1. Trang chủ
  2. » Luận Văn - Báo Cáo

Mối quan hệ giữa Nhà nước Việt Nam và Giáo hội Công giáo từ 1975 đến nay

105 1,3K 5

Đang tải... (xem toàn văn)

Tài liệu hạn chế xem trước, để xem đầy đủ mời bạn chọn Tải xuống

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Tiêu đề Mối quan hệ giữa nhà nước Việt Nam và giáo hội Công giáo từ 1975 đến nay
Tác giả Trương Thị Ngọc Lan
Người hướng dẫn PGS. TS Nguyễn Hồng Dương
Trường học Đại Học Quốc Gia Hà Nội - Trường Đại Học Khoa Học Xã Hội Và Nhân Văn
Chuyên ngành Tôn giáo học
Thể loại Luận văn thạc sĩ
Năm xuất bản 2013
Thành phố Hà Nội
Định dạng
Số trang 105
Dung lượng 822,73 KB

Nội dung

Tình hình nghiên cứu: Mối quan hệ giữa Nhà nước và Giáo hội Công giáo Việt Nam đã được nghiên cứu một cách trực tiếp hay gián tiếp trong nhiều công trình, bài viết, chuyên đề… Trong các

Trang 1

Hà Nội - 2013

Trang 2

MỐI QUAN HỆ GIỮA NHÀ NƯỚC VIỆT NAM VÀ

GIÁO HỘI CÔNG GIÁO TỪ 1975 ĐẾN NAY

Hà Nội - 2013

Trang 3

3

MỤC LỤC

MỤC LỤC 1

MỞ ĐẦU 5

1 Lý do chọn đề tài 5

2 Tình hình nghiên cứu: 6

3 Mục đích nghiên cứu: 8

4 Nhiệm vụ nghiên cứu: 9

4 Đối tượng và phạm vi nghiên cứu: 9

5 Cơ sở lý luận và phương pháp luận: 9

6 Đóng góp của luận văn 9

7 Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn 10

8 Kết cấu của luận văn: 10

CHƯƠNG I MỐI QUAN HỆ GIỮA NHÀ NƯỚC VÀ GIÁO HỘI, VÀI NÉT VỀ TÌNH HÌNH, ĐẶC ĐIỂM CÔNG GIÁO Ở VIỆT NAM HIỆN NAY 11

1.1 Cơ sở lý luận chung của mối quan hệ giữa nhà nước và Giáo hội 11

1.2 Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo 18

1.3 Mối quan hệ giữa nhà nước và Giáo hội ở Việt Nam trong lịch sử 21

1.3.1 Mối quan hệ giữa nhà nước phong kiến và tôn giáo trước khi Công giáo được truyền vào Việt Nam 21

1.3.2 Mối quan hệ giữa nhà nước và tôn giáo từ sau khi Công giáo được truyền vào Việt Nam cho đến trước năm 1975 25

1.4 Vài nét về tình hình, đặc điểm Giáo hội Công giáo ở Việt Nam hiện nay 34 KẾT LUẬN CHƯƠNG I 39

CHƯƠNG II MỐI QUAN HỆ GIỮA NHÀ NƯỚC VIỆT NAM VÀ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO TỪ NĂM 1975 ĐẾN NAY- MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA 40

Trang 4

4

2.1 Mối quan hệ giữa nhà nước và Giáo hội Công giáo từ năm 1975 đến năm

1990 40

2.2 Mối quan hệ giữa nhà nước Việt Nam và Giáo hội Công giáo từ năm 1990 đến nay 57

2.3 Một số vấn đề đặt ra 92

2.3.1 Vấn đề đặt ra về phía Nhà nước 92

2.3.2 Vấn đề đặt ra từ phía Giáo hội 96

KẾT LUẬN CHƯƠNG II 98

KẾT LUẬN 99

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 102

Trang 5

Công giáo là một trong những tôn giáo lớn trên thế giới, đang hiện diện

ở nước ta, không những thế Công giáo Việt Nam còn có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội Việt Nam Không chỉ bị chi phối bởi tín lý và giáo lý, Công giáo còn bị chi phối bởi hệ thống giáo luật và được điều hành bởi hàng giáo phẩm Là một tôn giáo có hệ thống tổ chức chặt chẽ từ trung ương đến địa phương, Giáo hội Công giáo Việt Nam không chỉ đóng khung trong dân tộc mà còn nằm trong mối liên hệ mật thiết với giáo hội hoàn vũ Đây là một thế mạnh của Giáo hội Công giáo nhưng nó cũng đặt ra nhiều vấn đề về mối quan hệ giữa Giáo hội Công giáo với nhà nước thế tục

Từ khi Công giáo được truyền vào nước ta (khoảng thế kỷ XVI), Công giáo Việt Nam phải đối diện với 3 thách đố lớn mang tính sống còn: Công giáo và/với tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống (đặc biệt là tín ngưỡng thờ cúng

tổ tiên), Công giáo và/ với văn hóa truyền thống Việt Nam và Công giáo và/với dân tộc Việt Nam Đây là 3 vấn đề xuyên suốt quá trình đạo Công giáo

du nhập vào Việt Nam và tồn tại lâu dài cho đến tận ngày nay Vấn đề Công giáo và/với dân tộc là vấn đề quan trọng và được thể hiện qua mối quan hệ giữa Nhà nước với Giáo hội Công giáo Việt Nam Có thể nói trong các tôn

Trang 6

6

giáo ở Việt Nam, do những đặc điểm lịch sử để lại, quan hệ giữa Giáo hội Công giáo và Nhà nước trở nên mối quan hệ cơ bản quan trọng bậc nhất, có ý nghĩa thử thách nhất tính đúng đắn sáng tạo hay tính bất cập, chưa hiệu quả

của chính sách tôn giáo ở nước ta

Từ năm 1975 đến nay, đất nước được thống nhất Mối quan hệ giữa nhà nước ta và Giáo hội Công giáo Việt Nam một mặt theo chiều hướng tích cực với nhiều thành tựu, Công giáo đã đồng hành cùng dân tộc nhưng mặt khác vẫn còn tồn tại những tiêu cực mà chủ yếu từ phía Giáo hội Công giáo Vì vậy, việc nghiên cứu mối quan hệ giữa nhà nước và Giáo hội Công giáo Việt Nam không chỉ có ý nghĩa lý luận mà còn có ý nghĩa thực tiễn

Xuất phát từ những lý do trên, tôi chọn đề tài “Mối quan hệ giữa nhà nước Việt Nam và Giáo hội Công giáo từ 1975 đến nay” làm luận văn tốt nghiệp của mình

2 Tình hình nghiên cứu:

Mối quan hệ giữa Nhà nước và Giáo hội Công giáo Việt Nam đã được nghiên cứu một cách trực tiếp hay gián tiếp trong nhiều công trình, bài viết, chuyên đề…

Trong các tác phẩm trình bày về quan niệm của chủ nghĩa Mác – Lênin,

tư tưởng Hồ Chí Minh về tín ngưỡng, tôn giáo và khảo cứu về đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về tôn giáo đã đề cập ít nhiều tới mối quan hệ giữa Nhà nước Việt Nam với các tổ chức tôn giáo trong đó có Công giáo

trong đó có thể kể đến như Lý luận về tôn giáo và tình hình tôn giáo ở Việt Nam hiện nay của tác giả Đặng Nghiêm Vạn, Tôn giáo – Quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam hiện nay của tác giả Nguyễn Đức Lữ (2009), Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo và sự vận dụng ở Việt Nam hiện nay (Nguyễn Đức Lữ chủ biên, 2009) và gần đây nhất là cuốn Quan điểm

Trang 7

7

đường lối của Đảng về tôn giáo và những vấn đề tôn giáo ở Việt Nam hiện nay của tác giả Nguyễn Hồng Dương (2012)… Công trình nghiên cứu và hệ

thống về chính sách của Đảng và Nhà nước cụ thể đối với đạo Công giáo tiêu

biểu có cuốn “Tìm hiểu về chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đạo Thiên Chúa” của tác giả Nguyễn Văn Đông xuất bản năm 1988…

Trong các tác phẩm nghiên cứu về quá trình truyền bá và phát triển của đạo Công giáo tại Việt Nam cũng đã đề cập đến những vấn đề nảy sinh, những dấu mốc trong quan hệ giữa Nhà nước Việt Nam với Giáo hội Công

giáo Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử: Công giáo Việt Nam sau quá trình 50 năm (Trương Bá Cần, 1996), Một số vấn đề về lịch sử đạo Thiên Chúa trong lịch sử dân tộc Việt Nam (Nhiều tác giả, 1988), Một số vấn đề về lịch sử đạo Thiên Chúa ở Việt Nam (Đỗ Quang Hưng, 1990)…

Những nghiên cứu về mối quan hệ giữa Nhà nước và giáo hội cho đến

nay, tiêu biểu nhất có công trình “Bước đầu tìm hiểu về mối quan hệ giữa Nhà nước và Giáo hội” (Đỗ Quang Hưng chủ biên, năm 2003) Đây là tập kỷ

yếu tập hợp những bài viết của nhiều nhà nghiên cứu và cán bộ quản lý về mối quan hệ giữa nhà nước và giáo hội nói chung, với giáo hội và các tôn giáo ở Việt Nam nói riêng tại cuộc hội thảo “Nhà nước và Giáo hội” do Viện Nghiên cứu tôn giáo tổ chức vào tháng 5 – 2002 Tiếp theo đó là hai hội thảo

với chủ đề “Tôn giáo và Pháp quyền ở Đông Nam Á: bước đầu trao đổi” và

“Tôn giáo và pháp quyền ở Đông Nam Á: tiếp tục thảo luận” do Viện Nghiên

cứu Tôn giáo (Viện Khoa học xã hội Việt Nam) và Hội Việt - Mỹ (Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam) phối hợp với Viện Can dự Toàn cầu (Hoa Kỳ) tổ chức trong 2 năm 2006 và 2007 Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu

trong nước và quốc tế trình bày các tham luận tập trung vào một số chủ đề: so

sánh các mô hình quan hệ nhà nước – tôn giáo; vấn đề pháp nhân tôn giáo; tình hình hiện tại và tiến triển của luật pháp tôn giáo ở Đông Nam Á, đề cập

Trang 8

Rôma hiện nay”, “Một số vấn đề tôn giáo ở Việt Nam”, “Mối quan hệ tôn

giáo và chính trị - Những vấn đề lí luận và mô thức”, “Công giáo và Dân tộc thời kỳ 1946-1954”, “Nhà nước ta với Công giáo”…; tác giả Nguyễn Quang Hưng với bài viết: “Các nhân tố ảnh hưởng tới chính sách của Nhà nước Việt Nam đối với Công giáo nhìn từ góc độ văn hóa - tôn giáo”; “Người Công giáo Việt Nam trong những tháng đầu sau cách mạng Tháng Tám”; “Vài nét về lập trường của Tòa thánh Vatican đối với cuộc chiến tranh Việt Nam (1954-1975)”…; Linh mục Thiện Cẩm với bài viết “Đức tin và chính trị”…

Tuy nhiên, những công trình nghiên cứu một cách toàn diện về mối quan hệ giữa nhà nước Việt Nam hiện nay với Giáo hội Công giáo Việt Nam

từ năm 1975 đến nay thì hầu như chưa có

3 Mục đích nghiên cứu:

- Mục đích nghiên cứu: tìm hiểu mối quan hệ giữa nhà nước Việt Nam

và Giáo hội Công giáo từ năm 1975 đến nay

Trang 9

9

4 Nhiệm vụ nghiên cứu:

- Trình bày cơ sở lý luận của mối quan hệ giữa nhà nước và Giáo hội Công giáo Việt Nam;

- Những biểu hiện của mối quan hệ giữa nhà nước và Giáo hội Công giáo Việt Nam trong khoảng thời gian từ năm 1975 đến nay;

- Một số vấn đề đặt ra đối với mối quan hệ giữa nhà nước và Giáo hội Công giáo Việt Nam hiện nay

4 Đối tượng và phạm vi nghiên cứu:

- Đối tượng nghiên cứu: Mối quan hệ giữa nhà nước và Giáo hội Công giáo Việt Nam từ sau năm 1975

- Phạm vi nghiên cứu: xoay quanh những vấn đề có liên quan đến mối quan hệ giữa Nhà nước Việt Nam và Giáo hội Công giáo từ năm 1975 đến nay

5 Cơ sở lý luận và phương pháp luận:

- Cơ sở lý luận: quan niệm của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước ta về tôn giáo

- Cơ sở phương pháp luận: luận văn sử dụng kết hợp các phương pháp nghiên cứu lôgic – lịch sử, cấu trúc – hệ thống, phương pháp diễn dịch, quy nạp

6 Đóng góp của luận văn

Luận văn góp phần đem lại cái nhìn lịch sử cụ thể và diễn tiến mối quan hệ giữa Nhà nước Việt Nam và Giáo hội Công giáo Việt Nam giai đoạn

từ năm 1975 đến nay

Trang 10

10

7 Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn

- Ý nghĩa lý luận: Luận văn cung cấp thêm cơ sở góp phần xây dựng lý luận về mối quan hệ giữa Nhà nước và Giáo hội, giữa tôn giáo và chính trị

- Ý nghĩa thực tiễn: Luận văn cung cấp cho người đọc một cái nhìn khái quát về mối quan hệ giữa nhà nước Việt Nam và Giáo hội Công giáo trong giai đoạn từ năm 1975 đến nay Luận văn có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho việc hoạch định các chính sách của Nhà nước về tôn giáo và các lĩnh vực khác có liên quan

8 Kết cấu của luận văn:

Ngoài phần mở đầu, kết luận, mục lục và danh mục tài liệu tham khảo, luận văn gồm 2 chương và 7 tiết

Trang 11

11

CHƯƠNG I MỐI QUAN HỆ GIỮA NHÀ NƯỚC VÀ GIÁO HỘI, VÀI NÉT VỀ TÌNH HÌNH, ĐẶC ĐIỂM CÔNG GIÁO Ở VIỆT NAM

HIỆN NAY

1.1 Cơ sở lý luận chung của mối quan hệ giữa nhà nước và Giáo hội

Khi nói đến quan hệ của nhà nước với các tổ chức tôn giáo không có nghĩa là đề cập đến quan hệ của nhà nước với bản thân tôn giáo, mà là với tổ chức đại diện cho tôn giáo Tổ chức tôn giáo có những điểm chung, đó là cơ quan tổ chức ra nhằm tuyên truyền, thực hiện những nghi lễ tôn giáo, chỉ đạo những hoạt động mang tính xã hội, kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, y tế…Mỗi tổ chức tôn giáo đều có những thiết chế thích hợp, có một bộ máy điều hành…Nhưng tổ chức của các tôn giáo lại có kết cấu không giống nhau, nhất là giữa các tôn giáo độc thần (Do thái giáo, Công giáo, Hồi giáo) hay giữa các tôn giáo đa/ phiếm thần (Phật giáo, Nho giáo), và giữa các tôn giáo độc thần và đa/phiếm thần cũng có những điểm khác nhau

Quan hệ giữa các nhà nước với các tổ chức tôn giáo cũng lại khác nhau tùy theo nhà nước đó thuộc chế độ nào, thể hiện trong chính sách tôn giáo của nước đó

Nhà nước phong kiến, Đông cũng như Tây thường dựa vào một tôn giáo để điều hành đất nước Ở châu Âu, chỉ tồn tại một tôn giáo lại là tôn giáo độc thần, đó là đạo Công giáo Sau khi tiêu diệt tất cả các hình thức tôn giáo

có trước của từng quốc gia, Công giáo trở thành một tôn giáo siêu quốc gia, bao trùm lên nhiều nước, với một Giáo hội hoàn vũ – Vatican – được tổ chức như một nhà nước đứng trên và nằm trong các nước –chi phối chính quyền các quốc gia, tấn phong các vua chúa, khuynh loát các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, thậm chí quân sự của các quốc gia Mô hình nhà nước thời kỳ này có những đặc tính:

Trang 12

Thế kỷ XVI đánh dấu một bước chuyển lớn trong đời sống tôn giáo châu Âu Ở những nước vẫn theo Công giáo, theo Thỏa hiệp năm 1516, tuy chưa cắt đứt quan hệ với Giáo triều Roma, các nhà vua các nước châu Âu được hưởng một quyền độc lập nhất định, nhưng vẫn phụ thuộc vào Rôma Ở các nước theo đạo Tin Lành với những tổ chức độc lập, không chịu sự chi phối của Giáo hoàng, tuy Giáo hội vẫn có ảnh hưởng đến nhà nước

Khác với châu Âu, ở các quốc gia phong kiến phương Đông, nhà nước chủ động dựa vào một tôn giáo để trị nước Ở đây, nhà vua, người đại diện cho quyền sở hữu tối cao về đất đai, tự cho mình là thiên tử, hay nói như C Mác, một phần là ông vua chuyên chế có thực, một phần là một nhân vật huyền thoại không có thực, cai quản cả con người trên trần thế, các thần linh, ma quỷ, các vong linh người đã mất trong phạm vi lãnh thổ

mà mình cai quản

Điều phản ánh tính khác biệt rõ ràng nhất giữa các nhà nước phương Đông và phương Tây trong lịch sử là mỗi một con người, không loại trừ ai, đều là đối tượng của sự thờ cúng, chí ít là được con cháu thờ cúng; nếu có

Trang 13

Sang đến chủ nghĩa tư bản hay xã hội công nghiệp, nhằm ngăn chặn sự lũng đoạn của các thế lực tôn giáo đối với nhà nước, nhằm phá thế độc tôn của một tôn giáo, tôn trọng quyền tự do tôn giáo, nhà nước tuyên bố quyền tự

do tôn giáo và nguyên tắc nhà nước theo chế độ thế tục như Rútxô viết:

“Không bao giờ nhà nước lại xây dựng trên nền tảng là tôn giáo” Các cuộc cách mạng tư sản thời kỳ này đã phát hiện và xây dựng một mô hình nhà nước mới để giải quyết vấn đề quan hệ giữa Nhà nước – Giáo hội Nền tảng lý thuyết của mô hình nhà nước này là: nhà nước thế tục trước hết phải là nhà nước phi tôn giáo với hai nguyên lý cơ bản: đảm bảo quyền tự do tôn giáo của công dân và thực hiện nguyên tắc phân tách (hoặc phân ly) giữa giáo hội và nhà nước Như vậy, nguyên tắc chung quyết định mối quan hệ giữa nhà nước

và tôn giáo là tự do tôn giáo và không tôn giáo, các tổ chức tôn giáo tách khỏi nhà nước, tách khỏi nhà trường Công việc tôn giáo được coi là công việc riêng tư Về mặt luật pháp, theo đó, dần dần hình thành một nhà nước pháp quyền về tôn giáo, các tổ chức tôn giáo dần dần được coi như những thành viên của xã hội dân sự

Tuy nhiên cần phân biệt nguyên tắc thế tục với thuyết duy thế tục, là

“một trào lưu tư tưởng thật sự có cương lĩnh theo đuổi mục tiêu giải phóng xã hội ra khỏi mọi ảnh hưởng tôn giáo và đôi khi gắn với những hình thức của thuyết vô thần nhà nước”

Trang 14

14

Nguyên tắc thế tục cũng cần được phân biệt với quá trình tục hóa là

“một quá trình bao quát hơn mô tả sự thay đổi vai trò của tôn giáo trên cả ba cấp độ vi mô, trung mô và vĩ mô của xã hội, trên bình diện văn hóa cũng như

cơ cấu xã hội Nguyên tắc thế tục chỉ làm một phần biểu hiện của quá trình thế tục hóa trên bình diện cơ chế và tổ chức trong mối quan hệ giữa Nhà nước

và Giáo hội

Việc giải quyết mối quan hệ giữa nhà nước và giáo hội là một vấn đề phức tạp và kéo dài trong lịch sử nhân loại mà nguyên nhân xuất phát là từ cả hai phía: Về phía Nhà nước, đặc biệt là các nhà nước thế tục đều mặc nhiên thừa nhận quyền tự do tôn giáo và thi hành chính sách “phân ly với các giáo hội” Nhưng mặt khác vấn đề an ninh quốc gia, trật tự xã hội thường đặt ra trước các thực tại xã hội, trong đó có các giáo hội, một nhu cầu có tính nguyên tắc và thiêng liêng, không phải lúc nào cũng dễ dàng được các giáo hội chấp nhận

Về phía Giáo hội, ngoài ý muốn chủ quan của những người lợi dụng thần quyền, còn có lý do sâu xa là tôn giáo vốn là một yếu tố nhập thể của loài người khi hình thành xã hội Trong khi ấy, nhà nước là một thứ quyền bính trần thế có xu hướng quản lý, gò ép nó

Vì vậy, khi xem xét mối quan hệ giữa tôn giáo với chính trị, nhà nước,

ta cần lưu ý trên cả 2 phương diện:

- Trên bình diện định chế, luật pháp:

Tại phương Tây, từ thời Cổ đại cho đến thời Trung cổ, nói chung mối quan hệ này là đồng nhất, tôn giáo là chính trị và ngược lại Khi nhiệm vụ xây dựng nhà nước gia tăng với sự xuất hiện nhiều tôn giáo nhập thế, khiến quốc vương cũng không thể đồng thời là giáo chủ Đó là lúc buộc thế quyền và thần quyền phải phân lập Nói cách khác, sự thắng lợi của cách mạng tư sản

Trang 15

15

châu Âu là sự thắng lợi của tư tưởng quốc gia thế tục Nguyên nhân của sự tách biệt này nằm ở kinh tế - xã hội nhưng quá trình đó tách biệt rất lâu dài và phức tạp Sự tách rời của nhà nước khỏi giáo hội làm cho phạm vi ảnh hưởng của giáo hội bị thu hẹp, và vai trò của nhà nước được gia tăng, tuy nhiên nhà nước không giải quyết được hết các vấn đề kinh tế - xã hội Mặt khác, cơ sở kinh tế - xã hội cho sự tồn tại của tôn giáo vẫn còn, vì vậy, tôn giáo vẫn có vai trò nhất định trong xã hội

Riêng ở nhiều quốc gia châu Á, đặc biệt là ở Đông Nam Á, chưa thấy có quốc gia nào, tôn giáo được xem là đối thủ đe dọa quốc gia Nhìn chung, nhà nước thường đứng trên tôn giáo Tuy thế, yếu tố tôn giáo cùng với các yếu tố dân tộc, sắc tộc vẫn luôn luôn là nguy cơ tiềm ẩn thách đố với các quốc gia

- Trên bình diện sinh hoạt chính trị - xã hội

Trên bình diện pháp chế, mối tương quan tôn giáo và chính trị có thể dẫn đến sự quân bình giữa giáo hội và nhà nước Nhưng trong đời sống xã hội, tôn giáo thường vẫn giữ địa vị đáng kể vì nó vẫn ảnh hưởng cách này cách khác đến xã hội dân sự Đặc biệt ở những quốc gia vốn bất ổn về chính trị, phân hóa và chiến tranh, khiến cho tôn giáo càng có vị trí đặc biệt: nó vẫn thường là yếu tố hội nhập, cố kết hoặc phân ly đối với quốc gia

Cũng theo các nhà xã hội học, trên bình diện chính trị học, các tổ chức tôn giáo thường được xếp vào loại “những đoàn thể áp lực” “Trong cuốn Les groupes de pression en France, Armand Colin có giải thích rõ về "đoàn thể áp lực" Theo ông, đó là khái niệm chỉ các nghiệp đoàn, hội đoàn tôn giáo luôn

có hoạt động gây áp lực với công quyền, trực tiếp hoặc gián tiếp Về kỹ thuật, các đoàn thể ấy chưa phải là một tổ chức chính trị vì nó đứng ngoài chính quyền, chính đảng Nó không tranh cử, không tham dự trực tiếp vào bộ máy quyền lực và cũng chưa có mục tiêu giành chính quyền” [16,

Trang 16

16

Nó tuy đứng ngoài quyền lực nhưng sức ép của nó với chính quyền lại rất lớn Thế lực của các đoàn thể áp lực rất tiềm tàng : nó bắt nguồn từ "uy tín" của tôn giáo đó trong dân chúng và bản thân cơ cấu tổ chức giáo hội của

nó cũng là một sức mạnh khi được sử dụng vào các chiến thuật chính trị

Về sự phân loại/ phân đoạn các mô hình nhà nước trong quan hệ giữa nhà nước và giáo hội, có nhiều cách phân loại khác nhau giữa các tác giả :

- Tác giả Mỹ Athur E Sutherland thuộc trường Đại học Havard ở mục

“Giáo hội và Nhà nước” trong Bách khoa toàn thư Mỹ đưa sự phân loại với hai mô hình: những nhà nước liên kết với một tổ chức giáo hội và những nhà nước hoàn toàn phân ly với giáo hội

- Tác giả Louis de Naurois với bài " Giáo hội và Nhà nước" trong Bách khoa toàn thư Pháp phân ra ba giai đoạn: giao đoạn thần quyền, giai đoạn theo

mô hình Giáo hội Pháp mà điển hình là thời kỳ Napoleon và giai đoạn theo chủ nghĩa tự do

Jean Bauberot và Emile Poulat với bài "Nguyên tắc thế tục" trong Bách khoa toàn thư Pháp đưa ra sự phân loại với hai cực hai dấu : nhà nước vô thần

mà điển hình là Nhà nước Albanie với Hiến pháp 1976 và giữa hai cực này là những nhà nước thế tục mà điển hình là nhà nước Pháp và nhà nước Mỹ

Trong những năm gần đây (2009 – 2011), các học giả như Cole Durham và Brett Scharffs đưa ra mô hình tổng thể gồm 6 loại dưới đây:

1 Loại mô hình “Thần quyền tuyệt đối”: Các nhà nghiên cứu châu Âu gọi mô hình này là mô hình Nhà nước – tôn giáo Đặc tính là duy trì vai trò tuyệt đối về tinh thần, hệ ý thức, pháp luật theo hướng của luật tôn giáo (rõ nhất là luật Hồi giáo, Luật Sahria, Luật Do thái…)

Những quốc gia như Iran, Ả rập Xê út… là những nước theo mô hình này Như nói ở trên, những quốc gia lấy “luật đạo” bao phủ “luật đời” hiện

Trang 17

17

nay không nhiều Một ghi chú cần thiết khác là, ngay ở những quốc gia như thế này, trong một chừng mực nào đấy người ta vẫn phải tiếp thu những “tính thế tục” nhất định

2 Loại mô hình “Tôn giáo được chính thức hóa”: đây là mô hình đầu tiên thuộc phạm trù Nhà nước thế tục dành cho những nước mà ở đó có những

“giáo hội được ưa chuộng” Ở Châu Âu người ta quen gọi loại này là mô hình Tôn giáo – Nhà nước Anh Quốc là một thí dụ tiêu biểu cho loại này

3 Mô hình “Chế độ hợp tác”: Là Nhà nước thế tục nhưng không quá cứng rắn, vẫn có thể để các tổ chức tôn giáo tham gia nhất định vào các lĩnh vực chính trị xã hội và văn hóa Đức, Ba Lan, Tây Ban Nha…là những thí dụ tiêu biểu

4 Loại “Chế độ thỏa hiệp”: Đây là mô hình của những nước “trung lập rộng lượng”, trong đó vẫn thực hiện những nguyên tắc phân tách của Nhà nước thế tục nhưng mềm dẻo hơn nữa, vẫn sử dụng các yếu tố tôn giáo kể cả trong phạm vi công cộng, tiêu biểu cho loại này là các quốc gia Mỹ, Úc…

5 Loại “Các nước thế tục trung lập, trung tính”: Tiêu biểu là Pháp Đây

là loại “triệt để” thực hiện những nguyên lý thế tục Lẽ dĩ nhiên trong mô hình này là sự trung lập cũng ở những mức độ khác nhau tùy mỗi nước

6 Loại mô hình “Nhà nước thế tục kiểm soát”: Tiêu biểu cho loại này

là những nước như Anbani những năm trước khi Liên Xô và các nước Xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ Nhà nước này có một thời gian chủ trương hoàn toàn xóa bỏ tôn giáo bằng bạo lực và tự coi là “Nhà nước vô thần” Xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, dù tình hình hôm nay đã khác đi nhiều

Các nhà nghiên cứu Âu Mỹ cũng thường xếp Trung Quốc , Việt Nam, Nga… thuộc loại này

Trang 18

18

Như vậy là chúng ta có thể tham khảo các cách phân chia này trong những nghiên cứu cần thiết, thích hợp với Việt Nam Điều đó có ý nghĩa phương pháp luận là , khi phân định người ta thường chia thành hai tuyến lớn: các Nhà nước thế tục và các Nhà nước phi thế tục Mặt khác, sự phức tạp của vấn đề lại chính là các mô hình khác nhau của loại hình Nhà nước thế tục

1.2 Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo

Ai cũng biết rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người cộng sản kiên định với thế giới quan duy vật Người khẳng định: “Tôn giáo là duy tâm, cộng sản là duy vật…Chủ nghĩa duy linh và chủ nghĩa duy vật ngược nhau, rõ ràng

là thế” [29, 80] Thế nhưng, Người không đi sâu vào khai thác những mặt đối lập, dị biệt mà lại đi tìm những nét tương đồng, những giá trị nhân văn của các tôn giáo nhằm phát huy yếu tố tích cực của các tôn giáo cũng như tập hợp được đông đảo đồng bào các tôn giáo đứng về phía cách mạng vì Người hiểu đồng bào các tôn giáo là một bộ phận không nhỏ của khối đoàn kết toàn dân tộc; không thể làm cách mạng thắng lợi nếu bỏ quên lực lượng này, càng không thể để kẻ địch lôi kéo, chống lại dân tộc Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương: “Phải đoàn kết chặt chẽ không phân biệt đảng phái, giai cấp, tôn giáo Đoàn kết đó là lực lượng Chia rẽ tức là yếu hèn” Đây là quan điểm nhân văn đúng đắn xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác của cách mạng Việt Nam nói chung và công tác tôn giáo vận nói riêng

Để tạo niềm tin nơi đồng bào có đạo, ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời ngày 2 – 9 – 1945 thì sau đó một ngày, chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ trịnh trọng tuyên bố: “Tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết” Tiếp đó, Người đã ký một loạt sắc lệnh liên quan tới tôn giáo làm cơ sở pháp lý để các tín đồ và các tôn giáo được sinh hoạt tôn giáo bình thường theo luật pháp và bảo vệ những quyền lợi chính đáng đó Trong đó,

Trang 19

19

đáng chú ý nhất là Sắc lệnh về vấn đề tôn giáo số 234 – SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 14 – 6 – 1955 với 5 chương, 16 điều quy định chi tiết về quyền tự do tín ngưỡng và tự do thờ cúng của nhân dân, quyền của các giáo hội tham gia vào các hoạt động xã hội và các phương thức quản trị của

mình Đặc biệt, điều 13 của Sắc lệnh viết : Chính quyền không can thiệp vào công việc nội bộ của các tôn giáo Riêng về Công giáo, quan hệ về tôn giáo giữa Giáo hội Việt Nam với Tòa thánh La Mã là vấn đề của nội bộ Công giáo Rất nhiều điều hiện nay vẫn còn giữ nguyên giá trị và vẫn được

nhiều tín đồ đồng tình nhất là trong quá trình hội nhập, mở cửa với thế giới của nước ta hiện nay

Có luật pháp chưa đủ, để đồng bào có đạo thực sự tin tưởng vào chính sách của nhà nước, chống lại âm mưu chia rẽ của kẻ thù, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở mọi người, nhất là cán bộ khi tiếp xúc với dân phải làm tốt công tác tôn giáo vận, không được vi phạm tín ngưỡng, phong tục của dân cũng không nên đưa ra những vấn đề lý luận xa vời, cần phải thận trọng trong việc xưng hô với các giáo sĩ Người nghiêm khắc phê phán: “Đối với nông dân Công giáo, có đội đã đưa chủ nghĩa Mác – Lênin ra giải thích Nhiều cán bộ hễ nói đến cha cố, không phân biệt tuổi tác cứ gọi là thằng, làm cho nông dân Công giáo rất khó chịu” [29, tr.80 – 81]

Hồ Chí Minh là một người am hiểu tôn giáo và cũng là một người mẫu mực trong thực hiện Người đã tranh thủ các chức sắc cao cấp của các tôn giáo để họ cùng làm công tác vận động các tín đồ Mỗi khi có sự vụ liên quan đến tôn giáo xảy ra, Người lập tức liên lạc với những người đứng đầu tôn giáo

ở địa phương để tìm cách giải quyết Đơn cử như vào đầu năm 1947, tại Phát Diệm (Ninh Bình) có một số vụ va chạm giữa đồng bào Công giáo và chính quyền Việt Minh, Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Giám mục Lê Hữu Từ đề nghị phối hợp giải quyết: “Một đằng, chúng ta cần giải thích cho người Công giáo

Trang 20

20

hiểu rõ chủ trương chính sách của Chính phủ như Đức cha đang làm Đằng khác, cần giáo dục cán bộ của Chính phủ, như bản thân tôi cũng đang làm Như vậy, thì bọn gây rối sẽ không còn có thể chia rẽ chúng ta và sự đoàn kết toàn dân sẽ thực hiện được” [29, tr 80 – 81]

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã mạnh dạn đề xuất với Chính phủ, Quốc hội bổ nhiệm một loạt giáo sĩ, giáo dân Công giáo vào các chức vụ cao cấp như Giám mục Lê Hữu Từ, Hồ Ngọc Cẩn là cố vấn cho Chính phủ, linh mục Phạm Bá Trực là Phó Ban thường trực Quốc hội, các ông Nguyễn

Tử Hạ, Nguyễn Mạnh Hà, Vũ Đình Tụng là Bộ trưởng trong Chính phủ Việt Nam Cộng hòa…Hồ Chủ tịch biết rõ nguyện vọng của giáo dân là

“phần xác ấm no, phần hồn thong dong” Để đảm bảo phần xác no ấm, Người kêu gọi giáo dân đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm và chỉ đạo các địa phương xây dựng, củng cố hợp tác xã Về phương diện tôn giáo, Người nhắc nhở các địa phương tạo điều kiện cho các buổi lễ được thuận lợi, tiết kiệm, đúng pháp luật Quan tâm đến đồng bào có đạo nên mỗi dịp vui buồn của giới Công giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều có điện, thư chia

sẻ Hầu như dịp lễ Giáng sinh nào kể từ năm 1945, Người đều có thư chúc mừng đồng bào Công giáo cả nước

Người quan niệm khi giải quyết các vấn đề tôn giáo cần phân biệt rõ hai mặt chính trị và tư tưởng trong tôn giáo, nhằm đấu tranh chống lại các thế lực phản động muốn lợi dụng tôn giáo vào mục đích chính trị phản động làm ảnh hưởng đến sự nghiệp cách mạng và lợi ích quần chúng nhân dân lao động Vì vậy, Người khẳng định:

“Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức

cá nhân

Tôn giáo Giêsu có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả

Trang 21

21

Chủ nghĩa Mác có ưu điểm của nó là phương pháp làm việc biện chứng Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm của nó là chính sách của nó phù hợp với điều kiện nước ta

Nếu hôm nay họ còn sống trên đời này, nếu họ hợp với nhau thành một khối, tôi tin rằng họ nhất định sẽ chung sống với nhau hòa bình như những người bạn thân thiết Tôi cố gắng làm học trò nhỏ của các vị ấy” (29, tr.325- 326]

Thực tế đã chứng minh, trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh đã kiên trì đấu tranh chống lại những kẻ lợi dụng Công giáo nhằm bảo vệ đoàn kết toàn dân, đồng thời “tẩy trừ những bọn phản Chúa, phản quốc, hại dân” Người nói: “những người Việt Nam theo Pháp và bù nhìn, làm hại đồng bào, chẳng những là Việt gian mà còn là giáo gian Còn những đồng bào Công giáo kháng chiến mới thật sự là tín đồ chân chính của Đức Chúa, vì những đồng bào ấy thật thà phụng sự Đức Chúa, phụng sự Tổ quốc” và “Cũng như Ngô Đình Diệm là người Công giáo, cũng như Giuđa là người Công giáo, Ngô Đình Diệm đã lợi dụng Chúa để làm ô danh Chúa, lợi dụng đồng bào để giết hại đồng bào”

1.3 Mối quan hệ giữa nhà nước và Giáo hội ở Việt Nam trong lịch sử

1.3.1 Mối quan hệ giữa nhà nước phong kiến và tôn giáo trước khi Công giáo được truyền vào Việt Nam

Với vị trí địa lý nằm ở ngã ba con đường của Đông Nam Á và là cầu nối từ Ấn Độ Dương qua Thái Bình Dương, từ Tây sang Đông, từ lục địa ra hải đảo, Việt Nam không chỉ thuận lợi cho giao thương mà còn là vùng đất đầy tiềm năng của việc truyền giáo Ngay từ những thế kỷ đầu Công nguyên, Việt Nam đã sớm tiếp xúc với Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo Có mặt từ

Trang 22

xã hội, nhưng nhìn chung không cấm các tôn giáo, tín ngưỡng khác hoạt động như thời phong kiến tại châu Âu Ở Việt Nam, không có tôn giáo nào chiếm

vị trí độc tôn suốt chiều dài lịch sử dân tộc và cũng chẳng có giáo hội bao trùm lên toàn xã hội và các quốc gia Phật –Nho– Đạo là ba tôn giáo có mặt lâu đời ở nước ta, giáo lý của cả ba tôn giáo này đâu phải là hoàn toàn có sự tương đồng và lịch sử tồn tại cũng không phải là không có mâu thuẫn từ những người theo tôn giáo khác nhau Song, chưa hề xảy ra xung đột đến mức dẫn đến chiến tranh tôn giáo như đã từng diễn ra ở một số nước trên thế giới

Từ những năm đầu của thời kỳ xây dựng nền độc lập cho đến các vương triều Lý – Trần, Phật giáo là tôn giáo chủ lưu, làm nền tảng tinh thần cho quốc gia Đại Việt Đến thời Lê – Nguyễn, Nho giáo trở thành ý thức hệ chính thống cho một nhà nước phong kiến trung ương tập quyền Nhưng ngay dưới thời Đinh – Lê – Lý – Trần, Nho giáo và Đạo giáo vẫn có vai trò và dưới thời Lê – Nguyễn, đâu phải Phật giáo và Đạo giáo đã lụi tàn

Lịch sử nhà nước và pháp quyền Việt Nam cũng như thế giới cho thấy, nhà nước nào cũng phải dựa trên một nền tảng tư tưởng để tổ chức xã hội Nếu như thời Lê – Nguyễn, hệ tư tưởng chủ đạo của nhà nước phong kiến là Nho giáo thì thời Đinh – Tiền Lê – Lý – Trần, hệ tư tưởng lại căn bản dựa trên tư

Trang 23

23

tưởng Phật giáo: "Phật giáo là một tôn giáo được giai cấp phong kiến Việt Nam

đề cao và sử dụng một cách tích cực trong nhiều thế kỷ khi nước nhà được giải phóng khỏi ách thống trị của bọn phong kiến phương Bắc" [31, 161]

Những vị vua đứng đầu nhà nước phong kiến thời Lý – Trần hầu hết đều là những người uyên thâm về lý luận Phật giáo và vận dụng nhiều tư tưởng Phật giáo vào việc trị vì thiên hạ Trần Thái Tông còn được coi là ông

tổ sáng lập ra Thiền phái đầu tiên của Việt Nam là Thiền phái Trúc Lâm Có thể nói, tư tưởng và giáo lý Phật giáo với tinh thần nhập thế, từ bi, hỉ xả, cứu khổ cứu nạn thấm nhuần sâu sắc không chỉ trong điều hành chính sự của vua chúa phong kiến mà cả trong đời sống thường nhật Vì thế, Phật giáo dưới triều đại Lý – Trần có bước phát triển lớn Nhiều chùa chiền xuất hiện Các sư tăng và tín đồ Phật giáo phát triển cả về số lượng và chất lượng Nhiều vị cao tăng nổi tiếng được vua và triều đình nể trọng như thiền sư Khuông Việt, thiền sư Vạn Hạnh , nhiều vị thiền sư có xuất thân là tầng lớp quý tộc như Phật hoàng Trần Nhân Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ Nhà chùa sở hữu khá nhiều ruộng đất và do đó có một cơ sở kinh tế nhất định Nhà chùa cũng là nơi đào tạo ra những tăng sư giữ vai trò là những phần tử trí thức cho thời đại Ở nông thôn, ngôi chùa không chỉ là quy tụ tín ngưỡng mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa, hội hè và văn nghệ của quần chúng Phật giáo có ảnh hưởng sâu sắc trên các mặt văn hóa tinh thần của đất nước Nó có ảnh hưởng rõ rệt đối với văn thơ, nghệ thuật nhất là nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Qua sinh hoạt và nghi lễ nhà chùa, Phật giáo còn tác động đến tư tưởng, tâm lý, phong tục và nếp sống của đông đảo nhân dân ở các làng xã

Từ thế kỷ XV trở đi, Phật giáo có sự suy giảm, không còn hưng thịnh như trước Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi, lập ra triều Hậu Lê Nhà Lê coi trọng Nho giáo, cho lập Quốc Tử Giám, tập trung tuyển quan lại qua thi cử, tổ chức

Trang 24

24

tế Khổng Tử, mở trường dạy học và cử thày dạy Nho học ở kinh đô và các phủ lộ Các ông vua cùng trí thức phò tá nhà Lê hầu hết đều theo Nho học Chính vì vậy mà ý thức hệ Nho giáo thâm nhập vào xã hội ngày một sâu Dưới triều vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497), Nho giáo đã chính thức trở thành hệ tư tưởng chi phối chủ đạo đời sống chính trị - xã hội Việt Nam Hệ thống nghi lễ quan chế triều đình hoàn toàn theo mẫu hình triều đình Nho giáo Triều đình cho xây dựng một loạt cơ sở thờ tự mang đậm dấu ấn Nho giáo như Đàn Nam Giao, Đàn Xã Tắc, nhà Tôn Miếu Nhà nước đặt ra chức

vụ Ngũ Kinh bác sĩ, ban hành luật pháp mang chuẩn mực Nho giáo, từ quan

hệ vua tôi, cha con, chồng vợ đến quan hệ gia đình, tộc họ, xóm làng, đất nước ; từ hôn nhân đến tang ma, thờ cúng, lễ hội đều theo quy chuẩn của Nho giáo Nho học mở rộng phạm vi ảnh hưởng, quy định hình thức và nội dung thi cử Thi cử gần như con đường tiến thân của tầng lớp thanh niên ưu

tú của xã hội Tầng lớp trí thức say sưa, miệt mài với cửa Khổng, sân Trình, với Tứ thư Ngũ kinh, lấy thuyết "tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ" làm lý tưởng của cuộc đời Bộ luật Hồng Đức nổi tiếng được ban hành thời kỳ này dành hẳn 16 điều quy định về tôn giáo nhằm hạn chế Phật giáo và Đạo giáo

Nho giáo là hệ tư tưởng chính thống dưới triều Lê, nhất là từ triều vua

Lê Thánh Tông, Phật giáo tuy không còn chỗ đứng như trước ở chốn cung đình thì trở về cắm rễ sâu ở nơi thôn quê và Đạo giáo vẫn còn ảnh hưởng trong đời sống xã hội Dân chúng vẫn cần đạo Phật Thế kỷ XV, chùa chiền vẫn tiếp tục được xây cất, tu sửa Năm 1461, vua Lê Thánh Tông ra Sắc chỉ hạn chế xây chùa Phật giáo, nhưng ảnh hưởng của Phật giáo không chỉ duy trì trong dân gian mà tồn tại ngay cả trong chốn quý tộc cung đình Trong tầng lớp quan lại vẫn có những người rất chuộng đạo Phật Điển hình như Đại tư

đồ Lê Sát, một trong những khai quốc công thần của triều Hậu Lê Ông cho

Trang 25

25

xây dựng chùa Bảo Thiên, Thanh Đàm, Chiêu Độ với quy mô lớn, tổ chức lễ rước Phật Pháp Vân về kinh để cầu mưa, tổ chức lễ Vu Lan báo hiếu ngay chốn cung đình Dưới triều vua Lê Nhân Tông (1443 – 1459), triều đình vẫn còn tổ chức những lễ nghi Phật giáo

1.3.2 Mối quan hệ giữa nhà nước và tôn giáo từ sau khi Công giáo được truyền vào Việt Nam cho đến trước năm 1975

Dưới thời nhà Mạc, hệ tư tưởng Nho giáo vẫn là hệ tư tưởng chủ đạo nhưng chiến tranh liên miên, loạn lạc kéo dài khiến cho triều đình phong kiến lâm vào khủng hoảng Nhà Mạc cởi mở và bao dung tôn giáo khiến cho Phật giáo và Đạo giáo có dầu hiệu phục hưng trở lại, ngay cả trong tầng lớp Nho sĩ cũng có nhiều người quay trở lại với Phật giáo Tầng lớp vua quan nhiều người tham gia xây dựng, sửa chữa nhiều chùa, quán Nếu như thời Lý Trần, Tam giáo song hành thì đến nhà Mạc , Phật – Khổng – Đạo hòa quyện và nhau thành một thứ tôn giáo dung hợp thật sự để trở thành "Tam giáo đồng quy" Nhiều chùa Tam giáo được xây dựng và tại những nơi đó, sư tăng kiêm chức năng đạo sĩ

Từ thế kỷ XVII, đất nước bị phân chia thành Đàng Ngoài và Đàng Trong dưới sự cai quản của vua Lê – Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài và chúa Nguyễn ở Đàng Trong Nho giáo vẫn tiếp tục là hệ ý thức chính của triều đình nhưng không còn hưng thịnh như thời trước mà đã suy vi, bởi dân chúng không còn tin vào "Thiên tử" - người dung túng cho tầng lớp đại quý tộc ăn chơi xa xỉ, tranh ngôi đoạt vị để cho dân tình lầm than, ai oán Người dân quay lại tìm hy vọng ở sự cứu khổ, cứu nạn của Phật và lãng quên thực tại trong Đạo giáo Thời kỳ này vẫn có nhiều quý tộc sùng đạo Phật Chùa chiền tiếp tục được xây dựng, nhiều vị cao tăng được vua chúa coi trọng, nghi lễ Phật giáo được các bậc công hầu ưa thích

Trang 26

26

Từ thế kỷ XVI, trên đất nước Việt Nam xuất hiện một tôn giáo mới –Công giáo từ phương Tây được truyền bá vào một bộ phận dân cư làm xáo trộn đời sống tôn giáo, tinh thần của người Việt Trong nhiều tài liệu, Giáo hội Công giáo Việt Nam lấy năm 1533 là năm khởi đầu cho hoạt động truyền giáo tại Việt Nam Sách "Khâm định Việt sử thông giám cương mục" có chép : Năm Nguyên Hòa, đời vua Lê Trang Tông (năm 1533 – theo Tây lịch),

có một thương nhân là Inikhu đi đường biển lén vào truyền tà đạo Giatô ở Ninh Cường, Quần Anh thuộc huyện Nam Chân và làng Trà Lũ thuộc huyện Giao Thủy Từ năm 1533 đến năm 1614 chủ yếu là các giáo sĩ thuộc dòng Phanxicô (từ Bồ Đào Nha) và dòng Đa Minh (từ Tây Ban Nha) vào truyền giáo ở nước ta nhưng do chưa quen thông thổ, chưa thạo ngôn ngữ nên không đạt được mấy kết quả Hoạt động truyền đạo của Công giáo chỉ thực sự có hiệu quả bởi sự xuất hiện của giáo sĩ Buzomi (Italia) đến Hội An Như vậy tính từ năm 1615 đến nay, quá trình truyền bá đạo Công giáo ở Việt Nam đã được hơn 400 năm Nhưng gần qua nửa thiên niên kỷ hiện diện trên dải đất chữ S này, chỉ trừ thời gian đầu tiếp xúc, còn lại giữa Công giáo và Dân tộc,

có thể nói, luôn luôn nổi lên những "vấn đề" hay nói như Thư chung 1980 thì

“Lịch sử luôn pha lẫn cả ánh sáng và bóng tối”

Đầu tiên là vấn đề văn hóa Về góc độ này, giữa Công giáo và văn hóa truyền thống Việt Nam có nhiều nét tương đồng Thời gian đầu truyền giáo tại Việt Nam, như chính sự ghi nhận của các giáo sĩ, họ được vua quan tiếp đón niềm nở, tạo điều kiện cho việc rao giảng Tin Mừng, nhân dân nhiều nơi nhiệt tình theo đạo mới Thái độ đó đã khiến một số giáo sĩ sớm lạc quan về miền đất nhiều hứa hẹn cho vụ mùa gặt hái linh hồn Nhưng không lâu sau, thái độ lạc quan này chấm dứt Công giáo trở thành “vấn đề” khi đạo này kiên quyết không cho giáo dân thờ cúng tổ tiên, thờ cúng anh hùng dân tộc, thờ Khổng tử

và nhất là thái độ đòi phủ nhận triệt để các di sản tinh thần, các phong tục, tập

Trang 27

27

quán, tín ngưỡng bám rễ sâu vào đời sống dân tộc Các tôn giáo truyền thống của người Việt bị Công giáo xem là đạo dối, tín ngưỡng, phong tục truyền thống của người Việt bị Công giáo phản bác, đẩy lùi: “Trong thực tế, đạo Thiên Chúa 1

khi du nhập vào nước ta đã tỏ ra kiêu hãnh và cứng rắn Đạo này coi mọi tôn giáo, tín ngưỡng đang hiện diện ở Việt Nam, kể cả Khổng giáo2, một tôn giáo có vị thế như ý thức hệ của chế độ phong kiến ở Việt Nam, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, một tín ngưỡng rất lâu đời ở đây, đều là thấp kém, vô nghĩa; mọi tập tục cổ truyền mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc

ở đây đều là những thứ mê tín, dị đoan phải tẩy bỏ Như vậy Giáo hội một mặt chống lại Khổng giáo, vốn đang được coi như là quốc giáo, mặt khác muốn đồng hóa văn hóa của người Việt với văn hóa của nước ngoài Đó là điều không thể chấp nhận” [16, 125] và “Họ bứng người Việt Nam ra khỏi môi trường tinh thần, gắn cho anh ta những quan niệm xa lạ, làm cho anh ta khó chịu…Họ kéo người Việt Nam ra khỏi sự thờ cúng tổ tiên…Họ sùng bái những vị thánh đâu đâu, những con người hi sinh cho đất nước, dân tộc thì không được nhắc đến” [25, tr 30] Nói cách khác chính thái độ bất khoan dung về tôn giáo, văn hóa tạo nên sự chống đối của triều đình, nho sĩ và phần đông dân chúng

Nhưng trên bình diện khách quan, mặc dù có những xung đột nhưng hơn 400 năm có mặt tại Việt Nam, nhiều khi một cách tự nhiên và ngoài mục đích ban đầu của nhà truyền giáo, Công giáo có những đóng góp nhất định cho nền văn hóa dân tộc trên một số mặt chủ yếu như: sự hình thành chữ quốc ngữ, sự thúc đẩy quá trình tiếp xúc, giao lưu văn hóa Đông – Tây, quá trình phương Tây hóa văn hóa, hiện đại hóa xã hội Việt Nam, sự du nhập và Việt hóa Văn học phương Tây Ngoài ra, những đóng góp của Công giáo với văn

Trang 28

28

hóa dân tộc còn được thể hiện trên lĩnh vực kiến trúc, trong lối sống (lối sống cộng đồng chặt chẽ, cấm đa thê, cấm cờ bạc, rượu chè, cấm thờ cúng mê tín, cấm cho vay nặng lãi), trong lối diễn đạt đức tin có nhiều điều mới lạ bổ sung vào sự phong phú của kho tàng văn hóa dân tộc

Trải qua lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, hạt nhân của bản sắc văn hóa Việt Nam chính là lòng yêu nước Thế nhưng, lập trường của Công giáo, hay nói đúng hơn là quan điểm của những người lãnh đạo giáo hội không phải lúc nào cũng tương đồng tư tưởng Công giáo với phong trào cách mạng của dân tộc Vì vậy, người Công giáo Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi dấn thân cho các hoạt động yêu nước cũng như tuân giữ pháp luật của quốc gia Công giáo được truyền vào Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử phức tạp, gắn liền với chủ nghĩa thực dân, đế quốc Không ít giáo sĩ, giáo dân do vô tình hay cố ý đã gắn bó cộng tác với các thế lực ngoại bang tạo ra sự tẩy chay, chống đối tôn giáo này trong một bộ phận xã hội, gây ra nguy cơ chia rẽ sự đoàn kết và hòa hợp dân tộc Một nhà nghiên cứu người Công giáo viết: “Một tình cờ đau đớn là nền truyền giáo song song với phong trào thực dân”, “Viết lịch sử thực dân Pháp xâm lược Việt Nam mà không nhấn mạnh đúng mức vai trò của các kẻ truyền đạo là không viết gì cả

vì vấn đề thuộc địa và vấn đề tôn giáo gắn chặt vào nhau không thể tách rời” [32, tr119] Như chính Giáo hoàng Gioan Phaolô II thừa nhận: “Họ đi cắm Thánh giá, phân phát niềm hi vọng Kitô giáo, phổ biến trí tuệ và kỹ thuật của họ Nhưng họ cũng là những người xâm lăng, họ đi cắm nền văn hóa của

họ vào, họ chiếm tài sản của các bộ tộc khác mà thường là họ coi khinh những truyền thống riêng và thường xuyên bắt phục tùng quyền lợi của họ một cách hung bạo” [28, tr 189]

Đứng trước nguy cơ nền văn hóa truyền thống bị xâm hại, trước hiểm họa đất nước bị xâm lăng, dưới thời các chúa Trịnh – Nguyễn và nhất là dưới

Trang 29

29

thời nhà Nguyễn với các triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức đã ban hành chính sách cấm đạo Một đạo dụ cấm đạo được ban hành năm 1630 được A Rhodes ghi lại về việc chúa Trịnh Tráng không ưa việc các thừa sai truyền bá tôn giáo chủ trương một vợ, một chồng: “Đạo nào hở các ngươi, các ngươi giảng trong nước ta? Các ngươi truyền cho thần dân ta chỉ lấy một vợ

mà ta thì muốn có nhiều để sinh nhiều con trung thành với ta Từ nay các người hãy gạt đi đừng giảng đạo đó nữa: nếu các ngươi không tuân lệnh thì ta

sẽ chém đầu các ngươi” [Dt 18, tr 27]

Năm 1663, Chúa Hiền Vương nói: “ Ta là Chúa Đàng Trong Các thần dân chịu sự cai quản không phải là của Chúa Trời, mà là ta”, ra lệnh chém đầu một người Công giáo tên là Phaolô khi người này nói trước hết ông là con chiên của Chúa Trời, sau đó mới là thần dân của Chúa” [Dt 18, tr 27]

“Nhà nước phong kiến Nguyễn cũng thấy rõ nguy cơ Giáo hội Thiên Chúa tiếp tay cho âm mưu xâm lược nước ta của thực dân Pháp…Và từ sau khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta, trong con mắt của triều đình Huế, Giáo hội Thiên Chúa giáo đã trở thành một cánh tay đắc lực của thực dân Pháp” [16, tr 126]

Mặc dù nhiều người Công giáo cho đến nay vẫn phủ nhận điều này, cho rằng nguyên nhân các chính sách cấm đạo là do thái độ độc đoán, khát máu của triều đình, không một người Công giáo nào trong lịch sử bị triều định khép tội vì phản bội tổ quốc Nhưng điều đó không thể giải thích được tại sao phong trào “bình Tây sát tả” do các sĩ phu yêu nước khởi xướng chỉ sau khi triều đình bỏ cấm đạo lại được nhân dân hưởng ứng nhiệt tình trong khi, truyền thống văn hóa Việt Nam vốn khoan dung, không kì thị tôn giáo, chưa bao giờ có chiến tranh tôn giáo Người dân Việt Nam vốn yêu chuộng hòa bình, có lối sống hiền hòa, nghĩa tình, coi nhau như “cây một cội”, như

“con một nhà”

Trang 30

30

Không thể không phê phán những sai lầm trong đường lối cấm đạo của triều đình cũng như phong trào “bình Tây sát tả” khi đồng nhất Công giáo với chủ nghĩa thực dân, giáo sĩ với quân xâm lược, người Công giáo với tay sai, nhưng cũng không thể phủ nhận đó là những hành động xuất phát từ tinh thần dân tộc Giáo sĩ P Puginier trong thời điểm ác liệt của phong trào “bình Tây sát tả” ghi nhận đấy là phong trào có tính dân tộc chứ không phải là xuất phát

từ sự kì thị tôn giáo Ngay cả toàn quyền De Lanessan cũng nhận xét rằng:

“bất cứ người An Nam nào theo đạo Thiên Chúa đều bị đồng hương coi là kẻ phản bội Tổ quốc”, hay như ý kiến của Nguyễn Văn Trung: “Trong đoàn thể dân tộc, người Công giáo sống như người ngoại quốc đối với đồng bào mình” (32, tr 121)

Khi chủ nghĩa Mác ra đời, Giáo hội Công giáo mạnh mẽ chống lại học thuyết này Giáo hoàng Leo XXIII nhận định về chủ nghĩa Mác: “Tác dụng phụ của liều thuốc mà chủ nghĩa cộng sản đưa ra nhằm chữa căn bệnh của chủ nghĩa tư bản còn nguy hại hơn chính căn bệnh đó” hoặc như Giáo hoàng Pio

XI, vị Giáo hoàng được coi là có quan điểm mềm dẻo cũng liên tục nhắc nhở toàn thể giáo hội cần cảnh giác với chủ nghĩa cộng sản khi trong một tuần đưa

ra 2 Thông điệp lên án chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản Bộ máy tâm

lý chiến của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ triệt để khai thác những quan điểm chống cộng của Vatican Năm 1949, máy bay Pháp rải trắng truyền đơn xuống những vùng Công giáo ở Việt Nam thông báo quyết định của Thánh bộ Đức tin: “Những người Cộng sản đương nhiên bị vạ tuyệt thông tức khắc, rằng tất cả những ai hợp tác với Đảng cộng sản hoặc bỏ phiếu cho cộng sản, hoặc đọc, xuất bản, phân phối báo chí cộng sản hoặc bất kỳ cách nào cho Đảng cộng sản đều bị khai trừ khỏi các bí tích” [28, tr 66] Với trình độ thần học theo tinh thần của công đồng Tridentino, không chỉ giáo dân mà kể cả các linh mục cũng không thể có lựa chọn nào khác ngoài con đường bất hợp tác

Trang 31

Một nhà nghiên cứu viết: “Sự kiện Công giáo coi mâu thuẫn Cộng sản – Công giáo là mâu thuẫn căn bản chi phối tất cả các thái độ chính trị Công giáo Khi đó mâu thuẫn thực dân – dân tộc, mâu thuẫn đế quốc – dân tộc bị gạt xuống hàng thứ yếu” Mặc dù người cộng sản với tinh thần tôn trọng tự do tôn giáo không dồn người Công giáo vào sự lựa chọn khó khăn, mà luôn chìa bàn tay về phía họ, nhưng thái độ chống cộng này đã xô đẩy người Công giáo ngày càng rời xa với dân tộc, thậm chí không ít người Công giáo đi vào con đường phản bội lại dân tộc

Theo quan điểm trên, một số giáo sĩ và giáo dân công khai chống lại Nhà nước Việt nam Dân chủ cộng hòa, xây dựng lực lượng quân đội với tên gọi “tự vệ Công giáo” để lập ra những khu tự trị Công giáo Bùi Chu, Phát Diệm Phát biểu của Giám mục Lê Hữu Từ thể hiện đầy đủ tâm trạng của người Công giáo Việt Nam trong thời điểm này: “Tôi và dân Công giáo Phát Diệm đoàn kết và triệt để ủng hộ Cụ3

trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giành độc lập cho Tổ quốc Việt Nam, nhưng nếu Cụ là người cộng

3

Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trang 32

32

sản thì tôi chống Cụ từ giờ phút này” [28, tr 67] Giám mục Lê Hữu Từ dù được đề bạt là “cố vấn tối cao cho chính phủ” vẫn lợi dụng chức vụ này để mua vũ khí, tổ chức vũ trang chống lại kháng chiến Kinh sách nhà đạo đầy rẫy những câu lên án chủ nghĩa cộng sản vô thần, coi những người vô thần, ngoại giáo là kẻ “tội lỗi” cùng hàng với ma quỷ và người Công giáo phải chống lại đến cùng Thái độ bất hợp tác trong hàng ngũ giáo sĩ miền Bắc với cách mạng diễn ra khá phổ biến: “Có thể nói mà không sợ sai lầm rằng, hầu hết các Giám mục ở miền Bắc chống đối chế độ…Có những Đức cha từ chối ban Bí tích cho những giáo dân vào hợp tác xã hay cho con cái đi học trường của Chính phủ Có những Đức cha treo chén các linh mục đã cộng tác với chính quyền trong các vấn đề ái quốc và kiến quốc Có Đức cha từ chối làm lễ trong nhà thờ nọ vì trước nhà thờ có treo cờ đỏ sao vàng Có Đức cha đã phạt

và rút phép thông công trùm trưởng cho phép hợp tác xã phơi thóc lúa trong sân nhà thờ” (31, tr 53)

Sau Hiệp định Giơnevơ, đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền Miền Bắc được giải phóng bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam

bị đế quốc Mỹ xâm lược và thống trị Những năm 1954, 1955, đời sống người Công giáo Việt Nam có sự xáo trộn lớn Đó là việc một bộ phận khá đông người Công giáo miền Bắc bị giáo quyền cưỡng ép “di cư theo Chúa vào Nam” Thời kỳ này có khoảng gần một triệu giáo dân, hàng trăm linh mục đã di cư vào Nam Điều đó không chỉ tạo tâm lý tiêu cực trong giáo dân

và trong xã hội mà còn tạo ra sự khủng hoảng khá sâu sắc về lực lượng giáo

sĩ ở miền Bắc: Trong vòng không đầy hai năm, 800.000 người Công giáo di

cư đã rời bỏ miền Bắc Việt Nam để tìm đến miền Nam đang do một chính phủ chống Cộng kiểm soát Họ mang theo mình cả tổ chức xứ đạo, cả nền nếp sinh hoạt và dựng lại trên vùng đất mới Khó lòng phủ nhận rằng cuộc di

cư này là do Giáo hội cổ vũ và lãnh đạo Chỉ còn 1/3 số người Công giáo

Trang 33

33

miền Bắc ở lại Như vậy có một sự đảo lộn tỉ lệ dân số Công giáo ở hai miền Nam - Bắc Sau cuộc di cư, tỷ lệ Công giáo ở miền Nam tăng lên tới 9,3% dân số, còn miền Bắc chỉ có 2%

Vì thế, từ năm 1954, đến năm 1975, có thể nhận xét một cách khái quát Giáo hội Công giáo miền Bắc hoàn toàn khép kín, và vì không nhận được ảnh hưởng canh tân của Công đồng Vatican II nên giáo quyền về quan phương vẫn “trung thành” với lập trường chống Cộng của Thư chung 1951 Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn có một bộ phận giáo dân tích cực thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Năm 1964, có 80% giáo dân tham gia các hợp tác xã nông nghiệp, hàng trăm anh hùng chiến sĩ thi đua là người Công giáo Chỉ tính riêng tại tỉnh Hà Nam Ninh, trong kháng chiến chống Mỹ

đã có hơn 300.000 người nhập ngũ, hơn 5.700 liệt sĩ, 2.306 người là thương binh Một số linh mục, tu sĩ, giáo dân tham gia Ủy ban liên lạc những người Công giáo Việt Nam yêu Tổ quốc, yêu đồng bào

Còn tại miền Nam, trong những năm đầu dưới chế độ Mỹ ngụy, nói tới thái độ của Công giáo miền Nam là nói tới thái độ của khối Công giáo miền Bắc di cư trong một định kiến nặng nề với Cộng sản Ngày 24- 11 - 1960, sau

300 năm truyền giáo tại Việt Nam, Giáo hoàng Gioan XXIII đã ban hành Tông sắc Venerabilium Nostrorum thiết lập hàng giáo phẩm Công giáo Việt Nam với 20 giáo phận chính tòa, trong đó có 18 giáo phận được trao quyền cai quản cho các giám mục người Việt Nam, được tổ chức thành 3 tổng giáo phận Hà Nội, Huế và Sài Gòn Sắc chỉ được ban bố sau khi có Thư chung Mùa Chay ngày 02 – 03 – 1960 của các Giám mục miền Nam Trong đó nói tới nguy cơ Cộng sản tiêu diệt tôn giáo của khối Cộng sản quốc tế đứng đầu là Liên Xô và kêu gọi phải dứt khoát bài trừ chủ nghĩa duy vật vô thần, ra lệnh cấm người Công giáo gia nhập Đảng Cộng sản Sau khi chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ ngày 01 – 11- 1963, và nhất là từ năm 1966, dưới ánh sáng của

Trang 34

34

Công đồng Vatican II cũng như chủ trương hòa bình chống chiến tranh của Giáo hoàng Phaolô VI, Giáo hội Công giáo miền Nam đã có những chuyển biến quan trọng trong các quan điểm mục vụ so với thời kỳ trước năm 1963 thể hiện qua các thông cáo và các thư mục vụ Đây là một trong những tiền đề đặt cơ sở cho việc xây dựng mối quan hệ giữa Nhà nước và Giáo hội Công giáo sau khi miền Nam được giải phóng, đất nước được thống nhất

1.4 Vài nét về tình hình, đặc điểm Giáo hội Công giáo ở Việt Nam hiện nay

Hiện nay, Công giáo là một trong những tôn giáo lớn ở Việt Nam có tổ chức chặt chẽ Theo thống kê của Văn phòng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam, tính đến hết năm 2010, cả nước có 6.400.567 giáo dân (chiếm 6,8% dân số), 49 Giám mục (trong đó có 13 vị nghỉ hưu, 4 vị ở nước ngoài), 4.050 linh mục, 3.000 giáo xứ, khoảng hơn 9.000 giáo họ, hơn 100 dòng tu, tu hội, tu đoàn với trên 17.663 tu sĩ và 59.735 giáo lý viên, sinh hoạt trong 26 giáo phận thuộc 3 giáo tỉnh Trong đó: giáo tỉnh Hà Nội gồm 10 giáo phận (Hà Nội, Lạng Sơn, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Hóa, Bùi Chu, Thái Bình, Phát Diệm, Thanh Hóa và Vinh; giáo tỉnh Huế gồm 6 giáo phận (Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Kon Tum, Nha Trang và Ban Mê Thuột); giáo tỉnh Thành phố Hồ Chí Minh gồm 10 giáo phận (thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Mỹ Tho, Đà Lạt, Long Xuyên, Phú Cường, Xuân Lộc, Phan Thiết

và Bà Rịa) Đứng đầu 3 giáo tỉnh là 3 Tổng Giám mục và đứng đầu các giáo phận là các giám mục Các giám mục làm việc chung trong một tổ chức là Hội đồng Giám mục Việt Nam

Hội đồng Giám mục Việt Nam là một tổ chức có tư cách pháp nhân, được thành lập năm 1980, trụ sở đặt tại Tòa Giám mục Hà Nội (số 40, phố Nhà Chung, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội) và Trung tâm Công giáo Thành phố Hồ Chí Minh Hội đồng Giám mục Việt Nam gồm tất cả các Giám

Trang 35

ký, một hoặc nhiều Phó Tổng thư ký (Phó Tổng thư ký có thể là một linh mục) Để giúp việc cho Hội đồng Giám mục Việt Nam có 17 Ủy ban do các giám mục phụ trách gồm:

- Ủy ban giám mục về Giáo lý Đức tin

- Ủy ban Giám mục về Thánh Kinh

- Ủy ban Giám mục về Phụng tự

- Ủy ban Giám mục về Thánh nhạc

- Ủy ban Giám mục về Nghệ thuật Thánh

- Ủy ban Giám mục về Giáo sĩ - Chủng sinh

- Ủy ban Giám mục về Tu sĩ

- Ủy ban Giám mục về Giáo dân

- Ủy ban Giám mục về Mục vụ Gia đình

- Ủy ban Giám mục về Mục vụ Giới trẻ

- Ủy ban Giám mục về Mục vụ Di dân

- Ủy ban Giám mục về Loan báo Tin Mừng

Trang 36

36

- Ủy ban Giám mục về Văn hóa

- Ủy ban Giám mục về Giáo dục Công giáo

- Ủy ban Giám mục về Truyền thông Xã hội

- Ủy ban Giám mục về Bác ái Xã hội – Caritas

- Ủy ban Giám mục về Công lý và Hòa bình

Giáo dân Công giáo thường sống theo làng, họ, xứ đạo, được cố kết bởi sợi dây tâm linh của người đồng đạo; có chung thánh Quan thầy, sinh hoạt chung một nhà thờ…trở thành nhân tố khách quan để họ dễ dàng gắn bó, đoàn kết với nhau Đoàn kết đồng thuận xã hội của người Công giáo còn trên cơ sở kết hợp giữa luật đời và phép đạo Trong gia đình Công giáo, việc giữ đạo cho con cái được chú trọng ngay lúc trẻ mới sinh Lớn lên, đến tuổi kết hôn, nam

nữ thanh niên được học giáo lý hôn nhân Lễ cưới của người Công giáo vừa theo phong tục truyền thống của người Việt vừa theo quy định của giáo luật, với nguyên tắc một vợ, một chồng và không có những hủ tục phiền toái, tốn kém Giáo dân đề cao phong hóa, quy định việc con cháu có trách nhiệm với ông bà, cha mẹ, anh em…

Do để thuận tiện giữ đạo nên người Công giáo thường hay co cụm lại thành làng riêng, lấy nhà thờ làm biểu tượng của làng, lấy tiếng chuông nhà

thờ làm đồng hồ báo thức, lấy ngày lễ thánh làm lịch cấy trồng như: “Lễ các Thánh gánh mạ đi gieo, lễ sinh nhật giật mạ đi cấy hay lễ Rosa thì tra hạt bí,

lễ các Thánh thì đánh bí ra…”, lấy thánh lễ Công giáo làm lịch năm, tháng

Họ kết hôn, giao du với người đồng đạo Nếu đi đâu vì một biến cố chính trị,

xã hội nào đó thì đi cả làng và tại nơi ở mới, họ vẫn giữ tên làng Công giáo

cũ Tại những làng kinh tế mới vùng biển Nghĩa Hưng, Nam Định có những làng Công giáo như Bùi Chu, Ngọc Cục, Kiên Lao còn ở miền Nam sau di cư

Trang 37

là cần thiết trong đời sống

Người Việt Nam sống thiên về tình cảm nên cách giữ đạo cũng ưa ồn

ào, náo nhiệt Một nhà nghiên cứu và cũng là linh mục Công giáo nhiều năm làm việc ở nước ngoài là Giáo sư – Viện sĩ Trần Tam Tỉnh nhận xét: “Dân chúng Công giáo Việt Nam thiết tưởng là quần chúng mộ đạo nhất thế giới Hàng ngày họ đi dự kinh lễ sớm chiều rất đông và thích rước kiệu, làm tuần tam nhật và nhiều việc đạo đức sùng kính khác, không những vào ngày chủ nhật mà cả các ngày trong tuần Tại các họ đạo nông thôn, kinh lễ buổi mai kéo dài 2-3 giờ, cuộc rước lâu cả buổi” Những biểu hiện sinh hoạt tôn giáo sầm uất này vẫn giữ đến ngày nay nhất là khi đón tiếp các đấng bậc “nhân danh Chúa mà đến”

Về hàng giáo phẩm Công giáo Việt Nam, trước đây các linh mục thường là những người sống có kỉ cương, vâng lời bề trên gần như tuyệt đối; tôn trọng tôn ti trật tự, sống xa thế gian, chuyên lo việc đạo như ban bí tích, giảng dạy kinh bổn, có một nếp sống cách biệt khác hẳn với đời Họ luôn

Trang 38

38

quan niệm linh mục là người ban phát các mầu nhiệm Chúa Kitô, vì thế họ phải có lối sống khác biệt với người khác thì mới hoàn thành tốt chức năng làm trung gian giữa Thiên Chúa với con người

Giáo hội Công giáo Việt Nam là một bộ phận của Giáo hội hoàn vũ thế giới nên chịu ảnh hưởng của Tòa thánh Vatican Bên cạnh đó, Giáo hội Công giáo Việt Nam còn có quan hệ với các Giáo hội Công giáo khác trong khu vực và trên thế giới nên nên ít nhiều không thể tránh khỏi sự tác động và chi phối của các tổ chức tôn giáo và chính trị nước ngoài

Trang 39

39

KẾT LUẬN CHƯƠNG I

Phần lớn các tôn giáo thế giới hiện diện ngày hôm nay đều nảy sinh trong lòng các nhà nước Cổ trung đại Vì thế, mối quan hệ giữa nhà nước và giáo hội là mối quan hệ xã hội – tôn giáo phổ biến và lâu dài trong lịch sử loài người Có nhiều cách phân loại về mô hình nhà nước trong mối quan hệ giữa nhà nước và giáo hội nhưng tựu chung lại đều khẳng định nhà nước thế tục là giai đoạn cuối trong mối quan hệ giữa Nhà nước và Giáo hội

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo và văn hóa Lịch sử tôn giáo ở Việt Nam lâu đời, phát triển đan xen, hòa đồng trên cơ sở tâm thức tôn giáo cởi mở của dân tộc Ngay từ buổi đầu dựng nước và giữ nước, cha ông ta

đã biết đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo Trong tiến trình lịch sử có thể triều đại này dựa căn bản vào một tôn giáo để trị nước những vẫn không kỳ thị các tôn giáo khác Ở Việt Nam, có tôn giáo du nhập vào trước, có tôn giáo du nhập sau nhưng khi vào Việt Nam đều hòa quyện với nhau, với văn hóa Việt, dưới các hình thức và hàm lượng khác nhau, cung cấp cho dân tộc Việt tư tưởng trị nước, an dân, góp phần quan trọng tạo ra nền văn hóa Việt Nam Sự phức tạp trong quan hệ chính trị - tôn giáo ở Việt Nam thực ra chỉ bắt đầu từ thời cận đại, khi Công giáo và đặc biệt là chủ nghĩa thực dân phương Tây xâm nhập vào nước ta Từ khi Công giáo hiện diện ở Việt Nam đến nay, vấn đề hòa hợp tôn giáo, đối thoại tôn giáo, vấn đề Công giáo và Dân tộc luôn được đặt ra và là chủ đề xuyên suốt trong mối quan hệ giữa nhà nước và giáo hội

Trang 40

40

CHƯƠNG II MỐI QUAN HỆ GIỮA NHÀ NƯỚC VIỆT NAM VÀ

GIÁO HỘI CÔNG GIÁO TỪ NĂM 1975 ĐẾN NAY-

ta gặp không ít khó khăn như 2 cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc và phía Tây Nam, những yếu kém trì trệ trong cơ chế quản lý kinh tế theo chế độ quan liêu, bao cấp, tư tưởng nóng vội, chủ quan duy ý chí trong việc xây dựng chủ nghĩa xã hội đã khiến cho đời sống kinh tế xã hội của đất nước từng bước lâm vào suy thoái nhất là từ đầu những năm 80 của thế kỷ XX Thêm vào đó

là sự thay đổi của tình hình quốc tế với sự khủng hoảng toàn diện của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu đã làm cho tình hình đất nước càng thêm khó khăn và phức tạp Lợi dụng thời cơ, một số tổ chức phản động quốc tế đã lợi dụng các tôn giáo trong đó có Công giáo để chống phá nhà nước Việc giải quyết vấn đề tôn giáo đặc biệt là Công giáo còn nặng về tính chính trị, chỉ nhìn nhận về mặt tiêu cực, âm mưu thủ đoạn Quan niệm này ăn sâu trong tiềm thức của một bộ phận cán bộ, Đảng viên đã ảnh hưởng không tốt tới mối quan hệ giữa nhà nước và Giáo hội Công giáo trong thời kỳ này

Năm 1976, Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ IV khẳng định chính sách về vấn đề tôn giáo của Đảng là: “tôn trọng tự do tín ngưỡng và tự

do không tín ngưỡng của nhân dân, đoàn kết tất cả những người yêu nước và tiến bộ trong các tôn giáo, đoàn kết đồng bào có đạo và không có đạo, để

Ngày đăng: 23/03/2015, 17:38

Nguồn tham khảo

Tài liệu tham khảo Loại Chi tiết
2. Bành Diệu (2007), “Tư tưởng tôn giáo và chủ nghĩa xã hội cùng chung sống”, Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, số 9, tr 3- tr7 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Tư tưởng tôn giáo và chủ nghĩa xã hội cùng chung sống
Tác giả: Bành Diệu
Năm: 2007
4. Linh mục Thiện Cẩm, “Đức tin và chính trị”, Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, số 2 – 2004, tr 19 – 28 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Đức tin và chính trị
6. Trương Bá Cần (2004), “Lịch sử phát triển Công giáo ở Việt Nam”, Nguyệt san Công giáo và Dân tộc, số 118, tr 90 – tr 144 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Lịch sử phát triển Công giáo ở Việt Nam
Tác giả: Trương Bá Cần
Năm: 2004
7. Nguyễn Hồng Dương (2001), “Công đồng Vatican II ở Việt Nam (dưới góc độ lý luận và hội nhập văn hóa)”, Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, số 3, tr 33 – tr 40 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Công đồng Vatican II ở Việt Nam (dưới góc độ lý luận và hội nhập văn hóa)
Tác giả: Nguyễn Hồng Dương
Năm: 2001
8. Nguyễn Hồng Dương (2005), “Hàng giáo phẩm Công giáo Việt Nam- Vấn đề nhân sự và đào tạo”, Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, số 5, tr 5 – tr 42 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Hàng giáo phẩm Công giáo Việt Nam- Vấn đề nhân sự và đào tạo
Tác giả: Nguyễn Hồng Dương
Năm: 2005
9. Nguyễn Hồng Dương (2008), “Mối quan hệ giữa Nhà nước Việt Nam với Giáo hội Công giáo Rôma hiện nay”, Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, số 2, tr 32 – tr 40 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Mối quan hệ giữa Nhà nước Việt Nam với Giáo hội Công giáo Rôma hiện nay
Tác giả: Nguyễn Hồng Dương
Năm: 2008
10. Nguyễn Hồng Dương (2009), “Mối quan hệ giữa tôn giáo và chính trị - Những vấn đề lí luận và mô thức”, Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, số 7, tr7 – tr 13 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Mối quan hệ giữa tôn giáo và chính trị - Những vấn đề lí luận và mô thức
Tác giả: Nguyễn Hồng Dương
Năm: 2009
17. Đỗ Quang Hưng (2005), “ Những người Cộng sản Việt Nam với đường hướng “đồng hành cùng dân tộc” và Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, số 1, tr 41 – tr 51 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Những người Cộng sản Việt Nam với đường hướng “đồng hành cùng dân tộc” và Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Tác giả: Đỗ Quang Hưng
Năm: 2005
18. Nguyễn Quang Hưng(2008), “Các nhân tố ảnh hưởng tới chính sách của Nhà nước Việt Nam đối với Công giáo nhìn từ góc độ văn hóa – tôn giáo”, Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, số 1, tr 24 – tr 33 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Các nhân tố ảnh hưởng tới chính sách của Nhà nước Việt Nam đối với Công giáo nhìn từ góc độ văn hóa – tôn giáo
Tác giả: Nguyễn Quang Hưng
Năm: 2008
19. Nguyễn Quang Hưng (2010), “Tư duy và lối sống của người Công giáo Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, số 7, tr 45 – 51 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Tư duy và lối sống của người Công giáo Việt Nam
Tác giả: Nguyễn Quang Hưng
Năm: 2010
26.3.1999 "Việt Nam, từ đối đầu Đông Tây tới toàn cầu": http://ttntt.free.fr/archive/VuKhoiPhung%20CGVN.html Sách, tạp chí
Tiêu đề: Việt Nam, từ đối đầu Đông Tây tới toàn cầu
22. Bùi Đức Luận (2004), “Vài nhận thức trong quá trình xây dựng Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo”, Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, số 4, tr 44 – 49 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Vài nhận thức trong quá trình xây dựng Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo
Tác giả: Bùi Đức Luận
Năm: 2004
23. Bùi Đức Luận (2003), “Những bước tiến trong việc thể chế hóa chủ trương chính sách về tôn giáo ở nước ta trong thời gian gần đây”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 1, tr 15 – tr 20 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Những bước tiến trong việc thể chế hóa chủ trương chính sách về tôn giáo ở nước ta trong thời gian gần đây
Tác giả: Bùi Đức Luận
Năm: 2003
26. Lê Đại Nghĩa (2002), “V.I. Lênin bảo vệ và phát triển tư tưởng của C. Mác và Ph. Ăngghen về tôn giáo”, Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, só 2, tr3- tr8 Sách, tạp chí
Tiêu đề: V.I. Lênin bảo vệ và phát triển tư tưởng của C. Mác và Ph. Ăngghen về tôn giáo
Tác giả: Lê Đại Nghĩa
Năm: 2002
27. Nguyễn Xuân Nghĩa (2004), “Suy nghĩ về nguyên tắc thế tục trong mối quan hệ nhà nước và giáo hội”, Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, số 4, tr 34 – tr 43 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Suy nghĩ về nguyên tắc thế tục trong mối quan hệ nhà nước và giáo hội
Tác giả: Nguyễn Xuân Nghĩa
Năm: 2004
5. Linh mục Thiện Cẩm, Vatican II ảnh hưởng gì tới Giáo hội Việt Nam?, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam:http://ubdkcgvn.org.vn/modules.php?name=News&op=viewst&sid=1984 Link
1. Ban Tôn giáo Chính phủ (2001), Các văn bản pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, Nhà xuất bản Tôn giáo, Hà Nội Khác
3. C. Mác và Ph. Ăngghen toàn tập (2002), tập 3, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội Khác
11. Nguyễn Hồng Dương (2001), Nghi lễ và lối sống Công giáo trong văn hóa Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội Khác
12. Nguyễn Hồng Dương (2012), Quan điểm đường lối của Đảng về tôn giáo và những vấn đề tôn giáo ở Việt Nam hiện nay, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội Khác

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

TRÍCH ĐOẠN

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w