Chương 1: DÒNG BÁO CHÍ TIẾNG VIỆT Ở VIỆT NAM ĐẦU THẾ KỶ
1.2. Một số nội dung cơ bản của báo chí tiếng Việt đầu thế kỷ XX
Trong những năm đầu mới cai trị, Pháp cho xuất bản hai loại báo là báo tiếng Pháp dành cho người Pháp, người Việt biết chữ Pháp và báo chữ Hán dành cho quan lại người Việt, những người từ chối không hợp tác với chính quyền thuộc địa. Chính quyền thực dân muốn qua báo chí phổ biến nền văn minh Pháp, phô trương những thay đổi mới mẻ mà chính quyền mới đem đến.
Sau này khi những tờ báo tiếng Việt đầu tiên xuất hiện càng hỗ trợ đắc lực cho ý đồ này của Pháp. Tuy nhiên, dưới một chế độ kiểm duyệt gắt gao; dân ta đa phần là mù chữ, không biết tiếng Pháp và cũng không có thói quen đọc báo nên báo chí chưa hoàn thành được mục đích mà chính quyền thực dân đề ra. Tờ báo bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên, mở đầu cho dòng báo chí tiếng Việt là tờ Gia Định báo (1865) của Soái phủ Nam Kỳ; bốn năm sau 1898 tờ báo chữ Quốc ngữ thứ hai ra đời, tờ Phan Yên báo nhưng chỉ được vài số thì bị ngừng xuất bản. Những năm tiếp theo có thêm các tờ Nông cổ mín đàm (1901-1924), Lục tỉnh tân văn (1907-1944), Đăng Cổ tùng báo (1907)…
Bước sang thế kỷ XX, báo chí tiếng Việt có những điều kiện thuận lợi để phát triển, nhất là sau Thế chiến thứ nhất (1914-1918) được coi là thời kỳ
20
nở rộ báo chí ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ và tập trung chủ yếu là ở Hà Nội. Số lượng các tờ báo bằng tiếng Việt ngày một nhiều: Đông Dương tạp chí (1913-1919), Nam Phong tạp chí (1917-1934), Thực nghiệp dân báo (1921-1933), Khai hóa nhật báo (1921-1928), Hữu thanh tạp chí (1921-1927), Hà thành ngọ báo (1927-1936)…
Nội dung báo rất đa dạng, phong phú; đáp ứng nhu cầu về thông tin của độc giả về tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, khoa học, thể dục - thể thao, tôn giáo… Mỗi tờ báo đều có nét riêng, phản ánh quyền lợi của một bộ phận giai cấp xã hội tùy thuộc vào đối tượng báo nhắm tới là tư sản, địa chủ hay trí thức…
Lúc này ở Việt Nam đang diễn ra cuộc vận động duy tân sôi nổi trên khắp cả nước. Các nhà duy tân nhận thức rõ báo chí là một trong những con đường để duy tân đất nước; vai trò của báo chí trong phong trào yêu nước, tập hợp mọi tầng lớp nhân dân tham gia đấu tranh chống thực dân Pháp cũng như góp phần nâng cao dân trí, truyền bá những tri thức mới về khoa học - công nghệ, chính trị - xã hội, bồi dưỡng chí tiến thủ cho nhân dân. Do vậy nội dung chủ yếu của các tờ báo là ủng hộ cuộc vận động Duy tân, hô hào thực nghiệp, cổ vũ phát triển canh nông; cạnh tranh quyền lợi kinh tế với tư bản Pháp, Hoa kiều, Ấn kiều; chống hủ tục cùng các quan điểm khai dân trí, chấn dân khí…
Các tờ báo tiêu biểu cho khuynh hướng thực nghiệp có: Nông cổ mín đàm, Lục tỉnh tân văn, Thực nghiệp dân báo, Đăng Cổ tùng báo, Khai hóa nhật báo, Hữu thanh tạp chí…
Thực nghiệp dân báo tự nhận mình là “cơ quan hữu ích về đường phổ thông, về việc truyền bá học thuật, tư tưởng và âm tín, về việc nghiên cứu, việc tổ chức mọi việc của vạn gia thực nghiệp” và “Bản báo không phải là cơ quan cho một hạng người nào, chính là cơ quan chung cho nền thực nghiệp
21
của khắp quốc dân ta đó” [51, tr.71]. Còn trên Khai hóa nhật báo, mục đích của việc ra báo gồm: “Một là sự đồng bào ta tự khai hóa cho nhau, dạy bảo lẫn nhau, kiềm chế lẫn nhau, duy trì cái phong hóa cũ, giữ cho nó biến cải một cách điều hòa phải lẽ, dung hợp cái văn hóa cũ với văn minh mới, gắng vào sự truyền bá và sự tiến hóa của quốc văn cũng là mở mang các con đường thực nghiệp. Hai là rãi bày cùng chính phủ bảo hộ những sự yêu cầu thiết thực chính đáng của quốc dân. Ba là diễn giải những ý kiến, những sự lợi ích của các công cuộc chính phủ đang trù tính” [51, tr.73].
Hữu thanh tạp chí là cơ quan ngôn luận của Hội Bắc Kỳ công thương đồng nghiệp, diễn đàn tụ họp bạn công thương chuyên đăng tải những tư tưởng, quan điểm bảo vệ quyền lợi giai cấp tư sản Việt, “tập báo cổ động luôn luôn về cái việc liên lạc, việc buôn bán, việc di dân” [114, tr.14].
Tuy nhiên, một hạn chế của các báo này là chủ trương dựa vào Pháp để phát triển (Nông cổ mín đàm), ủng hộ đường lối “Pháp - Việt đề huề” (Thực nghiệp dân báo, Khai hóa nhật báo). Thực nghiệp dân báo luôn nhắc nhở độc giả: “Thầy dạy của ta bây giờ là ai? Chính là thầy Đại Pháp ấy” và “nhờ thầy hay bạn tốt là nước Đại Pháp dạy bảo mà nước ta ngày một thêm tiến bộ”
[96, tr.126]. Trước đó, bởi tâm lý mang ơn người Pháp nên Lương Dũ Thúc không tiếc lời ca ngợi công lao của chính quyền: “Người chúng ta tuy sức yếu về tiền tài và ít học. Nhờ có nước đại quốc là Chánh Pháp cai trị dạy dỗ người mình cho thông, vì ý rất muốn cho người bổn quốc rõ biết nghề nghiệp buôn bán. Nếu người bổn quốc đặng thạnh lợi, ấy là thạnh lợi trong nước, thì người trên cai trị đặng vui vẻ bình an mà hưởng lợi” [101, tr.1-2]. Bạch Thái Bưởi cũng không ngừng tán dương “may sao lại gặp được nước Đại Pháp sang bảo hộ hết lòng hết sức mà khai hóa cho ta” [96, tr.126].
22
Bên cạnh đó có một số tờ báo có nội dung thân Pháp, tuyên truyền cho các chính sách thực dân như Nam Phong tạp chí, Đông Dương tạp chí.
Đông Dương tạp chí là tờ báo quan trong bậc nhất trong việc tuyên truyền cho văn minh phương Tây, văn minh Pháp và kêu gọi nhân dân không nên tham gia vào những phong trào kháng Pháp. Ngay từ báo cũng nói rõ chủ đích “Pháp - Việt đề huề”: “Tờ riêng ấy đặt tên Đông Dương tạp chí, nguyên mục đích là đem cái thuật hay nghề mới Thái Tây mà dậy phổ thông cho người An-nam” [51, tr.48] và “Quyền chánh là cái cột lớn của xã hội. Không có cái cột ấy thì: không có bình an, không có thịnh vượng, không có tự do nào cả” [51, tr.48]. Thậm chí Nguyễn Văn Vĩnh còn phản đối các hành động vũ trang bạo lực chống chính quyền, phê phán Phan Bội Châu và các sĩ phu yêu nước: “Lang-sa sang đây, mà ta lại phải nhờ bọn Khang, Lương mới biết được văn minh Đại Pháp, văn minh châu Âu”1 [51, tr.49].
“Mấy nhời nói đầu” đăng trên số báo đầu tiên của Nam Phong tạp chí đã khẳng định mục đích ra báo là “thệ cái chủ nghĩa khai hóa của Nhà nước… đề xướng lên một cái tư trào mới hợp với tình thế cùng trình độ dân ta… hiểu rõ cái nghĩa vụ của ta đối với nước ta, đối với cái đại quốc đã nhận trách nhiệm bảo hộ cho ta mà dậy ta cho ta biết cái học thuật sinh tồn trong thế giới bây giờ” [51, tr.59].
Ngoài ra có các báo mang nội dung thuần về văn hóa, giáo dục, khoa học hoặc có tính trung lập: Vệ sinh y báo, Phục Pháp Âu dược, Kịch trường tạp chí, Phụ nữ tân văn, Thanh niên Tân tiến…
Một đóng góp to lớn của báo chí ta không thể phủ nhận là góp phần hoàn thiện chữ Quốc ngữ, cổ động và khuyến khích nhân dân học chữ Quốc
1 Lang-sa là nước Pháp
Khang, Lương: Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu
23
ngữ. Dù ra đời từ thế kỷ XVI-XVII nhưng chữ Quốc ngữ chỉ bó hẹp phạm vi của mình trong cộng đồng Kitô giáo, chưa trở thành chữ viết của dân tộc. Phải đến năm 1862, sau khi chiếm được 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ, chữ Quốc ngữ mới được sử dụng trong việc giảng dạy ở trường thông ngôn, in sách báo. Sự kiện quan trọng nhất trong quá trình phát triển chữ Quốc ngữ là năm 1865 tờ báo tiếng Việt đầu tiên ra đời - Gia Định báo. Chỉ trong thời gian ngắn, từ 1865 đến 1907 có nhiều tờ báo tiếng Việt ra đời: Gia Định báo, Phan Yên báo, Nhựt trình Nam Kỳ, Nam Kỳ địa phận, Nông cổ mín đàm, Miscellanées, Lục tỉnh tân văn [113, tr.392]. Chữ Quốc ngữ nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của đông đảo trí thức và quần chúng. Các nhà nho cấp tiến như Phan Châu Trinh, Lương Văn Can, Nguyễn Quyền hay như Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Khôi đều nhận thấy những lợi ích của chữ Quốc ngữ đối với sự phát triển của dân tộc nên ra sức hô hào dân chúng học chữ Quốc ngữ. Họ coi chữ Quốc ngữ là “hồn của nước”, phương tiện để khai dân trí và là một trong những vấn đề trọng tâm của phong trào Duy tân, Nghĩa thục.
Nguyễn Văn Vĩnh cũng thông qua Đông Dương tạp chí nhiều lần khẳng định người Việt nên có chữ viết riêng cho mình, “học chữ Quốc ngữ là cách để người Việt Nam thoát khỏi sự tù túng của Nho học, vì học chữ Nho phải mất nửa đời người, trăm người học không được một người hay, học chỉ lợi cho mình mà không lợi cho đời. Học vấn chữ Nho chỉ để rung đùi mà thôi” [52, tr.171] và ông khẳng định chữ Quốc ngữ là kênh truyền bá tốt nhất văn hóa phương Tây vào Việt Nam, đó là tương lai của dân tộc: “Nước Nam ta sau này hay dở cũng ở chữ Quốc ngữ” [52, tr.170]. Từ trước đó, Trương Vĩnh Ký đã cho xuất bản hai cuốn từ điển Pháp - Việt từ điển (1884) và Việt - Pháp từ điển (1887) nhằm phổ thông hóa chữ Quốc ngữ. Hoặc trên Phụ nữ tân văn, Phan Khôi cho đăng nhiều bài viết nói về vấn đề chữ Quốc ngữ: Chữ Quốc
24
ngữ ở Nam Kỳ với thế lực của phụ nữ, Viết chữ quốc ngữ phải viết đúng, Người Việt Nam phải viết chữ quốc ngữ cho đúng, dùng danh từ cho đúng…
Nền văn học hiện đại Việt Nam “thoát thai” từ báo chí, ngược lại với phương Tây là văn học sinh ra báo chí. Văn chương là mục không thể thiếu của hầu hết các báo. Chuyên mục này thường do các văn nhân đảm trách và chuyên đăng các tác phẩm văn học trong nước, truyện dịch nước ngoài. Nông cổ mín đàm được coi là tờ báo đầu tiên tổ chức cuộc thi viết tiểu thuyết ở Việt Nam. Thời gian này hai tờ báo có đóng góp lớn vào việc xây dựng nền văn học Việt Nam là Đông Dương tạp chí và Nam Phong tạp chí. Nhà văn Vũ Ngọc Phan đã nhận xét về hai tờ báo này như sau: Đông Dương tạp chí đã làm cho nền văn chương Việt Nam có sự tiến bộ rõ rệt, “có rất nhiều bài báo có giá trị về vấn đề văn học và nó đã góp phần rất hữu ích cho nền văn học Việt Nam hiện đại” [96, tr.120]. Còn Nam Phong tạp chí đã “xây dựng nên một nền văn học căn bản và vững chắc cho văn chương chữ quốc ngữ, bằng những bài báo hay những bài khảo cứu văn học mà những nhà văn, những nhà trí thức Việt Nam ở Bắc cùng như ở Nam lúc bấy giờ say sưa theo dõi”
[96, tr.120] và “muốn hiểu biết những vấn đề tôn giáo hay văn học, những thơ văn Việt Nam từ xưa cho đến thế kỷ thứ XIX, để hiểu rõ hơn lịch sử hay cuộc đời của những nhân vật lịch sử Việt Nam, những vấn đề chính trị hay xã hội Âu-châu… chúng ta chỉ cần đọc và theo dõi tạp chí này” [96, tr.121].
Vào những năm đầu thập niên 1920 xuất hiện thêm dòng báo chí bất hợp pháp hay báo chí cách mạng. Đầu tiên là tờ Việt Nam hồn, Le Paria, Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc thành lập ở nước ngoài. Tiếp đó có tờ Công nông, Lính cách mệnh do Tổng bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên xuất bản. Nội dung chính của báo là tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, chống đế quốc, kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân đoàn kết cùng nhau đấu tranh giành độc lập và tiến lên chủ nghĩa xã hội.
25