3.1. GIẢI PHÁP QUY HOẠCH
Quy hoạch đô thị nông thôn, bố trí khu công nghiệp, khu dân cư nói chung, hoặc quy hoạch bố trí một công trình cụ thể có ý nghĩa quan trọng đối với việc phòng chống ô nhiễm môi trường không khí.
Đối với khung công nghiệp, các nhà máy sản xuất, các nguồn thải ra độc hại nên bố trí ở cuối hướng gió chủ đạo so với khu dân cư. Cần bố trí sắp xếp các công trình hợp lý theo mặt bằng địa hình, không gian. Phải đáp ứng được một số các yêu cầu, ví dụ đảm bảo thông thoáng cho các công trình, không được để chất độc hại của công trình này lan tỏa và ảnh hưởng xấu tới công trình kia.
Khi thiết kế mặt bằng chung thành phố hay một khu công nghiệp cần nắm vững số liệu địa hình, địa chất, thủy văn, khí hậu và nắm được quy mô phát triển trước mắt cũng như lâu dài, để tránh hiện tượng trước mắt tạm thời là hợp lý nhưng lâu dài thì sẽ nguy hiểm, bị ô nhiễm nặng nề. Khi đó muốn khắc phục cần phải tiến hành cải tạo, đập phá và xây dựng lại sẽ rất tốn kém, lãng phí. Những nguyên tắc trong việc thiết lập mặt bằng chung khu công nghiệp để phòng chống ô nhiễm môi trường không khí [2]:
- Hình thành các nhà máy với các tổ hợp công nghệ độc lập - Hợp khối
- Phân khu hợp lý theo các giai đoạn phát triển mở rộng - Tập trung hóa các hệ thống đường ống công nghệ
Trong nhà máy, phân định rõ khu sản xuất, khu phụ trợ, kho tàng, khu hành chính phục vụ. Cần sắp xếp để khi mở rộng quy mô không ảnh hưởng đến sản xuất, tạo điều kiện để khai thác nhà máy thuận lợi đồng thời để dễ dàng tập trung các nguồn thải, các thiết bị làm sạch, các hệ thống thông gió xử lý không khí, các thiết bị kiểm tra, kiểm soát và báo động ô nhiễm môi trường.
Các khu nhà, các nhóm nhà và trong từng ngôi nhà cần phải thông thoáng tự nhiên tốt, chiếu sáng tự nhiên tốt. Cần phải nắm vững các quy luật về khí động, bố trí nhà cho hợp lý, không những nhà này không che chắn nhà kia, mà còn phải làm sao để nhà này tạo cho nhà kia thông thoáng tốt hơn. Thường các nhà thấp nên bố trí ở đầu hướng gió chính. Nếu vùng xây dựng không có hướng gió nào chính, tần suất gió ở các hướng xấp xỉ nhau thì nên đặt các nhà cao vào giữa khu.
3.2. GIẢI PHÁP CÁCH LY VỆ SINH, LÀM GIẢM SỰ Ô NHIỄM
Tùy theo công nghệ sản xuất và khối lượng chất thải gây ra ô nhiễm môi trường không khí xung quanh mà thiết kế dải cách ly vệ sinh giữa khu nhà máy với khu nhà máy với khu dân cư.
Kích thước dải cách ly vệ sinh là khoảng cách tính từ nguồn thải chất ô nhiễm tới khu dân cư. Kích thước đó phụ thuộc vào công suất của nhà máy, điều kiện công nghệ sản xuất, trình độ công nghệ tiên tiến hay lạc hậu, công nghệ kín hay hở và có được trang bị các thiết bị làm sạch hay không.
Ở đây, ta cần căn cứ vào hòa gió vận tốc và tần suất gió của vùng xây dựng, để hiệu chỉnh dải cách ly cho hợp lý [2]
li = l0Pi
P0 (9) li – bề mặt dải cách ly (m) ta cần xác định theo hướng i
l0 – bề rộng dải cách ly (m) dựa theo cấp độc hại Pi – tần suất gió trung bình thực tế của hướng i (%) P0 – tần suất gió trung bình trên mọi hướng
Để sử dụng hợp lý đất xây dựng vì diện tích đất đá quý hiếm, ta có thể thu hẹp dải cách ly, với điều kiện là áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, công nghệ kín, công nghệ sạch và trang bị các thiết bị xử lý làm sạch chất độc hại. Lúc này tính bề rộng dải cách ly theo nồng độ độc hại ở khu dân cư không được vượt quá nồng độ cho phép.
3.3. GIÁI PHÁP CÔNG NGHỆ KỸ THUẬT
Ta xem giải pháp này là cơ bản, vì nó đạt được hiệu quả cao trong việc giảm độc hại, có lúc loại trừ được chất độc hại thải ra môi trường không khí.
Nội dung của giải pháp này là hoàn thiện công nghệ sản xuất, sử dụng công nghệ tiên tiến hiện đại, công nghệ sản xuất kín, giảm các khâu sản xuất thủ công, áp dụng cơ giới hóa và tự động hóa trong dây chuyền sản xuất, nhằm mục đích để tăng năng suất lao động, đảm bảo chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn cho người lao động và vệ sinh môi trường.
Với giải pháp này, chất độc hại không tỏa ra hoặc tỏa ra ít vào môi trường không khí xung quanh, các khí thải được thu gom tập trung và dẫn theo đường ống kín để thải ra ngoài theo ý muốn của con người.
Hiện nay có xu thế tận dụng các khí thải để tái sản xuất, ví dụ sử dụng khí thải của nhà máy nhiệt điện do đốt cháy nhiên liệu để chế tạo axit nitric (HNO3), sử dụng khí thải của nhà máy hóa chất (có SO2) để chế tạo axit sunfuric (H2SO4). Dần dần sẽ tiến tới công nghệ sản xuất không có chất thải tức là phế thải của nhà máy này (của công đoạn này) là nguyên liệu cho nhà máy kia (cho công đoạn kia). Như vậy tài nguyên sẽ được sử dụng một cách hợp lý và triệt để, đồng thời bảo vệ được môi trường không khí hạn chế bị ô nhiễm.
Các thiết bị máy móc sản xuất, các đường ống vận chuyển cần phải kín, để đảm bảo vận hành an toàn, kinh tế và tránh được ô nhiễm độc hại, nhất là các thiết bị, máy móc, đường ống có áp lực thì càng phải kín thít và chịu được áp suất cao hơn áp suất làm việc. Trong vận chuyển, cất chứa các chất độc hại hoặc sinh bụi, hoặc có nguy cơ cháy nổ thì phải tuyệt đối đảm bảo an toàn vệ sinh không được để rò rỉ lây lan ra xung quanh.
3.4. GIẢI PHÁP SINH THÁI HỌC
Muốn phòng chống ô nhiễm môi trường không khí, bảo vệ môi trường không khí được lành, một biện pháp quan trọng là phải đảm bảo hệ sinh thái cân bằng. Ở đây trình bày sự cần thiết của cây xanh, rừng, công viên, các dải cây xanh có tác dụng “điều hòa” khí hậu.
Ban ngày cây hấp thụ bức xạ Mặt Trời và hút nước từ dưới đất để diêp lục hóa:
6CO2 + 5H2O ⇄ C6H10O5 + 6O2 ± 674 calo Hoặc 6CO2 + 6H2O ⇄ C6H10O6 + 6O2 ± 674 calo
Như vậy, ban ngày cây xanh hấp thụ nhiệt bức xạ Mặt Trời, hút CO2 và thải khí O2. Còn ban đêm thì ngược lại, cây xanh thải nhiệt và khí CO2 nhưng lượng không đáng kể. Nhờ vậy, nơi có nhiều cây xanh, nhiệt độ không khí thấp hơn những nơi khác từ 2-3℃. Nhiệt độ không khí ở dưới cây xanh, so với điểm có cùng độ cao, cùng cách mặt tường một khoảng như nhau nhưng không có cây xanh, thấp hơn 1-2℃. Tính trung bình cho cả ngày thấp hơn 1,3℃. [2]
Cây xanh có tác dụng che nắng, thu giữ bụi, che chắn giảm bớt tiếng ồn, làm tăng vẻ đẹp và gây cảm giác thoải mái cho con người. Không khí có chứa bụi, khi qua các lùm cây thì một số bị giữ lại và rơi xuống, một số bụi bám ở trên mặt lá, làm cho không khí sạch hơn. Cây xanh dọc đường phố còn có tác dụng cản bớt bụi từ mặt đường bốc lên, làm cho không khí trong thành phố đỡ bẩn hơn.
Hình 12: Cây xanh vừa giúp giảm bớt ô nhiễm không khí mà còn mang lại vẻ mỹ quang đô thị (Khu công nghiệp Trà Nóc – TP. Cần Thơ)
Ngoài ra, có một số cây xanh có phản ứng với các chất độc hại nhanh nhạy hơn người và động vật, cho nên ở vùng biên của các nguồn ô nhiễm thường trồng loại cây đó để
“thông báo” nồng độ độc hại trong không khí. Ngoài ra cây còn có tác dụng giảm tiếng ồn, sóng âm đi qua các dải cây xanh bị suy yếu.
3.5. GIẢI PHÁP QUẢN LÝ – LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG KHÔNG KHÍ Nhà nước có luật bảo vệ môi trường không khí, các quy định và các tiêu chuẩn vệ sinh.
Thành lập các cơ quan kiểm tra kiểm soát, quản lý về môi trường. Có các mạng lưới đài, trạm quan sát đo lường tình trạng ô nhiễm môi trường không khí. Phải kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm môi trường. Các nhà máy, các nơi sinh ra ô nhiễm phải đăng ký rõ loại chất độc hại thải ra, lượng chất độc hại, các biện pháp phòng chống để cơ quan có trách nhiệm theo dõi.
Trong công tác quản lý môi trường, trước hết là phải đánh giá mức độ ô nhiễm hiện trạng, đánh giá nồng độ “nền” của các chất ô nhiễm. Lập bản đồ phân bố chất ô nhiễm trong không khí cho từng vùng. Do sản xuất luôn mở rộng và phát triển, các đô thị, các khu công nghiệp mở rộng và phát triển theo, đồng thời rất nhiều những khu đô thị mới, cụm công nghiệp mới được xây dựng thêm. Do đó, tình trạng ô nhiễm môi trường cũng biến đổi, cho nên định kỳ phải bổ sung các số liệu về ô nhiễm, ít nhất là 5 năm một lần, để có các tài liệu về ô nhiễm sát đúng với thực tế.
Cần phải tổ chức kiểm soát chất thải, sử dụng hệ thống kiểm tra tự động nồng độ đưa các chất ô nhiễm trong không khí. Kiểm tra thường xuyên tình trạng ô nhiễm và tự động báo hiệu khi nồng độ chất ô nhiễm vượt quá mức cho phép. Việc lắp đặt các hệ thống kiểm tra tự động nâng cao độ tin cậy và hiệu quả làm việc của các thiết bị làm sạch không khí.
Để kiểm tra chất độc hại thải ra từ các nguồn, ta cần có các thiết bị dụng cụ phân tích khí và đo lưu lượng hỗn hợp khí.
Ở mỗi nước đều cần có luật cụ thể về bảo vệ môi trường không khí. Cơ quan đơn vị nào vi phạm đều bị xử phạt. Tùy theo mức độ vi phạm nhẹ hay nặng, phải tiến hành xử lý giảm thiểu ô nhiễm, hoặc phải di chuyển địa điểm, hoặc phải đình chỉ sản xuất.