Tổng quan các công trình nghiên cứu đã công bố ở trong nước

Một phần của tài liệu Chính sách phát triển kinh tế biển và hải đảo tỉnh bà rịa vũng tàu (Trang 22 - 26)

Chương 1:TỔNG QUAN CÁC NGHIÊN CỨU VỀ CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN VÀ HẢI ĐẢO

1.1. Tổng quan các công trình nghiên cứu đã công bố liên quan đến chính sách phát triển kinh tế biển và hải đảo

1.1.2. Tổng quan các công trình nghiên cứu đã công bố ở trong nước

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có rất nhiều tác giả trong nước nghiên cứu về hoạt động kinh tế biển và hải đảo, mỗi công trình nghiên cứu đều có những cách tiếp cận riêng, kết quả nghiên cứu có giá trị rất tích cực đối với nhiều mảng vấn đề có liên quan đến kinh tế biển và hải đảo.

PGS.TS Bùi Tất Thắng có rất nhiều bài viết về kinh tế biển mang tầm nhìn chiến lược sâu sắc, trong đó có bài “Tầm nhìn kinh tế hải đảo: bài học và cơ hội của Việt Nam, báo Diễn đàn đầu tư, ngày 15/10/2012. Tác giả đã luận giải một cách khoa học về chiến lược biển Việt Nam, trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, trước mắt cần tập trung đầu tư cho một số đảo có vị trí chiến lược về kinh tế, quốc phòng an ninh, có nhiều tiềm năng, tạo bứt phá để phát triển kinh tế phù hợp với từng vùng biển đảo, tạo lợi thế cạnh tranh, mang lại hiệu quả kinh tế như du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục để trong thời gian tới tạo sự bứt phá, có sức cạnh tranh quốc tế.

Trong nghiên cứu: “Đổi mới phát triển kinh tế ven biển”, Nxb Chính trị quốc gia của tác giả Lê Cao Đoàn (1999) đã đi sâu nghiên cứu những lợi thế của các địa phương ven biển, phân tích những hạn chế, yếu kém trong việc khai thác các lợi thế từ biển, từ đó đề xuất một số ý kiến xung quanh vấn đề làm thế nào để thay đổi cách khai thác nguồn tài nguyên biển cho các địa phương có biển, nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, bảo tồn và gìn giữ các nguồn lợi từ biển.

Tác giả Nguyễn Thanh Minh (2011) với bài viết “Tài nguyên biển và chính sách hợp tác về biển của Việt Nam”, được đăng trên Tạp chí Nghiên cứu

Đông Nam Á, số 5. Bài viết này tác giả phân tích những tiềm năng tài nguyên biển Việt Nam, tầm quan trọng của nó đối với sự phát triển kinh tế đất nước cũng như trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng; những lợi thế cơ bản về vị trí địa lý của biển trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tác giả phân tích nhiều khía cạnh như khu vực ven biển có lợi thế về phát triển các loại hình du lịch biển, khai thác cát thủy tinh, thềm lục địa có dầu khí, biển có nhiều nguồn lợi thủy sản giá trị... Từ đó, tác giả nêu lên những chính sách hợp tác quốc tế về biển của Việt Nam trong xu thế hội nhập.

1.1.2.2. Những công trình nghiên cứu về kinh tế biển và hải đảo của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Tác giả Lê Văn Bảy (2012) với nghiên cứu: “Cơ hội và thách thức phát triển dịch vụ logistics tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu”, tài liệu đào tạo Logistics và dịch vụ logistics của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong bài viết tác giả đã phân tích khá đầy đủ về các yếu tố thúc đẩy dịch vụ cảng biển và dịch vụ logistics của Bà Rịa - Vũng Tàu, tác giả đã nêu lên quan điểm của Đảng, Nhà nước về phát triển cảng và dịch vụ cảng biển, dịch vụ logistics của Bà Rịa - Vũng Tàu, nhu cầu về dịch vụ cảng biển, dịch vụ logistics là rất cao không chỉ cho địa phương mà còn cho phát triển trong cả vùng Đông Nam Bộ. Bên cạnh việc phân tích những thuận lợi là chủ yếu, thì tác giả cũng chỉ ra một số khó khăn, thách thức trong phát triển dịch vụ cảng biển và dịch vụ logistics.

Tác giả Nguyễn Tuấn Minh (2010) với bài viết: “Phát huy lợi thế, tiềm năng tiếp tục đưa Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển nhanh, bền vững”, Tạp chí Kinh tế và dự báo, số 17. Bài viết đã nêu bật những đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến thăm và làm việc tại địa phương, ngày 9/8/2010, đồng thời khẳng định những tiềm năng và lợi thế của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong phát triển kinh tế, xác định phương hướng, giải pháp để thúc đẩy phát triển một số ngành kinh tế mũi nhọn như du lịch, khai thác khoáng sản, đặc biệt là tập trung phát triển các lĩnh vực về kinh tế biển, đảo trong đó nhấn mạnh “quy hoạch để xây dựng Tỉnh trở thành một thành phố cảng với đô thị hiện đại gắn với khu

hậu cần Logistics”, bài viết cũng đã khẳng định vị trí, vai trò của Bà Rịa - Vũng Tàu trong vùng trọng điểm kinh tế Đông Nam Bộ, khẳng định những tiềm năng và lợi thế vượt trội “trời cho” để phát triển các ngành kinh tế như dầu khí, cảng nước sâu, du lịch biển, đảo, du lịch văn hóa - lịch sử, khai thác thủy sản... để phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế - xã hội.

Tác giả Nguyễn Tuấn Minh (2011) với bài viết: “Xây dựng Bà Rịa - Vũng Tàu thành tỉnh công nghiệp và cảng biển theo hướng hiện đại vào năm 2015”, Tạp chí Thương mại số 1+2/ 2011. Tác giả đã trình bày những nội dung chủ yếu về vai trò của công nghiệp, dịch vụ trong cơ cấu GDP của tỉnh, những thành tựu về kinh tế - xã hội mà trong đó kinh tế dịch vụ có vai trò hết sức quan trọng, từ đó tác giả đề xuất những giải pháp nhằm phát triển các ngành kinh tế của Bà Rịa - Vũng Tàu, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của kinh tế dịch vụ với các lĩnh vực như dịch vụ cảng biển, dịch vụ du lịch, dịch vụ nông - lâm - ngư nghiệp...

1.1.2.3. Những công trình nghiên cứu về chính sách phát triển kinh tế biển và hải đảo Tác giả Nguyễn Bá Diến (2012) với nghiên cứu: “Chính sách, pháp luật biển của Việt Nam và chiến lược phát triển bền vững” được thực hiện trong khuôn khổ Dự án “Các nguyên tắc trong thực tiễn quản lý biển và đới bờ”

(Principles in Practice: Ocean and Coastal Governance) giữa Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Dalhousie (Canada) và Trường Đại học Visayas (Philippines) dưới sự tài trợ của Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế Canada (CIDA). Nội dung của nghiên cứu trình bày tổng quan về: (i) Chính sách, pháp luật về biển và nguyên tắc phát triển bền vững; phân tích thực trạng và đề xuất một số kiến nghị, giải pháp hoàn thiện chính sách biển của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay; giới thiệu về một số hoạt động hợp tác quốc tế trong khai thác, quản lý biển giữa Việt Nam và các nước trong khu vực; (ii) Nghiên cứu cung cấp những kiến thức, thông tin cơ bản, toàn diện, hệ thống về biển của Việt Nam, về chiến lược phát triển bền vững trong lĩnh vực biển, tổng quan về chính sách, thực trạng, yêu cầu và một số giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành về quản lý biển và hàng hải của Việt Nam.

Luận án tiến sĩ: “Giải pháp chính sách phát triển kinh tế ven biển của tỉnh Thanh Hoá” của tác giả Lê Minh Thông, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (2012). Luận án đã tổng hợp xây dựng khung nghiên cứu về chính sách phát triển kinh tế ven biển trên cơ sở khái quát lý luận từ các công trình của các nhà khoa học và từ kinh nghiệm thực tiễn một số nước cũng như một số địa phương trong nước. Phân tích thực trạng chính sách phát triển kinh tế ven biển Thanh Hóa hiện nay, luận án đã đề xuất các quan điểm phương hướng và giải pháp hoàn thiện chính sách phát triển kinh tế ven biển Thanh Hóa đến năm 2020.

Luận án tiến sĩ: “Phát triển bền vững các khu kinh tế ven biển vùng Đồng bằng sông Hồng” của tác giả Đoàn Hải Yến, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (2016). Luận án đã làm rõ các khái niệm về khu kinh tế, khu kinh tế ven biển;

đồng thời căn cứ trên khung nghiên cứu phát triển bền vững và tiêu chí đánh giá phát triển bền vững. Trên cơ sở hệ thống tiêu chí đánh giá phát triển bền vững các khu kinh tế ven biển đã đề xuất, Luận án đánh giá thực trạng phát triển các khu kinh tế ven biển Việt Nam nói chung, vùng đồng bằng sông Hồng nói riêng;

thử nghiệm đánh giá các yếu tố bền vững - chưa bền vững của các khu kinh tế ven biển vùng đồng bằng sông Hồng; chỉ ra những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức đồng thời đề xuất định hướng và giải pháp để phát triển bền vững các khu kinh tế ven biển vùng đồng bằng sông Hồng trong những năm tới.

Luận án tiến sĩ: “Quản lý kinh tế biển: kinh nghiệm quốc tế và vận dụng vào Việt Nam” của tác giả Lại Lâm Anh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - Học viện Khoa học xã hội (2013). Luận án đã hệ thống hoá các vấn đề về quản lý kinh tế biển, từ khái niệm, vai trò, chiến lược, chính sách, mô hình đến thể chế phát triển kinh tế biển. Trên cơ sở đó tiếp cận nghiên cứu thực tiễn quản lý kinh tế biển của Trung Quốc, Malaysia và Singapore, để tìm ra các vấn đề có tính quy luật trong quản lý kinh tế biển nói chung. Từ đó, đề tài đưa ra một số đề xuất, mang tính gợi ý chính sách về quản lý kinh tế biển Việt Nam.

Một phần của tài liệu Chính sách phát triển kinh tế biển và hải đảo tỉnh bà rịa vũng tàu (Trang 22 - 26)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(225 trang)