Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA DẠY HỌC THEO VẤN ĐỀ
1.2. Cơ sở lý luận của dạy học theo vấn đề
Triết học Mác- Lê Nin có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình dạy học, đặc biệt là các mô hình lấy người học làm trung tâm. Trong triết học Mác-LêNin , lý luận và phương pháp thống nhất hữu cơ với nhau, nhờ đó có khả năng nhận thức đúng đắn giới tự nhiên và đời sống, tư duy con người. hệ thống các quan điểm của chủ nghĩa duy vật Mácxít đã trở thành nhân tố định hướng cho hoạt động nhận thức và thực tiễn, trở thành nguyên tắc xuất phát của phương pháp luận [14]. Chủ nghĩa Mác-LêNin có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc hình thành thế giới quan, phương pháp luận khoa học trong nhận thức và hoạt động thực tiễn của các nhà tâm lý học, giáo dục học.
Theo quan điểm triết học mọi sự vật, hiện tượng khách quan đều được phản ánh vào ý thức của con người. Qúa trình phản ánh đó thực chất là hoạt động nhận thức mà chủ yếu là giải quyết các mối quan hệ giữa mâu thuẫn khách quan với mâu thuẫn chủ quan. Vì mâu thuẫn là động lực chủ yếu của quá trình phát triển mọi sự vật, nên mâu thuẫn là động lực chủ yếu của nhận thức.
Như vậy, có hai loại mâu thuẫn ứng dụng vào dạy học, có giá trị về mặt nhận thức, đó là mâu thuẫn khách quan và mâu thuẫn chủ quan. Mâu thuẫn khách quan là bàn chất vốn có của sự vật hiện tượng, nếu con người muốn biết nó thì đó là tri thức mà con người cần có ở một chủ thể nhất định. Nó xuất hiện trong tình huống mà trước một mâu thuẫn khách quan mà chủ thể nhận thức
chưa đủ khả năng để làm sáng tỏ. Vì vậy, mâu thuẫn chủ quan là khái niệm thuộc phạm trù tâm lí nhận thức. Tình huống có vấn đề là một công cụ lôgic, là một công cụ về lí luận dạy học, để chúng ta mô hình hoá các mâu thuẫn khách quan và mâu thuẫn chủ quan, để đưa cho người học nhận thức các đối tượng nghiên cứu. Dạy học giải quyết vấn đề bắt nguồn từ khâu “đặt” đến “giải quyết” các tình huống có vấn đề trong việc người học nhận thức một hoặc một số tri thức khoa học hay kinh nghiệm từ đó tạo ra động lực của quá trình nhận thức chủ quan của người học. Như vậy, tình huống có vấn đề có thể vừa là điểm xuất phát, vừa là phương tiện, vừa là cầu nối để nhận thức sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan, nhiều tác giả cho rằng tình huống có vấn đề là sản phẩm trung gian mang tính định hướng giúp con người khám phá những điều bí ẩn của tự nhiên, xã hội một cách biện chứng.
1.2.2. Cơ sở tâm lý học của dạy học theo vấn đề
Tâm lý học dạy học hiện đại đề cao vai trò hoạt động của chủ thể nhận thức. Hoạt động là phương thức tồn tại của con người trong xã hội, cũng chính nhờ hoạt động mà đã nảy sinh tâm lý, ý thức. Cho nên tâm lý, ý thức, nhân cách con người được hình thành thông qua chính hoạt động của họ. Vận dụng điều này trong dạy học, ta thấy chủ thể của hoạt động dạy là giáo viên và học sinh là chủ thể của hoạt động học; điểm nổi bật trong tính chủ thể là tính tự giác và tích cực hoạt động nhận thức của học sinh. Hoạt động dạy học được xem là quy luật chung nhất của tâm lý học dạy học; hoạt động này vừa tạo ra tâm lý, vừa sử dụng tâm lý. Hoạt động học là một hoạt động đặc thù của người học đặc trưng bởi nhu cầu hứng thú và tính tự giác chiếm lĩnh kiến thức, kỹ năng, thái độ mới. Đối tượng của hoạt động học là tri thức mà người học cần, trên cơ sở đó hình thành những kỹ năng, hành vi thái độ đúng đắn. Mục tiêu mà hoạt động học hướng tới là quá trình tự chiếm lĩnh tri thức, kỹ năng, kỹ xảo của xã hội để hình thành nhân cách. Do đó, việc học không thể thực hiện được nếu học sinh chỉ học một cách thụ động máy móc, mà họ phải học tích cực bằng chính ý thức tự giác, bằng năng lực, trí tuệ của bản thân.
Về khía cạnh tâm lý nhận thức, hoạt động học là hoạt động được điều khiển một cách có ý thức nhằm tiếp thu tri thức, kỹ năng, kỹ xảo hướng tới làm thay đổi chính bản thân người học, nội dung của tri thức không hề mới đối với nhân loại; nhưng khi chủ thể hoạt động chiếm lĩnh được, thì nhờ sựchiếm lĩnh này tâm lý của chủ thể đã thay đổi và phát triển. Sự tiếp thu này có tính tự giác cao sẽ hình thành được phương pháp tự học cho học sinh, nócó vai trò đặc biệt quan trọng giúp cho các em biết tự học suốt đời. Muốn cho tự học đạt kết quả cao, người học phải biết cách học, người dạy phải ý thức được những tri thức cần hình thành; những kỹ năng, kỹ xảo cần được phát triển ở học sinh.
Những quy luật tâm lí của tư duy cũng quyết định quá trình lĩnh hội kiến thức của học sinh. Hoạt động tư duy xuất hiện khi chủ thể gặp một vấn đề mà kinh nghiệm hiểu biết đã có không đủ để giải quyết, nhưng đã biết một phần.
Đối với học sinh tư duy bắt đầu bằng vấn đề mới khi đó sự chú ý, hứng thú, gây ra tình trạng căng thẳng về tâm lí, kích thích học sinh giải quyết vấn đề, nhờ đó vừa lĩnh hội được kiến thức mới, vừa nâng cao năng lực tư duy, hình thành nhân cách, năng lực sáng tạo.
Như vậy, con người chỉ bắt đầu tư duy tích cực khi nảy sinh nhu cầu nhận thức tức là khi đứng trước một khó khăn về nhận thức cần khắc phục một tình huống có vấn đề. Dạy học giải quyết vấn đề được thực hiện đối với người học là giải quyết tình huống có vấn đề sau khi nó được đặt ra, ở đây giáo viên tổ chức hoạt động nhận thức, trò là chủ thể nhận thức. Trước hết kích thích động lực ham muốn giải quyết nhiệm vụ nhận thức dưới dạng “đặt vấn đề”, tiếp theo kích thích và hướng dẫn học sinh hoạt động tư duy theo hướng “giải quyết vấn đề”.
Vấn đề đặt ra trong dạy học giải quyết vấn đề có ý nghĩa tích cực đối với học sinh, tạo ra cho học sinh nhu cầu nhận thức. Yếu tố mới của thông tin có tác dụng gây sự ngạc nhiên, thu hút sự chú ý của học sinh trước tình huống mới, khi đó thúc đẩy học sinh xuất hiện nhu cầu nhận thức và khơi dậy tính tích cực nhận thức của học sinh trong quá trình tìm tòi giải quyết vấn đề [12].
1.2.3. Cơ cở lý luận của dạy học theo vấn đề
Dạy học theo vấn đề phát huy được tính tích cực nhận thức của học sinh vì nó tạo ra và kích thích được động cơ tự giác học tập của chủ thể giúp học sinh có năng lực phát hiện (hoặc tiếp nhận) tình huống có vấn đề, biết giải quyết vấn đề đặt ra để tiếp nhận (hoặc hoàn thiện, vận dụng) tri thức.
Với chức năng như vậy thì lối dạy học này không chỉ tồn tại với tư cách phạm trù của phương pháp dạy học mà còn mang sắc thái của phạm trù mục tiêu giáo dục góp phần bồi dưỡng nhân cách con người ở thời đại khoa học - công nghệ phát triển như vũ bão, đang chuyển sang thời đại kinh tế tri thức.
Một ưu điểm khác của dạy học theo vấn đề là tạo cho học sinh thực hiện sự hoạt động độc lập của mình với các mức độ khác nhau. Dấu hiệu đặc trưng của hoạt động độc lập là học sinh làm việc không cần sự hỗ trợ từ phía giáo viên.
“Đặc điểm cơ bản của hoạt động độc lập như là một phạm trù lý luận dạy học biểu hiện ở chỗ, mục tiêu hoạt động của học sinh đồng thời mang chức năng quản lý hoạt động đó”.
Bởi thế, trong hoạt động dạy học, khi sử dụng dạy học theo vấn đề, giáo viên từng bước không những tích cực hoá hoạt động nhận thức mà còn thông qua đó tập dượt cho học sinh tiến hành hoạt động độc lập, cụ thể là việc tổ chức và quản lý hoạt động học tập bao gồm các khâu: xây dựng mục tiêu, vạch ra đề án kế hoạch, thực hiện kế hoạch đó có sự điều chỉnh cần thiết, kiểm tra đánh giá kết quả hoạt động.
Quá trình dạy học được phân ra ba giai đoạn với các nhiệm vụ lý luận dạy học khác nhau:
- Hình thành kiến thức mới cho học sinh (chủ yếu thực hiện trong các bài lên lớp giới thiệu tài liệu mới);
- Củng cố ôn tập; luyện tập vận dụng tri thức đã lĩnh hội được (thực hiện trong các bài lên lớp hoàn thiện tri thức và trong các hoạt động độc lập của học sinh ngoài lớp, ngoài giờ…);
- Kiểm tra đánh giá trình độ nắm vững và vận dụng tri thức của học sinh (trong bài lên lớp kiểm tra đánh giá và trong các hoạt động độc lập tự kiểm tra tự đánh giá của học sinh).
Dạy học theo vấn đề được vận dụng tuỳ theo nhiệm vụ lý luận dạy học, chủ yếu được thực hiện thích hợp ở giai đoạn đầu trong các “bài lên lớp nghiên cứu tài liệu mới”, nhưng vẫn có thể tiến hành ở giai đoạn hai trong các “bài lên lớp hoàn thiện kiến thức” như ôn tập hệ thống hoá kiến thức.
Ngoài ra giáo viên có thể ra các loại bài tập về nhà theo dạng “tìm tòi có vấn đề”, bài tập “có vấn đề” hoặc khi thực hiện các hình thức tổ chức hoạt động học tập khác như tham quan, bài tập ngoại khoá, lao động công ích có mặt hay không có sự tham gia trực tiếp của giáo viên, hoạt động tự học cá nhân học sinh hay theo nhóm nhỏ tại nhà, tại thư viện trường, trong thiên nhiên và các cơ sở khác ngoài trường. Phương pháp học tập tích cực đa dạng được áp dụng trong mọi hình thức dạy học.
Phấn đấu làm cho dạy học không chỉ nhằm hình thành kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo mà còn làm cho dạy học mang tính giáo dục và phát triển là xu hướng của lý luận dạy học hiện đại.
Trong quá trình giáo dục nói chung, nhiệm vụ phát triển được hiểu theo nghĩa rộng là phát triển toàn diện nhân cách của học sinh. Trong quá trình dạy học nói riêng, nhiệm vụ phát triển được hiểu theo nghĩa: Phát triển năng lực nhận thức và năng lực hành động của học sinh.
Phát triển năng lực nhận thức của học sinh bao gồm việc rèn luyện các thao tác tư duy và các phẩm chất tư duy, một số nhà tâm lý học còn nhấn mạnh
một số dấu hiệu khác của phẩm chất tư duy là tính phê phán, tính linh hoạt, khả năng phối hợp hài hoà các thao tác tư duy.
Phát triển năng lực hành động của học sinh bao gồm việc rèn luyện tính tích cực, độc lập, sáng tạo trong học tập, nghiên cứu, trong lao động…