Tài nguyên du lịch nhân văn

Một phần của tài liệu Phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Trang 44)

Tài nguyên du lịch nhân văn gồm truyền thống văn hóa, các yếu tố văn hoá, văn nghệ dân gian, di tích lịch sử, cách mạng, khảo cổ, kiến trúc, các công trình lao động sáng tạo của con người và các di sản văn hoá vật thể, phi vật thể khác được sử dụng phục vụ mục đích du lịch. Điểm nổi bật về tài nguyên du lịch nhân văn ở Phú Thọ là: Hát Xoan Phú Thọ, di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại; Khu di tích lịch sử Đền Hùng, di tích đặc biệt cấp quốc gia và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Phú Thọ là tỉnh có lịch sử lâu đời, vùng đất phát tích của dân tộc Việt Nam để lại nhiều di chỉ khảo cổ, di tích lịch sử - văn hoá, kho tàng văn hoá dân gian, lễ hội, làng nghề truyền thống có giá trị du lịch cao. Qua các cuộc tìm kiếm, khai quật khảo cổ cho thấy Phú Thọ có rất nhiều hiện vật đồ đá, đồ đồng minh chứng cho thời kỳ các Vua Hùng dựng nước Văn Lang, trong đó có các di chỉ nổi tiếng như: Gò Mun, Sơn Vi, Làng Cả, Phùng Nguyên, Xóm Rền ... Phú Thọ còn lưu giữ nhiều di tích, sự tích, truyền thuyết về đời sống sinh hoạt văn hoá, công cuộc đấu tranh dựng nước

45

và giữ nước qua hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc Việt Nam. Các lễ hội diễn ra trên quê hương Phú Thọ cũng rất đa dạng, phong phú, mang nét văn hoá đặc sắc của những bản làng như hội Đền Hùng, hội phết Hiền Quan, hội bơi chải Bạch Hạc... Phú Thọ còn có kho tàng thơ ca, hò, vè rất đặc sắc, những làn điệu hát Xoan, hát Ghẹo, hát Đối, hát Ví mang âm hưởng của miền quê Trung du; các làng nghề truyền thống nổi tiềng như mây tre đan Đỗ Xuyên, ủ ấm Sơn Vi, nón lá Sai Nga… rất hấp dẫn khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu. Để phục vụ phát triển du lịch Phú Thọ, có thể đánh giá hệ thống tài nguyên du lịch nhân văn theo các loại hình sau:

Hệ thống di tích (các di tích lịch sử - văn hóa, di chỉ khảo cổ, di tích lịch sử cách mạng, di tích kiến trúc nghệ thuật, tôn giáo...): Hệ thống di tích là nơi để khách du lịch đến tham quan,tìm hiểu, nghiên cứu, vãn cảnh. Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 1.372 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 71 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 174 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Những di tích tiêu biểu có giá trị phát triển du lịch.

Khu di tích lịch sử Đền Hùng là nơi thờ cúng các Vua Hùng, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hóa đặc biệt của quốc gia. Toàn bộ khu di tích có bốn đền, một chùa và một lăng hài hòa trong phong cảnh thiên nhiên, có địa thế cao hùng vĩ. Ngoài ra còn có Đền Tổ Mẫu Âu Cơ trên núi Vặn, đền Lạc Long Quân được đầu tư xây dựng mới tạo cho quần thể khu di tích đầy khí thiêng của sơn thủy hội tụ. Tại đây hàng năm diễn ra lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương. Khu Di tích Đền Hùng với khả năng khai thác thành khu du lịch văn hóa, lễ hội cấp quốc gia.

Khu di tích khảo cổ Làng Cả là một khu trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội sầm uất có tính liên tục từ thời kỳ Hùng Vương, thời kỳ Bắc thuộc và thời kỳ phong kiến tự chủ, một kinh đô của nhà nước sơ khai thời Hùng Vương ở vùng ngã ba sông Bạch Hạc, Việt Trì ngày nay, trong đó di tích khảo cổ Làng Cả là dấu tích nổi bật và duy nhất về cố đô Văn Lang. Khu Di tích khảo cổ Gò Mun là di tích tiêu biểu cho văn hóa Gò Mun ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ, thuộc thời đại đồng thau ở Việt Nam, bước chuẩn bị tiền đề cho việc hình thành văn hóa Đông Sơn -

46

thời kỳ đồ sắt. Văn hóa Gò Mun đã trở thành một nhân tố quan trọng nhất, một bước ngoặt trong quá trình hình thành văn hóa Đông Sơn sau này.

Đền Mẫu Âu Cơ là di tích thờ Quốc Mẫu quan trọng trong hệ thống di tích lịch sử văn hóa của tỉnh Phú Thọ. Đền có từ thời Hậu Lê với kiến trúc chạm gỗ quý giá được coi như những tiêu bản của nền nghệ thuật đương đại. Tượng Mẫu Âu Cơ trong đền được tạo tác từ thời Lê có giá trị nghệ thuật cao. Đây là địa điểm khai thác du lịch tâm linh, về nguồn.

Ngoài các điểm tài nguyên nổi bật nêu trên, Phú Thọ còn có hệ thống các đình như Hùng Lô, Đào Xá, Hy Cương, Lâu Thượng, chùa Xuân Lũng có giá trị kiến trúc nghệ thuật cao, với khả năng khai thác phục vụ khách tham quan, nghiên cứu.

Lễ hội truyền thống: Lễ hội truyền thống là một hình thức sinh hoạt văn hóa đặc sắc phản ánh đời sống tâm linh của mỗi dân tộc, một hình thức sinh hoạt tập thể của người dân sau những ngày lao động vất vả, là dịp để mọi người hướng về những sự kiện trọng đại hoặc liên quan đến những sinh hoạt tín ngưỡng hay vui chơi giải trí. Vì vậy lễ hội có tính hấp dẫn cao với du khách và là một trong những tài nguyên du lịch nhân văn có giá trị.

Có thể nhận thấy, Phú Thọ là một trong những miền đất của lễ hội. Hiện ở Phú Thọ có 260 lễ hội, trong đó có 228 lễ hội truyền thống, 32 lễ hội lịch sử - cách mạng, có 92 lễ hội được bảo lưu hoàn toàn cả phần lễ, phần hội và trò diễn trong đó có 30 lễ hội xếp loại A, 1 lễ hội cấp quốc gia là lễ hội Đền Hùng.

Các lễ hội được phân bố không đều theo lãnh thổ và thời gian và có những nét đặc trưng riêng. Về thời gian, lễ hội chủ yếu được tổ chức vào mùa xuân. Về địa bàn, lễ hội chủ yếu tập trung ở khu vực Đền Hùng, thành phố Việt Trì (31 lễ hội); Lâm Thao (24 lễ hội); Phù Ninh (24 lễ hội); Tam Nông (31 lễ hội) và Cẩm Khê (30 lễ hội).

Ngoài những lễ hội có tính chất chung của cả nước, của vùng Bắc Bộ, Phú Thọ còn có những lễ hội đặc sắc riêng. Thông qua các lễ hội này, du khách có thể hiểu được về văn hóa Việt Nam, văn minh lúa nước. Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức vào ngày 10 tháng 3 âm lịch theo nghi lễ quốc gia, là ngày hội quần tụ, ca ngợi

47

sự hưng thịnh của nòi giống, là biểu tượng của tinh thần cộng đồng, nhắc nhở người dân Việt Nam cùng chung sức xây dựng đất nước ngày thêm phồn vinh. Lễ hội hàng năm thu hút hàng triệu khách du lịch từ khắp mọi miền đất nước. Từ năm 2006, Giỗ Tổ Hùng Vương được Nhà nước công nhận là Quốc giỗ càng thu hút đông đảo du khách. Đây là điểm nhấn của tài nguyên du lịch Phú Thọ.

Hội phết Hiền Quan là lễ hội dân gian được tổ chức ngày 12-13 tháng Giêng tại xã Hiền Quan huyện Tam Nông. Lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ và tôn vinh công lao của nữ tướng Thiều Hoa công chúa - Đức Thánh Mẫu Đại Vương, người giúp Hai Bà Trưng đánh giặc cứu nước.Trong lế hội diễn ra những trò chơi dân gian mang đậm nét văn hóa Hùng Vương như chọi gà, đánh đu...

“Hội chải” Bạch Hạc được tổ chức hàng năm vào ngày 19 - 20/5 âm lịch, nhưng sau này được chuyển tới ngày 9 - 10/3 âm lịch để phù hợp với ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Lễ hội bơi chải Bạch Hạc là ngày hội vui khoẻ của dân làng Bạch Hạc, thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc ta và nó trở thành môn thể thao không thể thiếu tại Lễ hội Đền Hùng.

Trong gia sản to lớn về dân ca và nghệ thuật sân khấu cổ truyền hát Xoan và hát Ghẹo là hình thức rất độc đáo. Ngoài giá trị về nghệ thuật, âm nhạc trong hát Xoan, hát Ghẹo còn ẩn chứa tư tưởng bên trong của loại hình nghệ thuật này. Đó là tình, là nghĩa đối với nhau và dành cho nhau. Từ khi Hát xoan được UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể (năm 2011) lễ hội càng trở nên hấp dẫn khách du lịch tham quan, nghiên cứu.

Ngoài các lễ hội đặc sắc trên còn có hội mở cửa rừng, hội đánh cá, Tết nhảy của dân tộc Dao, hội cồng chiêng của người Mường, hội rước Ông Khiu, Bà Khiu…của các dân tộc thiểu số đều có khả năng khai thác phát triển du lịch.

Làng nghề thủ công truyền thống: Làng nghề truyền thống có giá trị phục vụ khách tham quan, tìm hiểu nét văn hóa bản địa và mua sắm quà lưu niệm. Trong xã hội phát triển, làng nghề truyền thống ngày càng trở thành tài nguyên du lịch quý giá. Phú Thọ có nhiều làng nghề có khả năng khai thác phục vụ du lịch như Làng mây tre đan Đỗ Xuyên . Đây là một làng nghề và những sản phẩm nghề độc đáo

48

nghề đan cót nứa chắp có từ bao đời nay. Sản phẩm nứa chắp của Đỗ Xuyên đã có mặt trên thị trường thế giới với các sản phẩm như đĩa, bát. Làng ủ ấm Sơn Vi thuộc huyện Lâm Thao là quê hương của nghề làm ủ ấm, làng nghề cổ nhất hiện nay taị Phú Thọ. Với bàn tay khéo léo của mình, người Sơn Vi đã tạo ra loại ủ ấm có dáng vẻ độc đáo riêng. Mỗi chiếc ấm đẹp là đồ dùng trang trí đẹp, giữ nhiệt, làm đậm đà cho những ấm nước chè xanh, lá vối, nhân trần... trong suốt bốn mùa.

Tài nguyên du lịch nhân văn khác: Phú Thọ có một số sản vật địa phương khá đặc biệt tạo nên văn hóa ẩm thực phong phú, tăng thêm sức hấp dẫn đối với khách du lịch. Vùng núi phía Bắc của tỉnh thịnh hành món cơm lam làm từ gạo nếp nương, đặc biệt có món xôi cọ từ gạo nếp trộn với thịt quả cọ đã được om chín. Cá lăng và cá Anh Vũ làm các món ăn từ dân dã đến đặc biệt. Tại vùng sông Thao huyện Thanh Ba có cá cháy, một loại cá có hai buồng trứng to và ngon. Bưởi Đoan Hùng (bưởi Phủ Đoan) và hồng Hạc (hồng Hạc Trì) đều là sản vật quí hiếm, có giá trị phục vụ du lịch cao.

Bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số tại tỉnh Phú Thọ rất hấp dẫn khách du lịch tìm hiểu và nghiên cứu. Các dân tộc thiểu số ở Phú Thọ như Mường, Dao, Mông, Cao Lan...có những bản sắc văn hóa rất riêng thể hiện qua các tục lệ như hội mở cửa rừng, hội đánh cá, hội cồng chiêng của người Mường, Tết nhảycủa dân tộc Dao, tục cưới hỏi.

2.1.3. Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch

Một phần của tài liệu Phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Trang 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(129 trang)