Chương 3 NHẬN XÉT CHUNG VÀ NHỮNG KINH NGHIỆM CHỦ YẾU
3.2. Một số hạn chế của hoạt động ngoại giao văn hoá
Mở cửa đồng nghĩa với việc đón nhận những cơ hội và thách thức. Giao lưu văn hoá cũng không nằm ngoài xu hướng chung đó. Mặc dù những hoạt động ngoại giao văn hoá đã phát huy hiệu quả trong lĩnh vực đối ngoại nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
3.2.1. Chính sách và cơ chế quản lý, cũng như chỉ đạo thực hiện chưa đầy đủ, thống nhất
Trước hết, chúng ta chưa có một chiến lược ngoại giao văn hóa lâu dài, bền vững, cũng như những kế hoạch cụ thể cho từng thời kỳ, từng địa bàn theo một định hướng cụ thể của Đảng và Nhà nước. Hiện tại, chúng ta cũng đã thực hiện những kế hoạch, hoạt động liên quan đến ngoại giao văn hóa nhưng hầu hết đều tự phát, ngắn hạn, không theo định hướng rõ ràng và thiếu sự nghiên cứu, đầu tư đúng mức.
Thứ hai, chúng ta chưa xây dựng được một thương hiệu văn hóa quốc gia.
Điều này khiến các hoạt động ngoại giao văn hóa Việt Nam còn lúng túng, tản mạn, không tập trung gợi lên được cái hồn tinh túy nhất của Việt Nam, mỗi người mỗi phách, mỗi giai đoạn mỗi khác…
Thứ ba, chúng ta cũng chưa có một cơ chế chỉ đạo và quản lý thống nhất về ngoại giao văn hóa từ Trung ương đến các Bộ, ngành và các địa phương. Do đó, việc xác định nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đặc biệt là sự phối hợp giữa các ban ngành trong hoạt động ngoại giao văn hóa chưa có hiệu quả; dẫn đến tình trạng chồng chéo, tự phát, phân tán, thậm chí là đùn đẩy trách nhiệm lẫn nhau giữa các cơ quan trong các hoạt động ngoại giao văn hóa. Ví dụ như, các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài sẽ do Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch quản lý. Vậy vai trò của Bộ ngoại giao sẽ là như thế nào? Hay ở các quốc gia không có trung tâm văn hóa Việt Nam, đại sứ quán Việt Nam ở nước sở tại đóng luôn vai trò “đầu mối” chỉ đạo trong các hoạt động ngoại giao văn hóa; nhưng không thể thiếu được sự tham gia của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch. Bộ Thông tin và truyền thông sẽ đóng vai trò như thế nào trong công tác ngoại giao văn hóa khi mà truyền thông đang ngày càng trở nên không thể thiếu được cho các hoạt động ngoại giao văn hóa? Hoặc UNESCO sẽ phối hợp với Bộ văn hóa - Thể thao - Du lịch như thế nào trong việc kêu gọi công nhận các di sản thế giới ở Việt Nam?...
3.2.2. Nhân lực còn hạn chế, thiếu kỹ năng và tính sáng tạo
Do thời kỳ trước đây, chúng ta tập trung vào hai lĩnh vực là ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế, nên các cán bộ ngoại giao của Việt Nam thường chỉ trang bị kiến thức và kỹ năng liên quan đến Chính trị và kinh tế mà quên đi hay chưa có ý thức về những kiến thức văn hóa. Vô hình chung, nguồn nhân lực cho ngoại giao văn hóa của Việt Nam thiếu hụt và không đáp ứng được nhu cầu đặt ra. Tính chủ động, sáng tạo trong hoạt động ngoại giao văn hóa cũng chưa cao, chưa tranh thủ được hết những cơ hội và nguồn lực do Ngoại giao văn hóa đem lại. Do vậy, việc nâng hàm lượng văn hoá cho các nhà ngoại giao trong thời đại ngoại giao văn hoá là một yêu cầu cấp bách. Hàm lượng văn hoá này chính là sự “biết mình và biết người”
3.2.3. Chất lượng và hiệu quả các hoạt động ngoại giao văn hóa còn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra
Trong thời gian gần đây, các hoạt động ngoại giao văn hóa được đánh giá là có nhiều tiến bộ, nhưng sự tăng tiến đó nhìn chung còn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra của đất nước.
Thứ nhất, các sản phẩm văn hóa ngoại giao còn hạn chế về số lượng và chất lượng, chúng ta hiện nay đang dựa trên những cái sẵn có sự sáng tạo lại quá ít. Dù biết rằng phải dựa vào cái mình có, lĩnh vực mình có ưu thế nhưng đôi khi cần phải biết người ta cần gì và thích gì.
Thứ hai, các hoạt động ngoại giao văn hóa Việt Nam còn nặng nề về hình thức, cứng nhắc, chưa xác định được mục đích, đối tượng của từng loại hình khán giả, của từng địa bàn khác nhau.
3.2.4. Việc quảng bá cho các hoạt động ngoại giao văn hóa còn chưa hiệu quả
Thông tin, tuyên truyền đóng vai trò rất quan trọng trong ngoại giao văn hóa.
nhưng chúng ta làm được rất ít. Tuần lễ văn hóa Việt Nam tại Nga (2008) vừa qua là một bài học về việc quảng bá. Các buổi chiếu phim của chúng ta tại Maxtcơva thưa thớt khách, nhưng ở Saint- Peterburg lại thu hút rất đông khách nhờ công tác quảng bá, giới thiệu được thực hiện rất tốt. Hay chương trình “Duyên dáng Việt Nam” tại Anh cũng được đánh giá là quảng bá tốt bởi thứ nhất, nó nằm trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc cấp cao; thứ hai, đơn vị tổ chức là báo Thanh Niên, một trong những cơ quan truyền thông hàng đầu Việt Nam, hẳn có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc quảng bá sản phẩm của mình. Còn hầu hết các chương trình có quy mô nhỏ hơn, mục đích biểu diễn, giao lưu đơn thuần… thường rơi vào tình trạng rất ít người biết đến, mà việc thông tin và quảng bá không hiệu quả là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến điều đó. Kênh truyền hình VTV4 sẽ phát huy tốt vai trò, chức năng và hiệu quả của mình nếu các đơn vị tổ chức cùng phối hợp quảng bá, truyền thông về hoạt động mà mình tổ chức.
3.2.5. Khai thác chưa hiệu quả tiềm năng ngoại giao văn hoá của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài
Nhận thức rõ được cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam, là nguồn lực và một cầu nối hữu nghị, hợp tác có ý nghĩa của nhân dân Việt Nam với bạn bè quốc tế là yêu cầu quan trọng hàng đầu, cơ bản trong công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài theo tinh thần của Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị, Chương trình Hành động về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài của Chính phủ, gần đây nhất là Chỉ thị 19/2008/CT-TTg ngày 6/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tiếp tục tăng cường triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ về công tác với người Việt Nam ở nước ngoài” trong đó yêu cầu toàn bộ hệ thống chính trị của ta: “Tích cực đáp ứng các nhu cầu về thông tin... cũng như về văn hóa, tín ngưỡng của Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài” và Quyết định 102/2008/QĐ-TTg ngày 18/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ “Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài”. Thời gian qua, quán triệt sâu sắc tinh thần trên Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài luôn xác định đẩy mạnh quảng bá hình ảnh Việt Nam là một nội dung công tác quan trọng hàng đầu trong chức năng, nhiệm vụ của mình nhằm đẩy mạnh triển khai thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với người Việt Nam ở nước ngoài.
3.2.6. Chưa thành công trong việc tìm ra được nét đặc thù, đặc trưng nhất của dân tộc
Văn hóa Việt Nam là nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Việc xây dựng một thông điệp Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.
Với tất cả những sự đan xen, hoà quyện của các nền văn hoá trong quá khứ, hiện tại và tương lai, chúng ta vẫn đang trong quá trình lựa chọn cho mình một đặc trưng riêng của văn hoá Việt Nam thể hiện bản sắc văn hoá Việt Nam trong các hoạt động ngoại giao văn hoá.
3.2.7. Kinh phí hạn hẹp
Các hoạt động ngoại giao văn hóa hiện nay chủ yếu dựa vào nguồn kinh phí của Nhà nước (đặc biệt là các hoạt động văn hóa nghệ thuật của Việt Nam ở nước
ngoài). Mặc dù chúng ta đã có chính sách xã hội hóa các hoạt động văn hóa nhằm kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp nhưng những hoạt động mang tính ngoại giao văn hóa có sự tham gia của các doanh nghiệp với định hướng của Đảng và Chính phủ như “Duyên dáng Việt Nam”, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam hay Xây dựng thương hiệu cà phê Việt Nam của Trung Nguyên…còn chưa phổ biến nếu không nói là rất hiếm.
Một số nguồn tài trợ chính cho các chương trình, dự án liên quan đến bảo tồn, giới thiệu, quảng bá hay hợp tác song phương có liên quan đến văn hóa Việt Nam đã và đang đi đến giai đoạn kết thúc như những dự án của quỹ Ford (do văn phòng Ford đóng cửa tại Việt Nam)…Điều này dẫn đến những thách thức đặt ra đối với Việt Nam là làm thế nào duy trì và tiếp tục phát triển được dựa trên nền tảng những kết quả đã đạt được.
3.2.8. Những hành xử thiếu văn hoá còn tồn tại
Nếu những hoạt động giao lưu, quảng bá văn hóa khiến bạn bè quốc tế yêu Việt Nam, kéo họ tìm đến Việt Nam thì điều níu chân họ và cuốn hút họ trở lại và mang một phần Việt Nam trong trái tim mình, lại là những hành xử có văn hóa của người Việt, những
"đại sứ nhân dân". Mỗi người Việt chính là một đại sứ văn hóa thực hiện mục tiêu ngoại giao văn hoá một cách hiệu quả nhất. Chừng nào nụ cười của tiếp viên hàng không, nhân viên hải quan... vẫn là "của hiếm" thì chừng ấy, hình ảnh về một Việt Nam thân thiện vẫn còn mờ nhạt, bởi đó là những cửa
Ảnh 3.2. Nụ cười thiếu nữ Việt Nam (Nguồn: http//www.anninhthudo.vn)
Ảnh 3.3. Hạt sạn trong lễ hội hoa Anh đào (Nguồn: http://vnexpress.net/GL/Xa-
sổ đầu tiên để bạn bè quốc tế nhìn vào văn hóa Việt.
Điều đáng tiếc là xuất hiện ở đâu đó những hành xử thiếu văn hoá đã và đang làm phai nhoà những nỗ lực của ngoại giao văn hóa quốc gia. Tạo dựng một hình ảnh đẹp đã khó, xóa bỏ những ấn tượng xấu lại càng đòi hỏi nỗ lực lớn hơn rất nhiều.
Ngày 6/4/2008, ba trăm cành hoa anh đào qua đường máy bay đã rời Nhật Bản và có mặt tại triển lãm Giảng Võ trong vai trò là những "đại sứ văn hóa" từ đất nước mặt trời mọc đến dải đất hình chữ S.
Người ta đã kỳ vọng sẽ nối nhịp cầu văn hóa giữa hai dân tộc, kéo hai nước xích lại gần nhau hơn qua lễ hội. Nhưng cách hành xử của người Việt Nam với những
"đại sứ văn hóa" đã trở thành một vụ scandal về văn hóa của người Việt. Chỉ chưa hết một ngày, những cây hoa anh đào tượng trưng cho vẻ đẹp tâm hồn người Nhật, cho văn hóa Nhật đã bị những bàn tay vô tình hay hữu ý vặt trụi.
Lễ hội Hoa Hà Nội lần thứ 2 được đầu tư 20 tỷ đồng diễn ra từ 30/12/2009 đến 3/1/2010. Nhưng rất tiếc, niềm hy vọng tránh được sự tàn phá của người xem như lần tổ chức đầu tiên (năm 2009) của Ban tổ chức đã vụt tắt đến những ngày cuối của lễ hội hoa, hoa lá tan tành
bởi sự tranh giành của người dân. Chứng kiến cảnh tượng này, chúng ta sẽ có suy nghĩ gì?
Còn nhiều nhiều những hành vi thiếu văn hoá như thế, tất cả sẽ đi ngược lại với những gì mà toàn Đảng, toàn dân tộc ta đã dày công gây dựng theo thời gian.
Ảnh 3.4. Lễ hội hoa Hà Nội bị tàn phá (Nguồn: http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai- tri/295526/Le-hoi-pho-hoa-Ha-Noi-Sao-
co-the-nhu-the.html)
3.3. Một số khuyến nghị đối với hoạt động ngoại giao văn hoá 3.3.1. Một số nhiệm vụ cụ thể
Thứ nhất, quán triệt đầy đủ và nâng cao nhận thức trong toàn thể cán bộ, nhân viên ngành ngoại giao về vai trò, vị trí của ngoại giao văn hóa trong hoạt động đối ngoại, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành.
Thứ hai, tăng cường giới thiệu với bạn bè quốc tế về đường lối xây dựng văn hóa dân tộc của Đảng hiện nay: đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa lành mạnh trong xã hội, trước hết là trong các tổ chức Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và trong từng cá nhân, gia đình, thôn xóm, đơn vị, tổ chức cơ sở; xây dựng những nét mới trong chuẩn mực văn hóa và trong nhân cách con người Việt Nam thời kỳ CNH – HĐH;
gắn chặt nhiệm vụ xây dựng văn hóa với nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng thông qua cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; cụ thể hóa các chuẩn mực đạo đức, lối sống cho phù hợp với từng đối tượng cụ thể; nâng cao chất lượng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và cải cách hành chính, chống quan liêu, tham nhũng [51].
Thứ ba, giới thiệu với bạn bè quốc tế về phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam với 5 đức tính:
(1) Có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có ý chí vươn lên đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, đoàn kết với nhân dân thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
(2) Có ý thức tập thể,đoàn kết, phấn đấu vì lợi ích chung.
(3) Có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa, tôn trọng kỷ cương phép nước, quy ước của cộng đồng; có ý thức bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái.
(4) Lao động chăm chỉ vì lương tâm nghề nghiệp, có kỹ thuật, sáng tạo
(5) Thường xuyên học tập, nâng cao hiểu biết trình độ chuyên môn, trình độ thẩm mỹ và thể lực.
Năm đức tính của con người Việt Nam đã được Đảng ta xây dựng và xác định có thể coi đó là “cương lĩnh đạo đức công dân”, trong đó các yếu tố quan trọng là yêu nước, tuân thủ pháp luật, đức sáng, thành tín, đoàn kết, làm việc thiên, cần kiệm, tự cường, yêu nghề và hiến thân. Đó là nét văn hóa trong các đức tính tốt đẹp của con người Việt Nam trong thời kỳ phát triển mới [51].
Thứ tư, tiếp tục tìm tòi những mô hình hoạt động ngoại giao văn hóa đạt hiệu quả; cố gắng gắn kết các hoạt động ngoại giao văn hóa với các hoạt động chính trị và kinh tế có mối liên quan như xúc tiến đầu tư, thương mại; mở rộng quan hệ song phương…
Thứ năm, tiếp tục triển khai các hoạt động văn hóa nghệ thuật Việt Nam trong và ngoài nước; không ngừng tăng cường về cả chất lượng, số lượng và hình thức. Thông qua đó, giới thiệu với bạn bè quốc tế về một Việt Nam có đời sống văn hóa phong phú, lành mạnh, với nhiều thành tựu…; góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của đất nước trong tiến trình hội nhập thế giới; tăng cường sự hiểu biết, tình hữu nghị, tạo dựng lòng tin, thúc đẩy hợp tác hữu nghị về nhiều mặt giữa Việt Nam với các nước.
Thứ sáu, xây dựng được một thông điệp văn hóa Việt Nam, trong đó nêu bật được những nét đặc trưng nhất của văn hóa quốc gia.
Thứ bảy, xây dựng các thương hiệu văn hóa Việt Nam như phở, nem, cà phê, áo dài… Trong các thương hiệu đó, nên chọn ra một hay hai thương hiệu thật sự gây ấn tượng sâu sắc nhất với quốc tế, tiêu biểu nhất cho Việt Nam để tập trung vào quảng bá và phát triển những thương hiệu đó.
Thứ tám, xây dựng được một cơ chế, chính sách, chiến lược cụ thể đối với công tác ngoại giao văn hóa, các cơ quan đại diện ở nước ngoài; chú trọng đào tạo đội ngũ Tùy viên văn hóa, tiến hành chọn các Đại sứ văn hóa, nghệ thuật với mục đích quảng bá văn hóa Việt Nam.
Thứ chín, xúc tiến xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
Thứ mười, giúp đỡ cộng đồng người Việt ở nước ngoài hiểu biết tình hình nước nhà; có các chính sách cụ thể để thu hút sự tham gia của họ nhằm gắn kết cộng đồng, phát huy trí tuệ, tài năng Việt kiều trong công cuộc xây dựng đất nước.
Mười một, phân công trách nhiệm của các chủ thể trong tiến hành hoạt động ngoại giao văn hóa đối với các cán bộ, ngành như: Tuyên giáo, Ngoại giao, Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Tài chính…
Cuối cùng, tiếp thu các giá trị văn hóa, nhân văn của nhân loại, góp phần làm giàu bản sắc văn hóa của Việt Nam.
3.3.2. Xây dựng các cơ chế, chính sách, định hướng phù hợp
Đây là một điều kiện cần thiết vì cần phải có một hành lang pháp lý cụ thể thì các hoạt động ngoại giao văn hóa mới trở nên chủ động và hiệu quả hơn.
Ở tầm quốc gia, cần phải có một chiến lược ngoại giao văn hóa phù hợp với ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế để cùng thực hiện mục tiêu chung của đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Chiến lược này phải được đầu tư kỹ lưỡng, bài bản, có chiều sâu và hướng tới lâu dài bởi việc quảng bá hình ảnh, tạo nên thương hiệu của một quốc gia… là một quá trình đòi hỏi sự kiên nhẫn, không thể nóng vội.
Đối với từng thời kỳ với tình hình khác nhau, mục đích đối ngoại khác nhau, chúng ta cũng phải vận dụng chính sách một cách linh hoạt, không máy móc, cứng nhắc.
Về hệ thống cơ chế chính sách, ngoài chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về ngoại giao văn hóa, cần phải có các văn bản pháp lý khác quy định cho một số hoạt động quảng bá trong tương lai gần như: Luật cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài; Chỉ thị của Ban Bí Thư về đề án “Theo dấu chân Bác”; Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao về Năm ngoại giao văn hóa 2009… Các văn bản quy định càng cụ thể, rõ ràng, chi tiết bao nhiêu, thì việc thực hiện triển khai hoạt động ngoại giao văn hóa sẽ càng thuận lợi bấy nhiêu.
Ở phạm vi Bộ Ngoại giao - đơn vị chủ trì trong các hoạt động ngoại giao văn hóa, Bộ cần xây dựng các cơ chế phối hợp liên Bộ, liên ngành…để có thể xác định nội dung, phương hướng, phân công trách nhiệm, triển khai và quản lý công tác ngoại giao văn hóa. Một trong những cơ chế phối hợp liên Bộ quan trọng nhất có thể được nhắc đến là giữa Bộ Ngoại giao với Bộ văn hóa - Thể Thao - Du lịch.