Đảng bộ Hà Tây lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn

Một phần của tài liệu Đảng bộ hà tây lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế (1991 2006) (Trang 20 - 41)

1.3.1. Đặc điểm tự nhiên và kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tây

Hà Tây có toạ độ địa lý 20,31º - 21,17º vĩ độ bắc và 105,17º - 106º kinh đông, bao quanh Thành phố Hà Nội về hai phía Tây - Nam với 3 cửa ngõ vào thủ đô (trong 7 cửa ngõ) qua các quốc lộ 1, 6, 32. Hà Tây có tổng diện tích 2147 km2, phía Đông giáp Hà Nội, Hưng Yên, phía Tây giáp tỉnh Hoà Bình và Phú Thọ, phía Bắc giáp tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ, phía Nam giáp tỉnh Hà Nam. Hà Tây nằm cạnh khu tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, hạt nhân kinh tế của miền Bắc, nằm trên khu vực chuyển tiếp từ Tây bắc và trung du miền Bắc với đồng bằng sông Hồng qua mạng lưới giao thông về đường thuỷ, đường sắt và các bến cảng tương đối phát triển.

Về địa giới hành chính

Tỉnh Hà Tây có nhiều lần thay đổi địa giới hành chính cho tới hiện nay.

Tỉnh Sơn Tây thời Pháp thuộc được thành lập năm 1892 gồm 2 phủ và 4 huyện (phủ Quốc Oai và phủ Quảng Oai; 4 huyện: Phúc Thọ, Thạch Thất, Tùng Thiện,

Bất Bạt). Tỉnh Hà Đông có 4 phủ và 6 huyện (bốn phủ: Hoài Đức, Ứng Hoà, Mỹ Đức, Thường Tín; sáu huyện: Đan Phượng, Hoàn Long, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Thanh Oai, Thanh Trì). Toàn tỉnh có 105 tổng và 820 xã.

Năm 1965, theo Nghị quyết số 103NQ-TVQH ngày 21/4/1965, Uỷ ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn hợp nhất tỉnh Hà Đông và Sơn Tây thành đơn vị hành chính mới là Hà Tây, gồm 16 huyện, 2 thị xã, 311 xã, thị trấn. Diện tích toàn tỉnh là 2.196,3 km2, dân số 1.298.537 người.

Năm 1976, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá VI, quyết định sáp nhập hai tỉnh Hà Tây và Hoà Bình thành tỉnh Hà Sơn Bình gồm 24 huyện, 3 thị xã, 519 xã, phường thị trấn. Diện tích toàn tỉnh là 6.726,8 km2, dân số 2.005.700 người.

Năm 1979, chuyển 5 huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Đan Phượng, Hoài Đức, và thị xã Sơn Tây sáp nhập vào Hà Nội.

Ngày 12/8/1991, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá VIII quyết định chia tách tỉnh Hà Sơn Bình thành hai đơn vị hành chính là tỉnh Hà Tây và Hoà Bình, định lại ranh giới của Hà Nội. Hà Nội chuyển trả lại cho Hà Tây các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Đan Phượng, Hoài Đức và thị xã Sơn Tây.

Theo Quyết định của Chính phủ thì đơn vị hành chính tỉnh Hà Tây gồm có 2 thành phố Hà Đông và Sơn Tây; 12 huyện là Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng, Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ, Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hoà, Mỹ Đức; gồm 295 xã, 27 phường, thị trấn.

Đến ngày 29 tháng 5 năm 2008, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Nghị quyết số 15/2008/QH12 Về việc điều chỉnh địa giới hành chính Thành phố Hà Nội và một số tỉnh liên quan đã hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên là 219.341,11 ha với dân số là 2.568.007 người của tỉnh Hà Tây vào thành phố Hà Nội.

Trong phạm vi gianh giới của tỉnh cho đến nay đã có nhiều lần thay đổi về địa lý hành chính các huyện, thị xã, thị trấn, xã phường theo thời gian để phù hợp sự quản lý của các cấp chính quyền.

Về khí hậu: Hà Tây nằm trong nền chung của khí hậu miền Bắc là khí hậu nhiệt đời gió mùa ẩm, có mùa đông khô và lạnh. Tuy nhiên, do đặc điểm địa

hình, Hà Tây được chia thành 3 vùng với chế độ khí hậu khác nhau: Vùng đồng bằng, có độ cao trung bình 5-7m, chịu ảnh hưởng của gió biển, khí hậu nóng ẩm hơn, nhiệt độ trung bình hàng năm 23,8ºC, lượng mưa trung bình 1700 - 1800mm. Vùng đồi, độ cao trung bình 15 - 50m, khí hậu lục địa, chịu ảnh hưởng của gió Lào, nhiệt độ trung bình năm 23,5°C, lượng mưa trung bình là 2300 – 2400 mm. Vùng núi Ba Vì, độ cao từ 700 m trở lên đến đỉnh Ba Vì 1282m, nhiệt độ khí hậu mát mẻ, trung bình 18°C.

Với tài nguyên khí hậu trên, Hà Tây có điều kiện nuôi trồng được nhiều loài động thực vật có nguồn gốc tự nhiên từ nhiều miền địa lý khác nhau thuận lợi cho việc phát triển nền nông nghiệp đa dạng. Tuy nhiên, vào mùa khô, cây trồng thiếu nước, mùa mưa thường có bão lũ, gây ngập úng và uy hiếp hệ thống đê sông chống lụt.

Về địa hình: phía tây tỉnh là đồi núi với diện tích tự nhiên 70.400 ha, chiếm 1/3 diện tích toàn tỉnh. Địa hình núi có độ cao tuyệt đối 300 trở lên đến độ cao nhất là đỉnh núi Ba Vì 1281m, với diện tích 17.000 ha, trong đó có 7.400 ha rừng quốc gia. Địa hình có độ cao tuyệt đối từ 30 – 100m là đồi thấp, 100 – 200m là đồi cao với diện tích 53.400 ha, trong đó đồi thấp là chủ yếu. Địa hình đồng bằng phía đông có độ cao lớn nhất là 11m với diện tích là 144.450 ha chiếm 2/3 diện tích toàn tỉnh, mang đặc trưng đồng bằng Bắc bộ ô trũng ven đê.

Với kiểu địa hình trên, Hà Tây có điều kiện thuận lợi thực hiện đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi, luân canh được nhiều vụ trong năm (diện tích trồng cây vụ đông có thể đạt 80% diện tích canh tác), nhưng phải có công trình chống úng, kết hợp lựa chọn chế độ canh tác thích hợp với chế độ mưa, ngập ở các vùng trũng trong đê.

Về tài nguyên đất: Vùng đồng bằng có các loại đất: đất phù sa được bồi:

17.030 ha (8%), đất phù sa không được bồi: 51.392 ha (24%), đất phù sa Gley:

51.551 ha (24%). Vùng đồi núi gồm các loại đất chủ yếu: đất nâu vàng trên phù sa cổ 20.603 ha (10%), đất đỏ vàng trên đá phiến sét 10.783 ha, đất nâu đỏ và mùn đỏ vàng trên đá macma bazơ và đất nâu đỏ trên đá vôi. Nhìn chung đất có độ phì cao, với nhiều loại địa hình nên có thể bố trí được nhiều loại cây trồng

ngắn ngày, dài ngày, cây lương thực, cây công nghiệp, đồng cỏ chăn nuôi, cây rừng đa tác dụng với các hệ thống canh tác có tưới hoặc không tưới.

Về tài nguyên nước: Được sông Hồng bọc ở phía đông, sông Đà ở phía bắc và các sông nội địa khác phân bố đều trong lãnh thổ với mật độ khá cao. Với lượng nước sơ bộ hàng năm khoảng 180 – 200 tỷ m³. Theo đó là tài nguyên phù sa sông Hồng và sông Đà khoảng 170 triệu tấn/năm. [87, tr.8] Nhìn chung, tài nguyên nước dồi dào cho nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt, nếu xây dựng được hệ thống cấp thoát nước hoàn chỉnh để lấy nước sông và giữ nước mùa mưa, cấp nước mùa khô. Phù sa sông là nguồn dinh dưỡng quan trọng để cải tạo đất và tăng năng suất cây trồng.

Tài nguyên khoáng sản: Hà Tây có một số khoáng sản chính sau: đá vôi (Mỹ Đức, Chương Mỹ), đá granit (Chương Mỹ), sét (Chương Mỹ, Thạch Thất, Quốc Oai), cao lanh (Ba Vì, Quốc Oai), vàng gốc và sa khoáng (Quốc Oai, Chương Mỹ), đồng (Ba Vì), abet (Ba Vì), đôlômít (Quốc Oai), nước khoáng (Ba Vì) với chất lượng và trữ lượng cho phép khai thác và chế biến ở quy mô công nghiệp vừa và lớn.

Về tài nguyên cảnh quan, lịch sử, du lịch:

Theo thống kê của Bộ văn hoá thì Hà Tây (cũ) là tỉnh đứng thứ 3 trong cả nước (sau Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh) về số lượng di tích lịch sử (300 di tích) với mật độ 14 di tích/100km2 (cả nước là 2,2 di tích/km2). [87, tr.11] Vùng núi Ba Vì và dải núi đá vôi phía tây tạo ra cảnh quan và khí hậu đa dạng, các khu rừng nguyên sinh, các bản làng dân tộc với văn hóa truyền thống…

Với tiềm năng cảnh quan và di tích lịch sử, vị trí địa lý nằm cạnh Hà Nội và tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Hà Tây được đánh giá là điểm du lịch có tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Tuy vậy, để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong CCKT phải được đầu tư lớn để xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, nâng cấp các di tích lịch sử và cảnh quan, khôi phục và xây dựng văn hoá dân gian…

Tài nguyên con người: dân số Hà Tây đầu những năm 1990 là 2,237 triệu người, mật độ bình quân 992 người/km², trong đó vùng đồng bằng trên

1000người/km², vùng đồi núi 791 người/km². Mật độ dân số Hà Tây gấp 26 lần bình quân của thế giới và 5,1 lần bình quân của cả nước, là tỉnh đông dân thứ 7 của Việt Nam, 93% dân số sống ở nông thôn, chỉ 7% sống ở thành thị, 25% dân số đang học ở cấp học phổ thông. Có 9 xã đồng bào dân tộc với dân số 29.000 người, chủ yếu là người Mường. Lao động 1,1 triệu người, trong đó 80% là lao động nông nghiệp, 1/3 xã có làng nghề thủ công với 117.000 lao động có tay nghề. Lao động nông nghiệp có trình độ văn hoá khá (21% có trình độ cấp III, 62% trình độ cấp II, 14% là cấp I). [87, tr.12]

Với những điều kiện nêu trên đã tạo cho Hà Tây những thuận lợi lớn:

Nằm ở vị trí địa lý thuận lợi cạnh thủ đô Hà Nội và vùng tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh nên có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, chuyển dịch CCKT, đồng thời tạo điều kiện cho Hà Tây tiếp thu công nghệ, khoa học kĩ thuật và giáo dục. Thủ đô Hà Nội là thị trường trực tiếp của nhiều hàng hoá và dịch vụ như nông, lâm, thuỷ hải sản, vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng, thủ công mỹ nghệ, du lịch nghỉ dưỡng… Hà Tây là địa bàn mở rộng của Hà Nội với các thành phố vệ tinh, là mạng lưới gia công của các xí nghiệp công nghiệp của Hà Nội trong quá trình CNH, HĐH.

Hà Tây có điều kiện trao đổi lưu thông hàng hoá với các tỉnh trung du, miền núi phía bắc, các tỉnh vùng đồng bằng Sông Hồng và các tỉnh phía nam.

Đồng thời, Hà Tây có tuyến phòng thủ phía đông nên có vị trí đặc biệt quan trọng đối với an ninh quốc phòng.

Khó khăn thách thức của Hà Tây trong thời kỳ đổi mới, CNH, HĐH là sự cạnh tranh mạnh mẽ về kinh tế của các trung tâm công nghiệp lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh; các trung tâm mới nổi như Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh. Cơ sở hạ tầng thấp kém, 90% doanh nghiệp trung ương, địa phương có trình độ kỹ thuật trung bình và lạc hậu, năng suất và hiệu quả thấp.

Đất chật, người đông, tốc độ tăng dân số còn cao gây sức ép lớn về việc làm, thu nhập và các vấn đề xã hội. GDP đầu người thấp, là tỉnh chưa cân bằng được ngân sách. Du lịch là thế mạnh của Hà Tây song, cần phải đầu tư lớn vào cơ sở

vật chất, cảnh quan, môi trường sinh thái, cần phải xây dựng các tour du lịch với các hình thức, nội dung hấp dẫn trong khi rất thiếu vốn…

1.3.2. Những chủ trương, giải pháp chính lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế (1991 – 1995)

Thực hiện chủ trương của Bộ chính trị, Hà Tây được phân định lại địa giới hành chính từ 1/10/1991, toàn tỉnh có 12 huyện, 2 thị xã với tổng diện tích là 214300 ha, dân số 2,1 triệu người.

Đánh giá về thực trạng kinh tế - xã hội thời kỳ 1986 - 1991, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VII nhận định: Tình hình địa phương có những chuyển biến đáng kể trên các mặt, lương thực, thực phẩm tăng khá, hàng tiêu dùng phong phú, đa dạng hơn trước. Cơ sở vật chất phục vụ nông thôn, nông nghiệp được tăng cường. Thực hiện đổi mới quản lý kinh tế, phát triển kinh tế nhiều thành phần đạt được một số kết quả bước đầu. Thực hiện các chính sách xã hội trên một số mặt có cố gắng. Đời sống số đông nhân dân được cải thiện một bước. Dân chủ xã hội có tiến bộ. Tình hình chính trị ổn định. Công tác quản lý nhà nước, công tác xây dựng Đảng đang từng bước được đổi mới. [28, tr.8]

Tuy nhiên, còn nhiều tồn tại yếu kém: sản xuất lương thực phát triển chưa toàn diện, kết quả 3 chương trình kinh tế chưa xứng với tiềm năng, chủ yếu do chỉ đạo và quản lý còn yếu kém. Sản xuất nông nghiệp ở nhiều xã vẫn còn độc canh và chưa vững chắc, chậm tiếp thu tiến bộ kĩ thuật, riêng vùng đồi gò còn nhiều khó khăn, cần phải xem xét cơ cấu cây trồng cho phù hợp. Công nghiệp và thủ công nghiệp mới chiếm 26%. Hàng xuất khẩu chủ yếu là hàng thủ công nghiệp gia công. Nông sản xuất khẩu ít và chưa có mặt hàng chủ lực. Hoạt động dịch vụ du lịch còn yếu kém.

Vận dụng cơ chế quản lý mới đối với các thành phần kinh tế chưa có kinh nghiệm và còn nhiều khuyết điểm. Phần lớn cơ sở kinh tế quốc doanh địa phương nhỏ bé, vốn ít, kĩ thuật lạc hậu, quản lý kém, chậm thích ứng với cơ chế mới. Có 16% số cơ sở thuộc tỉnh và 40% số cơ sở thuộc huyện bị thua lỗ phải ngừng hoạt động.

Từ khi thực hiện chính sách Khoán 10, hoạt động của nhiều ban quản lý HTX nông nghiệp rất lúng túng. Do nhận thức về quyền sử dụng, chuyển nhượng, thừa kế ruộng đất không đúng đã nảy sinh mâu thuẫn giữa nhiều xã, thôn, xóm đã ảnh hưởng không tốt đến sản xuất và đoàn kết nông thôn. Nhiều HTX mua bán ngừng hoạt động, nhiều HTX tiểu thủ công nghiệp phải chuyển sang làm nông nghiệp.

Trong quản lý kinh tế quốc doanh có nhiều sơ hở, quản lý kinh tế tư nhân không chặt đã làm phát sinh nhiều tiêu cực mới như lừa đảo, chiếm dụng làm thất thoát vốn của nhà nước, của tập thể.

Tốc độ tăng dân số còn cao. Một bộ phận lao động, nhất là ở các thị xã thiếu việc làm. Chất lượng giáo dục có những mặt tiếp tục giảm; công tác khám chữa bệnh ở nhiều cơ sở y tế làm chưa tốt; hoạt động văn hoá quần chúng ở cơ sở bị mai một, các hủ tục mê tín dị đoan phục hồi. Đời sống của một bộ phận dân cư còn túng thiếu; một số cán bộ hưu trí, mất sức thu nhập thấp không đủ mức sống tối thiểu.

Kỉ cương pháp luật chưa nghiêm, trật tự an toàn xã hội còn diễn biến phức tạp. Nhiều quy định về quản lý kinh tế, ruộng đất, quản lý đô thị, giao thông, nhà ở… không được chấp hành. Bộ máy nhà nước còn nhiều hiện tượng trì trệ, tiêu cực, tham nhũng, nhiều trường hợp xử lý không nghiêm và kéo dài. Nhiều tệ nạn xã hội chưa giảm. Đáng chú ý là nạn trộm cắp, trấn lột xảy ra ở nhiều nơi khiến nhân dân lo lắng.

Quản lý nhà nước chưa bao quát được các thành phần kinh tế, hiệu lực điều hành bằng pháp luật còn hạn chế, chính quyền cơ sở nhiều nơi yếu. Các cơ quan bảo vệ pháp luật có lúc phối hợp hoạt động không chặt chẽ, trùng chéo, trong xử lý còn chậm và nôn nóng.

Nguyên nhân chính của những hạn chế trên là do kiến thức và năng lực tổ chức chỉ đạo thực hiện của Tỉnh uỷ, các ngành, các cấp chưa theo kịp yêu cầu đổi mới. Phong cách lãnh đạo chưa nhạy bén và thiếu tập trung, việc phân công trách nhiệm và tổ chức kiểm tra làm chưa tốt. Chưa tích cực tranh thủ sự giúp đỡ của các ngành, các tổ chức kinh tế, khoa học kĩ thuật của Trung ương. [28, tr.12]

Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tây lần thứ VII tháng 3/1992 đã đề ra những mục tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội cho đến năm 1995 là: “Vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng, đề cao tinh thần đoàn kết, tự lực tự cường, phấn đấu xây dựng và phát triển kinh tế địa phương với cơ cấu nông nghiệp toàn diện gắn với công nghiệp chế biến và xuất khẩu, dịch vụ du lịch; cơ sở hạ tầng được tăng cường; đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân được cải thiện; quốc phòng an ninh được đảm bảo. Đến năm 1995, phấn đấu đạt các mục tiêu: Giải quyết tốt hơn vấn đề lương thực, có thêm nhiều nông sản hàng hoá chế biến và hàng tiêu dùng, tăng nhanh hàng xuất khẩu; giảm tỷ lệ sinh mỗi năm một phần nghìn, giảm bớt số lao động thiếu việc làm. Từng bước xây dựng nông thôn mới và nếp sống văn minh trật tự ở các thị xã, thị trấn. Ổn định và cải thiện một bước đời sống nhân dân; Xây dựng một số cơ sở hạ tầng bức thiết; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, chống mọi biểu hiện tiêu cực; kiện toàn và làm trong sạch bộ máy, đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo của các tổ chức Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của các đoàn thể nhân dân”. [28, tr.17]

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII đã đề ra những nhiệm vụ cụ thể và các giải pháp lớn phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội, trong đó nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế đặc biệt được coi trọng:

Thứ nhất, phát triển nông nghiệp toàn diện, tăng thêm lương thực, đồng thời tăng nhanh các loại nông sản hàng hoá.

Đầu tư thâm canh, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sinh học, đưa nhanh giống mới vào sản xuất để tăng sản lượng lương thực bình quân hàng năm 5% nhằm đảm bảo nhu cầu lương thực của nhân dân, căn bản khắc phục nạn đói giáp hạt.

Đồng thời, sử dụng có hiệu quả các loại đất, tăng nhanh giá trị nông sản hàng hoá trên một đơn vị diện tích.

Thứ hai, khai thác tài nguyên, điện năng sẵn có và lao động biết nhiều nghề để phát triển sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu.

Một phần của tài liệu Đảng bộ hà tây lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế (1991 2006) (Trang 20 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(50 trang)