7. Cấu trúc của luận án
1.3.4. Đời sống tâm lin h nơi trú ngụ của những niềm tin tôn giáo
Người Hmông quan niệm “vạn vật hữu linh”. Tất cả sự vật hiện tượng trong cuộc sống đều có linh hồn. Con người cũng có phần xác và phần hồn. Vì thế mới có tục cúng ma tươi và ma khô, tức là để người chết gột rửa sạch tội lỗi, hoá kiếp để đầu thai làm kiếp khác. Sống trên trần thế, với người Hmông cũng chỉ là sống tạm nên hết sức thanh thản. Điều đó lí giải tại sao khi cuộc sống không được toại nguyện hoặc khi bất lực trước thiên nhiên, người Hmông dễ tự tử để hy vọng vào kiếp khác. Nhất là những đôi trai gái yêu nhau không lấy được nhau, ăn lá ngón tự tử và hứa sẽ “cầm ô đứng đợi nhau trên cổng nhà trời”.
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn
Theo ý niệm của người Hmông, thế giới này thuộc về các thần linh cai quản, gồm có 3 tầng: Tầng trời, tầng giữa (trần gian) và tầng dưới lòng đất (địa ngục). Vị thần vĩ đại nhất của muôn loài là trời. Tầng trời là nơi cư trú của Ngọc Hoàng và các thần như thần Sấm, thần Sét, thần Mưa … và còn là nơi sinh sống của các ma tổ tiên. Tầng giữa - trần gian (ntiêx têz) là nơi cư trú và sinh sống của con người muông thú, cây cỏ … tầng dưới cùng là địa ngục, còn gọi là “đáy trần gian” (kangz ntiêx têz) chỉ là một nơi tối om, nằm sâu trong lòng đất. Người Hmông luôn tin rằng, khi con người chết đi, hồn ma được đoàn tụ với tổ tiên. Hồn con người tồn tại vĩnh viễn, nên chết chỉ là một sự hoá kiếp mà thôi.
Trong trí tưởng tượng của người Hmông, có nhiều loại thần linh và ma khác nhau. Trong thế giới âm, các loại ma quỉ, thần thánh được chia làm 2 loại: Ma lành và ma dữ. Ma lành bảo vệ cho cuộc sống của con người nên phải được tôn trọng, quan tâm tới việc cúng bái một cách chu đáo, đúng kỳ hạn; ma dữ là ma chuyên làm hại người và gia súc, mùa màng. Nếu được cúng bái kịp thời ma dữ cũng sẽ giảm bớt đi sự hung dữ.
Tục thờ cúng tổ tiên của người Hmông cũng có phần khác với người Kinh hay các dân tộc khác. Tuỳ từng dòng họ mà trong nhà có hoặc không có bàn thờ. Bàn thờ của người Hmông thường được đặt ở vách hậu gian giữa và được cố định để thờ cúng quanh năm. Trên đặt 3 ống tre để cắm hương (ống giữa thờ tổ tiên, ống bên phải thờ thần trông coi gia đình, ống bên trái thờ thần chăm sóc sức khoẻ các thành viên trong gia đình) [66]. Sáng mồng một tết, các gia đình người Hmông thường mổ một con gà để cúng tổ tiên. Chủ nhà nhổ một ít lông gà nhúng vào bát tiết sau đó đem dán lên bàn thờ. Sau khi cúng mời tổ tiên, gia chủ dán những tờ giấy bản vào công cụ sản xuất, đồ đạc trong nhà để ma các đồ vật đó được ăn tết và phù hộ cho gia đình. Khi gia đình có đám cưới, đám tang hay có người ốm đau, người Hmông cũng cúng mời ma nhà về phù hộ. Trong nghi lễ thờ cúng, người Hmông có một số kiêng kị như chỉ có con trai mới được đến gần bàn thờ; khách đến chơi không được ngồi quay lưng lại bàn thờ vì làm như vậy tổ tiên sẽ phật ý. Ma tổ tiên là ma lành nhưng nếu không thờ cúng một cách chu đáo, ma tổ tiên sẽ nổi giận và gây ra ốm
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn
đau cho con cháu. Vì vậy, việc thờ cúng ma tổ tiên được các gia đình người Hmông thực hiện và duy trì hết sức cẩn thận.
Hệ thống thần bản mệnh trong quan niệm của người Hmông rất phong phú và đa dạng. So với một số dân tộc khác thì hệ thống thần bản mệnh này ít bị pha tạp bởi các yếu tố tôn giáo mà tương đối thuần nhất. Đó là các loại ma nhà gồm: ma cửa, ma buồng, ma giữ của, ma góc nhà, ma cột chính… Từ quan niệm đó, dẫn tới một số kiêng kị mang tính chất phong tục như: Người có thai không được bước qua cửa vào xông đất, vì làm như vậy sẽ làm cho ma cửa sợ hoặc bị ngã, khiến cả năm đó gia chủ sẽ gặp những điều không may mắn; người lạ không được tựa lưng vào cột chính, không treo quần áo hoặc các thứ khác lên cột; người lạ không được bước qua cửa buồng. Ngày tết không được thổi hơi vào bếp lửa vì sợ năm đó hơi lửa sẽ bùng to cháy nhà; không dẫm chân lên bếp vì sợ ma bếp tức giận bỏ đi. Ở một số nơi, người Hmông kiêng con dâu không được lên gác…
Trong xã hội Hmông truyền thống, Sa Man giáo có ảnh hưởng rất rộng lớn và sâu đậm. Đó là hình thức tôn giáo rất phổ biến. Thầy Sa Man là những thầy cúng (chí nềnh) chuyên nghiệp, có khả năng dùng phép đưa mình vào trạng thái hôn mê để có thể trực tiếp giao tiếp được với các lực lượng siêu nhiên (các vị thần và những linh hồn). Thầy Sa Man có thể là đàn ông hoặc đàn bà, có mặt ở khắp các bản làng của người Hmông. Nhiệm vụ chủ yếu của các thầy Sa Man là cầu cúng chữa bệnh, hoặc có thể đi sang thế giới bên kia để tìm cách đưa hồn người ốm trở về. Cũng có khi, thầy Sa Man còn sử dụng thuật bói toán để tìm của cải bị mất, hay chủ trì một số nghi lễ như cúng trừ tà, cúng ma lợn...Người có quyền năng để hướng dẫn và giúp đỡ thầy Sa Man là ông tổ ma thầy cúng (đá nềnh). "Đá nềnh" có sự am hiểu sâu sắc thế giới bên kia và thường dẫn đường cho "chí nềnh" đi tìm hồn hay trừng trị ma ác bắt hồn...[111].
Thầy Sa Man hành nghề bằng những trang bị đặc biệt. Đó là bàn thờ với cây cầu dẫn đường gồm ba cây tre dài, nhỏ như cần câu. Ba ngọn cây tre đều phải còn lá và hướng về phía bếp. Ba sợi dây lanh vắt ngang qua ba ngọn tre, nối chúng với bàn thờ Sa Man. Ba sơi dây lanh này tượng trưng cho đường đi của tổ sư Sa Man và hồn của thầy Sa Man. Đó cũng chính là đường đi sang thế giới bên kia của thầy Sa Man.
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn
Mỗi năm, vào dịp cúng tất niên, các cây cầu này lại được thay mới. Ngoài ra bàn thờ của thầy Sa Man còn có ống hương, bát ngô rang ở bên phải và bát nước bỏ phép ở bên trái. Tầng dưới để các dụng cụ và nhạc cụ của thầy cúng, đó là đôi sừng trâu, một đôi nhạc ngựa bằng đồng, một chiếc vòng lắc gồm 7 hoặc 9 mảnh sắt nhỏ gắn kèm, một chiếc thanh la...đó là những vật thiêng kị ma của thầy Sa Man.
Qua các bài cúng của thầy Sa Man, có thể thấy thế giới bên kia cũng rất đơn giản. Trên trời có các vị thần linh phán xét hồn người chết, có những vườn hoa thơm cỏ lạ dễ quyến rũ hồn người chết mải chơi đi lạc không về. Ở đó còn là nơi ở của tổ tiên.
Trong xã hội hiện đại ngày nay, những tín ngưỡng cổ truyền vẫn còn hiện hữu và chi phối rất lớn đến đời sống tâm linh của người Hmông, tiêu biểu là các hiện tượng "xưng vua" và đạo "Vàng Chứ".
Việc xưng vua của người Hmông là một hiện tượng thu hút sự quan tâm rất lớn của xã hội trong vài thập kỉ gần đây. Nguyên nhân của vấn đề này xuất phát từ chiều sâu lịch sử với yếu tố tâm linh cùng với tâm lí dân tộc đặc thù. Người đứng ra xưng vua thường chỉ tự nhận mình là "người được thừa hành" sự sai khiến của vua. Vua trong ý thức của người Hmông là người tài giỏi như thần, sẽ đem lại hạnh phúc cho cuộc sống của họ. Vì vậy, khi được loan tin vua sắp về, người Hmông tích cực chuẩn bị đi gặp vua hoặc đi đón vua với một niềm tin tuyệt đối. "Đây là hành động đan xen giữa những hành động đời thường, con người cụ thể với những con người ảo tưởng mà ở đó thể hiện sự mong mỏi của con người. Bởi vậy, "xưng vua" là hiện tượng vừa có tính thế tục, vừa mang tính tôn giáo"[14; tr.228].
Đạo Vàng Chứ có nguồn gốc từ Mỹ, nơi có trên 200.000 người Hmông sinh
sống rải rác trong 16 bang [14]. Đạo này do một người Hmông gốc Lào cầm đầu, phát triển ra tất cả các nước có người Hmông, trong đó có Việt Nam. Xuất phát từ truyền thuyết cho rằng xưa kia người Hmông có chữ, nhưng đã bị thất lạc, những người truyền bá đạo Vàng Chứ tuyên truyền rằng: Kinh thánh chính là chữ xưa kia người Hmông đánh mất, nay người da trắng và chúa Jêsu tìm được và trả lại cho họ; chúa Jêsu thương người Hmông nhất vì họ có lịch sử và tài năng như người Do Thái và đất nước Ixraen; người Hmông cũng sẽ có được một nhà nước hùng mạnh như
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn
Ixraen hiện nay. Đối tượng để những người truyền đạo Vàng Chứ xâm nhập, tuyên truyền là những người Hmông trẻ tuổi, nhất là sinh viên các trường đại học, móc nối với các trí thức thông qua các hội thảo trong và ngoài nước hay cấp học bổng cho sinh viên, học sinh người Hmông sang các nước tư bản đào tạo để sử dụng lâu dài [14].
Đạo Vàng Chứ từ cuối thập niên 90 của thế kỷ trước đã lan rộng trong các vùng đồng bào Hmông ở nước ta, nhất là ở các vùng Việt Bắc và Tây Bắc. Không chỉ có vấn đề truyền đạo trái phép một cách trực tiếp thông qua một số người Hmông đã được truyền đạo, len lỏi vào tận các bản làng người Hmông heo hút, việc truyền đạo còn được tiến hành thông qua việc lợi dụng các phương tiện thông tin đại chúng. Đáng chú ý là đài phát thanh tiếng Hmông FEBC, đây là đài thuộc đạo
Tin Lành của Mỹ, lấy tên là đài Viễn Đông, có trụ sở đặt trên một hòn đảo của Mỹ,
gần Philippin. Nội dung tiếng Hmông của đài chủ yếu là truyền đạo. Hiện nay, một bộ phận không nhỏ người Hmông rất quan tâm nghe và tin theo những nội dung phát thanh của đài này. Việc truyền đạo gây nên tính bất ổn định trong cộng đồng người Hmông. Đây là một vấn đề vừa nhạy cảm, vừa phức tạp cần được giải quyết một cách triệt để. Tuy nhiên, cũng có không ít người Hmông tỏ ra cảnh giác và không tin theo những lời rao giảng của đạo Vàng Chứ. Bởi lẽ, nó trái với những phong tục và tín ngưỡng của người Hmông có từ xa xưa. Nhà thơ Hùng Đình Quí là một người rất tich cực trong việc vận động nhân dân chống lại những luận điệu của những người theo đạo và tuyên truyền cho đạo Vàng Chứ: "Người ta lừa rằng/ Theo
Vàng Chứ không làm cũng có ăn/ Thách các người cứ thử đợi/ Nếu đúng như vậy/ Tôi xin đi bằng đầu xuống đất!". Nhà thơ cảnh tỉnh đồng bào mình: "Người rước đạo về lừa ta/ Là kẻ muốn ta hết giống/ Người đem đạo về dối mình/ Là kẻ muốn ta tiệt gốc"...
Tóm lại, đời sống tâm linh là nơi trú ngụ của những niềm tin mang tính tôn giáo. Đó là những niềm tin mãnh liệt tạo dựng lên sức mạnh tinh thần. Xét dưới góc độ nào đó, quan niệm và niềm tin chính là ý nghĩa mục đích của cuộc sống. Dân tộc Hmông gan dạ, cứng cỏi, có bản lĩnh nhưng bảo thủ và cả tin. Đó là mặt
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn
mạnh đồng thời cũng là một hạn chế lớn của người Hmông trên con đường tìm đến với cuộc sống văn minh và hạnh phúc.