Tiến hành cải cách giáo dục lần thứ ba

Một phần của tài liệu đảng cộng sản việt nam lãnh đạo sự nghiệp giáo dục phổ thông từ 1975 2000 (Trang 23 - 31)

CHƯƠNG 1: ĐẢNG LÃNH ĐẠO SỰ NGHIỆP GIÁO DỤC PHỔ THÔNG (TỪ 1975 ĐẾN 1986)

1.3. Tiến hành cải cách giáo dục lần thứ ba

1.3.2. Tiến hành cải cách giáo dục lần thứ ba

Thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ IV, ngày 11/1/1979, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết số 14-NQ/TW về cải cách giáo dục.

Lý do và yêu cầu của cuộc cải cách:

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng Lao động Việt Nam đã đổi tên Đảng thành Đảng Cộng sản Việt Nam và vạch ra phương hướng, nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội trên toàn quốc, mà nội dung chủ yếu là từng bước xây dựng nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, chế độ làm chủ tập thể, xây dựng con người mới và nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa, bằng cách “tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học - kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hóa, trong đó cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt”. [28, tr. 5 - 6].

Để đáp ứng những yêu cầu đó, nước ta có một cơ sở thuận lợi: “đó là những thành tựu đáng tự hào của sự nghiệp giáo dục trong hơn 20 năm qua” [28, tr. 9]. Tuy nhiên, đối chiếu với yêu cầu của cách mạng trong giai đoạn mới, sự phát triển của giáo dục Việt Nam (đến năm 1979) cả về số lượng và chất lượng đều không đáp ứng được, còn nhiều nhược điểm và thiếu sót.

“Sự nghiệp giáo dục xã hội chủ nghĩa của ta phát triển nhanh về số lượng, nhưng còn yếu về chất lượng toàn diện. Nội dung và phương pháp giáo dục chưa thấu suốt nguyên lý học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội”. [28, tr. 12].

Hệ thống giáo dục chưa bồi dưỡng đúng mức cho thế hệ trẻ những phẩm chất và năng lực của con người mới, chưa chuẩn bị đầy đủ cho học sinh đi vào sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Hệ thống giáo dục cũng chưa bảo đảm việc hình thành đội ngũ lao động mới có ý chí cách mạng kiên cường, có trình độ kiến thức, tác phong công tác và lối sống phù hợp. Chưa đảm bảo yêu cầu học tập thường xuyên và rộng rãi của đông đảo nhân dân lao động.

Về hạn chế trong giáo dục phổ thông, Nghị quyết nêu: “Học sinh tốt nghiệp các trường phổ thông chưa được chuẩn bị kiến thức cần thiết, về ý thức, năng lực và sức khỏe để trở thành những người lao động kiểu mới. Nội dung giáo dục của trường phổ thông chưa toàn diện, chủ yếu chỉ mới dạy kiến thức văn hóa chung, còn coi nhẹ kiến thức kỹ thuật và quản lý; phương pháp giáo dục của trường phổ thông còn có phần đơn giản và cũ kỹ, coi nhẹ thực hành và lao động sản xuất, do đó chưa phát huy trí thông minh, óc sáng tạo của học sinh…Mức độ phổ cập giáo dục phổ thông trong cả nước còn thấp so với yêu cầu phát triển kinh tế và văn hóa trong giai đoạn mới”. [28, tr. 13].

Vì vậy, yêu cầu cải cách nền giáo dục đáp ứng yêu cầu mới của cách mạng Việt Nam là tất yếu. Từ năm 1975, trên đất nước đã bắt đầu xây dựng một nền giáo dục thống nhất cho cả nước, đó là một điều thuận lợi để thực hiện cải cách giáo dục, cải cách giáo dục sẽ có tác dụng làm cho nền giáo dục thống nhất một cách đầy đủ hơn.

Mục tiêu cải cách giáo dục phổ thông:

Nghị quyết số 14-NQ/TW về cải cách giáo dục đã đề ra những mục tiêu sau:

- “Làm tốt việc chăm sóc và giáo dục thế hệ trẻ ngay từ tuổi thơ ấu cho đến lúc trưởng thành nhằm tạo ra cơ sở ban đầu rất quan trọng của con người Việt Nam mới, người lao động làm chủ tập thể và phát triển toàn diện

... Cần phấn đấu cho thế hệ trẻ từ 6 tuổi đến trưởng thành được học đầy đủ đến bậc phổ thông trung học và được chuẩn bị tốt để đi vào nghề nghiệp. Giáo dục thế hệ trẻ lòng yêu Tổ quốc xã hội chủ nghĩa và tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, ý thức làm chủ tập thể, tinh thần đoàn kết, thân ái, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, ý thức tổ chức và kỷ luật, quý trọng và bảo vệ của công, đức tính thật thà, dũng cảm, khiêm tốn, v.v… Bồi dưỡng cho thế hệ trẻ có kiến thức cơ bản về văn hóa, phát triển tư duy khoa học và phát huy năng khiếu, có óc thẩm mỹ, có thói quen giữ gìn vệ sinh vè rèn luyện thân thể… Phấn đấu thực hiện chế độ cả xã hội chăm sóc, nuôi dạy trẻ em, làm cho mọi trẻ em đều được học tập một cách bình đẳng, không tùy thuộc vào hoàn cảnh riêng về gia đình, dân tộc và địa phương”. [28, tr. 16 - 17].

- Thực hiện phổ cập giáo dục trong toàn dân, coi trọng việc phát triển giáo dục trong các vùng dân tộc ít người.

Nguyên lý cải cách giáo dục phổ thông:

Giáo dục phổ thông được tiến hành theo nguyên lý “học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội”. Nguyên lý này quyết định hệ thống giáo dục về nội dung, phương pháp, cơ cấu, làm cho công tác giáo dục gắn chặt với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Nguyên lí giáo dục nói trên xuất phát từ những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin và của Đảng ta về con người mới.

“Trong nhà trường phổ thông, lao động sản xuất phải có tính chất kỹ thuật tổng hợp, nghĩa là gắn khoa học và kỹ thuật với sản xuất, dạy cho học sinh những kiến thức phổ thông về sản xuất hiện đại, nắm được những kỹ năng lao động phổ thông và làm quen với công cụ và máy móc, có ý thức trách nhiệm và thói quen đối với lao động, chuẩn bị tốt cho học sinh đi vào đào tạo nghề nghiệp”. [28, tr. 21].

Nội dung chủ yếu của cải cách giáo dục phổ thông:

Để thực hiện được mục tiêu, nguyên lý giáo dục, phải tiến hành cải cách toàn bộ hệ thống, nội dung và phương pháp giáo dục.

- Về cơ cấu của hệ thống giáo dục phổ thông: “Xây dựng mới và mở rộng hệ thống trường phổ thông, nhằm thực hiện việc giáo dục toàn diện cho thế hệ trẻ từ 6 tuổi đến tuổi trưởng thành, chuẩn bị tốt cho thanh niên đi vào đào tạo nghề nghiệp, từ công nhân đến đại học. Trước mắt, hoàn thành việc phổ cập bậc phổ thông cơ sở, đồng thời từng bước thực hiện việc phổ cập bậc phổ thông trung học bằng nhiều hình thức. Gắn liền hệ thống giáo dục phổ thông với hệ thống giáo dục chuyên nghiệp và đại học, nhằm làm cho hệ thống giáo dục phổ thông thực hiện tốt chức năng chuẩn bị cho học sinh đi vào giáo dục chuyên nghiệp và đại học, làm cho hệ thống giáo dục chuyên nghiệp và đại học phát huy đầy đủ thành quả của giáo dục phổ thông.

Trong hệ thống giáo dục phổ thông, cần mở rộng những trường, lớp phổ thông cho những học sinh có năng khiếu đặc biệt và những trường, lớp phổ thông dành riêng cho các trẻ em có tật (mù, điếc, câm, chậm phát triển, v.v…)”. [28, tr. 23 - 24].

- Về nội dung giáo dục phổ thông, Nghị quyết chỉ rõ “ cải cách là nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tạo ra những lớp người lao động mới làm chủ tập thể, đủ sức gánh vác sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta”. [28, tr.25]. Cần tăng cường giáo dục chính trị và tư tưởng, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, đường lối và chính sách của Đảng, truyền thống tốt đẹp của dân tộc và đạo đức mới của người lao động làm chủ tập thể…

Nội dung giáo dục một mặt được nâng cao tính cơ bản hiện đại, mặt khác cố gắng đảm bảo thiết thực theo hướng gắn với thực tiễn xã hội, thiên nhiên và con người Việt Nam. Đưa ra những kiến thức phổ thông về kỹ thuật và kinh tế vào trường phổ thông.

Tăng cường giáo dục thẩm mỹ cho học sinh, chăm lo xây dựng thói quen giữ gìn vệ sinh và rèn luyện thân thể của học sinh, đẩy mạnh các loại hoạt động thể dục thể thao, nâng cao chất lượng luyện tập quân sự.

- Về phương pháp giáo dục phổ thông: Chú trọng việc nâng cao vai trò của học sinh trong học tập, phát huy tính độc lập, sáng tạo, coi trọng việc rèn luyện và lĩnh hội thông qua luyện tập, thực hành kỹ thuật và lao động sản xuất.

Ngoài ra, Nghị quyết còn chỉ rõ hướng cải cách về đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và đưa ra những yêu cầu về biên soạn chương trình mới, sách giáo khoa, cơ sở vật chất và thiết bị cho giảng dạy, về tổ chức quản lí, nghiên cứu khoa học vv… Mặt khác, cần phải vận động phong trào quần chúng rộng rãi tham gia xây dựng nhà trường mới dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ các cấp.

Hệ thống giáo dục phổ thông mới:

Nghị quyết số 14 của Bộ chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã vạch ra mô hình của hệ thống giáo dục quốc dân mới, đáp ứng những yêu cầu xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong hệ thống giáo dục quốc dân, giáo dục phổ thông là cốt lõi, là nền tảng. Vì thế bất cứ một cuộc cải cách giáo dục nào cũng phải đề cập trước tiên đến cải cách trường phổ thông. Từ khi có khả năng học tập đến lúc bước vào đời, mọi người đều phải qua trường phổ thông, đó là con đường tối ưu chuẩn bị con người cho cuộc sống xã hội.

Ngày 27/3/1981, Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết định số 135-CP về hệ thống giáo dục phổ thông mới. Quyết định xác định hệ thống giáo dục phổ thông trong nước là hệ thống trường phổ thông 12 năm. Quyết định còn đề ra nhiệm vụ chuyển hệ thống giáo dục phổ thông hiện hành sang hệ thống mới từng bước, có trọng điểm, bắt đầu từ năm học 1981 - 1982.

Trường phổ thông có nhiệm vụ giáo dục toàn diện cho thế hệ trẻ từ 6 tuổi đến tuổi trưởng thành, và được chia làm hai bậc: trường phổ thông cơ sở và trường phổ thông trung học.

Như vậy, trong cải cách giáo dục lần thứ ba, hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm gồm 2 bậc học:

- Bậc phổ thông cơ sở: 9 năm, gồm hai cấp học, cấp I: 5 năm, bao gồm cả học vần và cấp II: 4 năm.

- Bậc phổ thông trung học 3 năm (cấp III).

Sau đây, chúng ta sẽ đi vào tìm hiểu cụ thể các bậc học, nội dung cũng như phương pháp giáo dục của các bậc học phổ thông theo hệ thống giáo dục phổ thông mới được thể hiện trong Nghị quyết 14.

Trường phổ thông cơ sở: là một thể thống nhất từ lớp 1 đến lớp 9; đó là bậc học phổ cập bắt buộc cho tất cả nhi đồng và thiếu niên từ 6 tuổi tròn đến 15 tuổi tròn.

Trường phổ thông cơ sở có nhiệm vụ giáo dục toàn diện cho học sinh đạt trình độ văn hóa phổ thông tương đối hoàn chỉnh, có năng lực làm các loại lao động phổ thông, có ý thức lựa chọn nghề nghiệp, sẵn sàng đi vào học nghề và tham gia sản xuất, tham gia công tác trong xã hội, hoặc tiếp tục học lên bậc phổ thông trung học bằng nhiều con đường khác nhau.

Nội dung giáo dục ở trường phổ thông cơ sở có tính chất toàn diện và kỹ thuật tổng hợp. Các môn khoa học tự nhiên cung cấp cho học sinh những khái niệm cơ bản về toán học, vật lý học, hóa học, sinh học, địa lý học theo quan điểm hiện đại, và được vận dụng theo hướng gắn với thực tế Việt Nam. Về khoa học xã hội, cần coi trọng các môn giáo dục công dân và đạo đức cách mạng, lịch sử Việt Nam và thế giới, địa lý Việt Nam và thế giới, tiếng Việt, văn học Việt Nam và những áng văn hay của văn học thế giới. Coi trọng việc dạy cho học sinh biết một thứ tiếng nước ngoài. Bồi dưỡng một bước cho học sinh về kiến thức và thói quen thẩm mỹ.

Học sinh phổ thông cơ sở cần có những hiểu biết kỹ thuật phổ thông, như những kiến thức thông thường về kỹ thuật nông nghiệp, những nguyên tắc cấu tạo và hoạt động của các công cụ, các cơ cấu máy đơn giản, cách sử dụng những công cụ sản xuất phổ thông; đồng thời học sinh cũng phải được giáo dục lao động một cách có phương pháp để xây dựng tinh thần sẵn sàng lao động, ý thức trách nhiệm trong lao động, thói quen lao động có tổ chức, có kỹ thuật, theo tác phong đại công nghiệp. Ở các lớp trên cần hướng dẫn cho học sinh biết đại thể đặc tính của những nghề nghiệp sẽ lựa chọn. Ở trường phổ thông cơ sở, việc giáo dục cho học sinh ý thức và thói quen giữ gìn vệ sinh và rèn luyện thân thể là rất quan trọng.

Về phương pháp giáo dục, cần coi trọng việc xây dựng cho học sinh tính chủ động trong học tập và thói quen tự học. Kết hợp với việc học tập văn hóa, cần tổ chức cho học sinh tham gia lao động sản xuất theo mức độ phù hợp với lứa tuổi. Tăng cường sinh hoạt đoàn thể và hoạt động xã hội của học sinh thông qua Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh và Đội nhi đồng Hồ Chí Minh.

Sau khi tốt nghiệp trường phổ thông cơ sở, học sinh có thể tiếp tục vào học các loại trường phổ thông trung học hoặc các loại trường chuyên nghiệp…

Trường phổ thông trung học: từ lớp 10 đến lớp 12, có nhiệm vụ nâng cao và hoàn chỉnh trình độ văn hóa phổ thông cho những học sinh đã tốt nghiệp bậc phổ thông cơ sở. Hoàn thành bậc phổ thông trung học, học sinh có thể vào học các trường đại học, trường cao đẳng, một số trường trung học chuyên nghiệp và trường dạy nghề đòi hỏi trình độ văn hóa cao, hoặc có thể đi ngay vào lao động sản xuất. Trong mạng lưới các trường phổ thông trung học, đi đôi với loại trường thông thường, cần phát triển tốt loại trường vừa học vừa làm cho lứa tuổi thanh niên.

Nội dung giáo dục ở trường phổ thông trung học cũng mang tính chất toàn diện và kỹ thuật tổng hợp, nhưng có chú ý hơn đến việc phát huy sở trường và năng khiếu cá nhân.

Các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội giảng dạy trong trường phổ thông trung học sẽ cung cấp cho học sinh những kiến thức lý luận khoa học hiện đại, được chọn lọc theo hướng sát với thực tế Việt Nam. Những kiến thức đó về tự nhiên, xã hội và con người là cơ sở khoa học giúp học sinh hoàn chỉnh cho mình thế giới quan khoa học và nhân sinh quan cách mạng, giúp học sinh vững bước đi vào thực tiễn cách mạng, sản xuất và xây dựng của nước ta.

Đi đôi với việc học tập những môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, học sinh còn được học những kiến thức phổ thông về quản lý và kỹ thuật (cơ khí, điện, trồng trọt và chăn nuôi), về cách sử dụng những máy móc thường dùng trong sản xuất và trong đời sống.

Học sinh trường phổ thông trung học cần được học tốt tiếng nước ngoài để nâng cao năng lực học tập, nghiên cứu khoa học, kỹ thuật hiện đại, và tiếp thu kho tàng văn hóa phong phú của thế giới.

Ở trường phổ thông trung học, cần coi trọng giáo dục thẩm mỹ và nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật…), giáo dục và rèn luyện thể chất, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao và luyện tập quân sự.

Để phát huy sở trường và năng khiếu của từng học sinh, đồng thời để chuẩn bị đáp ứng tốt những yêu cầu của đất nước về phát triển kinh tế, văn hóa và củng cố quốc phòng, ở trường phổ thông trung học sẽ thực hiện việc phân ban một cách hợp lý trên cơ sở giáo dục toàn diện.

Đặc điểm của phương pháp giáo dục ở bậc phổ thông trung học là kết hợp nhuần nhuyễn học tập văn hóa với lao động sản xuất, thực nghiệm khoa học, hoạt động xã hội và sinh hoạt đoàn thể, đảm bảo cho học sinh đang độ tuổi thanh niên có thể củng cố và nâng cao vốn kiến thức, phát triển tư duy khoa học và kỹ thuật, bồi dưỡng tốt ý thức, kỹ năng và thói quen lao động kiểu mới, phát huy mạnh hơn nữa tính năng động và vai trò làm chủ tập thể của mình thông qua quá trình vừa học tập vừa tham gia cải tạo thiên nhiên và xã hội theo mức độ thích hợp.

Cần coi trọng bồi dưỡng hứng thú, thói quen và phương pháp tự học cho học sinh, hướng dẫn học sinh biết cách nghiên cứu sách, báo khoa học, thảo luận chuyên đề, ghi chép tư liệu, tập làm thực nghiệm khoa học.

Triển khai hệ thống giáo dục phổ thông mới sẽ làm cho chất lượng giáo dục phổ thông được nâng cao đúng hướng. Điều đó có nghĩa là, thế hệ trẻ qua trường phổ thông mới sẽ được phát triển toàn diện phù hợp với sự phát triển của kinh tế - xã hội Việt Nam trong khoảng 20 năm của giai đoạn này và có năng lực đẩy mạnh công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta vào đầu thế kỷ sau. Hệ thống giáo dục phổ thông mới đã được xây dựng trên những nguyên tắc của nhà trường xã hội chủ nghĩa mà sản phẩm cuối cùng của nó là những con người, những lớp người đáp ứng tích cực sự phân

Một phần của tài liệu đảng cộng sản việt nam lãnh đạo sự nghiệp giáo dục phổ thông từ 1975 2000 (Trang 23 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(157 trang)