CHƯƠNG 2 VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
2.2. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam
Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán khẳng định: chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng, Nhà nước và của chế độ xã hội ta. Đó là kim chỉ nam đưa đường,
dẫn lối cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng đi đến thắng lợi vẻ vang. Do vậy, việc vận dụng tư tưởng của Hồ Chí Minh vào xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân là vấn đề mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc, là nguyên tắc căn bản để đảm bảo cho nhà nước luôn luôn giữ được bản chất cách mạng của mình.
Chúng ta có thể khẳng định rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người Việt Nam đầu tiên có những tư tưởng, quan điểm về nhà nước pháp quyền. Đặc biệt là những tư tưởng, quan điểm đó đã được Người biến thành hiện thực sinh động thông qua việc lập nên nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau khi nước ta giành được độc lập năm 1945.
Nhà nước ấy chứa đựng tính chất pháp quyền, và thực chất là nhà nước pháp quyền. Tuy nhiên, do hoàn cảnh chiến tranh kéo dài và những quan điểm chủ quan, duy ý chí của thời kỳ tập trung quan liêu bao cấp nên chúng ta chưa có điều kiện để nghiên cứu, vận dụng. Ngày nay, xây dựng nhà nước pháp quyền đã trở thành xu hướng chung của hầu hết các quốc gia, dân tộc trên thế giới; Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó, bởi mục đích sâu xa của xây dựng nhà nước pháp quyền là vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng của xã hội, vì quyền và lợi ích của con người.
2.2.1. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân
Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước của dân, do dân, vì dân là nhà nước pháp quyền đúng nghĩa, phải phát huy được sức mạnh của nhân dân. Trong công cuộc đổi mới và dân chủ hóa, cần phát huy vai trò của nhân dân thông qua các hình thức thích hợp, với việc thực hiện phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Cơ quan nhà nước các cấp đã có những chuyển biến tích cực, gần gũi hơn đối với nhân dân, nhiều vấn đề được thảo luận thẳng thắn công
khai, nhiều ý kiến của nhân dân được tiếp thu nghiêm túc, công tác kiểm tra, giám sát với các quyết định của nhà nước cũng được chú ý, được dân đồng tình ủng hộ.
Trước yêu cầu của thời kỳ đổi mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thời kỳ hoàn thiện và tăng cường hệ thống pháp luật, thời kỳ dân chủ hóa trong điều kiện kinh tế thị trường đòi hỏi các cơ quan quyền lực của nhân dân phải thật sự phát huy được ý chí, nguyện vọng, lợi ích và trí tuệ của nhân dân. Việc tiếp tục đổi mới các hình thức hoạt động của các cơ quan quyền lực của nhân dân và nâng cao trách nhiệm, năng lực của các đại biểu nhân dân là việc làm thường xuyên và cần thiết.
Tăng cường thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở thực chất là phát huy quyền lực của nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những tiêu cực từ cơ quan quyền lực thống nhất. Thực hiện dân chủ ở cơ sở cũng là để hạn chế tối đa “sự tha hóa về quyền lực” mà hiện nay xảy ra tương đối nhiều.
Đó là khắc phục tình trạng dân bầu đại biểu của mình để thực thi quyền lực của chính mình nhưng bầu xong rồi thì quyền lực của mình cũng không còn nữa. Thực hiện sự phản biện xã hội từ phía các cá nhân, đoàn thể nhân dân đối với các chính sách và pháp luật.
Ngày nay, xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn, xu thế phát triển của thời đại, chúng ta đã vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước của dân, do dân, vì dân; tiếp thu những hạt nhân hợp lý của thuyết "tam quyền phân lập" và những giá trị mà nhân loại đạt được về nhà nước pháp quyền để phục vụ cho sự nghiệp đổi mới đất nước và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2.2.2. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa
Nhà nước của ta là nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân cho nên nhà nước mang tính thống nhất giữa tập trung và dân chủ “mọi quyền hạn đều là của dân”. Cho nên mọi cán bộ và công chức nhà nước dù ở cấp nào cũng là công bộc của dân, đều là do dân cử ra một cách trực tiếp hay gián tiếp để đại diện cho nhân dân. Do vậy, nhân dân có quyền giám sát hay bãi miễn những người do mình bầu ra khi người đó không hoàn thành vai trò là người đại diện của nhân dân.
Tất cả các cơ quan của nhà nước và cán bộ công chức của nhà nước phải làm việc với mục đích phục vụ nhân dân. Đây chính là tiêu chuẩn để đánh giá phẩm chất đạo đức của người cán bộ trong bộ máy nhà nước. Những người này phải thể thể hiện đầy đủ những đức tính như Hồ Chí Minh nêu ra đó là: Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công, Vô tư… Tuy nhiên, không chỉ có vậy trong tình hình mới đòi hỏi người cán bộ phải có kiến thức rộng, nắm vững pháp luật để hướng dẫn cấp dưới, nhân dân thực hiện theo pháp luật, xử lý mọi công việc theo pháp luật. Có nắm vững pháp luật, thực hiện theo pháp luật thì mới mong đảm bảo được quyền dân chủ cho nhân dân.
2.2.3. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong giáo dục pháp luật và giáo dục đạo đức, xây dựng nâng cao đạo đức cán bộ, đẩy mạnh đấu tranh và phòng chống tham nhũng
Những nội dung giáo dục đạo đức cho cán bộ đảng viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn đối với Việt Nam hiện nay. Thực tiễn những năm qua đã cho ta nhiều bài học kinh nghiệm về quản lý, giáo dục phẩm chất đạo đức cho cán bộ đảng viên. Tình trạng tha hóa biến chất của một lực lượng
cán bộ đảng viên trong các cơ quan nhà nước gây ra tình trạng tham ô, tham nhũng làm thất thoát ngân sách nhà nước như các vụ việc của tổng công ty Vinasin, Vinaline, các “quan tỉnh” đánh bài, sát phạt nhau mỗi ván bài tiền tỷ… Thực tế đó là tiếng chuông cảnh tỉnh chúng ta trong quá trình phát triển kinh tế, quản lý tổ chức xã hội và giáo dục tư tưởng đạo đức đối với cán bộ đảng viên trong giai đoạn hiện nay.
Yêu cầu tuân thủ pháp luật và phù hợp với đạo đức xã hội là một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật. Hàng loạt các văn bản pháp luật từng bước cụ thể hóa nguyên tắc quản lý xã hội bằng pháp luật kết hợp với đạo đức. Nâng cao đạo đức nghề nghiệp đã trở thành nghĩa vụ pháp lý và đạo đức của mỗi người.
Vận dụng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức, vấn đề đặt ra là thường xuyên tiến hành xây dựng ý thức và lối sống tuân theo pháp luật kết hợp với giáo dục lối sống phù hợp với đạo đức xã hội. Cần đạt tới nhận thức cao trong nhận thức và hành động về những nguyên tắc pháp lý mà nhà nước ta đã xác định trong các văn bản pháp luật gần đây như xử sự của công dân phải phù hợp với pháp luật và không được trái với đạo đức xã hội.
2.2.4. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam
Đảng Cộng sản Việt Nam luôn giữ vai trò lãnh đạo Nhà nước thực thi mục tiêu cao cả của đất nước. Với vai trò của mình, Đảng ta chăm lo tới xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa bằng việc dựa vào sức mạnh của nhân dân, vào sức mạnh của hệ thống chính trị. Cho nên việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là cần thiết.
Thực hiện nguyên tắc Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý ở nước ta là cả quá trình tìm tòi, sáng tạo, đúc rút từ thực tiễn cuộc sống trong thời kỳ đổi mới. Do đó, Đảng luôn phải đổi mới tư duy về thiết chế trong hệ thống chính trị ở nước ta. Hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa thực chất là cơ chế xã hội, nhờ đó nhân dân lao động thể hiện quyền dân chủ của mình, hệ thống này bao trùm và điều chỉnh mọi quan hệ hình thành giữa các giai tầng trong một đất nước về hoạch định phát triển kinh tế.
2.2.5 Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong cải cách nền hành chính quốc gia, xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh
Trong hệ thống hành chính từ Chính phủ đến các bộ, Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan chuyên môn của ủy ban nhân dân là những cơ quan có trách nhiệm chủ yếu trong việc tổ chức thi hành pháp luật. Tùy theo hệ thống cấp thẩm quyền, các cơ quan đó có thẩm quyền lập quy rất lớn, đặt ra các quy định chi tiết sau khi pháp luật đã được ban hành, đặt ra các thủ tục hành chính để quản lý và giải quyết mọi công việc trong đời sống kinh tế - xã hội.
Kết luận chương 2
Trong chương này luận văn tập trung làm sáng tỏ về sự cần thiết và một số nội dung vận dụng quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước của dân, do dân, vì dân vào quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay. Những nội dung vận dụng như: về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa; về giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức, xây dựng và nâng cao đạo đức cán bộ, đẩy mạnh đấu tranh và phòng chống tham nhũng; về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngày nay, sự nghiệp đổi mới đất nước đã và đang bước vào giai đoạn mới, giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập và giao lưu quốc tế. Trong giai đoạn này một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nước ta là cải cách tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế.
Để thực hiên nhiệm vụ trên chúng ta phải đảm bảo được một trong những nội dung quan trọng là: Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có những giá trị lý luận và thực tiễn to lớn đối với cách mạng nước ta. Chúng ta cần vận dụng, kế thừa và phát triển những giá trị đó để xây dựng thành công nhà nước pháp quyền Việt Nam hiện nay.