CHƯƠNG 3: MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHO HOẠT ĐỘNG NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG HIỆU TẠI VIỆT NAM
3.2 Để xuất giải pháp phát triển hệ thống nhượng quyền thương hiệu tại Việt Nam
3.2.1 Về phía nhà nước
a) Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động nhượng quyền thương mại.
Hệ thống chính sách, pháp luật được xây dựng cần phải đảm bảo yêu cầu đồng bộ, khả thi, đảm bảo sự phối hợp điều hoà, nhịp nhàng giữa các cấp, các ngành, các doanh nghiệp trong quá trình phát triển hoạt động nhượng quyền thương mại, đảm bảo tăng cường được vai trò quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này, tạo môi trường pháp lý thuận lợi trong việc phát triển các loại hình nhượng quyền thương mại, đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng giữa các hệ thống nhượng quyền thương mại, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển hoạt động này đồng thời phải phù hợp với yêu cầu của các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và tham gia, nhất là yêu cầu của Tổ chức Thương mại thế giới, phù hợp với tập quán quốc tế.
b) Cải cách gọn nhẹ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để tạo điều kiện và nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động nhượng quyền thương mại.
Đồng thời cũng cần quy định rõ thẩm quyền trong việc quản lý, giám sát, kiểm tra hoạt động nhượng quyền thương mại của các cơ quan Nhà nước nhằm đảm bảo được sự quản lý của Nhà nước về hoạt động nhượng quyền thương mại và tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động cho các doanh nghiệp. Nguyên tắc chung là phải đảm bảo sự thống nhất trong hoạt động quản lý về một đầu mối, mà cụ thể Chính phủ phải là cơ quan đứng ra quản lý hoạt động nhượng quyền thương mại.
c) Đào tạo đội ngũ cán bộ về hoạt động nhượng quyền thương mại để nâng cao chất lượng hoạt động nhượng quyền thương mại.
Nguồn lực con người luôn đóng vai trò quyết định trong mọi công việc. Để có thể tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh việc phát triển nhượng quyền thương mại rầt cần có một đội ngũ cán bộ có năng lực và trách nhiệm. Đội ngũ cán bộ ở đây bao gồm cả cán bộ ở các cơ quan chức năng làm nhiệm vụ tiếp nhận, thụ lý hồ sơ, cấp phép đăng ký kinh doanh nhượng quyền thương hiệu và cả những cán bộ làm công tác xúc tiến thương mại.
Đội ngũ cán bộ này cần phải được trang bị những kiến thức chuyên sâu về nhượng quyền thương mại, am hiểu luật pháp trong nước và quốc tế, nắm rõ những thông lệ, tập quán thương mại quốc tế về nhượng quyền thương mại. Đồng thời họ cũng phải là những người có tư duy kinh tế, ngoại giao nhạy bén. Có như vậy họ mới có thể tư vấn cho doanh nghiệp trong quá trình lựa chọn mô hình nhượng quyền thương mại thích hợp, xây dựng và phát triển hệ thống nhượng quyền thương mại, đặc biệt là khi phát triển nhượng quyền ra nước ngoài, mới giúp doanh nghiệp nhượng quyền bảo vệ được quyền lợi khi tham gia sân chơi “toàn cầu hoá”.
Hiện nay ở nước ta chưa có trường lớp chính quy đào tạo, giảng dạy về nhượng quyền thương mại, hệ thống dữ liệu thông tin về nhượng quyền thương mại chưa có cũng như thực tiễn phát triển nhượng quyền thương mại còn mới mẻ nên ở giai đoạn này Nhà nước có thể cấp kinh phí đưa cán bộ ra nước ngoài để học tập nghiên cứu chuyên sâu về nhượng quyền thương mại hoặc có thể thuê chuyên gia nước ngoài đến đào tạo cho các cán bộ của ta.
Trong tương lai có thể đưa nhượng quyền thương mại trở thành một môn học được đào tạo trong các khối trường kinh tế.
d) Khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện phát triển các hệ thống nhượng quyền thương mại.
Thứ nhất, chi các khoản hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại, chi giúp doanh nghiệp quảng bá hàng hoá và dịch vụ, tiếp cận thị trường, chi phí hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thứ hai, nới lỏng các quy định về tài chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc xây dựng và nâng cao giá trị thương hiệu. Giảm thuế kinh doanh, thuế thu nhập có thời hạn cho các doanh nghiệp nhượng quyền, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhượng quyền có thể phát triển. Đây là một biện pháp mà Chính phủ Malaysia đã áp dụng và đem lại kết quả rất tốt. Các cơ sở kinh doanh nhượng quyền thương mại ở Malaysia đã được hưởng những ưu đãi vê thuế, nhờ đó họ có thêm nhiều nguồn lực để duy trì hoạt động và phát triển, góp phần tăng tốc độ phát triển nhượng quyền thương mại trong nước.
e) Thành lập các cơ quan hỗ trợ hoạt động nhượng quyền thương mại.
Thành lập Hiệp hội nhượng quyền thương mại Việt Nam.
- Tập hợp các tổ chức, cá nhân đang tham gia hệ thống nhượng quyền thương mại trong một tổ chức nghề nghiệp nhằm đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau bảo vệ quyền lợi nghề nghiệp của mình.
- Phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc quản lý hoạt động nhượng quyền thương mại ngày càng hoàn thiện.
- Tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ cho các cán bộ hoạt động trong lĩnh vực nhượng quyền thương mại.
• Thành lập Trung tâm tư vấn hoạt động nhượng quyền thương mại.
- Nâng cao nhận thức của mọi người về vai trò, tầm quan trọng của hoạt động nhượng quyền thượng mại trong sự phát triển kinh tế – xã hội nói chung và kinh tế thương mại nói riêng.
- Mời các chuyên gia trong lĩnh vực hoạt động nhượng quyền thượng mại trong và ngoài nước tham gia các khoá đào tạo để bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho các tổ chức/ cá nhân hoạt động trong các hệ thống nhượng quyền thương mại.
- Xem xét và tư vấn về tính pháp lý của tất cả các hợp đồng nhượng quyền thượng mại và giao dịch của khách hàng như quảng cáo, tài chính, ngân hàng.
3.2.2. Về phía các doanh nghiệp.
a) Doanh nghiệp nhượng quyền
• Đầu tư xây dựng thương hiệu: Khi xác định xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, dịch vụ của mình, doanh nghiệp cần phải bố trí nguồn lực tài chính phù hợp, sử dụng hợp lý, trên cơ sở cân đối giữa nguyên tắc tiết kiệm và hiệu quả nhằm đạt được lợi ích cao nhất. Doanh nghiệp cũng cần phải đăng ký bảo hộ cho tài sản trí tuệ của doanh nghiệp mình. Doanh nghiệp cũng cần phải hình thành đôi ngũ chuyên viên quản trị thương hiệu để làm cho việc xây dựng, phát triển thương hiệu chuyên nghiệp hơn.
• Xác định giá trị thương hiệu và quản lý thương hiệu như một tài sản: Khi giá trị thương hiệu đã được xác lập và thương hiệu được đối xử như một tài sản cố định, vị trí của nó sẽ được nâng lên, vai trò của nó sẽ được phát huy mạnh mẽ hơn trong việc góp phần tăng lợi nhuận của doanh nghiệp.
• Duy trì, nâng cao giá trị thương hiệu và bảo vệ thương hiệu: Doanh nghiệp cần đầu tư đổi mới, hiện đại hoá công nghệ, hợp lý hoá quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp, hoàn thiện quy trình quản lý và hệ thống phân phối, nâng cao chất lượng dịch vụ đồng thời tăng cường đầu tư cho hoạt động chăm sóc, phát triển khách hàng. Doanh nghiệp phải chủ động có các biện pháp chống hàng giả, hàng nhái và nạn đánh cắp thương hiệu.
Xây dựng mô hình kinh doanh nhượng quyền: Doanh nghiệp cần xây dựng một mô hình kinh doanh chuẩn để thử nghiệm quy trình hoạt đồng và bí quyết kinh doanh. Doanh nghiệp có thể xây dựng các chuẩn mực về vị trí hoạt động, cách bài trí, chính sách giá, phong cách phục vụ, quy mô dự trữ,…
Xây dựng đội ngũ nhân sự cho hoạt động nhượng
quyền: Nếu doanh nghiệp có chủ trương và khả năng tài chính để cử nhân viên đi học ở nước ngoài thì nên nghiên cứu kỹ lưỡng trong việc chọn trường và khoá học cho phù hợp nhất. Tuyển dụng một số nhân viên có năng lực đã từng làm việc tại các doanh nghiệp có kinh nghiệm tiến hành nhượng quyền thương mại có lẽ là cách ít tốn kém và khả thi nhất đối với một doanh nghiệp vừa và nhỏ
• Xây dựng chiến lược marketing cho cả hệ thống: Nếu khâu Marketing được thực hiện tốt thì có lợi cho thương hiệu và ngược lại.
• Xây dựng chương trình hỗ trợ bên nhận quyền: Chương trình hỗ trợ cho đối tác nhận quyền gồm hai bộ phận chính là chương trình huấn luyện đào tạo và chương trình hỗ trợ tại chỗ cho đối tác nhận quyền.
• Tính phí nhượng quyền: Mức phí nhượng quyền không nhât thiết phải được áp dụng cứng nhắc cho tất cả các đối tác mà cũng có thể tuỳ vào từng trường hợp cụ thể và có thể tăng, giảm theo thời gian, tuỳ thuộc quy luật cung cầu, mặt bằng chi phí, làm phát, môi trường kinh doanh, đối thủ cạnh tranh,…
• Thiết lập tiêu chí và thủ tục chọn lựa vị trí và mặt bằng kinh doanh: Chủ thương hiệu cần tư vấn cho bên nhượng quyền trong việc chọn lựa mặt bằng để kinh doanh thành công.
Chủ thương hiệu cần phải thiết lập các tiêu chuẩn thống nhất cho việc lựa chọn mặt bằng kinh doanh các cửa hàng nhượng quyền tiềm năng. Trong một số trường hợp chủ thương hiệu có thể chủ động tìm các vị trí kinh doanh đẹp trước và sau đó giới thiệu cho bên nhận quyền để mở cửa hàng.
• Xây dựng một hợp đồng nhượng quyền thương mại: Mỗi hợp đồng nhượng quyền thương mại phải đạt hai mục đích cơ bản: các điều khoản hợp đồng phải đầy đủ, rõ ràng, chính xác để ràng buộc được các bên bằng quan hệ hợp đồng và có thể giải quyết được các vướng mắc nảy sinh giữa các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng; bảo vệ được quyền lợi của các bên và đặc biệt là quyền sở hữu trí tuệ của bên nhượng quyền.
• Xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với bên nhận quyền: Chủ thương hiệu phải thực hiện đúng những cam kết trong hợp đồng nhượng quyền, tiến hành một cách hiệu quả nhất các hoạt động hỗ trợ cho đối tác để họ có thể kinh doanh thuận lợi, duy trì sự ủng hộ, cho những lời khuyên, ý tưởng bổ ích, giúp đối tác ngày càng lớn mạnh hơn.
b) Doanh nghiệp nhận quyền
• Tìm hiểu về mô hình hoạt động kinh doanh. Doanh nghiệp cần xem xét xem hàng hoá, dịch vụ mà doanh nghiệp có ý định nhận quyền cũng như cách thức hoạt động của mô hình kinh doanh đó có phù hợp với điều kiện và khả năng của doanh nghiệp mình hay không vì không. Có gì để bảo đảm cho việc mô hình kinh doanh của bên nhượng quyền đã thành công trong một vài cơ sở nhượng quyền cũng sẽ thành công trong điều kiện của mình.
• Nghiên cứu nhu cầu của thị trường đôi với hàng hoá, dịch vụ của doanh nghiệp chủ thương hiệu. Có thể tìm kiếm thông tin về vấn đề này thông qua doanh số của các doanh nghiệp nhận quyền trong hệ thống và qua các số liệu thống kê về tiềm năng phát triển của loại hàng hoá, dịch vụ mà doanh nghiệp đang có ý định nhận nhượng quyền. Doanh nghiệp cũng cần phải điều tra các thông tin có liên quan đến các đối thủ cạnh tranh để biết được là còn có cơ hội để kiếm lời hay không. Và cũng cần phải xem xét loại hàng hoá, dịch vụ mà doanh nghiệp có ý định nhận nhượng quyền có phù hợp với địa phương bạn dự định tiến hành công việc kinh doanh hay không.
• Xem xét uy tín và năng lực của doanh nghiệp chủ thương hiệu. Cần dựa trên những thành tích mà doanh nghiệp chủ thương hiệu đạt được trong quá trình hoạt động cũng như thông qua việc quan sát hoạt động của những đối tác nhận quyền của doanh nghiệp chủ thương hiệu trong quá khứ cũng như trong hiện tại để đánh giá được uy tín cũng như độ tin cậy của doanh nghiệp chủ thương hiệu.
• Xem xét hoạt động hiện tại của hệ thống nhượng quyền. Doanh nghiệp cần tiếp xúc với các doanh nghiệp đối tác nhận quyền của doanh nghiệp chủ thương hiệu và tìm hiểu xem họ có hài lòng với cách điều hành của chủ thương hiệu hay không, chủ thương hiệu có cung cấp các hoạt động hỗ trợ cần thiết cho đối tác nhận quyền hay không.