2.2.1. Cần loại bỏ truyện tranh có nội dung đồi trụy và phát triển truyện tranh có nội dung lành mạnh
Thời gian qua, các nhà xuất bản, phát hành đã có những biện pháp tích cực để thu hồi lượng sách đã phát hành. Điển hình như lãnh đạo nhà xuất bản Thanh Hóa đã ra quyết định buộc hiệu sách Hồng Nhung dừng phát hành các truyện tranh có nội dung đồi trụy và ngày 15/6/2008, giám đốc nhà xuất bản Thanh Hóa ra quyết định số 93/QĐ-GĐ thu hồi các tập truyện tranh đồi trụy nêu trên. Đồng thời, thanh tra Bộ yêu cầu đình chỉ phát hành các xuất bản phẩm có nội dung tiêu cực đến tính giáo dục thẩm mỹ của lứa tuổi thanh thiếu niên do NXB Thanh Hóa xuất bản.
Tuy nhiên, so với lượng truyện tranh đã phát hành ra thị trường thì số lượng bị thu hồi là rất nhỏ. Chính những người có trách nhiệm đứng đầu như ông Bùi Việt Bắc (giám đốc nhà xuất bản Văn Hóa - Thông Tin) cũng thừa nhận việc thu hồi phần lớn lượng truyện tranh đã phát hành trên thị trường là rất khó khăn, phức tạp vì các sách này in đã lâu, hiện tại bán hết rồi nên không thu hồi được.
Bên cạnh việc thu hồi, cần hạn chế tối đa các ấn phẩm không rõ nguồn gốc, không được phép xuất bản vốn là những ấn phẩm lậu, không có bản quyền trôi nổi trên thị trường. Thậm chí, sau khi công luận nhiều lần lên tiếng về hiện tượng truyện tranh phát hành tràn lan, nhiều NXB đã có một số động thái như cải chính, hứa kiểm duyệt tốt hơn... Cạnh đó ngày 22/9/2008 theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Công văn số 3016/BTTTT-XB quy định:
“Cục Xuất bản tạm dừng việc xác nhận đăng kí kế hoạch xuất bản của các
nhà xuất bản với đề tài truyện tranh dịch của nước ngoài”. Tuy nhiên, đây chỉ là liệu pháp cấp thời theo kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”, chỉ là hình thức và khó kéo dài được lâu. Bộ Thông tin và Truyền thông còn yêu cầu các NXB trước khi phát hành các ấn phẩm ra thị trường đều nộp lưu chiểu về Cục Xuất bản, tăng cường nhân viên biên chế đọc lưu chiểu truyện tranh để kiểm tra chính xác hơn nội dung trong truyện, để khi phát hiện nội dung không lành mạnh thì sẽ hạn chế được phần nào. Theo một người làm ngành xuất bản lâu năm, thị trường truyện tranh tại Việt Nam hiện nay trung bình có hàng trăm tựa sách được in và phát hành/tuần. Với số lượng như thế, cơ quan quản lý Nhà nước, các bậc phụ huynh rất khó kiểm soát được nội dung sách gồm những gì, phù hợp với đối tượng nào, khi phần lớn bạn đọc của loại sách này là các em ở lứa tuổi vị thành niên.
Về phần mình, một số trường trung học phổ thông và các bậc phụ huynh đã tự cứu con em mình bằng cách không mua, không cho thuê, hoặc cấm mang truyện tranh đến trường, hạn chế các em tiếp xúc với Internet đặc biệt là không cho các em tiếp xúc với những trang web chứa những câu chuyện “người lớn”, những hình ảnh không phù hợp với lứa tuổi của con em mình.
Bên cạnh giải pháp hạn chế truyện tranh có nội dung đồi trụy chúng ta cũng cần phải có giải pháp để phát triển truyện tranh có nội dung lành mạnh để nhằm đem lại cho độc giả những tri thức có giá trị đạo đức, nhân văn tốt đẹp. Đó là chú trọng xây dựng, đào tạo, phát triển đội ngũ nhà văn trong nước có trình độ, năng lực để sáng tác truyện tranh có nội dung lành mạnh, đáp ứng nhu cầu của thanh thiếu niên.
Sáng tác là một trong những lĩnh vực đặc thù, phụ thuộc rất nhiều vào năng khiếu và cảm hứng. Tuy nhiên, để tạo dựng được đội ngũ nhà văn có năng lực thì yêu cầu trước tiên là phải có một lực lượng có trình độ. Đây chính là lực lượng có thể công khai, trực tiếp cạnh tranh lành mạnh với các luồng truyện tranh ngoại nhập và có một cách nhìn nhận chính xác và phân loại cụ thể về các loại truyện này. Chúng ta chỉ có thể xây dựng một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc khi có một lực lượng sáng tác đủ mạnh, có
khả năng phục vụ được những nhu cầu giải trí lành mạnh của phần lớn các độc giả, nhất là trẻ vị thành niên.
Mặt khác, cần phải có chế độ khuyến khích hơn nữa cho những người viết, ít nhất là chế độ nhuận bút, thậm chí cả cách nhìn đối với những người viết văn cho thanh thiếu niên cũng cần phải thay đổi để động viên họ sáng tác nhiều hơn nữa những truyện tranh lành mạnh.
Thông thường khi sáng tác xong, nhà văn phải chờ đợi một thời gian dài, có khi là vài năm mới có thể xuất bản được sách của mình. Nhưng nếu tác phẩm in 2000 cuốn, bán với mức giá 12.000 đồng/cuốn thì số tiền nhuận bút chỉ khoảng 2,5 triệu đồng - quá ít so với sức lao động mà họ đã bỏ ra. Chúng ta không nên coi người viết cho thanh thiếu niên là lĩnh vực chỉ để kiếm tiền hay những giá trị vật chất khác. Phải xem đó là một trong những đóng góp nhằm phát triển thế hệ tương lai của cả đất nước, giáo dục về văn học, giáo dục về lịch sử, giáo dục về truyền thống văn hoá là những điều vô cùng cần thiết cho các em. Chúng ta phải lồng ghép tất cả các giá trị đó vào cái gọi là văn hóa đọc cho đúng nghĩa.
Bên cạnh đó cũng cần chú trọng đến các giải thưởng để gây hứng thú cho các người viết, đó là những giải thưởng hàng tuần nho nhỏ, có thể chỉ là không lớn nhưng đó là sự động viên lớn lao kích thích những người viết văn không chuyên gửi bài cho các NXB.
Phải tập hợp được đội ngũ nhà văn viết cho thanh thiếu niên, bồi dưỡng họ, giúp đỡ họ và thậm chí chúng ta nên tổ chức những trại sáng tác, các cuộc thi viết truyện ngắn dành cho thanh thiếu niên.
Bởi từ xưa đến nay người ta tổ chức rất nhiều các trại sáng tác viết về mọi ngành, mọi lĩnh vực nhưng dành cho thanh thiếu niên là rất ít.
2.2.2. Có chế tài để xử lý việc phát hành truyện tranh đồi trụy Trước bệnh dịch văn hoá phẩm độc hại đang lan truyền vào trẻ vị thành niên với tốc độ “kĩ thuật số” như hiện nay, tất yếu sẽ mang lại ảnh hưởng “đen” cho chúng. Tiếp xúc với những luồng văn hoá phẩm độc hại như vậy dễ mang lại lý do cấu thành tội phạm. Gần đây không ít tờ báo đưa tin về những vụ hiếp dâm mà thủ phạm chủ yếu ở lứa tuổi vị thành niên sau
khi bị kích động dục tính vì đọc truyện tranh đồi trụy mà cả nạn nhân và kẻ phạm tội đều trong lứa tuổi trẻ vị thành niên. Theo thống kê, mỗi năm cả nước có khoảng 70 ngàn trường hợp phá thai ở lứa tuổi vị thành niên. Hậu quả (về nhiều mặt: tâm lý, sức khoẻ, việc học, tương lai...) của việc quan hệ tình dục sớm, phá thai là không nhỏ; đó là những hệ quả từ những ảnh hưởng của việc phát hành truyện tranh đồi trụy của các NXB. Do vậy, cần làm rõ trách nhiệm của các nhà xuất bản vi phạm trong việc khắc phục hậu quả. Yêu cầu họ phải nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc thu hồi, đính chính những tác phẩm có nội dung đồi trụy. Để đạt được yêu cầu này, một trong những vấn đề mang tính then chốt là cần phải có chế tài xử lý các vi phạm và cách thức quản lý hệ thống xuất bản của các cơ quan quản lý cấp Nhà nước. Phải có yếu tố ràng buộc, buộc các NXB vi phạm phải cam kết khắc phục hậu quả do mình gây ra, họ phải đề xuất biện pháp thực hiện, thực hiện bằng cách nào và biện pháp đó phải được cơ quan chức năng chấp nhận. Nhà xuất bản nào cố tình vi phạm, hoặc vi phạm có hệ thống phạt thật nặng, thậm chí đóng cửa, quy trách nhiệm tới từng cá nhân.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Kiểm Cục trưởng Cục Xuất bản - Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng: “Không có chuyện các cơ quan quản lý nhà nước làm ngơ để một số NXB lợi dụng đưa các ấn phẩm truyện tranh phản giáo dục. Mọi sai phạm đều sẽ được xử lý đúng như luật định và Cục Xuất bản sẽ xem xét việc nên hay không cho phép một số NXB được ấn hành truyện tranh như hiện nay”.
Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất bản Lý Bá Toàn cho biết: “Với các NXB, nếu không nộp lưu chiểu đúng quy trình thì sẽ phạt 5 triệu, nếu có vi phạm về nội dung thì có thể sẽ bị nộp phạt hành chính từ 20-30 triệu ngoài ra còn nhiều hình thức phạt bổ sung như thu hồi xuất bản phẩm…
Với các NXB, số tiền phạt đối với những lỗi trên không phải là không đủ sức răn đe. Tuy nhiên, cần có chế tài tương xứng đối với đơn vị liên kết xuất bản. Trước đây, chúng ta mới chỉ đề cập tới các đơn vị này phải có trách nhiệm liên đới, tuy nhiên, sau sự kiện này, cần phải rút kinh nghiệm và đề xuất chế tài cụ thể với đối tượng này. Nếu các đơn vị liên kết xuất bản có quyền lợi đối với cuốn sách thì họ cũng phải có trách nhiệm cụ thể
đối với mỗi tác phẩm họ đồng đứng tên. Ngoài việc đưa ra quyết định thu hồi với những truyện Cục đã có thẩm định nội dung thì chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét toàn bộ các tác phẩm khác để có cái nhìn tổng thể trước khi đưa ra kết luận cuối cùng. Quan điểm của cơ quan quản lý là sẽ kiên quyết làm thật nghiêm và xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm. Đặc biệt, đối với các NXB, chúng tôi cũng đã đề nghị họ cần phải cẩn trọng hơn trong việc lựa chọn các đối tác liên kết xuất bản. Thực hiện nghiêm túc quy trình xuất bản trong đó thủ tục ký duyệt bản thảo xuất bản phẩm trước khi in. Nếu làm tốt khâu này thì sẽ không xẩy ra hiện tượng lọt các tác phẩm có nội dung giáo dục chưa tốt ra thị trường”.
2.2.3. Tuyên truyền, giáo dục cho trẻ vị thành niên nhận thức được tác hại của truyện tranh đồi trụy đối với bản thân và xã hội
Phải thấy rằng tình trạng trẻ vị thành niên đang hằng ngày tiếp xúc với loại truyện tranh đồi trụy hiện nay không là chuyện nhỏ nữa mà nó đang trở thành bức xúc nhất trong dư luận hiện nay. Để đối mặt với tác hại của những loại truyện tranh này chỉ còn sự tự giác của mỗi cá nhân và sự quản lý, cùng trách nhiệm của gia đình, nhà trường nhằm ngăn chặn con em mình tiếp cận với những loại sản phẩm độc hại này.
Về phía nhà trường, để hạn chế tác nhân gây ra tình trạng này, cần phải tăng cường giáo dục đạo đức, nhân cách, kỹ năng sống cho trẻ. Định hướng cho trẻ, nhất là trẻ đang trong độ tuổi có những biến đổi tâm sinh lý, hình thành nhân cách (tuổi vị thành niên) nên biết phân biệt những cuốn sách nào nên và những cuốn sách nào không nên. Đồng thời quan tâm, kiểm tra chúng đang sở hữu những loại sách nào để phát hiện những ảnh hưởng tiêu cực và kịp thời ngăn chặn.
Về phía gia đình, cha mẹ cần quan tâm, chăm sóc con em mình hơn nữa. Giáo dục cho trẻ có lối sống lành mạnh, tránh xa với những truyện tranh có nội dung làm suy đồi đạo đức; giúp con em mình thấy được không phải bất kì một ấn phẩm nào cũng phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hóa và tục lệ của dân tộc đồng thời giúp chúng nhận thức rõ ràng về những tác hại của các loại văn hóa phẩm đồi trụy này. Bên cạnh đó, nhà trường, gia đình và các cơ quan đoàn thể phối hợp lại với nhau, cần ngồi lại
để phân tích cặn kẽ nguyên nhân nhằm tìm ra một giải pháp mạnh mẽ, triệt để, thiết thực nhằm hạn chế và ngăn chặn thực trạng truyện tranh đồi trụy tác động đến tuổi vị thành niên, học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường.
Đồng thời cũng cần giáo dục giới tính cho chúng và giáo dục chúng tránh xa sự cám dỗ của loại truyện tranh có nội dung đồi trụy. Nhưng quan trọng hơn cả là các bạn trẻ phải tập cho mình thói quen miễn nhiễm trước luồng văn hoá độc hại, đặc biệt là đối với trẻ vị thành niên.