điều kiện đi lại cho người dân được quan tâm phát triển, nhất là đối với các dân tộc vùng sâu vùng xa, vùng có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống (Cổng thông tin điện tử thành phần Tạp chí Dân tộc, 2013)
2.3.2 Tổng quan về huyện Ngã Năm
2.3.2.1 Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên
Ngã Năm là một huyện nằm ở phía Tây tỉnh Sóc Trăng, cách tỉnh Sóc Trăng 60
km Huyện có tổng diện tích 24.224,35 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 21.775,22 ha, chiếm 90% tổng diện tích đất tự nhiên; đất phi nông nghiệp chiếm 2.449,13 ha Huyện có 8 đơn vị hành chính, gồm có 7 xã và 1 thị trấn Phía Đông giáp thị xã Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang); phía Tây giáp huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu);
Trang 30phía Nam giáp huyện Thạnh Trị (tỉnh Sóc Trăng); phía Tây Bắc giáp huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang)
Địa hình của huyện Ngã Năm tương đối bằng phẳng Một số vùng đất thấp như
xã Vĩnh Quới, Vĩnh Biên, Tân Long thường bị ngập sâu khoảng từ 2 – 2,5 tháng vào mùa mưa hoặc khi nước thủy triều dâng Đất đai gồm có 3 nhóm chính là đất phèn, đất mặn và đất nhân tác Huyện nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, nóng ẩm quanh năm, lượng nhiệt tương đối cao Khí hậu được chia thành 2 mùa rõ rệt
là mùa mưa và mùa khô Nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 26,8oC, độ ẩm trung bình từ 83 – 84% Lượng mưa bình quân 1.840 mm/năm và phân bố không đều giữa các tháng trong năm Có 2 hướng gió chính hoạt động trên địa bàn huyện là gió mùa Đông Bắc vào mùa khô và gió mùa Tây Nam vào mùa mưa
Hình 2.2: Bản đồ hành chính huyện Ngã Năm
(Nguồn: Cổng thông tin điện tử huyện Ngã Năm tỉnh Sóc Trăng, 2014)
Huyện có hệ thống giao thông thủy bộ thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển với các trung tâm đô thị trong vùng, đặc biệt hệ thống đường thủy có nhiều nhánh sông tỏa đi khắp nơi trong và ngoài tỉnh là điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh hoạt đông giao thương Bên cạnh đó, do nằm ở cuối nguồn sông Hậu thuộc hệ thống sông Cửu Long nên chế độ thủy văn chịu ảnh hưởng bởi hệ thống kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp thông qua hệ thống kênh trục và kênh đồng; nằm sâu trong đất liền nên chế độ thủy
Trang 31văn tương đối ổn định và ảnh hưởng không đáng kể đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp Tuy nhiên, hiện tượng mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu đã và đang tác động đáng kể đến các hoạt động sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của người dân sống ở các vùng ven sông và vùng trũng của huyện Ngã Năm Vì thế, việc xây dựng
và bảo đảm kiên cố các hệ thống đê bao khép kín, chủ động tưới tiêu đang là vấn đề quan tâm của vùng (Cổng thông tin điện tử huyện Ngã Năm tỉnh Sóc Trăng, 2014)
2.3.2.2 Đặc điểm kinh tế - xã hội
220 tỷ đồng, tổng mức luân chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.680
tỷ đồng Ngã Năm còn có lợi thế rất lớn trong việc khai thác và nuôi trồng thủy sản Nguồn tài nguyên thủy sản chủ yếu là thủy sản nước ngọt rất đa dạng và phong phú Ngoài ra, lâm nghiệp cũng chiếm vị trí khá quan trọng trong nền kinh tế của vùng Năm 2011, Ngã Năm có 829,34 ha đất lâm nghiệp, chiếm 3,8% diện tích đất nông nghiệp Rừng chủ yếu để phục vụ cho việc sản xuất nên được quan tâm phát triển và
có khả năng kết hợp để phát triển du lịch sinh thái (Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, 2011)
Về văn hóa – xã hội
Toàn huyện có 19.185 hộ, với 80.423 người gồm các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer
và một số dân tộc khác; trong đó dân tộc Kinh chiếm 74.259 người, người Hoa chiếm
805 người, người Khmer chiếm 5.535 người, các dân tộc khác chiếm 24 người (Cổng thông tin điện tử huyện Ngã Năm, 2014) Trong thời gian qua, huyện đã thực hiện tốt Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới, hiện xã Vĩnh Biên đạt 13/19 tiêu chí, xã Tân Long đạt 12 tiêu chí, xã Mỹ Quới đạt 12 tiêu chí, các xã còn lại đạt từ 8 đến 9 tiêu chí Huyện cũng thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe, khám và điều trị bệnh cho nhiều người dân Xây mới và sửa chữa các phòng học, bàn ghế bị xuống cấp với tổng kinh phí 64 triệu đồng và cấp nhiều suất học bổng cho các học sinh vượt khó học tốt với kinh phí 29 triệu đồng Vận động quỹ an sinh xã hội được trên 4,1 tỷ đồng
và tổ chức xây dựng được 27 căn nhà ở cho hộ nghèo với tổng kinh phí 887 triệu đồng Công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở luôn được quan tâm thực hiện tốt Đến năm 2013, toàn huyện có 85,57% tổng số hộ dân được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa và 44 ấp đạt khu dân cư văn hóa, 100% cơ quan đạt chuẩn văn hóa Bên cạnh đó, có 7/8 xã có Nhà văn hóa, 50 ấp có Nhà sinh hoạt cộng đồng, 26 câu lạc bộ đờn ca tài tử Các chương trình văn nghệ thường xuyên được tổ chức tại các ấp, nhờ
Trang 32đó đáp ứng các nhu cầu giải trí lành mạnh, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân (Cổng thông tin điện tử huyện Ngã Năm, 2013)
Trang 33CHƯƠNG 3 PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
3.1 PHƯƠNG PHÁP TIẾP CẬN
Đề tài sử dụng phương pháp đánh giá nhanh nông thôn có sự tham gia (PRA) và phỏng vấn sâu nông hộ canh tác lúa tại địa bàn nghiên cứu bằng bản câu hỏi soạn sẵn
Từ các kết quả thu thập được có thể đánh giá sự thay đổi hiểu biết, nhận thức và hành
vi của nông dân về kỹ thuật 1P5G; biết được những thuận lợi và khó khăn khi ứng dụng kỹ thuật đồng thời đánh giá được khả năng ứng dụng kỹ thuật 1P5G trong tương lai Tiến trình thu thập số liệu được thể hiện qua Hình 3.1
Đề tài chỉ giới hạn thực hiện điều tra, đánh giá hiện trạng canh tác lúa, đánh giá hiệu quả của khóa tập huấn và dự đoán khả năng mở rộng của gói kỹ thuật 1P5G Về thiết kế các mô hình thí nghiệm, tổ chức tập huấn và mô hình trình diễn do được thực hiện trong dự án “Phát triển nông nghiệp và môi trường thích nghi với biến đổi khí hậu ở tỉnh Sóc Trăng”, đề tài chỉ tham khảo các số liệu trong dự án và đánh giá các kết quả đạt được nên các khâu tổ chức tập huấn, mô hình trình diễn cũng như thiết kế mô hình thí nghiệm không được đề cập trong bài
Điều tra, đánh giá hiện trạng canh tác lúa tại vùng nghiên cứu để nhận ra những khó khăn và thách thức của nông dân
Thiết kế các mô hình thí nghiệm kỹ thuật 1P5G có sự tham gia của người dân
Dự đoán khả năng mở rộng gói kỹ thuật 1P5G trong sản xuất lúa tại vùng nghiên cứu
Hình 3.1: Sơ đồ tóm tắt tiến trình nghiên cứu
Tổ chức tập huấn kỹ thuật 1P5G và các mô hình trình diễn cho nông dân
Đánh giá hiệu quả của lớp tập huấn và mô hình trình diễn qua sự thay đổi hiểu biết, nhận thức và kỹ thuật canh tác của nông dân
Trang 343.2 PHƯƠNG PHÁP CHỌN VÙNG VÀ MẪU NGHIÊN CỨU
3.2.1 Phương pháp chọn vùng nghiên cứu
Đề tài chọn huyện Ngã Năm tỉnh Sóc Trăng do nơi đây có tiềm năng rất lớn để phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cây lúa với việc xây dựng các cánh đồng mẫu và sản xuất lúa chất lượng cao qua các giống đặc sản như ST5 và ST20 Ngoài ra, đây là nơi chịu ảnh hưởng của hiện tượng xâm nhập mặn nên có nguy cơ thiếu nước ngọt cho sản xuất lúa vào mùa khô Trong đó, 2 xã được chọn là xã Vĩnh Biên và xã Vĩnh Quới bị ảnh hưởng nhiều nhất
3.2.2 Phương pháp chọn mẫu nghiên cứu
Đề tài sử dụng phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên với tổng số mẫu 60, bao gồm các hộ nông dân sản xuất lúa trên 2 năm để đánh giá hiện trạng canh tác lúa tại vùng nghiên cứu Đồng thời, liên hệ với UBND xã, Trạm khuyến nông và Hội nông dân ở
xã Vĩnh Biên và xã Vĩnh Quới để chọn ngẫu nhiên 40 nông dân tham gia lớp tập huấn thỏa mãn các điều kiện như có nhu cầu trao đổi, học hỏi về kỹ thuật 1P5G; có diện tích đất canh tác lúa; là người trực tiếp sản xuất và có nhiều kinh nghiệm sản xuất lúa (từ 2 năm trở lên); đặc biệt phải mang tính đại diện cho vùng nghiên cứu
Bảng 3.1: Số mẫu điều tra trong nghiên cứu
3.3 PHƯƠNG PHÁP THU THẬP SỐ LIỆU
Nội dung 1: Đánh giá hiện trạng canh tác lúa ở huyện Ngã Năm tỉnh Sóc
Trăng
- Thu thập số liệu thứ cấp: Các số liệu thứ cấp được thu thập từ:
Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng; báo cáo tổng kết của UBND - Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ngã Năm;
Các bài báo, sách, trang web và các nghiên cứu trước có liên quan đến đề tài;
Ngoài ra, đề tài cũng sử dụng số liệu của dự án nghiên cứu “Phát triển nông nghiệp và môi trường thích nghi với biến đổi khí hậu ở tỉnh Sóc Trăng” do Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam tài trợ, Trường Đại học Cần
Trang 35Thơ phối hợp với Trường Đại học Wageningen (Hà Lan), Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường Sóc Trăng thực hiện trong năm 2013
- Thu thập số liệu sơ cấp: Sử dụng phương pháp đánh giá nhanh nông thôn
có sự tham gia (PRA) và thực hiện phỏng vấn nông hộ
Đánh giá nhanh nông thôn có sự tham gia: Chọn ra 2 nhóm (mỗi nhóm 10
người bao gồm nông dân, cán bộ địa phương và cán bộ ngành nông nghiệp) ở xã Vĩnh Biên và xã Vĩnh Quới am hiểu địa bàn nghiên cứu Sau
đó, tiến hành thảo luận nhóm với nội dung liên quan đến hiện trạng sản xuất lúa, những thuận lợi và khó khăn của người dân trong quá trình sản xuất
Phỏng vấn nông hộ: dựa vào các kết quả thảo luận nhóm để hoàn thành
một bản câu hỏi (Phụ lục 1) và thực hiện phỏng vấn trực tiếp 60 hộ nông dân tại 2 xã nghiên cứu (mỗi xã 30 hộ)
Nội dung phỏng vấn
Thông tin về nông hộ: Giới tính, tuổi, trình độ học vấn, kinh nghiệm sản xuất, số nhân khẩu và lao động, diện tích đất canh tác lúa và tham gia lớp tập huấn kỹ thuật trước đây;
Thông tin về kỹ thuật canh tác và hiệu quả kinh tế: Mùa vụ, cách sử dụng giống, lượng phân bón và thuốc BVTV, cách quản lý nước, chăm sóc, thu hoạch, chi phí, năng suất và thu nhập
Nội dung 2: Đánh giá sự chuyển biến về hiểu biết, nhận thức và kỹ thuật canh tác của nông dân sau khi tham gia khóa tập huấn
- Thu thập số liệu: Kiểm tra đầu khóa và cuối khóa những nông dân tham gia
lớp tập huấn thông qua bản câu hỏi phỏng vấn nhanh (Phụ lục 2), các kết quả thảo luận nhóm về những chuyên đề trong từng buổi tập huấn Qua các thông tin và số liệu thu thập được có thể đánh giá sự hiểu biết, nhận thức của
nông dân thay đổi như thế nào sau khóa tập huấn Ở vụ lúa tiếp theo, phỏng
vấn trực tiếp 40 hộ đã tham gia tập huấn (chọn ngẫu nhiên) để đánh giá những thay đổi trong kỹ thuật canh tác và hiệu quả sản xuất của nhóm nông dân này sau thời gian tập huấn
Trang 36 Nội dung 3: Đánh giá khả năng mở rộng gói kỹ thuật 1P5G của nông dân ở vùng nghiên cứu
- Sử dụng công cụ ADOPT để đánh giá khả năng mở rộng gói kỹ thuật 1P5G của nông dân ở vùng nghiên cứu ADOPT là công cụ mô phỏng khả năng chấp nhận và phổ triển kỹ thuật mới Công cụ ADOPT giúp mô phỏng mức
độ chấp nhận cao nhất của kỹ thuật mới và thời gian cần thiết để đạt được mức độ chấp nhận đó, chỉ ra các nhân tố ảnh hưởng đến việc chấp nhận và phổ triển kỹ thuật mới nhằm đề ra những biện pháp nâng cao khả năng chấp nhận Công cụ ADOPT được sử dụng trong đề tài này nhằm mô phỏng khả năng chấp nhận của nông dân về việc ứng dụng kỹ thuật 1P5G dựa trên các thông tin và số liệu đã thu thập được, đồng thời dự đoán được khả năng ứng dụng của kỹ thuật trong tương lai và các yếu tố giới hạn khả năng mở rộng của kỹ thuật Từ các kết quả phân tích thông tin và số liệu thu thập được, xác định những khó khăn, nguyên nhân hạn chế ứng dụng kỹ thuật 1P5G của nông dân để đưa ra các giải pháp nhằm giúp nông dân tự tin áp dụng kỹ thuật này một cách hiệu quả
Thực hiện kiểm tra cuối khóa bằng bản câu hỏi phỏng vấn nhanh nhằm đánh giá sự cải thiện về hiểu biết, nhận thức của nông dân về kỹ thuật 1P5G sau khi tham gia khóa tập huấn
Thực hiện phỏng vấn chuyên sâu về kỹ thuật canh tác lúa và hiệu quả kinh tế để đánh giá việc áp dụng
kỹ thuật 1P5G của nông dân
Hình 3.2: Sơ đồ tóm tắt tiến trình đánh giá sự chuyển biến về hiểu biết, nhận
thức và kỹ thuật canh tác của nông dân
Quan sát sự tham gia, mức độ quan tâm học hỏi của nông dân
Trang 37- Thu thập số liệu: Sử dụng bản câu hỏi được hoàn thành dựa trên 22 biến
của công cụ ADOPT (Phụ lục 3) để thực hiện thảo luận nhóm 10 nông dân
am hiểu về kỹ thuật 1P5G và địa bàn nghiên cứu cùng với 5 cán bộ địa phương Sau đó, chuyển đổi số liệu theo định dạng mà công cụ ADOPT yêu cầu Nội dung của các câu hỏi thuộc 4 lĩnh vực ảnh hưởng đến sự chấp nhận
kỹ thuật 1P5G được trình bày ở Bảng 3.2
Bảng 3.2: Các lĩnh vực và yếu tố ảnh hưởng đến khả năng ứng dụng gói kỹ thuật 1P5G trong canh tác lúa của công cụ ADOPT
Lợi ích tương đối cho nông dân
Lợi ích tương đối của kỹ thuật 1P5G
- Lợi ích trong năm
- Lợi ích trong tương lai
- Thời gian đến khi thu lợi
- Lợi ích về môi trường
- Thời gian đến khi có lợi về môi trường
- Khả năng điều chỉnh cho dễ dàng/thuận tiện
- Chi phí dự chi cho chấp nhận kỹ thuật
- Khả năng trở lại tình trạng sản xuất cũ
- Rủi ro
3.4 PHƯƠNG PHÁP PHÂN TÍCH VÀ XỬ LÝ SỐ LIỆU
Sử dụng phần mềm Exel và SPSS để phân tích và xử lý số liệu điều tra Các phương pháp phân tích đối với từng mục tiêu cụ thể như sau:
Nội dung 1
Sử dụng phương pháp thống kê mô tả (phân tích tần số và giá trị trung bình): Nhằm mô tả các đặc điểm cơ bản của nông hộ, điều kiện và thực trạng sản xuất lúa
của nông dân tại vùng nghiên cứu
- Thống kê mô tả là tập hợp các phương pháp đo lường, mô tả và trình bày số liệu được ứng dụng vào các lĩnh vực kinh tế, xã hội, mô tả đặc điểm nông hộ bằng cách rút ra những kết luận dựa trên số liệu và thông tin thu thập được
Trang 38- Phương pháp phân tích tần số là việc lập và sắp xếp các dữ liệu thành từng nhóm khác nhau, được trình bày thành các bảng hoặc biểu đồ Sau đó, đếm số quan sát rơi và giới hạn của từng nhóm để xác định tần số
- Giá trị trung bình: bằng tổng tất cả các giá trị biến quan sát chia cho số quan sát
Nội dung 2
- Sử dụng phương pháp phân tích tần số để biết được tần suất xuất hiện hay tỷ lệ
% đạt được từng tiêu chí trong kỹ thuật 1P5G nhằm đánh giá những hiểu biết, nhận thức và hành vi về kỹ thuật 1P5G trước và sau tập huấn
- Sử dụng kiểm định T-Test để đánh giá hiệu quả của kỹ thuật 1P5G sau khi nông dân đưa vào sản xuất thực tế
Nội dung 3
Sử dụng công cụ ADOPT để dự đoán khả năng phát triển của gói kỹ thuật 1P5G trong tương lai Phân tích độ nhạy để xác định các yếu tố giới hạn khả năng mở rộng của kỹ thuật để từ đó đề xuất các giải pháp khắc phục
Trang 39CHƯƠNG 4 KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
4.1 THÔNG TIN CHUNG VỀ NÔNG HỘ CANH TÁC LÚA
4.1.1 Thông tin chung của chủ hộ
4.1.1.1 Tuổi
Chủ hộ thường là người lao động chính và có vai trò quyết định đến phương thức sản xuất lúa của nông hộ Qua kết quả điều tra cho thấy, các chủ hộ có độ tuổi trung bình là 49 tuổi, lớn nhất là 71 tuổi và thấp nhất là 24 tuổi Trong đó, nhóm chủ
hộ có độ tuổi từ 40 – 60 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất (55%), nhóm trên 60 tuổi chỉ chiếm
tỷ lệ 6,7% (Bảng 4.1) Từ đó cho thấy chủ hộ sản xuất lúa tại địa bàn nghiên cứu đang
ở độ tuổi trung niên Ở nhóm tuổi này họ sẽ có khả năng quyết định dứt khoát trong việc đầu tư hay những thay đổi trong hoạt động sản xuất Trong khi đó, nhóm tuổi từ
20 – 40 đạt điều kiện tốt nhất về sức khỏe để có thể tham gia hầu hết các công việc chủ yếu trong canh tác lúa, hơn nữa đây cũng là nhóm tuổi khá năng động trong việc tiếp thu những tiến bộ về khoa học kỹ thuật cũng như xây dựng những chiến lược lâu dài cho hoạt động sản xuất
Bảng 4.1: Tuổi của chủ hộ phân theo nhóm
độ văn hóa càng cao sẽ dễ dàng tiếp thu, nắm bắt được những kỹ thuật và áp dụng vào sản xuất hiệu quả hơn Qua kết quả Hình 4.1 cho thấy trình độ văn hóa của các chủ hộ tập trung ở cấp 1 và cấp 2 (86,7%); trong đó các hộ có trình độ cấp 1 chiếm 41,7% và các hộ có trình độ cấp 3 chiếm tỷ lệ thấp nhất với 13,3% Như vậy, trình độ văn hóa của các chủ hộ tại địa bàn nghiên cứu vẫn còn khá thấp, do đó sẽ gây khó khăn trong việc chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất Đồng thời, cũng gây ảnh hưởng gián tiếp đến thu nhập và lợi nhuận của nông hộ
Trang 40Hình 4.1: Trình độ văn hóa của chủ hộ phân theo nhóm
(Nguồn: Kết quả điều tra nông hộ năm 2013)
4.1.1.3 Kinh nghiệm sản xuất
Trong sản xuất nông nghiệp, ngoài yếu tố kỹ thuật và điều kiện thời tiết thuận lợi thì kinh nghiệm sản xuất đóng vai trò quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sản xuất Qua điều tra cho thấy kinh nghiệm sản xuất lúa của các chủ hộ trung bình là 23 năm, cao nhất là 50 năm và thấp nhất là 2,5 năm Ngoài ra, từ kết quả Bảng 4.2, đa số các chủ hộ có kinh nghiệm sản xuất lúa trên 10 năm chiếm tỷ lệ 90%; trong đó, chủ yếu tập trung trên 20 năm (48,3%) Nhìn chung, các chủ hộ tại địa bàn nghiên cứu có kinh nghiệm sản xuất lâu năm nên sẽ có kinh nghiệm trong việc phòng tránh các rủi ro
và quản lý hoạt động sản xuất hiệu quả hơn so với những hộ ít kinh nghiệm Tuy nhiên, một số chủ hộ có kinh nghiệm và tập quán sản xuất lâu năm thường có xu hướng bảo thủ và khó chấp nhận những cái mới nên sẽ gặp khó khăn khi chuyển giao
kỹ thuật mới cũng như phương thức sản xuất tiên tiến
Bảng 4.2: Kinh nghiệm sản xuất của chủ hộ phân theo nhóm